Huyện An Dương phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa

(Tham luận của đồng chí Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Dương tại Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, ngày 15/10/2020)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch !

Kính thưa Đại hội !

Lời đầu tiên cho phép tôi được kính chúc các đồng chí lãnh đạo cùng toàn thể các đồng chí đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 15 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 16 và các báo cáo trình tại Đại hội. Được sự nhất trí của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thay mặt Đảng bộ huyện An Dương, tôi xin tham luận nội dung “Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện An Dương trong tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của thành phố về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa”.

Kính thưa Đại hội!

Đảng bộ huyện An Dương hiện có 69 chi, Đảng bộ với trên 7.700 đảng viên, trong đó có 16 Đảng bộ xã, thị trấn. Là huyện nằm ở phía Tây Bắc thành phố, cửa ngõ nối các tỉnh trọng điểm Bắc Bộ đến thành phố Hải Phòng. Trên địa bàn huyện có nhiều dự án, khu công nghiệp, nhiều thành phần kinh tế cùng hoạt động. Trong thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trọng sạch, vững mạnh, Đảng bộ huyện An Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp và cơ chế, chính sách của thành phố nhằm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, kết quả cụ thể như sau:

Hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện An Dương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Điều chỉnh Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã, thị trấn theo các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Tập trung cả hệ thống chính trị làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án với tổng diện tích gần 400 ha với trên 3.600 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Xây dựng các khu nhà ở tập trung với tổng diện tích gần 75 ha và đấu giá quyền sử dụng đất gần 20 ha phục vụ nhu cầu nhân dân và người lao động đến làm việc, sinh sống trên địa bàn, góp phần hình thành các khu đô thị mới. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hiện đại, đến nay trên địa bàn huyện có 3 khu công nghiệp lớn, 5 năm qua đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 66,5% vốn đầu tư nước ngoài toàn thành phố. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện 5 năm qua đạt trên 798.001 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55,2% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, thu hút 87.000 lao động, trong đó số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gần 70.000 người, chiếm 40,7% tổng số lao động tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Quan tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành uỷ Hải Phòng về xây dựng nông thôn mới Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 575/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, Huyện ủy An Dương đã ban hành Nghị quyết và xây dựng Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2020 gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái. Qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực thực hiện chương trình trên 760 tỷ  đồng; năm 2015, số xã đạt chuẩn Nông thôn mới trên địa bàn huyện là 4/15 xã đạt 26%, đến hết năm 2018, An Dương là huyện đầu tiên có 100% số xã được công nhận xã nông thôn mới, hoàn thành trước 2 năm theo kế hoạch của thành phố, là huyện thứ 2 của thành phố cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, hoàn thiện hồ sơ trình xét công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong 2020; tiếp nhận 77.451 tấn xi măng, làm 460 km đường giao thông nông thôn, nhân dân đóng góp 239 tỷ đồng, hiến tặng 67.438m2 đất, 67/132 thôn (50,7% số thôn) đạt tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới huyện luôn đặt việc hoàn thành các tiêu chí gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, Huyện ủy chỉ đạo triển khai Đề án số 97/ĐA-UBND về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững huyện An Dương giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn huyện có 80 cánh đồng với tổng diện tích 1.112ha có giá trị thu nhập bình quân đạt 300 đến 350 triệu đồng/ha; diện tích trồng hoa, cây cảnh 500ha tăng 215ha so với năm 2015, cho thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, tập trung tại các làng nghề hoa, cây cảnh ở các xã: Đặng Cương, Đồng Thái, Hồng Thái, Lê Lợi... với các chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao như hoa Lan, hoa Hải Đường, hoa Hồng cổ, hoa Lay ơn, Đào cảnh, Quất cảnh...; mở rộng diện tích chuyên canh trồng các loại rau, củ, quả gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2020 còn 0,21%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 58 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2015.

Kính thưa Đại hội!

Đạt kết quả trên là do Đảng bộ huyện An Dương luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, sự tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành Đảng bộ huyện trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá của thành phố về phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, được Đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được trên, trên con đường phát triển để trở thành quận công nghiệp đô thị sinh thái, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là thực hiện thắng lợi một trong các giải pháp đột phá mà Đại hội Đảng bộ thành phố xác định cho nhiệm kỳ 2020-2025, sớm đưa An Dương trở thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025 - đây là sự quan tâm đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Dương, song cũng là trách nhiệm nặng nề cần phải được tập trung rất cao trong thời gian tới.

Đảng bộ huyện An Dương xác định tiếp tục tập trung vào một số các giải pháp đột phá sau:

Thứ nhất: Trên cơ sở quy hoạch và định hướng phát triển chung của thành phố, triển khai quy hoạch đô thị An Dương theo hướng đô thị công nghiệp khu vực phía Tây Bắc huyện với các khu công nghiệp lớn, đô thị sinh thái phía Đông Nam với các làng nghề hoa, cây cảnh và cảnh quan sông Lạch Tray, từ đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, mở rộng nâng cấp các tuyến quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 17B; cải tạo các tuyến đường liên huyện, liên xã theo tiêu chuẩn đường phố đô thị. Hoàn thiện hệ thống giao thông, xây dựng An Dương trở thành trung tâm logistics với chức năng vận tải, kho bãi, đóng gói xếp dỡ hàng hóa, đồng thời tập trung cao hoàn thành các tuyến đường giao thông trục xã, trục thôn theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, triển khai tiếp các khu công nghiệp An Hưng Đại Bản, Nomura giai đoạn 2, cụm công nghiệp Đò Nống; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh các dự án phát triển đô thị, tăng thêm nhà ở phục vụ nhu cầu thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia và lao động đến làm việc và sinh sống trên địa bàn làm đẩy nhanh tốc độ tăng dân số cơ học và mật độ dân số đô thị. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn huyện.

 Hai là: Tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp, đô thị sinh thái bền vững với 10 dự án trọng tâm nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thêm nhiều vùng chuyên canh hoa, cây cảnh gắn với phát triển du lịch sinh thái. Làm tốt công tác an sinh xã hội, phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung toàn thành phố, phát triển kinh tế gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân; tập trung đầu tư cho y tế, giáo dục; đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Chú trọng bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững, nhất là bảo vệ cảnh quan và nguồn nước ngọt sông Rế phục vụ Nhân dân thành phố.

Thứ ba: Thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành thành phố, đặc biệt là thực hiện một cách linh hoạt các các cơ chế, chính sách của thành phố phù hợp với tình hình của địa phương. Với khí thế tập trung quyết liệt của toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ huyện An Dương xác định phải là địa phương đi đầu trong xây dựng và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện.

Tôi rất tâm đắc với phát biểu đánh giá của đồng chí Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội Đảng bộ thành phố về công tác cán bộ của thành phố chúng ta, đó là thực hiện tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm và quan trọng hơn nữa là biết cách làm. Do vậy phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, năng động và nhiệt huyết nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ với vai trò An Dương là một đô thị mới năng động của thành phố.

Tôi cũng xin kiến nghị với thành phố là song song với việc quan tâm tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện theo các tiêu chí đô thị, cần chỉ đạo nghiên cứu và triển khai các thủ tục để hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo quy định của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để An Dương sớm được công nhận là đơn vị hành chính quận trước năm 2025.

Kính thưa Đại hội!

Với sự quan tâm của Thành phố và truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, Đảng bộ và nhân dân An Dương tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ huyện, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và Chương trình hành động số 76-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển đưa huyện An Dương trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị sinh thái tại cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố.

Trước khi dừng lời, một lần nữa tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại biểu sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn