Chăm lo Tết cho người có công, đối tượng chính sách xã hội và người lao động được đảm bảo
Chăm lo Tết cho người có công, đối tượng chính sách xã hội và người lao động được đảm bảo
Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo tình hình chăm lo cho đối tượng người có công (NCC), bảo trợ xã hội và người lao động (NLĐ) dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Theo đó, hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng NCC, chính sách xã hội, hộ nghèo và NLĐ tại các địa phương được quan tâm, chăm sóc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Một số địa phương có mức chi lớn như: TP.HCM 1.000,8 tỷ đồng; Hà Nội 622,33 tỷ đồng; Hải Phòng 243,01 tỷ đồng; Nghệ An 149,25 tỷ đồng; Quảng Ninh 136,16 tỷ đồng; Bình Dương 121,62 tỷ đồng; Thanh Hóa 108,23 tỷ đồng; Hậu Giang 106,4 tỷ đồng; Tiền Giang 103,53 tỷ đồng...
Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng trao quà cho công nhân khó khăn trên địa bàn quận Hồng Bàng
Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước ban hành quyết định tặng quà cho các đối tượng NCC nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, với hai mức là 400.000 đồng và 200.000 đồng tùy từng đối tượng, với trên 1,7 triệu đối tượng và tổng kinh phí thực hiện hơn 358 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngoài phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương đã chủ động trích ngân sách và nguồn vận động để tặng quà cho đối tượng chính sách, NCC nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Thống kê của 63 tỉnh, mức chi ngân sách địa phương dành tặng cho NCC khoảng trên 1.670 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa khoảng trên 141 tỷ đồng. Nhiều địa phương dành nguồn kinh phí lớn cho đối tượng NCC như: TP.HCM 388,9 tỷ đồng (598.319 suất quà); Hà Nội 201,2 tỷ đồng (458.400 suất quà); Hải Phòng 213,1 tỷ đồng (137.683 suất quà); Quảng Ninh 113,9 tỷ đồng (229.660 suất quà); Quảng Nam 87,1 tỷ đồng (196.974 suất quà); Thái Bình 76,6 tỷ đồng; Bình Dương 76,2 tỷ đồng. Mức quà bình quân dao động từ 500.000-1.000.000 đồng/suất, thậm chí có địa phương chi mức quà cao như: Quảng Ninh 4.000.000 đồng/suất; Hải Phòng 3.998.000 đồng/suất...
Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng trao quà cho công nhân khó khăn trên địa bàn quận Hồng Bàng
Tính đến ngày 29/1, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ cho 9 tỉnh đề nghị cứu đói dịp Tết Nguyên đán (Nghệ An, Cao Bằng, Gia Lai, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Quảng Bình, Bình Định, Hà Giang, Bình Phước) và 1 tỉnh đề nghị cứu đói giáp hạt đầu năm 2020 (Lạng Sơn), với tổng số 7.264,53 tấn gạo cứu đói cho 146.552 hộ (484.302 nhân khẩu). Trong đó: Hỗ trợ cứu đói Tết là 6.460,320 tấn gạo cho 430.688 nhân khẩu; hỗ trợ cứu đói giáp hạt 804,210 tấn gạo cho 53.614 nhân khẩu. Các tỉnh được hỗ trợ gạo cứu đói Tết Nguyên đán năm 2020 đã hoàn thành việc cấp phát gạo cho các đối tượng trước Tết Nguyên đán (trước 30 Tết), bảo đảm không để người dân nào bị thiếu lương thực trong dịp Tết…
Liên đoàn Lao động quận Dương Kinh trao chuyến xe hỗ trợ cho công nhân lao động
Bên cạnh hoạt động chăm lo Tết, trong dịp này, có 25 DN thuộc 13 địa phương nợ lương của 2.459 NLĐ với tổng số tiền 63,94 tỷ đồng. Đặc biệt, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng đình công, lãn công của NLĐ yêu cầu chủ SDLĐ tăng tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, các cuộc đình công, lãn công xảy ra trong thời gian ngắn, sau đó NLĐ đã trở lại làm việc bình thường.

Đơn cử: NLĐ tại một số công ty trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Công ty TNHH May mặc Việt Thiên, Công ty TNHH Lợi Tín Lập Thạch, Công ty TNHH MTV Giầy Lập Thạch, Công ty TNHH Sunshine Electronics, Công ty TNHH Saiyida Vina Technology) đã ngừng việc tập thể để kiến nghị tăng thưởng Tết Nguyên đán và đề nghị tính thời gian nghỉ giữa ca đêm vào thời gian làm việc và các kiến nghị này đều đã được đáp ứng… Hay như, khoảng 70 NLĐ của Công ty Thủy sản P&H (An Giang) ngừng việc do công ty chưa có thông báo chính thức về tiền thưởng Tết. Sau khi các ngành liên quan vào làm việc, phía DN đã tiến hành chi tiền thưởng Tết và một phần quà Tết cho NLĐ vào ngày 22/1 (ngày 28 tháng Chạp)…