Lễ hội đầu xuân, nét đẹp văn hóa của cư dân Cát Hải

Lễ hội đầu xuân, nét đẹp văn hóa của cư dân Cát Hải

Tháng ba, thời điểm chuyển mình của đất trời sau những tháng dài mưa lạnh, u ám. Tháng ba về mang theo chút nắng nhẹ dịu sưởi ấm cho hòn đảo quanh năm dập dờn sóng vỗ. Những ngư dân Cát Hải, Cát Bà có nguồn gốc từ nhiều vùng khác nhau, song họ tụ họp lại hình thành một cộng đồng người dân sinh sống bằng nghề đi biển.

Trải qua thời gian, họ sống và gắn bó với đảo như khúc ruột của mình. Sinh ra, lớn lên với sự khô cằn của đất, vị mặn mòi của biển và cái nắng đến sạm da của trời, họ được rèn giũa một tinh thần bền bỉ, kiên cường trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, họ lao động chăm chỉ và cần cù giữa biển khơi. Ban ngày bươn trải với cuộc sống nhọc nhằn, sôi sục, nhưng khi màn đêm buông xuống cuộc sống của những người ngư dân ở đây lại trở nên yên bình và lãng mạn biết nhường nào. Dưới ánh trăng vằng vặc, biển thổi vào những ngọn gió mát lành, họ quây quần bê nhau bằng điệu sáo, câu hò hay kể nhau nghe về những câu chuyện hài hước họ tự nghĩ ra chỉ để giải tỏa những mệt nhọc thường ngày. Chẳng thế mà ngày nay người làng Trân Châu nổi tiếng với lối nói hài hước, phóng đại.

Làng xóm trên đảo thường nằm sát biển, để thuận tiện cho việc đánh bắt. Đặc biệt làng xã trên đảo Cát Bà nằm ở các thung áng có thế mở nhìn ra cửa biển, lúc nào cũng tấp nập trên bến dưới thuyền. Sáng sớm có thể đón lấy ánh nắng của buổi hừng đông hùng vĩ trên mặt biển mênh mông, chiều tà có thể ngắm hoàng hôn lặn dần sau những dãy núi đá vôi phủ xanh thảm thực vật. Đêm đêm nghe tiếng sóng vỗ rì rào phía xa tựa như tiếng ru êm đềm của mẹ. Cũng bởi cái thơ mộng và bình dị ấy, Cát Bà đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài. Họ đến Cát Bà không chỉ chiếm ngưỡng cảnh đẹp hoang sơ, thơ mộng mà họ còn muốn trải nghiệm đời sống văn tinh thần của người dân trên đảo và khám phá những giá trị đa dạng sinh học độc đáo của miền đất này. Chị Jenny, một du khách đến từ Reru chia sẻ, lần đầu tiên đến Cát Bà, chị thấy rất tuyệt vời bởi vẻ đẹp thiên nhiên ở đây. Chị đã được thăm và nghe giới thiệu về giá trị đa dạng sinh học cũng như giá trị văn hóa của vùng đất này, thấy rất tò mò muốn được khám phá mọi thứ.

Do được bao quanh bốn bề là biển, nên cuộc sống của người dân đây phụ thuộc vào biển, gắn bó với biển bằng những kế sinh nhai, những câu chuyện về nước, về hải thần và những hoạt động thể thao, giải trí trên biển. Không gian biển chính là hơi thở, là sự sống. Ở đó tuy đầy hiểm nguy rình rập nhưng ngư dân vẫn bền bỉ bám biển mưu sinh. Và cũng chính từ biển đã hình thành nét văn hóa của cư dân mỗi vùng.

Một năm khởi đầu từ mùa xuân, và mùa xuân nơi hải đảo lại càng trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết - mùa của sự sinh sôi, mùa của sự bắt đầu một vụ cá mới – vụ cá nam. Hàng năm cứ sau tết nguyên đán, những người ngư dân quê đảo lại bắt tay vào sửa sang ngư lưới cụ, thuyền mủng để chuẩn bị cho những chuyến khơi xa.

Anh Nguyễn Thành Vinh, một ngư dân cho biết: từ tháng 3 dương lịch là thời điểm vụ cá Nam, một số loài hải sản vào gần bờ để sinh sản nên thuận tiện cho việc đánh bắt. Đây là vụ cá khai thác với sản lượng cao nhất trong năm, vì vậy, cứ sau tết nguyên đán, khi chuẩn bị bước vào vụ cá nam các ngư dân miền biển thường tập trung sửa chữa tàu thuyền, chuẩn bị ngư lưới cụ để chuẩn bị bước vài vụ mới, đồng thời làm lễ cúng thủy thần để cầu cho năm mới làm ăn thuận lợi.

Ngoài việc chuẩn bị vật chất cho những chuyến ra khơi thì một tục lệ không thể thiếu từ bao đời nay, nó vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa là cổ vũ đời sống tính thần những người con của biển trước khi phải đối mặt với sóng gió, hiểm nguy, đó chí là lễ hội đầu năm. Lễ hội của người dân đảo mang đậm ý nghĩa tiêu biểu nhất trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa của ngư dân đó là lễ cầu ngư. Biển mang lại cho người dân những nguồn lợi phong phú, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro, bất trắc, nhất là trong mùa mưa bão. Bởi vậy mà trong sinh hoạt ngư nghiệp truyền thống của ngư dân có những hình thức tín ngưỡng thờ cúng để mong mưa thuận gió hòa, được các đấng thần linh che chở, bảo vệ họ trong những chuyến đi biển.

Cùng với l cầu ngư là hoạt động thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Mỗi năm hàng vạn con giống thủy sản các loại được thả xuống vùng biển Cát Bà. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt, đồng thời góp phần nâng cao sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Bên cạnh đó, nhằm kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, nhất là việc duy trì và bảo vệ các loài có giá trị cao.

