Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp đồng hành cùng người bệnh Parkinson nhân Ngày Quốc tế 11/4
(Haiphong.gov.vn) - Hưởng ứng Ngày Quốc tế bệnh Parkinson (11/4), sáng 11/4, Đơn vị Lão khoa - Khoa Nội 4 - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tổ chức hoạt động trao tặng sách hướng dẫn tập luyện và chăm sóc sức khỏe dành riêng cho người bệnh Parkinson.
Đây là những cuốn sách được lựa chọn kỹ lưỡng, không chỉ mang tính thực tiễn cao mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đội ngũ y bác sĩ đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Mỗi cuốn sách được trao đi là một lời chúc, một thông điệp động viên gửi đến người bệnh – những chiến binh thầm lặng đang ngày ngày nỗ lực vượt qua bệnh tật.

Bệnh Parkinson là một bệnh lý thần kinh mạn tính, xảy ra do sự thoái hóa của một nhóm tế bào tại não bộ. Bệnh tiến triển chậm theo thời gian, với biểu hiện đặc trưng là run tay – dấu hiệu thường gặp nhất. Ngoài ra, người bệnh còn gặp các rối loạn vận động khác như tăng trương lực cơ, cứng cơ và cử động chậm chạp.
Bệnh được bác sĩ người Anh James Parkinson, sống tại London, mô tả lần đầu tiên vào năm 1817. Kể từ đó, căn bệnh này mang tên ông. Hiện nay, ước tính có khoảng 6,3 triệu người trên thế giới mắc bệnh Parkinson.
Bệnh thường khởi phát ở người trên 60 tuổi, tuy nhiên khoảng 10% bệnh nhân có thể bắt đầu mắc bệnh trước tuổi 50, và rất hiếm gặp ở người dưới 30 tuổi.
Mặc dù Parkinson không phải là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và công việc hằng ngày của người bệnh. Bệnh tiến triển từ từ, song việc điều trị bằng thuốc có thể giúp phần lớn bệnh nhân duy trì được cuộc sống và công việc trong nhiều năm.
Về mặt sinh học, bệnh Parkinson liên quan đến sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh Dopamin trong não – một chất đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh và điều khiển vận động. Tình trạng này xảy ra do sự suy thoái và chết dần của các tế bào thần kinh sản sinh Dopamin, tập trung chủ yếu ở vùng chất đen (substantia nigra) của não bộ. Khi lượng Dopamin suy giảm, khả năng kiểm soát vận động bị rối loạn, gây ra các triệu chứng đặc trưng của bệnh.

Các triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson bao gồm: run, cứng đờ cơ bắp, chậm vận động và rối loạn thăng bằng.
Run: Là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện ở tay và chân, rõ hơn khi người bệnh ở trạng thái nghỉ ngơi. Ví dụ, khi bệnh nhân để hai tay trên đùi và không làm gì, các ngón tay sẽ run rõ rệt hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện một động tác như cầm nắm vật gì đó, run lại giảm đi. Vì vậy, run trong bệnh Parkinson được gọi là "run khi nghỉ", khác với run do tiểu não hoặc run vô căn. Dù vậy, có khoảng 15% bệnh nhân Parkinson không bao giờ xuất hiện triệu chứng run trong suốt quá trình bệnh.
Cứng đờ cơ bắp: Người bệnh thường gặp khó khăn trong các động tác xoay cổ, xoay người, đứng dậy khỏi ghế, trở mình khi nằm. Các động tác khéo léo ở ngón tay trở nên khó thực hiện. Nét mặt trở nên ít biểu cảm, dáng đi hơi khom người.
Chậm vận động: Bệnh nhân khó khởi động các động tác và thực hiện mọi việc một cách chậm chạp, như cài khuy áo, mang giày dép, viết chữ (chữ viết nhỏ dần và chậm lại), cắt gọt trái cây,…
Rối loạn thăng bằng: Bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi ngồi xuống ghế, đứng lên, xoay người hoặc di chuyển; dễ bị mất thăng bằng và té ngã.
Triệu chứng khác: Giọng nói nhỏ, khó nghe; ít biểu lộ cảm xúc; rối loạn giấc ngủ; trầm cảm; lo âu; đau nhức; mệt mỏi. Ở giai đoạn muộn có thể xuất hiện khó nuốt và rối loạn trí nhớ.
Hiện nay, y học chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hay phòng ngừa bệnh Parkinson, tuy nhiên việc sử dụng thuốc có thể giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, người bệnh được khuyến khích kết hợp các biện pháp vật lý trị liệu, tập luyện thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống hợp lý.
Trong một số trường hợp nặng, khi thuốc không còn hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng phương pháp kích thích não sâu (Deep Brain Stimulation – DBS). Tuy nhiên, phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam và chỉ dành cho các bệnh nhân đáp ứng đủ điều kiện chuyên môn.
Do triệu chứng bệnh Parkinson biểu hiện khác nhau ở mỗi người, không có phác đồ điều trị chung cho tất cả. Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh liều lượng thuốc và phối hợp điều trị phù hợp theo từng giai đoạn bệnh.