Báo cáo tóm tắt về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất
Báo cáo tóm tắt về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất

 (Dự thảo Báo cáo tóm tắt Đề án của UBND thành phố trình kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa 14)

1. Sự cần thiết xây dựng đề án 

Thành phố Hải Phòng có tổng diện tích tự nhiên là 156.176 ha; gồm 15 đơn vị hành chính cấp huyện (7 quận và 8 huyện); 223 đơn vị hành chính cấp xã (70 phường, 9 thị trấn, 144 xã).

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá (bình quân năm 2011 – 2015 đạt 8,67%/năm); quy mô kinh tế được mở rộng, GDP năm 2015 ước gấp 1,52 lần năm 2010. Tỷ trọng GDP của  các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 90% năm 2010 lên 92% năm 2015. Cơ sở vật chất kỹ thuật và quy mô kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tiên tiến; tiềm năng lợi thế của thành phố cảng được khai thác, phát huy toàn diện và hiệu quả hơn; khẳng định rõ tính chất, vai trò là cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc và cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đang từng bước trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và thương mại lớn của cả nước, của vùng Duyên hải Bắc Bộ; tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành; việc việc quản lý và sử dụng đất đai dần đi vào nền nếp, sử dụng có hiệu quả, góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân còn nhiều phức tạp, bức xúc; phổ biến là các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích; cho thuê, cho mượn trái pháp luật; nợ đọng tiền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua hình thức mua bán tài sản trên đất nhằm trốn thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước. UBND thành phố chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; ngăn chặn những điểm nóng về vi phạm pháp luật đất đai; thu hồi trên một nghìn ha đất do vi phạm để đấu giá quyền sử dụng đất và sử dụng vào các mục đích khác có hiệu quả. Tuy nhiên, việc xử lý thu hồi quỹ đất do vi phạm pháp luật về đất đai còn khiêm tốn, chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay.

Trước tình hình đó, để ngăn chặn, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất; từng bước đưa diện tích đất đã giao, đã cho thuê vào khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả thì việc thực hiện Đề án “Về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất” là hết sức cần thiết. 

2. Căn cứ xây dựng đề án.

2.1. Căn cứ pháp lý.

- Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

- Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ 2016 - 2020 thành phố Hải Phòng;

- Quyết định số 271/QĐ-TTg ngày 27-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2020; Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;

- Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; số 134/CT-TTg ngày 20-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất; số 01/CT-TTg ngày 22-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất đai;

- Nghị quyết số 37/NQ-HĐND12 ngày 11-7-2002 của HĐND thành phố về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Hải Phòng; số 02/2012/NQ-HĐND ngày 20-7-2012 của HĐND thành phố về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2012 – 2020.

2.2. Căn cứ thực tiễn.

Thực trạng việc sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố trong những năm qua tuy có hiệu quả, nhưng còn lãng phí, vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai, làm suy giảm nguồn thu từ đất, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cử tri thành phố.

Thông qua việc thu hồi quỹ đất do vi phạm, tạo quỹ đất “sạch” phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố; phân chia lại nguồn lực đất đai giữa các đối tượng sử dụng sao cho có hiệu quả, trong đó tập trung giao cho các nhà đầu tư lớn có năng lực về kinh tế, kỹ thuật, kinh nghiệm để sử dụng có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.; tăng hiệu quả việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ngăn chặn quy hoạch “treo”, tiến tới xóa quy hoạch “treo”; tăng cường kỷ cương, pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý và sử dụng đất đai.

3. Mục đích, đối tượng, phạm vi của đề án 

3.1. Mục đích của đề án

Tăng cường lập lại kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, thiết thực thực hiện chủ đề năm 2016 của thành phố là “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ngân sách, đất đai, quản lý thuế; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng đất; tạo môi trường đầu tư bình đẳng trong tiếp cận đất đai, tạo điều kiện để nhà đầu tư thực sự có tiềm năng, có điều kiện thuận lợi tiếp cận đất đai để thực hiện đầu tư tại thành phố.

3.2. Đối tượng của đề án

Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được giao đất, cho thuê đất nhưng không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí tài nguyên đất (trừ các trường hợp: giao đất cho công dân làm nhà ở; đất bãi bồi ven sông, ven biển giao hoặc cho thuê để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản).

3.3. Phạm vi

- Không gian: Trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Thời gian: Thực hiện theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ năm 2016 đến năm 2017): kiểm tra, xử lý, thu hồi diện tích đất của các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Giai đoạn 2 (từ năm 2018): kiểm tra, xử lý, thu hồi diện tích đất của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khác vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn toàn thành phố.

Phần I: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ THU HỒI ĐẤT DO VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

1. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích trên địa bàn thành phố giai đoạn 2005 - 2015

Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2014, thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên là 156.176 ha phân theo mục đích sử dụng sau:

- Nhóm đất nông nghiệp: 84.587 ha chiếm 54,16 %.

- Nhóm đất phi nông nghiệp: 63.384 ha chiếm 40,58 %.

- Nhóm đất chưa sử dụng (bao gồm đất chưa sử dụng và chưa đưa vào sử dụng): 8.205 ha chiếm 5,25 %.

Trên địa bàn thành phố hiện có 2.586 tổ chức sử dụng 6.235 khu đất với tổng diện tích 15.790,83 ha.

Tính từ năm 2005 đến năm 2015, số tổ chức, doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất là 700 tổ chức thực hiện 724 dự án đầu tư, với tổng diện tích 10.748,4 ha (gồm 309 dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ, diện tích 3.768,74 ha; 206 dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng: diện tích 5.892,59 ha; 209 dự án khác: diện tích 1.087 ha).

2. Đánh giá chung

2.1. Về hiệu quả sử dụng đất

a) Hiệu quả về mặt kinh tế

Phát huy tốt nguồn lực đất đai, tăng thu ngân sách Nhà nước, góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố; tăng tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp - dịch vụ thành phố; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từng bước đưa thành phố trở thành thành phố công nghiệp - dịch vụ theo hướng phát triển bền vững; góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, cấp thoát nước), chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn làm thay đổi diện mạo của thành phố một cách rõ rệt.

b) Hiệu quả về mặt xã hội.

Góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động nông thôn; từng bước nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện hạ tầng xã hội như: khu vui chơi, giải trí, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao; góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe của người dân; hình thành các khu đô thị mới văn minh, hiện đại làm thay đổi diện mạo đô thị của thành phố, tăng quỹ nhà ở thành phố, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.

c) Môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

Việc quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung trong đó xây dựng hoàn chỉnh các khu xử lý chất thải, hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư được đầu tư đồng bộ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất và trong sinh hoạt của người dân.

2.2. Những hạn chế.

Việc khai thác sử dụng quỹ đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phi nông nghiệp chưa hiệu quả, nhiều dự án chưa đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí; tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân còn nhiều, phổ biến là các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, cho mượn trái pháp luật; nợ đọng tiền sử dụng đất gây thất thu ngân sách Nhà nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn gây ô nhiễm môi trường. 

2.3. Nguyên nhân.

a) Việc thẩm định tính khả thi của dự án, năng lực tài chính của nhà đầu tư, nhu cầu thị trường, năng lực, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước chưa kỹ, còn yếu; việc xác định địa điểm đầu tư chưa sát với thực tế, quy mô sử dụng đất chưa phù hợp nhu cầu đầu tư của dự án tại địa phương; việc giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài làm ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

b) Do tác động của thoái kinh tế, thị trường bất động sản chưa hồi phục; các dự án kinh doanh phát triển nhà còn nhiều hạn chế như: tiến độ đầu tư, đầu tư còn dàn trải, không cân đối kế hoạch hằng năm, làm mất cân đối cung - cầu; tỷ lệ lấp đầy nhà ở của các dự án còn thấp, nhất là các dự án ven đô thị, dẫn đến tình trạng hoang hoá, lãng phí đất đai.

c) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp ở các cấp chính quyền chưa kịp thời, kém hiệu quả.

d) Việc thực hiện thu hồi đất của các dự án vi phạm pháp luật đất đai còn chậm, chưa quyết liệt mặc dù các quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai đã có trong quy định của Luật Đất đai.

đ) Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở các địa phương còn nhiều thiếu sót gây khó khăn trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; việc lập, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định của  Luật Đất đai còn chậm.

e) Việc khai thác, sử dụng diện tích đất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp chưa hiệu quả. Phần lớn nhà xưởng của các doanh nghiệp sản xuất là một tầng, không ít đơn vị còn để mặt bằng trống, sử dụng đất lãng phí; nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, kể cả một số cụm công nghiệp, làng nghề còn nằm xen kẽ với các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng khai thác hiệu quả diện tích đất chung quanh.

f) Chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung nhưng vẫn còn vấn đề chưa rõ, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn, chưa sát với thực tiễn quản lý. Các cơ quan quản lý còn thiếu chủ động trong thực hiện, nghiên cứu áp dụng, trong một số trường hợp áp dụng còn tùy tiện, thiếu chặt chẽ; công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật, chính sách của nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai đối của người sử dụng đất còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ;

g) Nhận thức, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa cao; thiếu chủ động trong việc ngăn chặn, giáo dục, xử lý các vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai dẫn đến những tồn tại phức tạp về quản lý và sử dụng đất đai kéo dài qua nhiều năm.

2. Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố

1. Kết quả kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp.

Kết quả rà soát rà soát bước đầu tại các quận, huyện có 117 tổ chức, doanh nghiệp (554 ha) đang sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013; trong đó có 68 tổ chức (522 ha) thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (đất giao mới); 49 tổ chức (32 ha) sử dụng đất cũ.

2. Kết quả xử lý, thu hồi đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình các nhân vi phạm pháp luật về đất đai.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBNDthành phố đã chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường cùng các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai. Kết quả bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Trong giai đoạn 2003 - 2010: Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-HĐND12 ngày 11/7/2002 của HĐND thành phố về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Hải Phòng, UBND thành phố thực hiện thu hồi đất của 73 tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai với diện tích 833 ha để chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất, giao lại cho các nhà đầu tư khác, sử dụng vào các mục đích công cộng.

Trong giai đoạn 2011 - 2015: Thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất, UBND thành phố thu hồi 404 ha đối với 16 tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai và truy thu nghĩa vụ tài chính.

3. Nhận xét chung

1. Những mặt tích cực.

- Việc kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định; thành phố cũng thu hồi được một số diện tích đất do vi phạm pháp luật về đất đai để sử dụng vào các mục đích khác hiệu quả hơn, tăng nguồn thu cho ngân sách, dần khắc phục tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn tài nguyên đất đai.

- Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát sử dụng đất đai làm hạn chế tư tưởng “trải chiếu chiếm chỗ” của một số nhà đầu tư không có năng lực, tạo cơ hội thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng tham gia đầu tư.

- Góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư, góp phần vào sự phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố làm thay đổi diện mạo thành phố văn minh, hiện đại.

- Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được chú trọng, bám sát yêu cầu về chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh thành phố; đáp ứng nhu cầu sử dụng đất các ngành, lĩnh vực cho từng thời kỳ phát triển của thành phố; bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng khi tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để các ngành, các cấp chính quyền thực hiện quản lý nhà nước về đất đai đúng pháp luật, hiệu quả.

2. Những mặt còn hạn chế.

- Kết quả thu hồi đất do vi phạm pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp còn khiêm tốn, chưa xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.

- Còn tình trạng nể nang, không kiên quyết khi thực hiện thanh tra, kiểm tra dẫn tới tình trạng chây ỳ, kém hiệu quả.

- Sự kết phối hợp giữa các sở, ngành địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai chưa đồng bộ, còn chồng chéo.

3. Nguyên nhân.

a) Khách quan:

- Các văn bản quy phạm pháp luật đất đai chưa được ban hành kịp thời và đồng bộ; việc phân cấp, ủy quyền chưa đồng bộ cả về công tác cán bộ, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất.

- Cơ chế và nguồn lực tài chính khi thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai còn hạn chế, chưa cụ thể gây khó khăn trong quá trình triển khai (không có nguồn, thiếu cơ chế cụ thể).

b) Chủ quan:

- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các chủ đầu tư thiếu cương quyết; các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất không hợp tác hoặc chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng đất. Trong khi đó, các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không rõ, thiếu cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý vi phạm; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều bất cập.

- Việc theo dõi, đôn đốc hoặc tái kiểm tra các chủ đầu tư thực hiện các quyết định gia hạn, xử phạt cũng như việc khắc phục vi phạm, thu hồi đất vi phạm còn hạn chế. Lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành vừa yếu, phạm trên địa bàn thành phố còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phần IIQUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THU HỒI DIỆN TÍCH ĐẤT ĐÃ GIAO, CHO THUÊ KHÔNG ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG, KHÔNG ĐÚNG THẨM QUYỀN, CHẬM ĐƯA VÀO SỬ DỤNG HOẶC SỬ DỤNG KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH GÂY LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN ĐẤT

1. Quan điểm

Kiên quyết thu hồi diện tích đất vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo sự đồng thuận trong xã hội. Gắn việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật với việc đưa quỹ đất thu hồi vào sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm, tăng thu ngân sách thành phố.

Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai cần có sự đồng thuận trong toàn xã hội, sự quyết tâm và tham gia của cả hệ thống chính trị ở các cấp; đồng thời cũng là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, nhiều khó khăn nên cần phải kiên trì tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm pháp luật về đất đai; từng bước chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất.

2. Mục tiêu

a) Bảo đảm công tác quản lý nhà nước về đất đai chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, tạo chuyển biến tích cực nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy hoạch, kế hoạch, đúng mục đích.

b) Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, tạo nguồn lực cho thành phố.

c) Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi diện tích đất vi phạm.

d) Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

e) Góp phần thiết thực thực hiện chủ đề năm 2016 của thành phố “tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh”.

3. Nhiệm vụ

Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cần có sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trước mắt tập trung xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, thu hồi đất do vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp; từ năm 2018 tiếp tục xử lý vi phạm đất đai của tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình, cá nhân được giao đất, thuê đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, phi nông nghiệp (trừ giao đất ở cho công dân làm nhà ở).

3.1. Giai đoạn 2016 – 2017.

a) Kiểm tra, rà soát các tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng đất, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; tiến hành thanh tra, kiểm tra và kết luận từng trường hợp cụ thể; lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

b) Xem xét các thủ tục gia hạn sử dụng đất đối với tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa nhưng không đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

c) Thực hiện thu hồi đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vi phạm pháp luật về đất đai, đủ điều kiện thu hồi đất theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, Điều 66 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ; trước mắt tập trung xử lý, thu hồi đất tại các khu vực, tuyến phố lớn của thành phố.

d) Tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với diện tích đất đã thu hồi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.

3.2. Giai đoạn từ năm 2018.

a) Rà soát các trường hợp được gia hạn sử dụng đất nhưng hết thời gian gia hạn nhưng vẫn không đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 để lập hồ sơ thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định của pháp luật.

b) Tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kết quả đã rà soát; lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.

c) Tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với diện tích đất đã thu hồi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.

4. Giải pháp thực hiện

4.1. Nhóm giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành việc thu hồi đất đối với người sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng đất. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa ngành tài nguyên và môi trường với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân để tạo sự đồng thuận trong việc xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai. Tích cực vận động, thuyết phục, động viên các trường hợp tự nguyện, tự giác trả lại diện tích đất vi phạm, không còn nhu cầu sử dụng.

Công bố công khai trên trang thông tin điện tử của thành phố và ngành tài nguyên và môi trường các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, vi phạm pháp luật đất đai theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ để cơ quan quan lý, cử tri thành phố giám sát thực hiện.

4.2. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. 

Kịp thời ban hành các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó tập trung hoàn thiện trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, có tính khả thi; cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian và đề cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân chủ động, tích cực di dời, chấp hành tốt quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4.3. Nhóm giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra tài nguyên và môi trường, xây dựng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất việc quản lý sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân; xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai; xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân người quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Thành lập Ban chỉ đạo ở cấp thành phố và tại các quận, huyện để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.

4.4. Nhóm giải pháp về tài chính.

Chuẩn bị nguồn kinh phí phục vụ cho việc chi trả giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất và hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật và chi phí phục vụ công tác thu hồi đất và quản lý quỹ đất sau thu hồi.

Truy thu số thu lợi bất hợp pháp có được của tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật do cho thuê, cho mượn hoặc chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp.

4.5. Nhóm giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 - 2020 thành phố Hải Phòng. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Xây dựng quy hoạch các thị trấn, thị tứ, các điểm dân cư nông thôn; chú trọng quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đô thị.

4.6. Thu hồi đất gắn với việc đưa đất vào sử dụng có hiệu quả.

Quản lý chặt chẽ quỹ đất thu hồi, tập trung phê duyệt quy hoạch chi tiết tại các khu đất thu hồi, hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai gắn với cải cách thủ tục hành chính để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có uy tín, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư thực hiện các dự án, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH

NGUYỄN VĂN TÙNG

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố