Thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 7h ngày 30/4/2021

I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:  

151.097.963 ca mắc, 3.178.156 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.

Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:

- Mỹ: 33.043.224 người mắc589.183 người tử vong.

- Ấn Độ: 18.754.925 người mắc; 208.313 người tử vong.

- Brazil: 14.592.390 người mắc; 401.417 người tử vong.

1. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 860.700 ca bệnh COVID-19 và trên 14.100 ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (386.829 ca), Brazil (66.871 ca) và Mỹ (trên 54.700 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.501 ca), Brazil (2.843 ca) và Mỹ (815 ca).

Ấn Độ đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người.Thủ đô Delhi của Ấn Độ tối 29/4 đã ghi nhận mức cao kỷ lục 395 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại thành phố này lên 15.772 người. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp Delhi ghi nhận hơn 300 trường hợp tử vong do COVID-19.

2. Ngày 29/4, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 20.340 ca mắc COVID-19 và 360 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.382.582 ca, trong đó 67.537 người tử vong.

Trong ngày 29/4, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Philippines với 8.276 ca. Tiếp đó là Indonesia với 5.833 ca, Malaysia với 3.332 ca, Thái Lan với 1.871 ca, Campuchia với 880 ca. Các quốc gia còn lại có số ca mắc mới dưới 100 ca.

Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (218 ca), Philippines (114 ca), Malaysia (15 ca), Thái Lan (10 ca) và Camuchia (3 ca).

Tối 28/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa tại vùng đô thị Manila và 4 tỉnh phụ cận cho đến ngày 14/5 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Campuchia ghi nhận thêm 880 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 29/4, ngày thứ hai liên tiếp ở mức cao nhất từ trước đến nay. Lại một lần nữa, thủ đô Phnom Penh đứng đầu về số người lây nhiễm, với 518 ca, tiếp theo là hai tỉnh Preah Sihanouk (187 ca) và Kandal (73 ca).

Chính phủ Malaysia đã quyết định áp đặt Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) tại 9 địa phương thuộc 3 bang ở nước này trong 14 ngày, từ ngày 29/4-12/5.

3.  Ngày 29/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể kích hoạt một "cơn bão lớn" khiến số ca nhiễm gia tăng chóng mặt như trường hợp xảy ra tại Ấn Độ.

4. Ngày 29/4, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận 1.027 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Từ đầu tuần này, thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại thủ đô và một số khu vực khác của Nhật Bản trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa khai mạc Thế vận hội Olympic Tokyo  sau một năm trì hoãn vì dịch bệnh. Tổng số ca mắc mới trên toàn Nhật Bản ghi nhận ngày 28/4 cũng ở mức cao nhất trong 3 tháng, với 5.793 ca, trong đó các tỉnh Osaka và Fukuoka xác nhận số ca mắc mới cao kỷ lục.

Tokyo và các tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo áp dụng tình trạng khẩn cấp từ ngày 25/4 đến hết ngày 11/5, theo đó các cơ sở thương mại lớn, công viên, rạp chiếu phim, quán karaoke và nhà hàng phục vụ đồ uống có cồn đều phải đóng cửa.    

5.  Ngày 29/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chính phủ sẽ nới lỏng lệnh giới nghiêm ban đêm, theo đó giờ giới nghiêm bắt đầu từ 19h00 như hiện nay sẽ được chuyển sang thành 21h00 từ ngày 19/5 và sau đó là 23h00 từ ngày 9/6. Đến ngày 30/6, lệnh giới nghiêm này sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn.

Bên cạnh đó, từ ngày 19/5, các nhà hàng, quán cà phê và quán bar sẽ được phép mở cửa trở lại ở khu vực ngoài trời. Các viện bảo tàng, rạp chiếu phim và rạp hát cũng sẽ được mở lại cùng ngày này. Từ ngày 9/6, các du khách nước ngoài có giấy chứng nhận y tế sẽ được phép vào lại Pháp.

6. Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết 2 loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA ngừa COVID-19 được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Mỹ, do các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển, giúp giảm nguy cơ phải nhập viện liên quan đến COVID-19 đối với người từ 65 tuổi trở lên.

