Thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 7h ngày 22/4/2021

I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:  

144.398.270 ca mắc, 3.070.150 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.

Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:

- Mỹ: 32.595.164 người mắc583.238 người tử vong.

- Ấn Độ: 15.924.732 người mắc; 184.872 người tử vong.

- Brazil: 14.122.795 người mắc; 381.475 người tử vong.

1.  Ngày 21/4, thế giới ghi nhận trên 852.000 ca bệnh COVID-19 và trên 13.100 ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (315.728 ca), Brazil (71.910 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (61.967 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới là Brazil (2.945 ca), Ấn Độ (2.102 ca) và Mỹ (784 ca).

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 315.728 ca mắc COVID-19 và 2.102 trường hợp tử vong. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. 

2. Ngày 21/4, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 19.175 ca mắc COVID-19 và 372 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.227.240 ca, trong đó 65.112 người tử vong.

Do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong những ngày qua, đặc biệt là tại thủ đô Viêng Chăn, chiều 21/4, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã ra chỉ thị yêu cầu phong tỏa thủ đô Viêng Chăn.

3. Khi hệ thống y tế của Ấn Độ đang trên bờ vực sụp đổ, một số thành phố lớn đã ghi nhận số lượng thi thể được đưa đến hỏa táng và chôn cất lớn hơn nhiều so với số ca tử vong vì COVID-19 được công bố chính thức. Số người tử vong tại nước này trên thực tế có thể cao hơn từ 2 – 5 lần số liệu báo cáo, vượt xa mức trung bình toàn cầu. Ông Azad, quản lý cơ sở hỏa táng lớn nhất tại Baikunthdham - Lucknow, bang Uttar Pradesh, cho biết “số lượng thi thể được hoả táng theo quy định về COVID-19 đã tăng gấp 5 lần trong những tuần gần đây. Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm. Lò thiêu liên tục rực lửa, nhưng nhiều thi thể vẫn phải xếp hàng chờ đợi".

Số liệu này còn chưa tính đến các cơ sở mai táng khác, hoặc các trường hợp được chôn cất theo phong tục của người Hồi giáo - cộng đồng chiếm 1/4 dân số.

4. Ngày 21/4, Quốc hội liên bang Đức đã bỏ phiếu phê chuẩn dự luật Phòng Chống lây nhiễm sửa đổi, qua đó trao thêm quyền cho chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt và thống nhất trên cả nước nhằm khống chế đại dịch COVID-19.  

5. Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thử nghiệm hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 dạng kỹ thuật số.  ứng dụng TousAntiCovid sẽ ra mắt vào 29/4. Ban đầu, ứng dụng chỉ là chương trình truy vết tiếp xúc và là hộ chiếu miễn dịch ở Pháp. Tiếp đó, ứng dụng sẽ được mở rộng để chứa cả dữ liệu về tiêm vaccine. Thông tin liên quan được lưu trên điện thoại người dùng.

6. Chính phủ Canada và chính quyền các tỉnh đang xem xét khả năng áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đi lại trong và ngoài Canada.

Thủ tướng  Canada Justin Trudeau cho biết sẽ duy trì đến ít nhất là ngày 21/5/2021 các quy định yêu cầu khách quốc tế nhập cảnh Canada qua đường hàng không phải cách ly tại khách sạn, cũng như các yêu cầu về xét nghiệm COVID-19 đối với khách đến Canada qua đường hàng không và đường bộ. Canada đang tiếp tục xem xét thêm các biện pháp, trong đó có việc đình chỉ các chuyến bay từ Ấn Độ, nước có số ca nhiễm tăng vọt và cũng được cho là có thể xuất hiện một biến thể mới.

7. Ngày 21/4, Viện Huyết học Ấn Độ cho biết sẽ bán vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca cho chính phủ các nước với giá 400 rupee (tương đương 5,3 USD) một liều, trong khi giá bán vaccine cho các bệnh viện tư là 600 rupee (tương đương 7,95 USD) một liều.

8. Theo tạp chí nhi khoa JAMA, trên 104.000 người từ 30 tới 64 tuổi tử vong vì COVID-19 ở Mỹ. Cứ 13 người chết vì COVID-19 ở Mỹ thì có một người có con dưới 18 tuổi. Các tác giả ước tính trẻ em da đen chiếm 14% tổng số trẻ em ở Mỹ, nhưng lại chiếm 20% trẻ em mất cha hoặc mẹ vì COVID-19. Ảnh hưởng này lớn tới mức có thể bị coi là nguyên nhân gây bất bình đẳng sắc tộc trong y tế và giáo dục ở Mỹ. Khi tới tuổi 20, một người da đen có nguy cơ mất mẹ và bố nhiều hơn người da trắng. Đại dịch có thể làm xu hướng này thêm tệ hơn.

9. Ngày 21/4, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đã tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đạt 200 triệu lượt tiêm chủng,  sớm hơn mục tiêu đề ra vào cuối tháng Tư. Với nỗ lực tiêm chủng trong ba tháng đầu tiên của chính quyền chủ yếu tập trung vào các đối tượng là người cao tuổi và  nhân viên y tế, khoảng  80% người dân trên 65 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine và tất cả người dân trên 16 tuổi hiện đã đủ điều kiện để được tiêm vaccine.

II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam: 

- Bản tin 6h ngày 22/4, Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 tại Thái Bình và Yên Bái, là những ca bệnh nhập cảnh, đã cách ly ngay

- Việt Nam đã có 2.812 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 2.490 ca, tử vong 35 ca.  

- Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca.

1. Ngày 21/4, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc đăng ký mua, cam kết bố trí kinh phí để mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. 

Tổng số liều vaccine phòng Covid-19 tỉnh Bình Dương đăng ký mua là 2.997.856 liều từ ngân sách tỉnh, trong đó, có 561.356 liều dành cho đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ; 2.436.500 liều dùng cho đối tượng khác không quy định tại Nghị quyết số 21.

Bình Dương cam kết tổ chức tiêm chủng đúng số lượng, đối tượng đã đăng ký và tuân thủ đúng tiến độ tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sẽ chi trả đầy đủ kinh phí mua vaccine theo số lượng đã đăng ký với Bộ Y tế, tạm ứng trước một phần kinh phí theo thỏa thuận với nhà sản xuất, cung ứng vaccine và tuân thủ đúng phương thức chi trả theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.

2.  Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không triển khai công tác kiểm soát hành khách khai báo y tế tại các cảng hàng không, sân bay.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả khai thác, tránh tình trạng ùn tắc tại các cảng hàng không, đặc biệt là dịp cao điểm sắp tới, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không, cảng hàng không tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về yêu cầu bắt buộc khai báo y tế trước chuyến bay và công tác phòng chống dịch bênh theo các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Ban chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế.

III.  Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:

- Tổng số ca mắc: 06 ca; số khỏi bệnh, xuất viện: 06 ca

- Số ca nhiễm mới đến 6h ngày 22/4/2021: 0 ca

- Thực hiện cách ly y tế:

+ Số đang cách ly tập trung: 93 người

+ Số đang cách ly tại khách sạn: 498 người

+ Số đang cách ly tại nhà: 2 người

* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:

1. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với người bệnh (F1, F2), các ca bệnh nghi ngờ, người về từ vùng dịch, hoặc có đi qua địa điểm theo các Thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế.

2. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh, truyền thông tại cộng đồng về cài đặt Bluezone, Khai báo y tế bằng QR Code, sử dụng Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 qua covidmaps.haiphong.gov.vn ..../

Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn