I. Giai đoạn từ 1986 - 1990:
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ IX (tháng 10/1986); Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986): đề ra đường lối đổi mới đất nước và thành phố.
1. Về phát triển kinh tế
- Công nghiệp: Thành phố đã xúc tiến sắp xếp lại các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương, Trung ương trên địa bàn theo hướng chuyển hoạt động của các đơn vị công nghiệp quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố công nghiệp có Cảng biển.
- Nông nghiệp: Đối với chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm phương hướng chung của Hải Phòng đến năm 1990 vẫn coi "nông nghiệp là mặt trận hàng đầu". Đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp then chốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thành phố. Cụ thể hoá chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, thành phố khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế gia đình.
Những kết quả quan trọng bước đầu: sản lượng công nghiệp, nông nghiệp, hàng qua cảng trong các năm 1987, 1988 liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước, tạo đà cho Hải Phòng từng bước thoát khỏi khủng hoảng, giành thắng lợi mới trên những chặng đường tiếp theo.
Công cuộc đổi mới trên lĩnh vực kinh tế được tiến hành quyết liệt, táo bạo nhưng có bước đi vững chắc. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành. Kinh tế thành phố vượt qua thời kỳ suy thoái, dạt mức tăng trưởng nhanh, vững chắc.
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế thành phố vẫn chậm được điều chỉnh cho phù hợp với cơ chế thị trường. Do chủ quan, ảnh hưởng của cơ chế quan liêu, bao cấp, chưa lường hết được tình hình diễn biến khó khăn nên Đảng bộ còn nêu nhiều chỉ tiêu thiếu căn cứ thực tiễn. Trong chỉ đạo thực hiện chưa nhạy bén điều chỉnh, bổ khuyết kịp thời.
2. Phát triển văn hoá-xã hội:
- Giáo dục và đào tạo: Những khó khăn trong giáo dục cũng được tập trung tháo gỡ. Cùng với huy động một phần đóng góp của nhân dân, thành phố đầu tư 295 triệu đồng xây dựng mới các trường học và 300 triệu đồng sửa chữa, mua sắm bàn ghế, đồ dùng học tập. Các loại hình giáo dục-đào tạo được đa dạng hoá đáp ứng nhu cầu giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp. Với các biện pháp tích cực, quy mô giáo dục của thành phố cơ bản được giữ vững, chất lượng giáo dục bước đầu có chuyển biến.
- Y tế: Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân bước đầu có tiến bộ. Thành uỷ, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện chủ trương cho phép các bệnh viện thu một phần viện phí để tự trang trải; đồng thời thành phố công trợ 144 triệu đồng để sửa chữa các bệnh viện, trạm chuyên khoa và mua thêm thiết bị cho ngành. Năm 1990, Hải Phòng là một trong 04 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về công tác vệ sinh phòng bệnh.
- Văn hoá: hoạt động văn hoá, quản lý nhà nước về văn hoá có nhiều tiến bộ. 100% các xã khôi phục mạng lưới truyền thanh.
- Giải quyết việc làm: Các cấp uỷ Đảng, chính quyền tích cực tìm mọi cách tạo việc làm tại chỗ, đưa người đi lao động ở nước ngoài. Toàn thành phố huy động 3,2 triệu ngày công nghĩa vụ trong đó 50% số ngày công phục vụ đắp đê, kè chống bão lụt. Các giải pháp kịp thời trên đã phần nào giảm bớt được sức ép của tình trạng thiếu nhỡ việc làm.
3. Quốc phòng an ninh: Công tác xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, dân quân, tự vệ đi sâu vào củng cố chất lượng chính trị, nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Quan điểm kết hợp phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng an ninh được uốn nắn, chấn chỉnh đúng đắn hơn. Kế hoạch phòng thủ những nơi trọng yếu ở đất liền, vùng biển và hải đảo, vùng ven biển được xây dựng và thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo cụ thể. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, công an thành phố đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng: tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh phong trào thi đua toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm.
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX ghi dấu mốc quan trọng trong sự chuyển biến về nhận thức, đổi mới tư duy và sự lãnh đạo của Đảng bộ trong triển khai thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Sáng tạo, nhạy bén với những giải pháp kiên quyết, đồng bộ trong triển khai thực hiện; Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ thành phố đã nhanh chóng đi vào thực tiễn và được bổ sung, phát triển, đưa thành phố Hải Phòng vượt qua những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, vững bước trên con đường đổi mới.
II. Giai đoạn từ 1991 - 1995:
1. Kinh tế:
Tính đến tháng 12/1995, thành phố có 47 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với số vốn 840 triệu USD. Nhiều dự án lớn lần đầu tiên được triển khai thực hiện như: Nhà máy xi măng Chinfon, các khu chế xuất, khu du lịch, liên doanh sản xuất thép ống...Chủ trương đúng đắn phát triển kinh tế đối ngoại đã mang lại việc làm cho 6 000 lao động. Hàng xuất nhập khẩu được phục hồi và có bước phát triển mới. Kim ngạch xuất khẩu năm 1995 tăng gấp 2,6 lần so với năm 1990.
- Công nghiệp Hải Phòng: bước đầu khắc phục khó khăn, năng chặn được tình trạng sa sút, nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng với tốc độ cao. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt nhịp độ tăng bình quân 24,27%, vượt chỉ tiêu Đại hội X đề ra là 6,55%. Khối lượng hàng qua Cảng ngày một tăng: Năm 1995 đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng gần 2 lần so với năm 1991.
- Kinh tế nông nghiệp-nông thôn: có những bước tiến rõ rệt: chuyển dần sang kinh tế hàng hoá với các phong trào nông dân tự nguyện hợp tác với Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phong trào nuôi trồng thuỷ sản, các dự án phát triển sản xuất. Nông dân yên tâm đầu tư vốn, sức lao động cho sản xuất. Nông nghiệp vượt qua cửa ải 5 tấn/ha/năm, ổn định ở mức trên 8 tấn/ha/năm. Sản lượng đánh bắt hải sản tăng bình quân 4,75%/năm.
2. Về văn hoá - xã hội :
Bằng các giải pháp đồng bộ, tích cực, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến tình hình: mức đầu tư cho các hoạt động văn hóa tăng từ 3,6 tỷ (năm 1992) lên 9,1 tỷ (năm 1995). Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa được chấn chỉnh và dần đi vào nền nếp. Đời sống văn hóa cơ sở khởi sắc với nhiều phong trào sôi nổi: xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, các hoạt động lễ hôi, văn nghệ quần chúng được khôi phục.
- Giáo dục và đào tạo: từng bước đổi mới, tỷ lệ trường học cao tầng năm 1994 đạt 63,5%. Trong 2 năm 1993, 1994 có 73 trường cao tầng được xây dựng - là con số cao nhất trong 40 năm qua (1955-1995). Các ngành học, bậc học, cấp học phát triển cả về quy mô và chất lượng với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Coi trọng cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
- Y tế: tiếp tục phát triển khá toàn diện; vừa tăng cường y tế cơ sở, vừa nâng cao chất lượng y tế chuyên sâu, liên tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh xã hội hóa. Toàn ngành có 30,3% cán bộ có trình độ sau đại học. Bình quân có 0,73 bác sỹ/1000 dân (toàn quốc: 0,44%). Công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình được quan tâm. Tỉ lệ giảm sinh đạt 0,75% (chỉ tiêu 0,6%), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 1995 đạt 1,57% (chỉ tiêu: 1,7%).
- Các chương trình xã hội: như chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm đạt được kết quả rõ nét: 10 vạn lượt người có việc làm, giải quyết cơ bản số hộ đói, giảm đáng kể số hộ nghèo. Cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa được hưởng ứng tích cực. Phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội diễn ra liên tục đều khắp.
Trong 5 năm phấn đấu, thành phố Hải Phòng đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội, bộ mặt thành phố có nhiều biến đổi tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, vào Đảng, vào chế độ được củng cố và nâng lên.
III. Giai đoạn từ 1996 - 2000:
1. Kinh tế:
Hải Phòng đã vượt qua thời kỳ suy thoái về kinh tế, từng bước phục hồi và vững bước đi lên, khẳng định vai trò thành phố mở về kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc.
-Tổng sản phẩm trong nước bình quân hàng năm của thành phố vẫn tăng 8,56%. Các ngành công nghiệp tăng 23,4 % (gấp 3 lần so với năm 1995), nông nghiệp: 5,55%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng hướng, phát huy được thế mạnh công nghiệp, cảng biển, thương mại du lịch. Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội mỗi năm đạt gần 4 000 tỷ đồng.
-Công nghiệp Hải Phòng chuyển mạnh theo hướng xuất khẩu. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất được hình thành và đi vào sản xuất như: Khu Nomura, Đình Vũ, Vĩnh Niệm, Quán Trữ... Tính đến năm 2000, Hải Phòng có 87 dự án đang có hiệu lực với số vốn 1.313.929.506 USD. Xuất khẩu tăng nhanh về quy mô và tốc độ, đạt 1035 triệu USD, gấp 3 lần thời kỳ 1991-1995, thị trường liên tục được mở rộng, tăng 2 lần so với năm 1995. Hàng hoá qua Cảng tăng từ 4.515 triệu tấn năm 1995 lên 7,5 triệu tấn năm 2000. Hoạt động du lịch tăng khá.
