Triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Triển khai kế hoạch hành động ứng phó với
biến đổi khí hậu và nước biển dâng
UBND
thành phố vừa xây dựng kế hoạch triển khai nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết
số 08/NQ-CP ngày 23/01/2004 của Chính phủ và Chương trình hành động số 24 của
Ban Thường vụ Thành ủy về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu mục tiêu
đến năm 2020, Hải Phòng cơ bản chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng
tránh thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản, giảm phát thải
khí nhà kính, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, duy trì cân bằng
sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh thân thiện với môi trường.
Tăng cường nhận thức về chủ động ứng phó
với biến đổi khí hậu
Theo
đó, thời gian tới các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng
ghép vào các chương trình giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cán
bộ, công chức, viên chức, lực lương vũ trang, học sinh sinh viên các cấp, các
đơn vị doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó cần
đẩy mạnh công tác xã hội hóa tuyên truyền về biến đổi khí hậu, tăng cường việc
nghiên cứu áp dụng các kiến thức bản địa vào phòng tránh thiên tai ứng phó với
biến đổi khí hậu, cung cấp hướng dẫn tiếp cận thông tin đến các ngành, lĩnh
vực, đơn vị, cộng đồng dân cư nhằm thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Các
hoạt động đánh giá tác động của biến đổi khí hậu phải được triển khai cụ thể,
đề xuất phân vùng chức năng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên
và tác động của biến đổi khí hậu, qua đó làm cơ sở cho việc lồng ghép nội dung
về biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh
tế xã hội của thành phố. Theo kế hoạch này, các đơn vị liên quan sớm hoàn thành
việc nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho hai
huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vỹ, cập nhật công nghệ mới tiên tiến trong xây
dựng dân dụng, các công trình phòng hộ như: đê, kè, chống sạt lở đất. 100% các
sở, ngành và địa phương sẽ hoàn thành việc rà soát, cập nhật và triển khai Kế
hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay cho đến năm 2015; hoàn
thành việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến
đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố Hải Phòng đến năm 2025”. Đồng thời tăng
cường công tác quản lý quy hoạch và đầu
tư đối với các chương trình, dự án, đề án có liên quan đến ứng phó biến đổi khí
hậu.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng chủ động ứng phó
với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Theo
chỉ đạo của UBND thành phố, trong thời gian tới phải củng cố và nâng cấp khả
năng chống lũ, bão cho 18 tuyến đê sông thuộc Chương trình nâng cấp hệ thống đê
sông đến năm 2020 với bão cấp 12, mức lũ tần suất 0,8%. Tu bổ và nâng cấp hệ
thống đê biển Bạch Đằng, Tràng Cát, đê biển 1, đê biển 2, đê biển 3 và đê biển
Cát Hải. Nâng cao khả năng phòng, chống bão đến cấp 12 triều cường tần suất 0,5%
và có dự phòng nguy cơ mực nước biển dâng. Xây dựng mới các đoạn đê nhằm khép
kín các tuyến đê sông Cấm và Lạch Tray, đê bao đảo Vũ Yên chống ngập cho khu
vực nội thành và các khu bãi bồi ven sông, ven biển đang được khai thác phục vụ
phát triển đô thị và công nghiệp đóng tàu, cảng. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng
cảng biển và hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển như: luồng tàu, đê chắn
sóng, chắn cát, hệ thống đường giao thông, hệ thống điện nước nối cảng…phải có
cao độ nền xây dựng theo quy định để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi
khí hậu và nước biển dâng.
Trong
kế hoạch hành động, UBND thành phố cũng yêu cầu phải tăng cường cung cấp hệ
thống truyền thông tin dự báo, cảnh báo với tàu thuyền, duy trì nạo vét luồng
tàu thường xuyên khi nước biển dâng. Khai thông nhanh chóng và kịp thời các tuyến
đường vận chuyển ra vào cảng nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có bão lớn do biến
đổi khí hậu. Tiến hành các giải pháp chống ngập cho khu dân cư, khu đô thị lớn,
khu công nghiệp, khu cảng biển, xây dựng các khu chứa nước, các công trình ngăn
lũ, ngăn mặn, thoát lũ…Song song với đó phải đẩy mạnh việc hợp tác, hội nhập
quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường trao đổi thông tin kinh nghiệm
hợp tác quốc tế về đào tạo, chuyển giao công nghệ trợ giúp kỹ thuật, hỗ trợ tài
chính trong lĩnh vực này. Mở rộng khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới
và năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp như năng lượng
điện gió, năng lượng mặt trời. Triển khai các công nghệ tiên tiến xử lý chất
thải, ứng dụng công nghệ hiện đại xử lý rác thải cho các khu đô thị và vùng
nông thôn.
Trâm
Bầu