Thành phố Thuỷ Nguyên khai bút đầu Xuân và thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ lần thứ 3
(Haiphong.gov.vn) - Sáng 8/2, tại Khu tưởng niệm Trạng Nguyên Lê Ích Mộc (phường Quảng Thanh) thành phố Thủy Nguyên tổ chức Lễ khai bút đầu Xuân và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ lần thứ 3 nhằm tôn vinh trí thức và truyền thống hiếu học của dân tộc.
Đại biểu dự Lễ hội.Tới dự có các đồng chí: Phạm Văn Lập, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ - Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng; Phạm Văn Thép, Uỷ viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Hải Phòng.
Nhà thư pháp Lê Anh Châu khai bút bức đại tự: “Khai triển hồng đồ”.Lễ khai bút Xuân Ất Tỵ và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ lần thứ 3 năm 2025 của thành phố Thuỷ Nguyên được tổ chức từ ngày 8/2/2025 đến 14/3/2025; cùng với dịp Kỷ niệm 487 năm Ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc.
Chủ tịch thành phố Thuỷ Nguyên Nguyễn Huy Hoàng đánh trống khai Hội.Tại Chương trình, ngay sau nghi lễ dâng hương của các đại biểu, đọc chúc văn của Phó Chủ tịch UBND thành phố Thuỷ Nguyên Uông Minh Long và đánh trống khai hội của Chủ tịch UBND thành phố Thuỷ Nguyên Nguyễn Huy Hoàng, Nhà thư pháp Lê Anh Châu khai bút bức đại tự: “Khai triển hồng đồ”.
Bức đại tự mang ý nghĩa thành phố Thủy Nguyên không chỉ làm chủ vận mệnh mà còn sẵn sàng hội nhập, vươn mình trên con đường phát triển mới, xây dựng tương lai tươi sáng, ngập tràn hy vọng. Vùng đất Thủy Nguyên với truyền thống cách mạng kiên cường, với những con người yêu nước, yêu lao động đang khơi dậy nguồn sức mạnh mới, sự tự hào về thành phố Thủy Nguyên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Thuỷ Nguyên Uông Minh Long đọc chúc văn khai Hội.
Nhà thư pháp Lê Anh Châu khai bút bức đại tự: “Khai triển hồng đồ”. Cũng tại Chương trình, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng, thành phố Thuỷ Nguyên cùng các giáo viên và học sinh tiêu biểu từ các trường học trên địa bàn thành phố Thuỷ Nguyên thực hiện nghi thức khai bút, dâng chữ với những ước vọng tốt đẹp trong năm mới.
Cùng với đó, Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ lần thứ 3 bước vào vòng sơ loại với những tác phẩm điêu luyện, ý nghĩa, mang giá trị nghệ thuật.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, thành phố Thuỷ Nguyên thực hiện nghi lễ khai bút đầu xuân.Trong khuôn khổ Lễ hội, các đại biểu và người dân còn có dịp trải nghiệm, tìm hiểu những sản phẩm văn hoá, nét đặc trưng truyền thống của đất và người Thuỷ Nguyên, như: hát Đúm, ca Trù, viết thư pháp và các gian hàng ẩm thực…
Thông qua các hoạt động Lễ hội, thành phố Thuỷ Nguyên tạo không khí hân hoan, phấn khởi, lành mạnh những ngày đầu Xuân mới; đặc biệt góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, dân tộc; cũng như phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất và người Thủy Nguyên đến với bạn bè trong và ngoài thành phố.
Lễ khai bút đầu Xuân cũng là dịp để khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó trong cộng đồng.Lễ khai bút đầu xuân nhằm mục đích đề cao sự học, thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa; gửi gắm ước nguyện về những điều may mắn, trọn vẹn cho cả năm; nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh thành phố Thuỷ Nguyên hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu. Qua đó nhằm tôn vinh cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Trạng Nguyên Lê Ích Mộc, tôn vinh sự học. Đồng thời, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam, thể hiện tinh thần hiếu học của người dân Thuỷ Nguyên; góp phần trong việc tạo nền tảng tinh thần vững chắc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ khai bút đầu Xuân là một phong tục truyền thống của người Việt, bắt nguồn từ thế kỷ 13, gắn liền với thầy giáo Chu Văn An.Trạng nguyên Lê ích Mộc, một trong ba vị Trạng nguyên và cũng là vị Trạng nguyên khai khoa của thành phố Hải Phòng. Sinh năm 1458 tại làng Ráng, xã Thanh Lăng, huyện Thủy Đường (nay thuộc phường Quảng Thanh, thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng), thuở nhỏ, sau những buổi phụ giúp cha mẹ, Lê Ích Mộc thường hay tới chùa Diên Phúc (chùa Ráng) nghe nhờ văn sách. Cảm động trước tâm long hiếu học của cậu bé, các nhà sư đã thay nhau chỉ bảo dạy dỗ. Nổi tiêng là người thông minh, mẫn tuệ; Lê Ích Mộc đã đỗ Đệ nhất giáp Tiền sỹ cập Đệ nhất danh (tức Trạng nguyên) tại khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (năm 1502); làm quan đến chức Tả Thị lang. Khi trí sĩ trở về quê, Trạng Nguyên Lê Ích Mộc tiếp tục nghiên cứu đạo Phật; mở trường dạy học đào tạo hiên tài, định hướng người dân địa phương phát triên sản xuât nông nghiệp, lâm nghiệp. Cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Nguyên Lê Ích Mộc là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập với tinh thần vượt khó để vươn tới đinh cao của trí tuệ; là niềm tự hào, là biểu tượng truyền thống hiếu học của Thuỷ Nguyên nói riêng và Hải Phòng nói chung.
Trạng Nguyên Lê Ích Mộc không chỉ là một trí thức lỗi lạc mà còn là một người có tấm lòng nhân ái và ý chí vươn lên vượt khó. Di tích lịch sử về ông, từ khu tưởng niệm, từ đường đến các ngôi chùa như Diên Phúc, Vang, Lốt, đã trở thành những địa chỉ văn hóa quan trọng của thành phố Thủy Nguyên và Hải Phòng. Hằng năm, các lễ hội kỷ niệm ngày mất của Trạng Nguyên Lê Ích Mộc không chỉ là dịp để tri ân công lao của ông mà còn là dịp để khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó trong cộng đồng./.