Theo một nghiên cứu của CDC Mỹ công bố ngày 28/4, đối với người từ 65 tuổi trở lên "đã tiêm chủng đầy đủ" ngừa COVID-19, nguy cơ phải nhập viện liên quan đến bệnh dịch này ít hơn 94% so với người cùng tuổi chưa tiêm vaccine. Người từ 65 tuổi trở lên "đã được tiêm chủng một phần" cũng giảm 64% nguy cơ nhập viện so với những người chưa được tiêm.

CDC Mỹ định nghĩa "tiêm chủng một phần" là 2 tuần kể từ khi tiêm liều vaccine thứ nhất và "tiêm chủng đầy đủ" là 2 tuần sau khi tiêm liều thứ hai.

II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam: 

- Bản tin 6h ngày 30/4, Việt Nam ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay; 3 ca lây trong nước tại Hưng Yên 2 ca, Hà Nội 1 ca.

- Việt Nam đã có 2.914 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 2.516 ca, tử vong 35 ca.  

- Việt Nam có tổng cộng 1.611 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 920 ca.

1.  Ngay khi đã xuất hiện chùm ca bệnh COVID-19 trong gia đình gồm 5 người mắc với nguồn lây từ nam thanh niên vừa hết cách ly tập trung, chiều tối ngày 29/4, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đã về Hà Nam làm việc khẩn với địa phương về công tác phòng chống dịch. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác của Bộ Y tế cùng lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã xuống kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và yêu cầu thực hiện cách ly tại nơi các bệnh nhân cư trú, thôn Quan Nhân, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam.

2.  Chiều ngày 29/4, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn số 35 về việc tìm hành khách đi trên chuyến bay VJ3613 từ Nhật Bản hạ cánh sân bay Quốc tế Đà Nẵng ngày 07/04/2021. Bộ Y tế thông báo những hành khách đi trên chuyến bay VJ3613 từ Nhật Bản hạ cánh sân bay Quốc tế Đà Nẵng ngày 07/04/2021 (dù đã cách ly tập trung) đề nghị liên lạc ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, lấy mẫu xét nghiệm và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế thông báo những hành khách đi trên xe khách (43B-048.78) tuyến Đà Nẵng - Hà Nội xuất phát lúc 20h30 ngày 21/4/2021. Liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ.

3. Trong ngày 29/4/2021, Việt Nam có thêm 78.414 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tính đến hết ngày 29/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 506.435 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

III.  Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:

- Tổng số ca mắc: 06 ca; số khỏi bệnh, xuất viện: 05 ca, 01 ca chuyển BV Nhiệt đới Trung ương theo dõi.

- Số ca nhiễm mới đến 18h ngày 29/4/2021: 0 ca

- Thực hiện cách ly y tế:

+ Số đang cách ly tập trung: 64 người

+ Số đang cách ly tại khách sạn: 279 người

+ Số đang cách ly tại nhà: 1 người

* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:

1. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đang bùng phát trở lại ở nhiều nước, đặc biệt tại các nước châu Á có đường biên giới với Việt Nam. Thành ủy Hải Phòng ban hành văn bản yêu cầu:

- Các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5, kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

- Không tổ chức Lễ hội Hoa phượng Đỏ 2021; Liên hoan du lịch “Đồ Sơn – Sắc màu của biển 2021”; Khai mạc du lịch Cát Bà  2021.

- Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện những trường hợp nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép từ vùng có dịch để đưa đi cách ly tập trung và xử lý theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý dân cư, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp người đến từ vùng có dịch cư trú trên địa bàn.

- Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng phối hợp với ngành Y tế, các địa phương, đơn vị trong trong công tác phòng, chống dịch bệnh, trước hết là chuẩn bị các khu cách ly tập trung, tham gia các chốt kiểm soát liên ngành, ...

- Bộ đội Biên phòng Hải Phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới trên biển, cảng biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép.

2. Ngày 29/4 tại 8 điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã tiêm cho 765 người. Đến hết ngày 29/4, tổng cộng cả đợt 1 và đợt 2, Hải Phòng đã tiêm phòng cho 4.764 người.

3. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh, truyền thông tại cộng đồng về cài đặt Bluezone, Khai báo y tế bằng QR Code, sử dụng Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 qua covidmaps.haiphong.gov.vn.

Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn