Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức những Cựu chiến binh Vĩnh Bảo
(Haiphong.gov.vn) - 70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ, những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, vẫn còn in đậm trong trí nhớ của những người cựu chiến sĩ Điện Biên trên quê hương Vĩnh Bảo.
Cống hiến cả tuổi thanh xuân
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo (1938-2018), trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, quân và dân huyện Vĩnh Bảo vừa tổ chức lực lượng chiến đấu giải phóng quê hương, bảo vệ an toàn các cơ quan của tỉnh Hải Dương, Kiến An, của Quân khu 3 và nhân dân các địa phương tản cư về. Huyện Vĩnh Bảo tích cực chi viện sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến. Vĩnh Bảo đã động viên 2.888 thanh niên nhập ngũ, gần 1.000 dân công hỏa tuyến, đóng góp nhiều vàng bạc và hàng ngàn tấn lương thực, 13.959 người tham gia dân quân, du kích. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, từ vùng đất Vĩnh Bảo đã có gần 600 người con lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Ông Lê Công Vinh (ở xã Hùng Tiến) kể về những năm tháng không thể nào quên trong chiến dịch Điện Biên Phủ.Dưới cái nắng đầu hè, tôi có dịp đến thăm những cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Ở tuổi 90, tuổi gần đất xa trời, mặc dù mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng khi kể cho tôi nghe về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những người lính già đều ánh lên một niềm tự hào.
Ông Lê Công Vinh (ở xã Hùng Tiến) bồi hồi nhớ lại: Năm 1952, khi vừa tròn 22 tuổi, ông lên đường nhập ngũ và được cử đi học pháo binh bên Trung Quốc. Đến năm 1953, ông trở về nước. Ông được biên chế về Tiểu đoàn pháo binh 394, Trung đoàn 367 thuộc Đại đoàn 351. Đơn vị ông có nhiệm vụ bảo vệ bộ binh tiến vào cứ điểm Him Lam, bắn đánh vòng ngoài sân bay Mường Phăng.
Ông Vinh kể, những ngày chiến đấu gian khổ ở Điện Biên Phủ kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, đào hầm ngủ đất, bị những cơn sốt rét rừng hành hạ... nhưng ý chí và tinh thần của bộ đội rất cao, đánh cho địch mất hết đường tiếp tế dẫn đến thất bại. Sau chiến thắng, đơn vị của ông Vinh được lệnh hành quân di chuyển về giải phóng Thủ đô, sau đó tham gia các đoàn bảo vệ cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Năm 1958, ông Vinh được phong Thượng sĩ, được chọn ở lại xây dựng đơn vị và tham gia công tác tuyển quân.
Cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Vĩnh Bảo đến thăm ông Lê Trọng Hồng ở xã Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo).Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hoá, chàng thanh niên Lê Trọng Hồng (94 tuổi, hiện ở xã Hùng Tiến) khi ấy vừa tròn 18 tuổi lên đường nhập ngũ. Trước khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sĩ Lê Trọng Hồng đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Sông Lô, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, sau đó được cử sang Trung Quốc học cách sử dụng pháo cao xạ. Khi trở về nước ông được cử làm Trung đội Trưởng đội pháo cao xạ, Trung đoàn 57 Sư đoàn 304. Đơn vị của ông có nhiệm vụ chốt giữ Hồng Cúm, xây dựng trận địa cánh cung cắt rời Phân khu Hồng Cúm với Phân khu Trung tâm; ngăn chặn không cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ rút chạy sang Lào. Ông nhớ lại: Trong những ngày diễn ra chiến dịch, rất gay go quyết liệt, nhưng ý chí và tinh thần của bộ đội rất cao, toàn đơn vị được tuyên truyền, học tập về gương hi sinh anh dũng của anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót.
Những tháng ngày không quên
Giống như ông Vinh, ông Hồng, ông Đỗ Hữu Thành (ở xã Vĩnh Tiến) đã dành tuổi trẻ để chiến đấu vì độc lập dân tộc. Năm 15 tuổi, ông đã tham gia làm liên lạc cho xã đội đánh bốt Lý Khoai, phá tề ở xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo). Năm 16 tuổi, ông cùng 40 thanh niên ưu tú ở xã Trấn Dương và Vĩnh Tiến lên đường tòng quân. Ông Thành được biên chế làm nhiệm vụ thông tin của Trung đoàn 102 Sư đoàn 308, chuyển công văn, mệnh lệnh từ Trung đoàn xuống các Tiểu đoàn và Đại đội. Đơn vị ông được nhận lệnh tác chiến tại đồi Độc Lập, Him Lam sau đó là khu Đông Mường Thanh.
Thời đó, những người lính thông tin hầu như không được đào tạo tạo chính quy. Kiến thức mà họ có được chính là sự học hỏi lẫn nhau. Lính thông tin lại đối diện với nhiều nguy hiểm khi phải nhanh chóng có mặt nối lại khu vực đường dây bị đứt. Mọi thông tin, lệnh, chỉ thị của cấp trên được truyền đi nhanh chóng và kịp thời, giữ bí mật để phục vụ công tác triển khai chiến thuật, phương án tác chiến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông tiếp tục ở lại phục vụ quân ngũ, đến năm 1961 thì chuyển về làm ở Ty lương thực Kiến An Hải Phòng. Năm 1979, ông về chế nghỉ chế độ hưu trí.
Ông Đào Quang Thịnh ở Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) tái hiện lại phút sinh tử từ cửa hầm cố thủ đồi C1.Trong ký ức của các chiến sỹ, những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ giống như khúc ca có bi thương, nghẹn ngào nhưng vẫn có hạnh phúc, hào hùng. Với ông Đào Quang Thịnh (xã Trấn Dương) tham gia kháng chiến từ năm 1953 khi vừa tròn 16 tuổi. Ông nhớ lại: “Năm đó, việc tuyển chọn bộ đội rất kỹ càng. Khi được trúng tuyển, tôi vô cùng vui sướng. Trước khi lên đường, tôi được mẹ may cho bộ quần áo nâu, nắm cho một nắm cơm muối vừng. Tôi được biên chế vào Đại đội 81 Tiểu đoàn 439 Trung đoàn 98 Sư đoàn 316. Trên đường hành quân vào Ninh Bình, tôi lo mình còn trẻ sẽ không được cử đi bộ đội tiếp. Nhưng khi vào đến Thanh Hoá, được các cán bộ giàu kinh nghiệm trực tiếp đào tạo, lúc đó tôi mới tin chắc rằng tôi chính thức “trúng tuyển”.
Đúng 17 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, sau khi pháo quân đội Việt Nam bắn chế áp, mở màn đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Thịnh nhận nhiệm vụ đánh chiếm đồi C1 - một cứ điểm quan trọng, ngọn đồi duy nhất trong các ngọn đồi phía đông được Pháp chọn là nơi dựng cột cờ cho cả tập đoàn. Trận chiến giữa quân ta và địch diễn ra hết sức cam go.
Sau đúng 32 ngày đêm cực kỳ ác liệt, gian khổ, đồi C1 về tay quân ta. Tiểu đoàn của ông Thịnh được nhận nhiệm vụ bảo vệ chiến hào. Hình ảnh mà ông nhớ mãi đó là khi gặp một đồng đội tuy bị thương nặng nằm trên đất nhưng trên tay vẫn nắm chặt một quả lựu đạn như vẫn đang sẵn sàng tiến công.
Giọng ông như chùng xuống, đôi mắt nhìn về xa xăm: “Đơn vị tôi có 120 người mà hi sinh gần hết, chỉ còn có 7 người sống sót. Tôi cũng thoát chết trong gang tấc khi vừa ra khỏi hầm cố thủ ở đồi C1 thì có một quả đạn pháo 120 li đánh trúng hầm”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Thịnh được cử ở lại đóng phim chiến trường và sau đó cùng đồng đội trở về tiếp quản Thủ đô. Năm 1958, ông đi học sĩ quan quân đội. Vì lí do sức khoẻ, ông phải nghỉ học sĩ quan, chuyển sang học sư phạm và trở thành thầy giáo dạy Toán bậc trung học.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, những cựu chiến binh ở huyện Vĩnh Bảo tiếp tục tham gia con đường binh nghiệp, tham gia công tác, xây dựng quê hương, đất nước, lập gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành. Mỗi chặng đường luôn có nhiều khó khăn, thử thách nhưng những chiến sỹ năm xưa luôn bản lĩnh, vững vàng./.