Thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 7h ngày 26/5/2021

I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:  

168.489.740 ca mắc, 3.498.759 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.

Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:

- Mỹ: 33.944.107 người mắc605.162 người tử vong.

- Ấn Độ: 27.156.382 người mắc; 311.421 người tử vong.

- Brazil: 16.195.981 người mắc; 452.224 người tử vong.

1. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 495.933 ca nhiễm mới và 11.386 ca tử vong mới. Có 14.987.496 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 96.300 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (208.886 ca), Brazil (73.073 ca) và Argentina (24.601 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 4.172 ca), tiếp theo là Brazil (2.005 ca) và Argentina (576 ca)

2.  Ngày 25/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.645 ca mắc COVID-19 và 298 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 3.881.446 trường hợp và 76.340 ca tử vong.  

Có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 172 ca. Philippines ghi nhận 36 ca tử vong, Malaysia 60 ca, Thái Lan 26 ca và Campuchia  4 ca tử vong mới.

Với 5.060 ca nhiễm mới, Indonesia tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Trong khi đó, Philippines ghi nhận ca nhiễm mới giảm dần, với 3.972 ca nhiễm trong ngày 25/5. Thái Lan có 3.226 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 568 ca nhiễm mới.

3. Bộ Y tế Lào ngày 25/5 cho biết nước này đã ghi nhận 56 ca nhiễm COVID-19 mới tại 6/18 tỉnh thành trong 24 giờ qua, gồm 42 ca cộng đồng và 14 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Sau vài ngày không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào, huyện Ton Pheung, tỉnh Bokeo, nơi có đặc khu Tam Giác Vàng, lại trở thành điểm nóng với 17 ca cộng đồng, tiếp đó là thủ đô Viêng Chăn với 15 ca cộng đồng. Sau hơn 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa, việc số tỉnh có người mắc và số ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Lào bất ngờ tăng trở lại cho thấy tình hình dịch tại nước này vẫn còn phức tạp và khó lường.

4. Ngày 25/5, Giám đốc điều hành Moderna, ông Stephane Bancel cho biết: "Vaccine mRNA-1273 có hiệu quả cao trong phòng bệnh COVID-19 ở trẻ em" và không đặt ra vấn đề mới hoặc nghiêm trọng nào về sự an toàn trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng. Thông báo trên mở ra khả năng vaccine này sẽ được cấp phép tiêm cho trẻ em ở độ tuổi đến trường từ tháng 7.

Trong cuộc thử nghiệm lâm sàng, Moderna đánh giá vaccine với 3.732 trẻ em từ 12-17 tuổi, trong đó 2/3 được tiêm vaccine và 1/3 tiêm giả dược. Hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai, các nhà nghiên cứu không phát hiện ca nhiễm nào trong nhóm được tiêm vaccine, trong khi có 4 ca nhiễm trong nhóm tiêm giả dược. Các nhà nghiên cứu cũng không phát hiện vấn đề nào về độ an toàn của vaccine. Các tác dụng phụ phổ biến sau liều thứ hai là đau đầu, mệt mỏi, đau người và cảm lạnh.

5. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đề cập đến thực trạng này trong một buổi họp báo, khi nói rằng “Ấn Độ là mối quan ngại lớn… Nhưng không phải chỉ có Ấn Độ mới rơi vào tình cảnh khẩn cấp”. mà có ít nhất 4 quốc gia và vùng lãnh thổ khác rất đang quan ngại.

Argentina: với 3,5 triệu ca mắc; tổng số tử vong trên 74.000 người; tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi: 19,25%.

Nepal: với 513.000 ca mắc; tổng số ca tử vong: 6.300 ca; tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi: 7,3%.

Bahrain: 218.000 ca mắc; tổng số ca tử vong: trên 820 ca; tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi: 51,8%.

Đài Loan/Trung Quốc: 4.300 ca mắc; tổng số ca tử vong trên 23 ca; tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi: 0,14%.

II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam: 

Tính từ 19h30h ngày 25/5 đến 6h ngày 26/5

- Việt Nam ghi nhận 80 ca mắc mới trong nước (BN5852-5931)  tại Bắc Giang (55), Bắc Ninh (23), Thanh Hóa (1), Hải Dương (1).

Tính đến 6h ngày 26/5:

- Việt Nam có tổng cộng 4.442 ca ghi nhận trong nước và 1.489 ca nhập cảnh.

- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 2.872 ca.

1. Tại cuộc họp trực tuyến khẩn về công tác phòng chống dịch của Bắc Giang chiều ngày 25/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Quan điểm Bộ Y tế: từng hỗ trợ Đà Nẵng rất lớn nhưng lần này phải hỗ trợ cao hơn, hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Chủng lây lần này rất nhanh, rất mạnh, lan rất rộng và có khả năng nhân lên và khả năng phát tán mầm bệnh rất rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tại nhà máy Hosiden (Khu công nghiệp Quang Châu) số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55% do lây từ trước, trong khu lưu trú, nhà máy nhưng vẫn lên xe đi làm. Mật độ công nhân ở các ổ dịch quá đông, môi trường khép kín, nhà ăn tập thể, khu vệ sinh dùng chung. 

“Ưu tiên nhất hiện nay là làm thế nào phòng chống và dập cho bằng được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được thì chúng ta thất bại và sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác thì rất nguy hiểm.

2. Ngày 25/5 Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra một số biện pháp cụ thể để xử lý ổ dịch tại Bắc Giang:

Thứ nhất, trên toàn địa bàn, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng tỉnh đánh giá lại tất cả nguy cơ của tất cả các huyện, không riêng 4 huyện đang cách ly theo chỉ đị 16. Đối với các khu vực khác, nếu có vấn đề gì thì mạnh dạn giãn cách xã hội chỉ thị 16.

Thứ hai, đối với tất cả những trường hợp có ổ dịch tại cộng đồng, thực hiện đúng nguyên tắc truy vết, cách ly, dập dịch, điều trị nhưng phải truy vết triệt để, không được để sót trường hợp F1.  

Thứ ba, các khu vực có nhiều công nhân như My Điền, Núi Hiểu, Trung Đồng… phải đóng băng lại, áp dụng thiết chế cách ly tập trung toàn bộ khu vực này và mở rộng các khu vực khác nếu có đông công nhân và yếu tố nguy cơ.  

Thứ tư, hiện tỉnh Bắc Giang có các tổ COVID-19 cộng đồng rồi, giờ phải tổ chức lại, giám sát lại, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Thứ năm, phải từng bước làm sạch môi trường công nhân qua nhiều vòng. Bằng xét nghiệm, áp thiết chế cách ly tập trung.  

3. Ngày 25/5, ông Trần Văn Thuật, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, trong buổi làm việc với Bộ Y tế, đã trao số tiền hỗ trợ 500 triệu đồng đến cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống, dịch COVID-19.

Trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 từ ngày 21/4 đến nay đang diễn biến phức tạp, khó lường, trực tiếp tấn công vào công nhân lao động, nhất là một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một bộ phận công nhân lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế đề xuất Chính phủ bổ sung công nhân lao động vào diện ưu tiên tiêm vaccine.

III.  Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:

- Tổng số ca mắc: 08 ca; số khỏi bệnh, xuất viện: 06 ca. BN3210, BN4380 đang theo dõi tại BV Việt Tiệp cơ sở 2.

- Số ca nhiễm mới đến 6h ngày 26/5/2021: 0 ca

- Thực hiện cách ly y tế:

+ Số đang cách ly tập trung: 361 người

+ Số đang cách ly tại khách sạn: 418 người

+ Số đang cách ly tại nhà: 3.466 người

* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:

1. Ngày 25/5, Chủ tịch UBND thành phố, có văn bản chỉ đạo số 3368/UBND-VX, từ 6h00’ ngày 26/5/2021 cho phép hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà, cơ sở lưu trú, công viên - vườn hoa, sân golf, sân tập golf trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố yêu cầu các cơ sở lưu trú phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tùy theo quy mô của từng cơ sở, không được phục vụ quá đông người trong cùng một thời điểm, phải đảm bảo tuân thủ khoảng cách của khách tối thiểu 2m; Các sân golf chỉ tiếp đón người chơi đang sinh sống tại thành phố Hải Phòng và phải có Giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày hoặc Giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Các hoạt động tại công viên - vườn hoa phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m/người.

2. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, chiều 25/5, tại Hội trường Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trao kinh phí ủng hộ tới Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố với số tiền 669 triệu đồng.

3. Ngày 25/5, đồng chí Trần Anh Cường – Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đi kiểm tra công tác phòng chống dịch, công tác xét nghiệm diện rộng, sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh tại khu công nghiệp Nomura trên địa bàn huyện An Dương.

Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của thành phố tập trung số lượng lớn chuyên gia nước ngoài và công nhân từ tỉnh ngoài đến làm việc, cùng với số lượng lớn công nhân lao động của thành phố, nguy cơ dịch xâm nhập vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất lớn. Vì vậy ngành Y tế đã thực hiện một loạt biện pháp, trong đó có biện pháp xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ chuyên gia cũng như công nhân ngoại tỉnh làm việc tại khu công nghiệp. Trước mắt, sẽ xét nghiệm khoảng 10-20% công nhân lao động trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Hợp Thịnh, Giám đốc Sở Y tế đánh giá doanh nghiệp thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đồng chí đề nghị doanh nghiệp cần xây dựng phương án triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo các tình huống, tự đánh giá mức độ an toàn trong phòng chống dịch, lưu ý bố trí nơi làm việc đảm bảo giãn cách, thông thoáng, treo nội dung hướng dẫn về công tác phòng chống dịch, triển khai thực hiện khai báo y tế điện tử đối với người lao động, quản lý người lao động từ tỉnh ngoài, người thuê trọ… để đảm bảo quy định phòng chống dịch.

4. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với người bệnh (F1, F2), các ca bệnh nghi ngờ, người về từ vùng dịch, hoặc có đi qua địa điểm theo các Thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế.

5. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh, truyền thông tại cộng đồng về cài đặt Bluezone, Khai báo y tế bằng QR Code, sử dụng Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 qua covidmaps.haiphong.gov.vn.

Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn