Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hoạt động di cư an toàn
14/02/2025 11:26
(Haiphong.gov.vn) – Thời gian gần đây, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia liên tục tiếp nhận thông tin và thực hiện giải cứu hàng trăm công dân Việt Nam, trong đó có công dân Hải Phòng, bị các cá nhân, tổ chức dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia với chiêu bài “việc nhẹ lương cao” để làm việc bất hợp pháp tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến. Trước tính chất tinh vi, phức tạp, xu hướng gia tăng của tội phạm lừa đảo, mua bán người xuyên quốc gia, cũng như căn cứ tình hình thực tế trong công tác bảo hộ công dân của thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam vừa có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện và thành phố Thủy Nguyên tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hoạt động di cư an toàn, các quy định xuất, nhập cảnh, lao động hợp pháp tại nước ngoài; các chiêu trò lừa đảo “tìm việc làm trên mạng”, “việc nhẹ, lương cao” của tội phạm mua bán người nói chung và tội phạm mua bán người sang làm việc tại Campuchia nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Đặc biệt đối với các đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân như thanh thiếu niên, phụ nữ, người dân tại các khu vực nông thôn nghèo.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Công an thành phố phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nắm bắt thông tin, tổ chức điều tra, xác minh và xử lý triệt để, nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động lôi kéo công dân xuất cảnh trái phép sang làm việc tại các “trung tâm lừa đảo trực tuyến”, “casino trá hình” tại Campuchia, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ, từ năm 2022 đến năm 2024, Sở Ngoại vụ đã phối hợp cùng Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia và UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố tham gia giải quyết, hỗ trợ hồi hương 18 công dân Hải Phòng được giải cứu khỏi các đường dây lừa đảo, bóc lột lao động tại Campuchia. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 02 tháng đầu năm 2025, số vụ việc công dân bị bắt cóc, lừa bán sang Campuchia và được giải cứu đã lên con số 12 (bằng 85% giai đoạn trước). Theo nhận định của Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia, dòng chảy lao động sang Campuchia làm việc qua con đường bất hợp pháp và trở thành nạn nhân quá lớn, công tác giải cứu gặp khó khăn vì nhiều lý do chủ quan và khách quan./.
Trâm Bầu