Kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN: Củng cố, phát triển trở thành một trong những tổ chức hợp tác khu vực quan trọng, thành công trên thế giới
(Haiphong.gov.vn) - Ngày 8/8, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (8/8/1967 - 8/8/2022). Trải qua thăng trầm với biết bao thay đổi của thế giới trong hơn 5 thập kỷ qua, ASEAN đã củng cố, phát triển trở thành một trong những tổ chức hợp tác khu vực quan trọng, thành công trên thế giới, khởi đầu cho tiến trình liên kết sâu rộng, kiến tạo và gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và khu vực.

Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2022).
ASEAN đã xây dựng được một hệ thống thể chế ban đầu với nền tảng là Hiến chương ASEAN và các văn kiện quan trọng khác, cùng với một lộ trình cụ thể hướng tới xây dựng Cộng đồng với kết quả khả quan và đạt được một mức độ nhất định về xây dựng lòng tin với nhau, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong và ngoài khu vực, khiến uy tín của Hiệp hội được nâng cao, thúc đẩy ASEAN đóng vai trò là trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 thông qua Tuyên bố Bangkok, với 5 thành viên ban đầu là Sinagpore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan. Đến năm 2009, ASEAN đã kết nạp đầy đủ 10 nước trong khu vực Đông Nam Á; chấp nhận Timor Leste và Papua new Guinea làm quan sát viên. Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995.

Đại diện các nước thành viên ASEAN cùng các đại biểu dự Lễ thượng cờ.
Về đặc điểm, Cộng đồng ASEAN là một tổ chức hợp tác liên Chính phủ, “thống nhất trong đa dạng”, có mức độ ràng buộc pháp lý cao hơn trên cơ sở Hiến chương ASEAN, nhưng không phải một tổ chức siêu quốc gia. Về bản chất, ASEAN là tập hợp của các nước nhỏ và vừa, với sự đa dạng về nhiều mặt; hợp tác và liên kết tiến triển trên cơ sở nâng dần mẫu số chung về lợi ích của các nước thành viên. Đây là nhân tố cơ bản nhất quyết định các vấn đề lớn của ASEAN, kể cả thành công và hạn chế.
Thực tế phát triển của ASEAN gần nửa thế kỷ qua cho thấy, ASEAN luôn có hai mặt: vừa “đa dạng”, vừa “thống nhất,” “hướng tâm” và “ly tâm”... nhưng về tổng thể, đây là một tổ chức khá năng động và linh hoạt, biết tận dụng tối đa các ưu thế về địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế, giữ vai trò cân bằng và điều hòa lợi ích các nước lớn ở khu vực, luôn tự điều chỉnh để kịp thích nghi với những chuyển biến mới ở khu vực và trên thế giới, khẳng định được giá trị tồn tại và vị thế quốc tế.
Bước vào giai đoạn mới, trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới có những biến động phức tạp, ASEAN đã bắt đầu chuẩn bị cho việc hình thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, đánh dấu bởi Tuyên bố các nhà Lãnh đạo ASEAN về định hướng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, sáng kiến do Việt Nam đề xuất và đã được thông qua tại Cấp cao ASEAN-37 (11/2020) trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Hiện ASEAN đang triển khai soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 theo lộ trình đã đề ra.
(TTXVN)