(Haiphong.gov.vn) - Trong những năm gần đây Hải Phòng đã có những bước tiến vượt bậc về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi giúp thành phố phát triển.
1.1. Hạ tầng giao thông, vận tải
1.1.1. Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Hải Phòng đang được phát triển mạnh mẽ. Thành phố có các tuyến cao tốc quan trọng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (CT.04), dài 33 km, và cao tốc Hải Phòng - Hạ Long (CT.06), dài khoảng 2 km. Các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 5 (dài 35,5 km, 4 làn xe) và Quốc lộ 10 (dài 52,5 km, 2-4 làn xe) nối Hải Phòng với các khu vực khác trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Hải Phòng còn có các tuyến đường ven biển dài 20,9 km, cùng với hệ thống đường tỉnh dài 221,5 km, trong đó có nhiều tuyến được nâng cấp lên cấp III.
Mạng lưới giao thông đô thị của Hải Phòng gồm 380 tuyến đường, tổng chiều dài 515,95 km, với các tuyến trục chính và vành đai kết nối các quận trong thành phố. Các đô thị vệ tinh như Minh Đức, Núi Đèo, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Cát Hải, Cát Bà cũng có hệ thống giao thông được kết nối chặt chẽ với trung tâm thành phố.
Đối với giao thông nông thôn, trên địa bàn các xã có 5.521.43 km đường giao thông các loại, phần lớn các tuyến đường đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, tuy nhiên một số khu vực vẫn thiếu hệ thống chiếu sáng, vỉa hè và các tiện ích đồng bộ. Thành phố đang tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội.
1.1.2. Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt
Hạ tầng đường sắt tại Hải Phòng tương đối cũ kỹ, phương tiện lạc hậu. Trên địa bàn thành phố có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua, đoạn đi qua Hải Phòng dài 20,61 km, với 4 ga đầu mối là ga Hải Phòng, ga Thượng Lý, ga Vật Cách và ga Dụ Nghĩa. Ngoài ra, còn có 3 nhánh đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến Hà Nội - Hải Phòng tới các khu bến cảng dọc sông Cấm, bao gồm cảng Vật Cách và cảng Chùa Vẽ. Tuy nhiên, khu bến Đình Vũ, khu chuyên về container, hiện chưa có kết nối đường sắt trực tiếp mà phải chuyển tải qua đường thủy hoặc đường bộ.
Các ga đầu mối trong thành phố bao gồm ga Hải Phòng (diện tích 63.364 m2), ga Dụ Nghĩa (diện tích 30.267 m2), ga Vật Cách (diện tích 34.303 m2) và ga Thượng Lý (diện tích 28.250 m2). Tại các ga, có kết nối với phương tiện vận tải đường bộ như taxi, xe buýt và xe tải, nhưng hiện nay các bãi đỗ xe còn thiếu quy mô, vị trí đỗ xe chưa hợp lý và chưa có khu vực bố trí taxi đưa đón khách, gây bất tiện cho người sử dụng dịch vụ.
1.1.3. Hiện trạng kết cấu hạ tầng đường biển
Với vị trí địa lý thuận lợi, Hải Phòng hội tụ đủ điều kiện để trở thành một thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Có 8 đoạn luồng hàng hải chính trên địa bàn Hải Phòng: Lạch Huyện, Nam Triệu, Hà Nam, Cái Tráp, Bạch Đằng, sông Cấm, Vật Cách và Phà Rừng. Các luồng này có độ sâu từ -1,8 m đến -14,0 m, với chiều dài tổng cộng 78,5 km và có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT.
Hệ thống cảng biển của Hải Phòng được chia thành ba khu vực chính: khu cảng quốc tế Lạch Huyện, khu bến cảng sông Cấm và khu bến cảng Đình Vũ. Trong đó, cảng Hải Phòng có tổng cộng 51 cảng lớn nhỏ, với các chức năng đa dạng như cảng tổng hợp, cảng container, cảng hóa lỏng và cảng đóng tàu. Đặc biệt, vào năm 2018, bến khởi động của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã đi vào khai thác với công suất 1 triệu TEU/năm. Cảng Lạch Huyện được kỳ vọng sẽ đạt công suất lên đến 45-50 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2020-2025 và có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 100.000 tấn và tàu container đến 8.000 TEU vào giai đoạn sau 2030.