Đối với ngư dân Cát Hải, Cát Bà, l hội đầu xuân không chỉ xuất phát từ khát vọng được bình yên trong cuộc sống, lễ hội còn bắt nguồn từ những truyền thuyết dân gian về tục thờ cúng thần biển hay từ những sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Ở mỗi làng, mỗi xã trên đảo có một lễ hội truyền thống mang một sắc thái riêng. Tiêu biểu như Hội đền Bà xã Hiền Hào được tổ chức vào tháng giêng, chính hội là ngày 12 tháng giêng gắn với sự tích Mẫu Bà - bậc thánh nhân, có công chăm lo cho dân, dạy dân biết cấy trồng, dệt vải, đánh bắt cá tôm. Hội chèo bơi ở thị trấn Cát Hải được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng - bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của những người đi biển, cầu Đông Hải đại vương - vị thần cai quản vùng biển phía Đông của Tổ quốc phù hộ cho một năm mưa thuận gió hoà, tôm cá bội thu. Hay lễ rước nước, Hội xa mã ở xã Hoàng Châu, là dịp để dân làng tưởng nhớ những người có công khai sinh lập làng, và những người đi làm ăn xa trở về đoàn tụ cùng gia đình. Và còn rất nhiều những hội làng được các địa phương tổ chức sôi nổi và hấp dẫn.


Lễ hội xa mã ở Hoàng Châu

Trong số các lễ hội ở huyện đảo thì lễ hội làng cá 31/3 là lễ hội có quy mô lớn cấp huyện, do Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tổ chức. Đây là sự ghi nhớ sự kiện ngày 31 tháng 3 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng Cá Cát Hải, Cát Bà, động viên thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương. Từ đó đến nay, ngày 31 tháng 3 hàng năm đã trở thành ngày hội của huyện đảo, cũng đúng dịp ngày truyền thống của ngành Thuỷ sản Việt Nam 1/4, ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm bắt tay vào vụ Nam của ngư dân trên đảo. Lễ hội thường được tổ chức xuyên suốt nửa cuối tháng ba, gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm ba nội dung chính là Lễ kỷ ngày Bác Hồ về thăm làng cá, khai trương du lịch Cát Bà và lễ cầu ngư ra quân vụ cá Nam. Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi như hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa vùng miền, giải bóng đá, bóng chuyền, đặc biệt là Hội đua thuyền rồng truyền thống.


Hội đua thuyền rồng truyền thống trên đảo Cát Bà

Đặc điểm nổi bật trong văn hoá dân gian của người miền biển là ngày hội xuống nước ở các làng chài, cùng nhiều trò chơi gắn liền với việc đánh bắt thủy sản. Ngày nay, những trò vui chơi, thi đấu trên sóng biển ở hòn đảo này trở thành một nét văn hoá rất riêng. Dân đi biển Cát Bà, Cát Hải thường tổ chức đua thuyền rồng khi kết thúc vụ cá Bắc, mở đầu vụ cá Nam. Hình ảnh những chiếc thuyền hình thoi, đầu rồng, sơn son thiếp vàng rực rỡ, trên khoang chở trên 20 thanh niên trai tráng khỏe mạnh, rẽ sóng vươn mình lao vun vút trên mặt biển đã thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tận mắt chứng kiến. Hội đua thuyền không chỉ là một trò chơi đơn thuần, nó còn là sự khẳng định trí tuệ, sự khéo léo, sự đoàn kết cộng đồng và sức mạnh dẻo dai của con người trong quá trình bảo vệ và chinh phục biển cả.

Lễ hội tại huyện đảo không kéo dài lâu, nhưng đủ để cho mỗi du khách đến dự hội cảm nhận về những giá trị  lịch sử, văn hóa, tinh thần đặc sắc của con người và miền đất nơi đầu sóng ngọn gió này. Tháng 3, trên khắp làng quê huyện đảo đang dấy lên một bầu không khí tươi mới và sôi động. Ngư dân trên đảo đang chuẩn bị cho một mùa hội mới với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Mỗi mùa lễ hội, hòn đảo xinh đẹp này sẽ tạm thay chiếc áo màu xanh yên bình bằng sắc đỏ của cờ hoa rực rỡ và những dòng người đổ về trung tâm du lịch để dự hội. Lễ hội năm nay huyện Cát Hải tổ chức tuy không lớn song cũng hội tụ nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn.

Ông Vũ Tiến Lập – Trưởng Phòng văn hóa – thể thao và du lịch huyện Cát Hải cho biết: Năm nay là năm lẻ nên huyện Cát Hải tổ chức trên tinh thần trang trọng và tiết kiệm. Nội dung lễ hội gồm  phần chính. Phần lễ gồm lễ cầu ngư; Lễ kỷ niệm 59 năm Bác Hồ về thăm làng cá 31/3/1959 – 31/3/2018, ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, khai mạc du lịch Cát Bà 2018. Phần hội có giải đua thuyền rồng tranh Cúp Báo Hải Phòng lần thứ 24, giải bóng chuyền và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra huyện cũng đã tổ chức Hội chợ thương mại, du lịch từ ngày 25/3 đến 1/4/2018. Trong giải đua thuyền rồng lần này huyện cũng sẽ lựa chọn lực lượng để chuẩn bị tham gia giao giải đua thuyền rồng tại huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 23/4 và tham gia giải đua thuyền của thành phố Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng Giang và giao lưu đua thuyền rồng tại Đồ sơn dịp 30/4, 1/5/2018.

Lễ hội đầu xuân tại huyện đảo lưu giữ trong mình tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại. Cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.

Hoàng Tản – Lê Yến

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn