Quận Lê Chân: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất
(Haiphong.gov.vn) - Sáng 29/10, Hội LHPN quận Lê Chân tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của nhóm trẻ độc lập tư thục tham gia Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến sau năm 2020” (Đề án 404) sau năm 2020 gắn với Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” (Đề án 1677) với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đơn vị, đoàn thể và phụ huynh là nữ công nhân lao động. Tới dự có các đồng chí: Trần Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố; Phạm Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND quận.

Quanh cảnh Hội thảo.
Trên địa bàn quận Lê Chân có Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm; có nhiều khu tập thể dành cho công nhân như: Khu tập thể Lam Sơn, An Dương, Niệm Nghĩa, Trần Nguyên Hãn, Vĩnh Niệm. Vì vậy, số lượng công nhân lao động tại các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố sinh sống trên địa bàn quận khá cao. Có 30 trường mầm non (trong đó có 15 trường công lập và 15 trường tư thục) và 33 nhóm lớp mầm non tư thục đã được cấp phép.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Lê Chân phát biểu tại Hội thảo.
Đối với nhóm lớp thực hiện theo Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến sau năm 2020” (Đề án 404) của thành phố được triển khai từ năm 2017 đến nay do Hội LHPN quận là cơ quan thường trực đã hỗ trợ 13 nhóm được cấp phép hoạt động, kết quả này đã góp phần giúp các nữ công nhân yên tâm gửi con để tập trung lao động, sản xuất; các nhóm trẻ tư thục độc lập thực hiện theo Đề án 404 đã được hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, với tổng trị giá các gói hỗ trợ từ năm 2016 - 2022 là trên 500 triệu đồng cho các nhóm trẻ. Cùng với đó là tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng chăm sóc trẻ, truyền thông kiến thức chăm sóc sự phát triển toàn diện của trẻ; tăng cường công tác giám sát, từ đó kịp thời thông tin, phản ánh tình hình các nhóm trẻ và đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh tại các nhóm trẻ... Những kết quả ban đầu của Đề án đã góp phần giảm sự quá tải cho một số trường mầm non công lập trên địa bàn quận; tạo việc làm cho giáo viên mầm non được đào tạo nhưng chưa có việc làm và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội của quận.

Đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các nữ công nhân chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề gửi trẻ dưới 36 tháng ra lớp; đề xuất các giải pháp để giải quyết các khó khăn vướng mắc đó; đồng thời nghe chia sẻ của Chủ nhóm trẻ độc lập tư thục khi tham gia Đề án 404 cũng như nghe các giải pháp của UBND phường trong việc quản lý hoạt động của các nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn.


Các đại biểu dự Hội thảo.
Thông qua Hội thảo nhằm tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, truyền thông về công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non; tư vấn, hướng dẫn các bà mẹ là công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có con trong độ tuổi mầm non về cách chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại gia đình; tuyên truyền về phòng chống, xâm hại trẻ em; phòng chống các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ...

Báo cáo viên Trung tâm công tác xã hội tuyên truyền tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng được nghe báo cáo viên Trung tâm công tác xã hội và Qũy bảo trợ Trẻ em Hải Phòng tuyên truyền cung cấp kiến thức phòng ngừa trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và thực hành tình huống giả định.
Hoàng Tùng