Đại hội đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố nhiệm kỳ IV (2023 – 2028)
(Haiphong.gov.vn) – Sáng 25/1, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ IV (2023 – 2028). Tới dự có Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở, ngành và các đơn vị liên quan.

Quang cảnh Đại hội.
Nhiệm kỳ III (2018 – 2023) Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố đã hoàn thành toàn diện Nghị quyết Đại hội cùng chương trình toàn khóa đã đề ra và các nhiệm vụ Trung ương Hội, thành phố giao. Có nhiều nội dung việc làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực; công tác tuyên truyền có bề rộng, có chiều sâu, đa dạng tạo được sự lan tỏa, truyền tải được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố tới các cấp, các ngành và cộng đồng hiểu sâu sắc hơn về thảm họa da cam, nỗi đau da cam. Hội đã in ấn đăng tải 2.762 lượt tin, bài, ảnh, phóng sự, video, truyền hình trực tiếp, 6.000 tờ gấp, tổ chức triển lãm ảnh nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Tổ chức tập huấn về quan điểm đường lối chính sách và nghiệp vụ công tác Hội. Hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa.
Nhiệm kỳ III, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể cộng đồng, nạn nhân chất độc da cam thành phố được thụ hưởng tổng giá trị 252.847.050.000 đồng. Hội đã hỗ trợ làm mới, nâng cấp, sửa chữa 162 nhà ở với số tiền 1.161.100.000 đồng; hỗ trợ học nghề, học bổng, đỡ đần con cháu nạn nhân 1.230.490.000 đồng; tặng 224 xe lăn, xe lắc với số tiền 308.550.000 đồng; giúp đỡ vốn sản xuất, làm dịch vụ cho nạn nhân còn sức lao động 160.000.000 đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh 7.542.490.000 đồng. Hơn 350 lượt nạn nhân được đưa, đón đi an dưỡng, chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng trung ương, thành phố.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ IV (2023 – 2028), theo đó tích cực tuyên truyền sâu rộng về “Thảm họa và nỗi đau da cam”, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” và phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” gắn với phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đề nghị khen thưởng động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội, những nạn nhân, gia đình nạn nhân phấn đấu vượt lên chính mình. Phấn đấu, hàng năm vào dịp lễ, tết nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam được thăm, tặng quà. Thường xuyên giữ mói quan hệ, giúp đỡ của Ban Đối ngoại Trung ương Hội, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Liên lạc Việt kiều thành phố… chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Đại biểu biểu quyết tại Đại hội

Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố nhiệm kỳ IV (2023 – 2028) ra mắt Đại hội
Đại hội bầu 29 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Hội; đồng chí Đặng Xuân Viễn được bầu Chủ tịch Hội nhiệm kỳ IV.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu tại Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam nêu rõ, những năm qua, thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh và thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo cho các đối tượng người có công với cách mạng, đã tổ chức triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công theo đúng chủ trương “Đảm bảo cho gia đình người có công có mức sống bằng hoặc hơn mức sống trung bình của khu dân cư”. Cùng với đó, thành phố đã có những chính sách, giải pháp cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công như: ngoài sự hỗ trợ của Trung ương về xây, sửa nhà ở, thành phố còn ban hành Nghị quyết hỗ trợ gia đình người có công, người nghèo xây sửa nhà; vận động các đoàn thể, hội, doanh nghiệp, địa phương vào cuộc, huy động xã hội hóa tiếp thêm nguồn lực cho các gia đình chính sách; đẩy mạnh các hoạt động xây dựng “Nhà tình nghĩa”; lập Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, nạn nhân da cam đặc biệt khó khăn. Công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn thành phố trở thành phong trào rộng khắp, đã thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo các đối tượng Người có công với cách mạng. Riêng các nạn nhân da cam, trong 05 năm qua được thụ hưởng tổng giá trị hỗ trợ hơn 252 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, nhiệm kỳ tới, Hội cần tập trung làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc, xoa dịu nỗi đau da cam. Phối hợp tham mưu đề xuất với lãnh đạo thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Thông tri 22 của Ban Thường vụ Thành ủy; Quyết định số 370 của UBND thành phố về Kế hoạch hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học da cam/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan doanh nghiệp, các “nhà hảo tâm” và cộng đồng xã hội quan tâm ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tập trung xây dựng Quỹ hội, góp phần chung tay xoa dịu "Nỗi đau da cam".
Tiếp tục củng cố, thường xuyên kiện toàn đầy đủ đội ngũ cán bộ chuyên trách; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành điều lệ Hội, chấp hành các chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo hoạt động của Hội theo đúng tôn chỉ, mục đích và Điều lệ của Hội. Làm tốt vai trò giám sát, tư vấn việc triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tăng cường đoàn kết, thống nhất, tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động. Các đồng chí cán bộ Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát nhiệm vụ, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nạn nhân; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở y tế nắm chắc tình hình nạn nhân da cam, góp phần thực hiện chế độ chính sách cho nạn nhân bảo đảm đúng đối tượng, nhanh chóng, kịp thời.




Các tập thể và cá nhân được khen thưởng tại Đại hội
Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội được nhận khen thưởng của các cấp.