1.1.4. Hiện trạng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Hải Phòng có tổng chiều dài các tuyến đường thủy nội địa hơn 598,4 km , với 15 cảng thủy nội địa và 444 bến thủy nội địa. Trong đó, 90,9% là bến hàng hóa, bến tổng hợp và bến chuyên dùng, còn lại 9,1% là bến hành khách và bến khách ngang sông. Mạng lưới tuyến đường thủy nội địa của TP. Hải Phòng gồm 16 tuyến quốc gia dài 299 km và 10 tuyến địa phương dài 156,18 km. Các tuyến quốc gia đều đạt cấp III trở lên, thuận tiện cho việc vận tải thủy.
Hệ thống cảng thủy nội địa do địa phương quản lý bao gồm 444 bến, trong đó có 387 bến trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia, 29 bến trên luồng hàng hải và 28 bến trên tuyến ĐTNĐ địa phương. Các bến hàng hóa chiếm đa số, với 408 bến, trong đó 367 bến trên tuyến ĐTNĐ quốc gia. Về bến hành khách, thành phố có 36 bến hoạt động hợp pháp. Hệ thống bến thủy nội địa của TP. Hải Phòng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả vận tải.
1.1.5. Hiện trạng các công trình giao thông
Thành phố có nhiều cầu lớn qua các sông, như cầu Bạch Đằng, cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Rào I và II, cầu Lạch Tray, cùng một số cầu đang được xây dựng và cải tạo như cầu Nguyễn Trãi. Về nút giao thông, thành phố có khoảng 140 nút giao, bao gồm các ngã 5, ngã 6 và các nút giao khác mức, nhưng một số nút giao đồng mức còn nhỏ, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông, đặc biệt đối với việc vận chuyển hàng hóa đến cảng biển.
Ngoài ra, thành phố cũng có nhiều tuyến đò, phà như phà Lại Xuân, phà Dương Áo, phà Bến Gót, phục vụ các tuyến đường tỉnh. Hệ thống bến xe khách tại thành phố gồm 9 bến xe với tổng diện tích khoảng 6,5 ha. Tuy nhiên, mạng lưới bãi đỗ xe trong thành phố chưa được phát triển đúng mức, với phần lớn bãi đỗ xe là tạm thời và chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của người dân.
1.1.6. Hiện trạng kết cấu hạ tầng đường hàng không
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã được nâng cấp lên cấp 4E với công suất 2-3 triệu hành khách mỗi năm, gồm 11 đường bay và tần suất 40-50 chuyến/ngày. Hiện nay, cảng đang tiếp tục nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ về lưu lượng hành khách, đồng thời cần giải quyết việc kết nối vận tải đáp ứng nhu cầu.
*Nhận xét:
Giao thông đường bộ còn yếu về khả năng kết nối vùng. Do đó cần nghiên cứu, kết nối với các hành lang giao thông, kinh tế quốc gia, đặc biệt là hành lang công nghiệp phía Bắc (QL 18, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long), hành lang ven biển phía Đông (đường cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long), hành lang QL 10 phía Tây và hành lang QL 37 phía Nam. Hệ thống đường sắt còn thiếu kết nối với mạng lưới cấp vùng, như đường sắt Yên Viên - Hạ Long (phía Bắc). Ngoài ra chưa có kết nối với khu vực phát triển công nghiệp, cảng biển phía Đông (đặc biệt là cảng Lạch Huyện). Sân bay Cát Bi là 1 trong những công trình trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng đang được khởi công xây dựng nhà ga số 2 và khu vực logistic hàng hoá. Trong tương lai sân bay Cát Bi sẽ nằm giữa khu vực phát triển đô thị, nguy cơ bị giảm năng lực hoạt động của sân bay và ngăn khu vực đô thị lõi trung tâm kết nối về phía Đông và phía Nam đi Lạch Huyện và Đồ Sơn. Với vị trí như hiện nay, sân bay Cát Bi sẽ gặp khó khăn về quỹ đất và không gian tĩnh không khí muốn phát triển 1 cảng hàng không quy mô cấp vùng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng sân bay cấp vùng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng kinh tế tài chính của Hải Phòng. Trong khi nhu cầu tăng trưởng số lượng hành khách và hàng hoá qua sân bay Cát Bi rất lớn trong thời gian tới. Vì vậy, quy hoạch sân bay cần được xem xét kỹ lưỡng từ nhiều khía cạnh trước khi quyết định thực hiện.
1.2. Hạ tầng xăng dầu, khí đốt
Hải Phòng hiện có 09 kho xăng dầu, khí đốt, tổng quy mô 459.050 m3, tổng công suất cảng 54.000 DWT, trên tổng diện tích đất xây dựng 786.379 m2, phạm vi phục vụ khu vực Bắc Bộ. Hiện hệ thống kho trên địa bàn thành phố có thể mở rộng thêm 33.302 m2.
Ngoài ra, Hải Phòng có dự án kho cảng nhiên liệu hàng không Nam Đình Vũ tổng công suất 200.000 m2, hiện đã xong công tác thiết kế, chưa xây dựng.
1.3. Hạ tầng cấp điện
Hải Phòng hiện có hai nhà máy nhiệt điện than là Hải Phòng 1 và Hải Phòng 2 đang hoạt động, với tổng công suất đặt là 1.200 MW. Các nhà máy này được đấu nối vào lưới điện 220 kV và đặt tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Hiện nay, nguồn năng lượng tái tạo tại Hải Phòng chủ yếu bao gồm điện gió và điện mặt trời mái nhà. Tổng công suất của các nhà máy điện gió đạt 3,3 MW, và tổng công suất của nguồn điện mặt trời mái nhà vào khoảng 8 MW. Các dự án này chủ yếu cung cấp điện cho các khu vực như huyện đảo Bạch Long Vĩ, KCN Deep C và các hệ thống điện mặt trời mái nhà.
1.4. Hạ tầng Thông tin và Truyền thông
Mạng lưới bưu chính Hải Phòng phát triển rộng khắp, với 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ. Thành phố hiện có 30 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và 398 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính. Bưu điện thành phố có 205 điểm, bao gồm 1 bưu cục cấp 1, 10 bưu cục cấp 2, 48 bưu cục cấp 3 và 141 điểm Bưu điện Văn hóa xã. Mỗi điểm phục vụ trung bình khoảng 5.206 người, với bán kính phục vụ bình quân 1,1 km.
Mạng đường thư phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước được tổ chức riêng biệt để đảm bảo tính bí mật và đáp ứng thời gian. Các tuyến đường thư được chia thành ba cấp, với 11 tuyến cấp 1, 18 tuyến cấp 2 và 29 tuyến cấp 3, phục vụ liên tỉnh, nội thành và quận huyện, sử dụng ô tô chuyên dụng và xe máy.
Mạng chuyển phát tại Hải Phòng ngoài Bưu điện thành phố còn có 29 doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ bưu chính và chuyển phát, đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân trên địa bàn.
Dịch vụ bưu chính tại thành phố bao gồm các dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ tài chính ngân hàng, hành chính công, EMS, chuyển phát quốc tế, thương mại điện tử và logistics. Tốc độ tăng trưởng doanh thu các dịch vụ bưu chính tăng cao từ năm 2015 đến 2020, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Viet Nam Post đã triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia với sàn thương mại điện tử Postmart và nền tảng địa chỉ số Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử và logistics.
Nguồn nhân lực bưu chính có khoảng 1.980 lao động, tăng so với giai đoạn 2010-2015, tuy nhiên tỷ lệ lao động có trình độ cao vẫn còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này.
1.5. Hạ tầng thủy lợi
Toàn thành phố bao gồm 06 hệ thống thủy lợi, với tổng chiều dài các kênh trục chính lên đến 260,2 km và 135 kênh cấp I dài 526,6 km. Các công trình thủy lợi này phục vụ tiêu nước cho 102.265 ha đất và cấp nước tưới cho 58.253 ha đất canh tác. Hệ thống thủy lợi bao gồm 702 trạm bơm với tổng công suất lên đến 746.960 m³/h, cung cấp nước sinh hoạt cho các khu vực đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, và các nhà máy cấp nước lớn như An Dương, Cầu Nguyệt và Đồ Sơn, với tổng công suất 217.500 m³/ngày.
Cụ thể, hệ thống thủy lợi Đa Độ là lớn nhất trong thành phố, phục vụ các quận và huyện như An Lão, Kiến Thụy, Kiến An, Dương Kinh và Đồ Sơn, với tổng cộng 1.256 công trình. Hệ thống An Hải phục vụ các quận An Dương, Hồng Bàng và Hải An, bao gồm 1.241 công trình và 222,93 km kênh. Hệ thống Thủy Nguyên có 699 công trình và 283,365 km kênh, trong khi hệ thống Vĩnh Bảo với 735 công trình phục vụ khu vực Vĩnh Bảo và các khu vực xung quanh. Hệ thống Tiên Lãng bao gồm 620 công trình, trong đó có 65 cống dưới đê và 78 trạm bơm điện. Đối với huyện đảo Cát Hải, hệ thống thủy lợi có 09 cống dưới đê và 07 hồ chứa nước ngọt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
1.6. Hạ tầng cấp nước
Đến nay hầu hết các đô thị trong thành phố đều đã và đang có các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước. Nhu cầu cấp nước về cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tính đến thời điểm hiện nay có 08 quận nội thành (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh), 10 thị trấn (Núi Đèo, Minh Đức, An Dương, An Lão, Trường Sơn, Núi Đối, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Bà, Cát Hải) và 03 Khu công nghiệp (Vsip và Tràng Duệ 1, Deep C1, C2) có nhà máy cấp nước với tổng công suất các nhà máy cấp nước toàn thành phố đạt khoảng 570.500 m³/ngày đêm; trong đó cấp nước cho đô thị khoảng 428.400m³/ngày đêm, (riêng khu trung tâm TP. Hải Phòng đạt khoảng 350.000 m³/ngày đêm), cấp cho nông thôn khoảng: 122.100 m³/ngày đêm, khu công nghiệp: 20.000 m³/ngày đêm.
Tỷ lệ người dân được cấp nước sạch đô thị đạt 100%; đạt tỷ lệ khoảng 80% tại các khu vực ngoại thành). Tại khu vực trung tâm đô thị và các vùng lân cận được cấp nước từ các nhà máy nước tập trung (do Công ty CP Cấp nước Hải Phòng quản lý), hệ thống mạng lưới cấp nước cơ bản đã được cải tạo, thay thế đồng bộ, hoàn chỉnh nên tỷ lệ thất thoát ở mức thấp. Còn chủ yếu khu vực nông thôn, ngoại thành được cấp nước từ các nhà máy nước nhỏ lẻ và hệ thống mạng lưới cấp nước cũ, không đồng bộ, không cải tạo thay thế nên tỷ lệ nước thất thoát ở mức cao trung bình 40%.
2. Hiện trạng hạ tầng xã hội
Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư phát triển mạnh theo hướng hiện đại, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật như: Hệ thống giao thông cầu, đường bộ đối nội và đối ngoại. Hạ tầng kinh tế - xã hội có chuyển biến rõ rệt đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ ngày càng tốt hơn.
2.1. Hiện trạng về nhà ở
Quỹ nhà ở (Toàn thành phố): Bình quân diện tích nhà ở toàn thành phố là 25,2 m²/người. Trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn, tương ứng là 26,4 m²/người và 24,5 m²/người. Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2020 của TP. Hải Phòng cao hơn bình quân đầu người của cả nước 23,5 m²/người, thấp hơn các thành phố Hà Nội 26,1 m²/người, Đà Nẵng 27,4 m²/người và cao hơn thành phố Hồ Chí Minh 19,2 m²/người, Cần Thơ 22,5 m²/người.
So với năm 2010, diện tích nhà ở bình quân đầu người của Hải Phòng tăng 6,2 m²/người, trong đó khu vực thành thị tăng 4,79 m²/người. Mặc dù điều kiện nhà ở của người dân được cải thiện trong những năm qua, thể hiện qua diện tích nhà ở bình quân đầu người có xu hướng tăng sát với mục tiêu quốc gia, tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận dân cư đang sống trong ngôi nhà chật hẹp, thiếu kiên cố và đơn sơ.
