Thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 7h ngày 15/5/2021

I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:  

162.503.381 ca mắc, 3.370.529 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.

Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:

- Mỹ: 33.656.955 người mắc599.254 người tử vong.

- Ấn Độ: 24.372.243 người mắc; 266.229 người tử vong.

- Brazil: 15.519.525 người mắc; 432.628 người tử vong.

1.  Trong 24 giờ qua, thế giới có tới 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Ghi nhận 669.534 trường hợp mắc COVID-19 và 12.087 ca tử vong. Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận giảm nhẹ.

2. Ngày 14/5, tại 9 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ghi nhận 72.589 ca mắc COVID-19 mới, 6 quốc gia ghi nhận 314 ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Malaysia. Tổng số ca mắc bệnh tại các nước ASEAN đã tăng lên 3.659.456 ca, tổng số ca tử vong tăng lên trên 72.580 người.

Thái Lan đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Vì trong ngày 14/5 ghi nhận thêm 2.256 ca bệnh mới và số ca tử vong tăng mạnh lên 30 người.

Ngày 14/5, dịch bệnh vẫn phức tạp tại Campuchia khi có 358 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong. Trong khi, Bộ Y tế Lào cũng thông báo về trường hợp tử vong thứ 2 do COVID-19. Ca tử vong này là nam công dân Lào, 29 tuổi, nhập viện hôm 10/5. Do bệnh nhân nhập viện muộn, kết hợp với bệnh nền, các triệu chứng chuyển xấu nhanh và tử vong do suy hô hấp.

3. Ngày 13/5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo một hướng dẫn liên bang mới, trong đó nêu rõ những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và sau hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài cũng như không cần phải thực hiện giữ khoảng cách vật lý. 

Tuy nhiên, ngày 14/5, phát biểu họp báo trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO - Tiến sĩ Michael Ryan nhấn mạnh việc dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang chỉ nên được thực hiện dựa trên các yếu tố gồm mức độ lây lan dịch bệnh trong khu vực và quy mô tiêm chủng vaccine.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu xem xét lại kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, thay vào đó cung cấp vaccine cho cơ chế vaccine toàn cầu COVAX để chia sẻ cho các nước nghèo. Ông đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 trong năm thứ hai bùng phát có thể sẽ nghiêm trọng hơn năm đầu tiên với số ca tử vong cao hơn, trong đó Ấn Độ là một mối quan ngại lớn.

4. Ngày 12/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận vaccine Sputnik V của Nga an toàn và đạt hiệu quả trong phòng ngừa bệnh COVID-19. Tổng Thư ký Guterres đã nhấn mạnh vai trò "then chốt" của vaccine Sputnik V trong chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Ông cũng cho biết nhiều nhân viên LHQ đã được tiêm vaccine này.

5. Tại Ấn Độ, sau khi đạt mức cao nhất từ trước tới nay là 414.000 ca nhiễm mới vào ngày 6/5, số ca nhiễm mỗi ngày tại nước này đã giảm đáng kể trong tuần qua. Theo đó, số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày đã bắt đầu giảm, từ mức 391.000 ca vào ngày 8/5 xuống còn 366.000 ca vào ngày 13/5.

Tại thủ đô New Delhi, ngày 14/5 cho thấy thành phố này chỉ ghi nhận 8.500 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng đã giảm xuống còn 12%. Cả hai con số này đều chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh điểm 3 tuần trước. Ngoài ra, còn có những tín hiệu khác phản ánh làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể đã đạt đỉnh.

Dựa trên tất cả các chỉ số về dịch COVID-19 tại Ấn Độ trong hai tuần qua, giới phân tích khoa học cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai tại quốc gia Nam Á này có thể đã đạt đỉnh hoặc sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo phải mất rất nhiều thời gian nữa làn sóng này mới có thể kết thúc.

6. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Penn State đã đánh giá dữ liệu từ 22 nghiên cứu trước đó của 21 triệu người tham gia ở Bắc Mỹ, Châu Phi, Châu Âu và Châu Á; phát hiện ra rằng, những người sống chung với HIV có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn 24% và nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19 cao hơn 78% so với những người không có HIV.

II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam: 

 Tính từ 18h ngày 14/5 đến 6h ngày 15/5 Việt Nam có 20 ca mắc mới (BN3817-3836), đều là những ca mắc ghi nhận trong nước: Bắc Giang (15), Lạng Sơn (2), Vĩnh Phúc (1), Hà Nội (1), Đắk Lắk (1); đều trong khu vực đã cách ly.

Tính đến 18h ngày 14/5:

- Việt Nam có tổng cộng 2.377 ca ghi nhận trong nước và 1.459 ca nhập cảnh.

- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 807 ca.