- Nông nghiệp và thuỷ sản tương đối ổn định. Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cải biến cơ cấu kinh tế nông thôn được đẩy mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năng suất lúa đạt 50 tạ/1ha/1vụ. Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong nông nghiệp tăng. Mô hình kinh tế trang trại phát triển với 533 trang trại nông-lâm-thuỷ sản.
- Công tác quản lý, quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng có bước tiến triển khá toàn diện. Các dự án quan trọng như: Quốc lộ 5, cầu Tiên Cựu, cầu Lạc Long, tuyến đường 5 chạy đến Cảng Chùa Vẽ... được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã làm thay đổi diện mạo thành phố. 100% số xã có điện lưới, có bác sỹ, điểm bưu điện văn hoá...Toàn thành phố cơ bản không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm từ 18% (năm 1995) còn 5,8% (năm 2000).
Diện mạo đô thị, nông thôn, hải đảo ngày càng khởi sắc. Nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn được hình thành: công nghiệp đóng tàu biển, sản xuất xi măng, thép xây dựng, giày dép...
2. Văn hoá - xã hội: Cùng với tập trung phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ được các cấp uỷ Đảng, chính quyền thực sự coi trọng.
- Giáo dục và đào tạo: Chủ trương xã hội hoá giáo dục được triển khai rộng rãi ở các ngành học, bậc học, cấp học với nhiều loại hình trường lớp. Đến năm 2000, toàn thành phố có 96,7% số xã có trường học cao tầng. Giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có bước phát triển khá: năm 1999, thành phố cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.
5 năm (1996-2000), toàn thành phố có trên 500 học sinh đoạt giải quốc gia và 10 giải quốc tế. Giáo dục đại học có bước phát triển mới: các trường Đại học Y, Đại học Dân lập, Đại học Sư phạm, Cao đẳng cộng đồng được thành lập, đáp ứng nhu cầu đào tạo ở bậc đại học và chuyên nghiệp.
- Khoa học-công nghệ: phát triển với gần 120 đề tài và trên 10 dự án sản xuất thử nghiệm. Đầu tư từ ngân sách thành phố cho phát triển khoa học-công nghệ từ 4,81 tỷ (bằng 0,74% ngân sách năm 1997) lên 9 tỷ (đạt 1,4% ngân sách năm 2000). Việc nghiên cứu các vấn đề thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được quan tâm. Nhiều kết quả nghiên cứu, điều tra cơ bản đã được sử dụng làm căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2010; đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi tăng gấp 2 lần so với năm 1996.
- Hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở được củng cố, phát triển, đổi mới trang thiết bị chuyên môn, từng bước hiện đại hoá. Đến năm 2000, thành phố có 20 bệnh viện với 7 bệnh viện tuyến thành phố và 13 bệnh viện huyện với 3500 giường bệnh, 216 trạm y tế cơ sở, 9 trung tâm và trạm chuyên khoa thuộc ngành. Hệ thống y tế chuyên sâu được tổ chức tốt.
- Đời sống văn hoá: từng bước được cải thiện. Nhiều nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá, thuần phong mỹ tục được phục hồi và phát triển. Đạo đức lối sống xã hội đã và đang hình thành nhiều nét mới. Tính tích cực, chủ động dần thay thế tính bị động, trông chờ, ỷ lại. Những việc làm thiết thực, hướng về cội nguồn, đền ơn, đáp nghĩa, xoá đói, giảm nghèo đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Đời sống văn hoá cơ sở sôi động khởi sắc với những cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng làng, khu dân cư văn hoá.
3. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động quần chúng: được đẩy mạnh. Số người xin gia nhập Đảng tăng bình quân gấp 2 đến 3 lần so với những năm 1991-1994. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền từng bước được nâng lên.
IV. GIAI ĐOẠN TỪ 2001 - 2005:
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ thành phố, nhất là được Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5/8/2003 “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nắm thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng.
1. Kinh tế:
Kinh tế thành phố phát triển tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục được nâng lên.
- Tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm đạt 11,1%, gấp gần 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước; GDP bình quân đầu người đạt 1.070 USD.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 36,58%; nhóm ngành dịch vụ chiếm 50,44%; nhóm ngành nông-lâm-thuỷ sản chiếm 12,98%. Công nghiệp phát triển nhanh, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế; giá trị sản xuất liên tục tăng, bình quân đạt 19,9%/năm. Một số ngành, sản phẩm mũi nhọn, có lợi thế, hướng về xuất khẩu được đầu tư lớn, đạt tốc độ tăng trưởng cao như: công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuỷ, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, cán thép, cấu kiện thép, vật liệu xây dựng, sản xuất máy móc, thiết bị, sơn, giày dép, may mặc, chế biến thuỷ sản…
- Nông nghiệp, nông thôn phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng sang sản xuất hàng hoá, phục vụ đô thị, xuất khẩu; nâng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tích cực tiếp thu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa. Năng suất, giá trị sản xuất và thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích tăng nhanh. Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 6,3%/năm; xuất hiện nhiều cánh đồng đạt giá trị sản xuất từ 50 đến 100 triệu đồng/ha/năm trở lên. Thuỷ sản được quan tâm đầu tư, phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất tăng bình quân 17,38%/năm.
-Kinh tế biển phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Nhiều ngành được tập trung đầu tư, có bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ cảng biển, xây dựng các khu công nghiệp ven biển, tập trung đóng mới và sửa chữa tàu biển và các phương tiện nổi, thuỷ sản, du lịch biển đảo…
-Kinh tế dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng: Dịch vụ vận tải liên tục đổi mới nhanh phương tiện, phát triển đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Du lịch có bước phát triển mới, nhất là tại 2 khu vực trọng điểm du lịch quốc gia là Đồ Sơn và Cát Bà, tổng lượng khách tăng bình quân 27,7%/năm. Hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu phát triển khá mạnh, tổng mức lưu chuyển hàng hoá tăng bình quân 23,6%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 21,78%/năm. Bưu chính viễn thông phát triển nhanh, đạt bình quân 17 máy điện thoại/100dân vào năm 2005, phát triển một số loại hình dịch vụ mới.
-Triển khai chương trình hội nhập kinh tế quốc tế đạt kết quả bước đầu quan trọng. Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển đạt bình quân 9.130 tỷ đồng/năm.
-Tài chính ngân sách khá ổn định, thu nội địa tăng bình quân 22,2%/năm.
-Quan hệ sản xuất được củng cố và đổi mới, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đổi mới, sắp xếp đạt kết quả tốt, góp phần giữ vai trò chủ đạo, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước; kinh tế hợp tác xã được quan tâm củng cố với những mô hình mới thiết thực; kinh tế tư nhân được khuyến khích tạo điều kiện phát triển nhanh; kinh tế cơ vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, đổi mới công nghệ và hình thành các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.
-Thu hút vốn FDI tiếp tục tăng, ước tính trong 5 năm thu hút 125 dự án với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 780 triệu USD, đóng góp 15,9% vào GDP toàn thành phố. Các thị trường cơ bản dần hình thành và phát triển.
2. Văn hoá – xã hội: có chuyển biến tích cực tiến bộ, gắn với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
- Giáo dục và đào tạo: phát triển khá toàn diện; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập bậc trung học cơ sở, tích cực thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học và nghề; nâng cấp trường Đại học sư phạm Hải Phòng thành trường Đại học Hải Phòng đào tạo đa ngành; nguồn nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39%, trong đó 25,5% tổng số lao động được đào tạo nghề.
- Các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số, gia đình và trẻ em, thể dục thể thao tiếp tục phát triển. mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường về cơ sở vật chất và đội ngũ, trên 60% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số giai đoạn 2001 – 2005; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1%; phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển khá sâu rộng, thể thao thành tích cao tiếp tục là một trong những trung tâm mạnh của cả nước.
- Nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội được nâng cao. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hoá và đời sống văn hoá ở cơ sở theo hướng “xã hội hoá” đạt nhiều kết quả tích cực. 92,6% số làng, khu dân cư xây dựng làng, khu dân cư văn hoá, 100% xã có nhà văn hoá…
- Về thực hiện các chính sách xã hội: giải quyết việc làm cho 188.300 lao động; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2005 giảm còn 3%, hoàn thành chương trình hỗ trợ hộ nghèo xoá 6.500 ngôi nhà tranh, vách đất; Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng gần 10%/năm. Mô hình xây dựng cụm dân cư, phường, xã không có tội phạm ma tuý và tệ nạn xã hội được nhiều cơ sở hưởng ứng. Xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm giáo dục – lao động xã hội.
3. Công tác xây dựng Đảng và Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả rõ nét. Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tăng từ 71,8% năm 2001 lên 75,9% năm 2004; cơ sở yếu kém từ 1,8% năm 2001 giảm còn 1,35% năm 2004; công tác phát triển Đảng được coi trọng, đẩy mạnh, đã kết nạp được 13.000 đảng viên, phần lớn là tuổi trẻ, hơn 1/3 có trình độ đại học.
V. Giai đoạn 2006 – 2010:
Thành phố tập trung cao độ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ thành phố và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
1- Về phát triển kinh tế
-Tổng sản phẩm trong nước (GDP): do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên không đạt mục tiêu Đại hội đề ra (12-13%/năm), song bình quân trong 5 năm vẫn đạt 11,15%, gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiên tiến, tỷ trọng GDP của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 87% năm 2005 (dịch vụ 50,8%) lên 90% năm 2010 (dịch vụ 53%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 117 nghìn tỷ đồng, tăng 30,1% so với mục tiêu Đại hội. Tăng nhanh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguồn nhân lực từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tài chính, ngân sách khá ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, phát sinh đột xuất và tăng chi đầu tư phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn tăng cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch (bình quân 5 năm thu ngân sách trên địa bàn đạt 22,36%/năm, thu nội địa đạt 15%/năm).
-Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, góp phần quan trọng hàng đầu vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút lao động; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển dịch vụ, đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư, phát triển sản phẩm mũi nhọn, quan trọng, làm nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, như đóng và sửa chữa tàu biển, cơ khí quy mô lớn, phôi thép, thép tấm, xi măng, nhiệt điện, phân bón DAP… Hình thành một số ngành kỹ thuật cao như sản xuất máy móc thiết bị điện, điện tử; dụng cụ y tế, dụng cụ chính xác; thiết bị văn phòng và máy tính… Từng bước hình thành trung tâm công nghiệp đóng tàu, sản xuất kim loại của vùng và cả nước.
- Kinh tế dịch vụ phát triển đa dạng, đúng định hướng, chất lượng và hiệu quả được nâng lên; GDP chiếm tỷ trọng cao; tăng trưởng bình quân 12,39%/năm. Hoạt động dịch vụ cảng biển phát triển nhanh. Sản lượng hàng thông qua các cảng trên địa bàn đạt mục tiêu Đại hội đề ra trước 2 năm. Năm 2009 đạt 32,5 triệu tấn, tăng 13,7%.
Hoạt động thương mại phát triển khá nhanh và toàn diện. Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, thêm nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại; hệ thống kho, bãi trung chuyển đáp ứng yêu cầu để Hải Phòng giữ vai trò trung tâm phát luồng hàng hoá của vùng và cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 1.687 triệu USD, tăng 11,7% (dự kiến năm 2010 đạt 1,94 tỷ USD).
Du lịch có bước phát triển khá, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, thêm nhiều khách sạn, nhà hàng, nhiều công trình văn hoá lịch sử được tôn tạo. Đến năm 2010, dự kiến thu hút khoảng 4,2 triệu lượt khách (chỉ tiêu Đại hội 5,6 triệu lượt khách).
Bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển mạnh; mạng viễn thông đã phủ khắp thành phố, cả đảo Bạch Long Vỹ. Các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin phát triển khá nhanh, phục vụ đắc lực cho hoạt động của bộ máy hành chính và doanh nghiệp. Mật độ điện thoại đạt 250 thuê bao/100 dân; internet đạt 7,5 thuê bao/100 dân, quy đổi mật độ dân số sử dụng internet đạt 45%. Các loại hình dịch vụ mới... phát triển khá nhanh…góp phần tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm an ninh lương thực. Giá trị sản xuất tăng bình quân 4,54%/năm, đạt kế hoạch. Hình thành và phát triển khá nhanh các vùng sản xuất nông sản tập trung có giá trị kinh tế cao hơn. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng và chế biến mang lại hiệu quả tích cực hơn. Hải Phòng đã ngày càng khẳng định rõ hơn là trung tâm sản xuất giống thuỷ-hải sản ở miền Bắc.
Kinh tế biển, khai thác khá toàn diện các yếu tố tài nguyên, lợi thế biển và cảng biển; tiếp tục đầu tư các ngành kinh tế biển truyền thống để nâng cao năng lực, có tốc độ phát triển nhanh, sức cạnh tranh được cải thiện; khẳng định rõ hơn vai trò là một trong những trọng điểm kinh tế biển của cả nước. Xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển kinh tế biển Hải Phòng đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch chung của cả nước. Xây dựng Quy hoạch chung Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đến năm 2025 theo hướng là một trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực của Vùng Duyên hải Bắc bộ và cả nước.
- Các thành phần kinh tế tiếp tục được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được nâng lên. Đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn. Kinh tế nhà nước sử dụng có hiệu quả hơn vốn, tài sản của Nhà nước và huy động vốn xã hội, tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động cho doanh nghiệp, giữ vững vai trò chủ đạo trong một số ngành quan trọng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố, có đóng góp khá tích cực vào tăng trưởng kinh tế thành phố, nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng cộng đồng… Kinh tế tư nhân phát triển nhanh số lượng, quy mô, mở rộng lĩnh vực hoạt động, thu hút vốn lớn của toàn xã hội, góp phần quan trọng giải quyết việc làm và đóng góp ngày càng lớn vào tổng GDP của thành phố. GDP chiếm tỷ trọng 26,3% tổng GDP (năm 2005 là16%). Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài góp phần tích cực nâng cao trình độ công nghệ, tạo nên nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, nâng cao năng lực xuất khẩu, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và các hoạt động dịch vụ khác; góp phần tích cực gia tăng năng lực sản xuất của một số ngành quan trọng.
- Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh của thành phố được nâng lên. Ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng số doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh. Các thị trường cơ bản đã hình thành và phát triển rõ nét, đóng góp ngày càng tốt hơn cho sự phát triển của thành phố. Chủ động triển khai thực hiện chương trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ chế chính sách được thành phố xây dựng, kịp thời sửa đổi, bổ sung. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và sự hợp tác quốc tế, tạo thêm sức mạnh mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề và cơ sở quan trọng cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố.
-Công tác đối ngoại, trọng tâm là kinh tế đối ngoại và các chương trình hợp tác phát triển với nhiều địa phương được triển khai có hiệu quả. Tiếp tục củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh. Tích cực tham gia, thúc đẩy quá trình xây dựng các tuyến hành lang, vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc.
-Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được tập trung cao, phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành Trung ương có liên quan, triển khai đồng bộ với tinh thần chủ động, khẩn trương, đạt được kết quả quan trọng, góp phần để thành phố phát triển toàn diện hơn trong nhiều lĩnh vực.
Đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, nhằm phát huy lợi thế từng địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết
- Đẩy mạnh phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đô thị phát triển cả về quy mô và diện mạo theo đúng tiêu chí đô thị loại I trung tâm cấp quốc gia, với bản sắc là đô thị cảng biển văn minh, hiện đại. Thành lập quận mới Dương Kinh và chuyển thị xã Đồ Sơn thành quận. Phát triển khu đô thị mới, cải tạo, nâng cấp đô thị cũ với hệ thống dịch vụ giao thông, cấp, thoát nước, điện, thông tin liên lạc, công viên cây xanh, vệ sinh đô thị, văn hoá, thể dục thể thao, du lịch, y tế… từng bước được đầu tư đồng bộ. Công tác phát triển và quản lý đô thị được tăng cường, có tiến bộ. Đã và đang xây dựng quy hoạch đô thị du lịch Đồ Sơn, khu đô thị Bắc sông Cấm; đô thị bờ Nam sông Cấm, hai bờ sông Lạch Tray, Nam Tràng Cát …
Cơ bản hoàn thành chương trình điện nông thôn, 100% tuyến đường huyện được trải nhựa, đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng, trên 90% đường liên xã và đường thôn xóm được trải nhựa hoặc bê tông; trên 90% số dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 100% số xã có nhà văn hoá và điểm bưu điện văn hoá. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người dân; các chương trình quốc gia về y tế, dân số, trẻ em được tổ chức thực hiện tốt, 100% xã có trạm y tế và bác sỹ. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nông dân được cải thiện, dân chủ cơ sở được đảm bảo; các giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi, phát huy. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến, đạt kết quả bước đầu.
Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên được chú trọng, hiệu quả từng bước nâng lên; công tác bảo vệ môi trường được tăng cường. Xây dựng, thực hiện chương trình bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2020.
2- Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục có bước phát triển về quy mô, nâng cao về chất lượng; từng bước thực hiện các chính sách về tiến bộ và công bằng xã hội, đạt kết quả rõ nét.
-Xây dựng và phát triển văn hóa đạt kết quả tích cực. Đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa có chuyển biến tiến bộ. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ hơn. Các hoạt động sáng tạo văn học-nghệ thuật được chú trọng. Các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin đại chúng được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại và đồng bộ hơn; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên.
-Giáo dục-đào tạo phát triển, gắn kết chặt chẽ hơn với phát triển kinh tế-xã hội. Giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục bậc phổ thông trung học và nghề. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được tăng cường đáng kể (Tổng vốn đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo chiếm 1,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2009; chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 10% tổng chi đầu tư phát triển).
Công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh thêm một bước, chất lượng có chuyển biến tiến bộ. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 65% , trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 43%.
- Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ được triển khai khá đồng bộ và hiệu quả, phục vụ các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ thành phố; hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường; phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ (Tổng số cán bộ có trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ (năm 2009) là 23.122 (trong đó: thạc sỹ và tiến sỹ: 1.352); tăng so với năm 2005 là 3.828 người (trong đó thạc sỹ, tiến sỹ tăng 407 người).
-Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tiến bộ. Phòng, chống, dập tắt kịp thời các loại dịch bệnh. Chú trọng đầu tư, ứng dụng một số kỹ thuật y tế tiên tiến. Y tế cơ sở được quan tâm, cơ bản đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện xã hội hoá, công bằng trong khám, chữa bệnh đạt kết quả tích cực. Thành phố đã tiếp cận mức sinh thay thế, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên duy trì dưới 1%; chất lượng dân số được nâng lên. Công tác gia đình và trẻ em tiếp tục được quan tâm, đạt được những kết quả rõ nét.
-Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển, thu hút 25,5% dân số thường xuyên tham gia luyện. Tiếp tục giữ vững là một trong những trung tâm thể thao mạnh tốp đầu cả nước về thể thao thành tích cao.
-Thực hiện chính sách xã hội, giải quyết vấn đề bức xúc và thực hiện công bằng xã hội được quan tâm thực hiện, có tiến bộ rõ trên nhiều mặt. Tạo việc làm mới cho người lao động bình quân đạt 4,46 vạn lượt người/năm. Thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước và thành phố. Chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả cao, số hộ nghèo giảm còn 3,86% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010). Công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội tiếp tục được tăng cường.
3- Quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững. Hệ thống chính trị được xây dựng vững chắc, hoạt động có hiệu quả.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, mở rộng, phát huy; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội được đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Các cấp chính quyền dược củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp được chú trọng đẩy mạnh, đạt được những kết quả khá toàn diện và rõ nét. Chủ trương thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân tại 7 quận, 7 huyện và 70 phường được chỉ đạo thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định, ổn định và phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính khá đồng bộ trên các lĩnh vực, đạt kết quả rõ nét, nhất là trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Tổ chức, bộ máy các sở, ngành, quận, huyện được kiện toàn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức. Cải cách tài chính công đạt kết quả khá tích cực. Coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO hành chính, thiết thực cải tiến phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, đồng bộ, thực chất, có chiều sâu chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng với đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần hạn chế các vụ việc tham nhũng mới phát sinh; chỉ đạo giải quyết về cơ bản các vụ việc tham nhũng tồn đọng. Nhận thức và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nâng lên.
4- Công tác xây dựng Đảng được Thành uỷ và các cấp uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đi vào chiều sâu, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ thể hiện sự đổi mới và hiệu quả được nâng lên rõ nét trên nhiều mặt, góp phần trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ
- Công tác tư tưởng tiếp tục được đổi mới, triển khai tích cực, thường xuyên và có hiệu quả. Thành uỷ, các cấp uỷ tập trung cao chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng về xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, khắc phục và đẩy lùi một bước tình trạng suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Nhìn chung, tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào những thành tựu của đất nước và thành phố đạt được cùng triển vọng, thời cơ phát triển mới trong những năm tiếp theo. Sự đồng thuận về nhận thức chính trị tư tưởng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được củng cố và nâng cao.
- Công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng và công tác đảng viên thường xuyên được coi trọng, triển khai khá toàn diện, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ với những cách làm đổi mới, sáng tạo, có chiều sâu, đạt hiệu quả rõ nét. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt 76,7%, tổ chức cơ sở đảng yếu kém được khắc phục về cơ bản, giảm từ 1,35% đầu nhiệm kỳ xuống còn 0,32%. Công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng đảng viên có chuyển biến tiến bộ. Đội ngũ đảng viên mới được kết nạp đảm bảo về số lượng, cơ cấu, trẻ hóa, trình độ được nâng cao. Trong 5 năm kết nạp được 16.867 đảng viên (đạt chỉ tiêu Đại hội XIII). Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được tăng cường,...
Công tác cán bộ được triển khai khá đồng bộ, có đổi mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, công khai, dân chủ.
-Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm. Uỷ ban kiểm tra cấp uỷ các cấp được kiện toàn, nâng cao về chất lượng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Từ năm 2006 đến hết quý I/2010: Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 482 đảng viên và 88 tổ chức đảng; thi hành kỷ luật 1.017 đảng viên và 19 tổ chức đảng.
- Công tác dân vận được tăng cường, thiết thực củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được tăng cường. Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được phát huy tốt hơn. Chủ động đi sâu tổng kết mô hình “dân vận khéo”. Phát động phong trào thi đua và đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền các cấp đạt hiệu quả khá rõ nét.
5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân thành phố đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
VI. Khái quát 25 năm Hải Phòng thực hiện công cuộc Đổi mới (1986-2010):
Qua 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 của Đảng, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới và Cương lĩnh của Đảng, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn vị thế, tiềm năng, lợi thế, đề ra chiến lược phát triển thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách đúng đắn và có quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, giành được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự biến đổi sâu sắc, cơ bản trên mọi mặt của đời sống xã hội thành phố, góp phần cùng cả nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và kém phát triển.
Trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước 2001-2010, kinh tế thành phố ổn định, tăng trưởng khá nhanh và toàn diện; quy mô kinh tế được mở rộng, năng lực sản xuất-kinh doanh được nâng lên, đặc biệt là nội lực. GDP tăng liên tục với tốc độ bình quân 11,1%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tỷ trọng 2 nhóm ngành công nghiệp-dịch vụ tăng từ 82,22% năm 2000 lên 90% năm 2010 (tốc độ tăng bình quân 12%/năm); thị trường xuất khẩu được mở rộng, tăng nhanh về giá trị, chủng loại sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm (năm 2010 gấp trên 6 lần năm 2000). Thu hút vốn đầu tư phát triển tăng nhanh, bình quân 19,1%/năm. Năng lực sản xuất của nhiều ngành kinh tế tăng mạnh. Thu ngân sách gấp hơn 6 lần, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20,23%/năm, trong đó thu nội địa tăng bình quân 18,83%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh (dân số đô thị từ 35% năm 2000 lên 48% năm 2010), lập thêm 2 quận mới và chuyển 1 thị xã thành quận; quy mô và diện mạo đô thị phát triển rõ nét. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển được chú trọng đầu tư, theo hướng hiện đại, tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng, công nghiệp văn minh hiện đại. Quan hệ sản xuất phát triển và ngày càng phù hợp hơn, tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất. Các thể chế, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã được chủ động, tích cực triển khai áp dụng, đạt hiệu quả rõ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Khoa học công nghệ bước đầu gắn với thực tế sản xuất, đời sống xã hội, phát huy hiệu quả tích cực. Công tác đối ngoại và mở rộng không gian kinh tế được đẩy mạnh. Cải cách hành chính được tập trung cao, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được được cải thiện rõ rệt; thu nhập thực tế của người dân năm 2010 gấp hơn 5 lần so với năm 2000; phúc lợi xã hội và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Hệ thống chính trị được kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đảng bộ thành phố trưởng thành cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, năng lực, sức chiến đấu được nâng cao; nhận thức về cơ hội, thách thức của đất nước cũng như tiềm năng, lợi thế, vai trò của thành phố trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày càng rõ và đẩy đủ hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố còn một số hạn chế, yếu kém: Kinh tế tuy tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, quy mô kinh tế còn nhỏ, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, năng suất hiệu quả còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí, vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Phát triển và quản lý đô thị còn nhiều bất cập; tốc độ phát triển đô thị, đô thị hoá nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý sử dụng đất đai còn bị buông lỏng, gây thiếu sót, khuyết điểm ở một số nơi. Hệ thống các giải pháp an sinh xã hội được quan tâm hơn, song kết quả đạt được thiếu vững chắc. Xã hội hoá trong các lĩnh vực văn hoá-xã hội chậm. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Tệ nạn ma tuý, mại dâm, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn trọng điểm và khu vực nông thôn, nhất là khu vực phải thực hiện giải phóng mặt bằng, giao đất để triển khai các dự án còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định.Việc giải quyết một số vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc còn chậm, kéo dài.
Trong suốt chặng đường 55 năm (1955-2010), cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân dân thành phố Hải Phòng đã trải qua một giai đoạn lịch sử hào hùng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công, Đảng bộ, nhân dân Hải Phòng đã làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, muốn biến Hải Phòng thành một “thành phố chết” sau khi thực dân Pháp phải rút khỏi miền Bắc nước ta; hoặc muốn biến miền Bắc Việt Nam, trong đó có Hải Phòng trở về “thời kỳ đồ đá” trong chiến tranh phá hoại huỷ diệt của đế quốc Mỹ. Từ trong gian khổ, Đảng bộ, quân dân ta đã chiến đấu bảo vệ và xây dựng Hải Phòng từ thành phố cảng vốn bị đánh phá xơ xác, tiêu điều trong chiến tranh của thực dân, đế quốc, trở thành thành phố Cảng hiện đại, giàu đẹp hôm nay.
Có được những thành tựu quan trọng đó, là do 55 năm qua, Đảng bộ, chính quyền quân và dân thành phố Cảng Hải Phòng luôn tâm niệm làm theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu qua 9 lần Người quan tâm về thăm và làm việc tại Hải Phòng.
55 năm qua, Đảng bộ, chính quyền quân và dân thành phố luôn luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nắm chắc thời cơ, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của thành phố nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố. Biết tranh thủ cao nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể ở Trung ương và sự hỗ trợ giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Thường xuyên khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng, ý thức làm chủ, phẩm chất năng động, sáng tạo của người Hải Phòng. Coi trọng tổng kết thực tiễn để có chủ trương phù hợp, kịp thời phát hiện nhân tố mới, khắc phục những yếu kém, xác định được nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để tạo sức bật trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, quan tâm đến đào tạo nhân lực, phát huy nội lực, thu hút nhân tài để phát triển thành phố.
Kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2010), mỗi người dân đất Cảng chúng ta có quyền tự hào rằng: dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền, quân dân thành phố Hải Phòng đã góp phần xứng đáng để giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta cũng có quyền tự hào rằng, ngày nay, Hải Phòng đang tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới, cùng cả nước đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Với cơ sở vật chất kỹ thuật và quy mô kinh tế ngày càng tiếp tục phát triển rõ nét; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tiên tiến; tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng được khai thác, phát huy toàn diện và hiệu quả hơn, vị thế, vai trò của thành phố đang ngày càng được nâng cao, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng tự tin phát triển trong bước tiếp theo, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020./.