Chất lượng nhà ở: Nhà kiên cố 354.085 căn, chiếm 65,9%; Nhà bán kiên cố 170.454 căn, chiếm 31,7% (Tổng kiên cố và bán kiên cố đạt 97,62%); Nhà thiếu kiên cố là 10.705 căn, chiếm 2%, nhà ở đơn sơ là 2.069 căn, chiếm 0,4%. Số liệu này so với mục tiêu quốc gia về nhà ở (Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030) là vượt mục tiêu bình quân toàn quốc (đến năm 2020 toàn quốc có 62% nhà ở kiên cố). Nhìn chung, mức sống của hộ gia đình đã tăng lên qua các năm; tỷ lệ nhà kiên cố hoặc bán kiên cố tăng, trong khi nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ đã giảm và chiếm % rất nhỏ.
Hiện tại địa bàn thành phố có trên 205 tập thể cũ quy mô từ 1 - 5 tầng với gần 9.000 hộ dân đang sinh sống, tập trung chủ yếu tại các khu: Cầu Tre, Thái Phiên, Đổng Quốc Bình, Đồng Tâm, Lam Sơn, An Dương, Quán Toan và các khu tập thể riêng lẻ nằm rải rác trên địa bàn các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Hải An. Trong số các khu tập thể này hiện có gần 200 tập thể được thành phố rà soát, đánh giá chất lượng cho thấy: Tất cả các khu tập thể được cơi nới trái phép làm tăng tải trọng công trình, chất lượng xuống cấp, nguy hiểm. Nguyên nhân gây hư hỏng được đánh giá do 4 nguyên nhân chính là: Do mẫu thiết kế ban đầu, do chất lượng xây dựng ban đầu, do thời gian xây dựng và sử dụng, do cơ chế quản lý của chính các khu chung cư cũ.
2.2. Hiện trạng hạ tầng giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp
Mạng lưới và quy mô các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và chuyên biệt tại Hải Phòng đã được đầu tư và phát triển đồng bộ. Đến năm học 2020-2021, thành phố có 496 trường phổ thông, bao gồm 219 trường tiểu học, 201 trường trung học cơ sở và 65 trường trung học phổ thông với hơn 503.000 học sinh. Tỷ lệ trường tiểu học trên một đơn vị hành chính cấp xã là 1,01, và trung bình mỗi lớp có 36,9 học sinh. Đối với giáo dục mầm non, thành phố có 1,56 trường mầm non trên mỗi xã, với diện tích đất công lập cho giáo dục mầm non là 111,38 ha. Các cơ sở giáo dục mầm non công lập có diện tích đất trung bình là 12,2 m²/trẻ.
Hệ thống giáo dục đại học tại Hải Phòng cũng phát triển mạnh mẽ với 4 trường đại học, bao gồm Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, với cơ sở vật chất đầy đủ, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Ngoài ra, giáo dục chuyên biệt cũng được chú trọng, với các cơ sở hỗ trợ học sinh khuyết tật như Trường Khiếm thính Hải Phòng và Trường Nuôi dạy trẻ em Khiếm thị Hải Phòng, đã được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 620 học sinh khuyết tật.
2.3. Hiện trạng hạ tầng cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe
Hệ thống cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe tại Hải Phòng đã được phát triển và cải thiện đáng kể. Đến năm 2020, thành phố có 248 cơ sở y tế công lập, bao gồm 14 bệnh viện, 217 trạm y tế xã, phường, và 15 trung tâm y tế quận, huyện. Tổng số giường bệnh đạt 8.143, với bình quân 40 giường/10.000 dân. Diện tích đất dành cho các cơ sở y tế là 109 ha, chiếm 0,5% diện tích đất hạ tầng của thành phố. Mạng lưới y tế công lập bao gồm bệnh viện tuyến thành phố và tuyến quận, huyện được phân bổ hợp lý, phát triển đồng đều với các bệnh viện lớn như Việt Tiệp, Phụ sản, và Kiến An, cũng như các trung tâm y tế tại các quận, huyện.
Cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất y tế, nhiều dự án y tế đã được triển khai, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa trang thiết bị y tế. Hải Phòng cũng đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng như Bệnh viện đa khoa Hải Phòng và Bệnh viện Y học Cổ truyền. Mạng lưới y tế dự phòng và y tế công cộng của thành phố cũng được củng cố, với trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các trạm y tế tại các xã, phường, thị trấn, đảm bảo công tác y tế dự phòng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Hệ thống giám định y khoa và pháp y cũng được chú trọng, với các trung tâm giám định pháp y và y khoa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phát triển, tuy nhiên vẫn còn thiếu sót về nhân lực và trang thiết bị tại một số tuyến y tế quận, huyện.
2.4. Hiện trạng hạ tầng văn hóa và thể dục, thể thao
Hiện trạng hạ tầng văn hóa và thể dục, thể thao tại Hải Phòng đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Thành phố hiện có 3 rạp chiếu phim công lập và 4 rạp chiếu phim ngoài công lập, cùng với 2 nhà hát và 4 rạp của các đoàn nghệ thuật, bao gồm Đoàn Ca múa, Cải lương, Múa rối và Chèo. Tuy nhiên, Đoàn Kịch nói vẫn chưa có rạp hát riêng. Hệ thống bảo tàng tại Hải Phòng gồm 6 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng công lập và 2 bảo tàng ngoài công lập, cùng với Nhà Triển lãm và Mỹ thuật thành phố. Các cơ sở văn hóa như Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên, Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Tiệp, và Cung Văn hóa Thiếu nhi cũng đóng góp vào việc phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân.
Hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố được phân bổ rộng khắp, với Trung tâm Văn hóa thành phố và 14 Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận, huyện. 191/217 xã, phường, thị trấn (88%) có Nhà văn hóa và khu thể thao. Tính đến nay, 151/151 xã, thị trấn có nhà văn hóa (100%), trong đó 113 nhà văn hóa đạt chuẩn (75%). Tuy nhiên, có 40/66 phường (60,6%) có nhà văn hóa, và chỉ 17 nhà văn hóa phường đạt chuẩn (42,5%). Hệ thống thư viện của thành phố khá đa dạng, với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố và nhiều thư viện tại các quận, huyện, xã, phường, trường học.
Mặc dù Hải Phòng đã đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất thể dục, thể thao, hệ thống các công trình thể thao trọng điểm như Nhà thi đấu đa năng Khu liên hợp thể thao thành phố, Sân vận động Lạch Tray và khu huấn luyện đua thuyền sông Giá tại Thủy Nguyên, vẫn còn một số vấn đề. Thành phố hiện có 3 tổ hợp thể dục thể thao cấp thành phố, 26 bể bơi và nhiều cơ sở thể thao khác, nhưng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao tại các quận, huyện, xã, phường vẫn gặp khó khăn. Hầu hết nhà thi đấu và các công trình thể thao tại các quận, huyện đều đã cũ, lạc hậu và quá tải, trong đó chỉ có 2 nhà thi đấu ở khu vực nội thành (quận Ngô Quyền và Lê Chân) đáp ứng nhu cầu sử dụng.
2.5. Hạ tầng khoa học - công nghệ
Hạ tầng khoa học - công nghệ của Hải Phòng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Đến năm 2020, thành phố đã có 49 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), bao gồm các tổ chức công lập và ngoài công lập, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhân lực KH&CN tại Hải Phòng cũng đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, với 4.517 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 8 giáo sư, 100 phó giáo sư, 452 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, cùng 2.163 thạc sĩ. Đội ngũ này chủ yếu làm việc tại các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức KH&CN, với trình độ ngoại ngữ tốt và khả năng hội nhập quốc tế cao.
Ngoài ra, Hải Phòng đã có 13 doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận và nhiều cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu quốc tế. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố cũng đã có 2.616 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và 1.205 văn bằng sở hữu công nghệ, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Về thông tin KH&CN, thành phố đã xây dựng mạng lưới thông tin KH&CN từ năm 2015, nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, giảng dạy và phát triển kinh tế - xã hội. Dịch vụ cung cấp thông tin KH&CN cũng ngày càng được đẩy mạnh, giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sản xuất kinh doanh. Hệ thống cơ sở dữ liệu về KH&CN đang được xây dựng và triển khai, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Về tài chính cho KH&CN, mức đầu tư từ xã hội vào lĩnh vực này đã tăng từ 0,46% GDP vào năm 2015 lên 0,62% GDP vào năm 2020. Mức đầu tư từ ngân sách cho KH&CN cũng được tăng dần hàng năm, chiếm tỷ lệ trung bình 0,285% tổng chi ngân sách thành phố.
Về hệ thống tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Hải Phòng đã hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, ISO 22000, HACCP, TQM, GMP và các hệ thống quản lý môi trường ISO 14000. Đến nay, gần 600 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng. Thành phố cũng triển khai chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trọng điểm, hỗ trợ 11 doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Hải Phòng cũng chú trọng đến việc xây dựng và công nhận các phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS (ISO/IEC 17025). Số lượng phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia đã tăng từ 7 phòng vào năm 2003 lên 31 phòng vào năm 2020. Bên cạnh đó, thành phố đã là một trong những địa phương đi đầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN/ISO 9001 tại các cơ quan quản lý nhà nước, từ cấp thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn. Việc cập nhật và chuyển đổi phiên bản 2015 của hệ thống này đã hoàn thành tại các cơ quan, đơn vị trong thành phố.
2.6. Hiện trạng công viên cây xanh
Quỹ đất phát triển cây xanh cảnh quan và không gian mở của thành phố khá lớn, nhưng vẫn chưa có các công viên trung tâm lớn, tương xứng với vị thế của một đô thị trung tâm vùng. Thành phố hiện có 5 công viên lớn, bao gồm công viên An Biên, dải cây xanh công viên từ hồ Tam Bạc đến công viên Rồng biển cũ, công viên hồ Phương Lưu, công viên Tam Bạc và công viên Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Tiệp. Ngoài ra, còn có 12 hồ với chức năng hỗn hợp bao gồm mặt nước, khu vực nghỉ ngơi và hồ điều hòa, như hồ An Biên, hồ Phương Lưu, hồ Tam Bạc, hồ Tiên Nga, hồ Dư Hàng, hồ Lâm Tường, hồ Hạnh Phúc, hồ Sen, hồ Thượng Lý, hồ Văn Minh, hồ Trại Chuối và hồ Cát Bi.
Tuy nhiên, công viên tại khu vực nội đô chủ yếu có quy mô nhỏ và thiếu quỹ đất để mở rộng diện tích cây xanh, công viên hay vườn hoa. Đặc biệt, quận Lê Chân và Dương Kinh hiện vẫn chưa có công viên hay vườn hoa. Trong các dự án phát triển đô thị, cây xanh chủ yếu được quan tâm ở mức độ các dự án nhỏ lẻ, mỗi khu đô thị mới có các vườn hoa cấp đơn vị ở, nhưng chưa có công viên cây xanh lớn phục vụ cấp thành phố. Mặc dù một công viên mới, công viên hồ Phương Lưu, đã được xây dựng trong những năm gần đây, nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành phần hồ và đường ven hồ.
Diện tích đất cây xanh công viên toàn đô thị hiện tại là 229,19 ha, với bình quân 2,81 m²/người, vẫn thấp so với tiêu chuẩn đô thị loại 1 (7,5 m²/người) và đô thị loại đặc biệt (9,0 m²/người), đạt lần lượt 37,47% và 31,22% các tiêu chuẩn này. Đối với đất cây xanh vườn hoa, toàn thành phố có 15,42 ha, với bình quân 0,19 m²/người, cũng thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của đô thị loại 1 (2,8 m²/người) và đô thị loại đặc biệt (4,0 m²/người), đạt lần lượt 6,79% và 4,75%. Tình hình này cho thấy Hải Phòng cần có những nỗ lực đáng kể để cải thiện diện tích cây xanh và phát triển các công viên công cộng phục vụ nhu cầu thư giãn, vui chơi của người dân và cải thiện chất lượng không gian sống đô thị.