1.  Chiều 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, tại Trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Mặc dù các ổ dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng ở cộng đồng đã có mầm bệnh và sẵn sàng bùng phát. Do đó, toàn hệ thống luôn đặt trong tình trạng “trực chiến”, khi phát hiện ca chỉ điểm trong cộng đồng, lập tức ra quân, khoanh vùng dịch bệnh”. Phó Thủ tướng lưu ý, thực tiễn vừa qua cho thấy, tất cả những nơi không thực hiện nghiêm Thông điệp 5K đều dễ xảy ra hậu quả. "Trong thời gian tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương không thực nghiêm, để dịch bệnh xảy ra, dứt khoát phải cột trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan theo quy định"

2. Ngày 14/5, Báo cáo về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện tại của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết trong số các bệnh nhân đang điều trị có 33 bệnh nhân tiến triển nặng lên và 13 ca tiên lượng rất nặng. Hiện có 2 người đang được can thiệp ECMO là bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh. Có 9 trường hợp khác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang thở máy xâm nhập, 4 người được sử dụng phương pháp thở không xâm nhập và 23 bệnh nhân dùng oxy gọng kính. Cũng theo ghi nhận của Tiểu ban Điều trị, khoảng 60% bệnh nhân mắc COVID-19 đợt này không có triệu chứng của COVID-19.

3. Ngày 14/5, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn khẩn về việc rà soát, quản lý, xét nghiệm cho người từng đến thành phố Đà Nẵng để tiếp tục đánh giá nguy cơ và tình hình dịch trên địa bàn. Người đã đến Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1/5 đến 14/5 và đã khai báo y tế cần được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, đồng thời tự cách ly tai nhà, theo dõi sức khỏe đủ 21 ngày kể từ thời điểm cuối cùng ở Đà Nẵng.

4. Ngày 14/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với 2 khu vực do phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cụ thể, thiết lập vùng cách ly y tế đối với xóm 4, khu Đẩu Hàn, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh với tổng số 9 hộ, 42 nhân khẩu và khu vực xóm Trong, thôn Bằng Lục, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong với 8 hộ, 31 nhân khẩu. Thời gian áp dụng cách ly đối với 2 khu vực này tối thiểu 14 ngày kể từ 14 giờ ngày 14/5, tùy theo diễn biến tình hình dịch thời gian cách ly có thể kéo dài hơn.

5. Tối 14-5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết vừa ghi nhận thêm 20 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, là ổ dịch mới tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên. Hiện tỉnh Bắc Giang đã có 121 ca dương tính SARS-CoV-2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm các ca dương tính mới.

6. Ngày 14/5, Việt Nam có thêm 10.515 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tính đến 16 giờ ngày 14/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 969.697 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 21.042 người.

III.  Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:

- Tổng số ca mắc: 07 ca; số khỏi bệnh, xuất viện: 06 ca. BN3210 đang theo dõi tại BV Việt Tiệp cơ sở 2.

- Số ca nhiễm mới đến 6h ngày 15/5/2021: 0 ca

- Thực hiện cách ly y tế:

+ Số đang cách ly tập trung: 561 người

+ Số đang cách ly tại khách sạn: 446 người

+ Số đang cách ly tại nhà: 4.790 người

* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:

1. Chiều 14/5, Thường trực Thành ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến với quận ủy, huyện ủy về công tác chuẩn bị  tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy chủ trì Hội nghị. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thống nhất, điều chỉnh số lượng cuộc tiếp xúc, hình thức tổ chức hội nghị và số cử tri tham dự cho phù hợp với quy định về phòng, chống dịch. Về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phục vụ bầu cử, Sở Y tế đã có kế hoạch tập trung về 3 nội dung: đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt là dịch bệnh COVID-19); đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác thường trực cấp cứu trong suốt quá trình chuẩn bị, diễn ra bầu cử. Các đơn vị y tế của thành phố và các địa phương cũng tham mưu cho Ủy ban bầu cử các cấp ban hành kế hoạch đảm bảo y tế trong phòng, chống dịch bệnh, thành lập tổ thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ, chuẩn bị các phương án để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh xảy ra...

2. UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo, giao Sở Công Thương; các quận, huyện và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bàn thực hiện nghiêm “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và KTX cho người lao động” theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó,  đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

3. Ngày 14/5, tại 8 điểm tiêm chủng tại Hải Phòng đã tiêm phòng cho 768 người, đến hết ngày 14/5, Tổng số mũi tiêm đợt 1 và đợt 2, Hải Phòng đã tiêm phòng vắc xin COVID-19 được 20.536 mũi (gồm: 20295 mũi 1; 241 mũi 2).

4. Trong ngày 14/05/2021, toàn thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho 973 người. Trong đó: Nhân viên, người lao động tại các cơ sở y tế: 1188 mẫu; bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế: 709 mẫu. Người Hải Phòng đi từ các địa phương có dịch về thành phố/liên quan đến các ổ dịch: 106 mẫu. Chuyên gia người nước ngoài đang làm việc, sinh sống trên địa bàn thành phố: 2 mẫu. Công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp: 2 mẫu. Tổng số công dân sinh sống tại Hải Phòng có nhu cầu làm xét nghiệm tự nguyện: 154 mẫu./.

Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn