Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

(Haiphong.gov.vn) - Ngày 26/5, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu: dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đều là những dự án luật được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội lần đầu. Đối với Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội tán thành về những nguyên tắc, quan điểm và đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, quán triệt, cụ thể hóa tối đa các chủ trương, đường lối của Đảng đối với thanh tra, cũng như cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, trong đó có quy định về chức năng thanh tra, kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền của các tổ chức, đối tượng bị thanh tra. Đồng thời, dự án Luật phải khắc phục những hạn chế bất cập được chỉ rõ trong quá trình triển khai Luật Thanh tra hiện hành. Việc sửa đổi Luật Thanh tra đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả ngành Thanh tra, xây dựng cho được ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cũng như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính ngành Thanh tra. Các kết luận thanh tra đưa ra là khách quan và không bị can thiệp, cũng như không gây phiền hà cho đối tượng bị thanh tra.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận Tổ


Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ý kiến, cần thiết bổ sung thêm nguyên tắc, quan điểm về thích ứng, linh hoạt theo từng ngành, địa phương, nhưng cũng phải bảo đảm tính thống nhất, hệ thống của toàn ngành trên cả nước. Về hệ thống thanh tra theo cấp hành chính, việc sửa đổi Luật Thanh tra phải quy định các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, trên cơ sở đó Chính phủ, các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể, tránh chồng chéo. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc dự thảo Luật bỏ quy định thanh tra thường xuyên là hướng tốt, tích cực, để tập trung cho hình thức thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Về trình tự thủ tục thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, cần có khung chung, với những bước, trình tự bắt buộc để bảo đảm công khai, minh bạch. Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tách phần nội dung thanh tra nhân dân chuyển sang Luật thực hiện dân chủ cơ sở cũng là hướng đúng.

Về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, cần thiết phải sửa đổi, nhất là sau những tác động của dịch bệnh Covid-19 cho thấy quy định luật hiện hành nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc về y tế cơ sở, y tế, dự phòng. Nhiều thực tiễn nảy sinh chưa được quy định trong luật, nhất là vấn đề khám, chữa bệnh từ xa, cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 12 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu, rà soát kỹ để Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết 20 của Trung ương khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu về phạm vi của dự án luật cần tách bạch các quy định về khám, chữa bệnh với quy định về y tế dự phòng; phân biệt rõ giữa thuốc chữa bệnh với thực phẩm chức năng...


Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng phát biểu thảo luận Tổ


Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng tán thành với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết, cũng như 5 nhóm quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật Thanh tra. Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp thanh tra, đại biểu đồng tình với quan điểm tiếp tục giữ nguyên cơ quan thanh tra cấp huyện, để bảo đảm nguyên tắc quản lý phải có thanh tra, đồng thời để thực hiện các nhiệm vụ, các quy định pháp luật hiện hành như Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng... Đối với thanh tra cấp sở, theo dự thảo Luật quy định giao thẩm quyền quyết định cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của các luật chuyên ngành, theo điều kiện thực tế, nguồn lực của địa phương. Đại biểu Lã Thanh Tân đồng tình với đề xuất phân cấp của Chính phủ, song đề nghị cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể tiêu chí, định mức cụ thể đối với một bộ phận thanh tra độc lập hay bộ phận thanh tra ghép. Về thủ tục, trình tự thanh tra cần tiếp tục kế thừa những quy định hiện hành đối với thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân cho rằng: Khoản 1, Điều 6 dự thảo quy định hành vi bị cấm là vi phạm quyền của người bệnh. Nhưng đối chiếu với các quy định về quyền của người bệnh được quy định tại mục 1 Chương 2, từ Điều 8 đến Điều 13 có rất nhiều quyền khác nhau. Do đó, Luật cần quy định cụ thể hơn, xác định rõ hành vi nào vi phạm quyền của người bệnh bị cấm, nhất là với hành vi gây thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề được giao cho Hội đồng Y khoa quốc gia. Tuy nhiên, Hội đồng Y khoa quốc gia thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành viên hầu hết là kiêm nhiệm, sẽ mang tính chất tư vấn y khoa hơn là quản lý nhà nước. Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân nêu ý kiến, thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề cần do cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm và cơ quan soạn thảo cần xem xét, cân nhắc về quy định này.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng phát biểu thảo luận Tổ


Tham gia dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) bổ sung một số ý kiến đối với khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội, công an. Cụ thể, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu Khoản 2 Điểu 21, đề nghị bổ sung cụm từ “đối với người hành nghề khám chữa bệnh trong quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ quóc Phòng, Bộ trưởng Công an thực hiện” và được chỉnh lý như sau: việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh do Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội, công an do Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Trưởng Bộ Công an thực hiện. Về Khoản 1 Điều 26, đề nghị bổ sung cụm từ “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội, công an”; Điểm b Khoản 2 Điều 26, đề nghị sửa cụm từ “trong hệ thống”, thay thế cụm từ “tại các cơ sở”; Khoản 2 Điều 31 bổ sung cụm từ “hoặc cơ quan đơn vị có thẩm quyền đối với lực lượng vũ trang”; Khoản 1 Điều 49, đề nghị bổ sung Điểm c tiêu chuẩn, chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật đặc thù do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định...Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng đề nghị quy định trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phân cấp cho Bộ Quốc phòng tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề cho các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý; giao Bộ Quốc phòng cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám chữa bệnh đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền...

LHT

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn