I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:
Có 161.051.654 ca mắc, 3.344.091 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.
Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:
- Mỹ: 33.583.948 người mắc; 597.748 người tử vong.
- Ấn Độ: 23.702.832 người mắc; 258.351 người tử vong.
- Brazil: 15.359.397 người mắc; 428.034 người tử vong.
1. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 715.585 trường hợp mắc COVID-19 và 13.017 ca tử vong. thế giới có tới 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Hiện nay tâm dịch COVID-19 đang chuyển về châu Á, với điểm nóng nhất là Ấn Độ, nước đã ghi nhận trên 23,7 triệu ca nhiễm, trong đó có trên 258 ngàn ca tử vong. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ qua, nước này có trên 4.100 người không qua khỏi, nhiều nhất từ đầu dịch đến nay.
Bác sĩ Balram Bhargava, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR), cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc ứng phó với dịch cho rằng các tỉnh ghi nhận một số lượng lớn ca nhiễm cần được duy trì phong tỏa thêm 6-8 tuần nữa nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch tại Ấn Độ.
2. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước ASEAN ghi nhận 16.983 ca mắc bệnh COVID-19 mới, tử vong 325 ca. lũy tích số ca mắc bệnh tăng lên 3.622.699 ca. tổng số tử vong tăng lên 72.000 ca. Toàn khối ASEAN diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên.
Trong ngày 12/5 Thái Lan ghi nhận thêm 1.983 ca bệnh mới, số ca tử vong tăng mạnh lên 34 người. Campuchia có 472 bệnh nhân mới trong ngày.
3. Tổ chức Y tế Thế giới đang tiến hành rà soát số liệu mà Seychelles cung cấp sau khi Bộ trưởng Y tế nước này cho rằng hơn 33% số người mắc COVID-19 tại Seychelles trong tuần trước là những người đã tiêm đủ hai liều vaccine; khoảng 63% trường hợp mắc bệnh còn lại là những người chưa tiêm hoặc mới chỉ tiêm một mũi. Cũng chưa có trường hợp tiêm đủ liều nào bị tử vong, còn các ca bệnh nặng, cần can thiệp tức thời chủ yếu xảy ra ở người chưa tiêm ngừa. (Seychelles, quốc đảo ở Ấn Độ Dương với dân số chỉ dưới 100.000 người và là nước có tỉ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 cao nhất thế giới).
4. Theo báo cáo Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19 (IPPR), thực hiện theo yêu cầu của các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Việc các nhà hoạch định chính sách đưa ra một loạt các quyết định kém hiệu quả trong thời gian qua, càng làm gia tăng quy mô và mức độ nghiêm trọng mà đại dịch COVID-19. Hậu quả là đại dịch đã khiến 3,3 triệu người tử vong cho tới nay, nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề.
IPPR cho rằng WHO lẽ ra có thể ban bố sớm hơn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất, vào ngày 22/1/2020. Đến tháng 3/2020 sau khi WHO công nhận COVID-19 là đại dịch, các quốc gia mới ý thức sự nguy hiểm của tình hình và mới thực sự "vào cuộc". Các lựa chọn chiến lược kém hiệu quả, việc không sẵn sàng giải quyết các vấn đề bất bình đẳng cùng sự "lệch pha" trong việc phối hợp trong một nước hay giữa các nước đã tạo thành "công thức độc hại" tạo điều kiện để đại dịch COVID-19 biến thành "một cuộc khủng hoảng thảm khốc của nhân loại" và các quốc gia đang phải chật vật để giải quyết những hậu quả mà nó để lại.
Để đẩy lùi đại dịch hiện nay, IPPR khuyến nghị các nước giàu nhất thế giới từ nay đến ngày 1/9 chia sẻ 1 tỷ liều vaccine cho 92 nước nghèo nhất thông qua cơ chế tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19 mang tên COVAX do WHO khởi xướng và hơn 2 tỷ liều vaccine vào giữa năm 2022…
II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 12/5 đến 6h ngày 13/5 Việt nam ghi nhận 35 ca mắc mới (BN3624-3658):
- 02 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Long An (1), An Giang (1).
- 33 ca mắc ghi nhận trong nước tại: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (1), Đà Nẵng (22), Bắc Ninh (3), Hà Nội (3), Vĩnh Phúc (2), Bắc Giang (2), trong đó:
+ Số ca mới trong khu vực đã được cách ly / giãn cách: 30 ca
+ Số ca đã được phát hiện và cách ly: 02
+ Số ca mới trong bệnh viện đã được phong tỏa: 01 ca
- Không phát hiện các ổ dịch mới.
Tính đến 6h ngày 13/5: Việt Nam có tổng cộng 2.213 ca ghi nhận trong nước và 1.445 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 643 ca.
1. Sáng 12/5, tại cuộc tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các tỉnh/thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng về công tác phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo: dịch bệnh xảy ra ở tất cả các nơi đều nguy hiểm nhưng xung yếu nhất là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, đặc biệt các nhà máy trong khu công nghiệp. Các địa phương phải nỗ lực không để dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Phó Thủ tướng đề nghị, tất cả các địa phương trên cả nước nghiêm túc vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp cập nhật việc tự đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh định kỳ lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 (https://antoancovid.vn/). “Phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời, tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, rất nguy hiểm”.
2. Ngày 12/5, trong bức thư gửi tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: "Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch với nhiều biến chủng virus lây nhiễm nhanh và mạnh hơn".
Phương châm chống dịch lần này là "chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công" cùng mục tiêu "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội". Vì vậy, Bộ trưởng Y tế kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, từ đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, trở lại cuộc sống bình thường, ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng khẳng định: "Tôi tin tưởng rằng toàn ngành y tế sẽ chung một nhịp đập vì sức khỏe của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc".
3. Tính từ 13 giờ ngày 11/5 đến 13 giờ ngày 12/5, Đà Nẵng có thêm 42 ca mắc mới COVID-19. Cộng dồn từ ngày 3/5 đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 102 ca nhiễm COVID-19. Trước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, chiều 12/5, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh kêu gọi toàn thể người dân đồng lòng, quyết tâm phòng, chống dịch. Người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định 5K của Bộ Y tế; tự giác khai báo kịp thời, trung thực ngay khi biết thông tin có tiếp xúc với các F0, F1 hoặc đến những địa điểm có nguy cơ cao theo thông báo của cơ quan chức năng; chủ động tố giác, thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các cá nhân, tổ chức, địa điểm có dấu hiệu nhập cảnh trái phép.
4. Ngày 12/5, Việt nam có thêm 26.182 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tính đến 16 giờ ngày 12/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 942.030 mũi cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
III. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:
- Tổng số ca mắc: 07 ca; số khỏi bệnh, xuất viện: 06 ca. BN3210 đang theo dõi tại BV Việt Tiệp cơ sở 2.
- Số ca nhiễm mới đến 6h ngày 13/5/2021: 0 ca
- Thực hiện cách ly y tế:
+ Số đang cách ly tập trung: 560 người
+ Số đang cách ly tại khách sạn: 466 người
+ Số đang cách ly tại nhà: 4.346 người
* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:
1. Ngày 11/5, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn 1019/SGDĐT-VP yêu cầu thủ trưởng các đơn vị giáo dục tạm dừng việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người như: Lễ tổng kết năm học, Họp phụ huynh, Lễ tri ân, Lễ trưởng thành cho học sinh cuối cấp… trong các cơ sở giáo dục từ ngày 11/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
2. Ngày 12/5, tại 12 điểm tiêm chủng tại Hải Phòng đã tiêm được cho 1.366 người, đến hết ngày 12/5, tổng cộng cả đợt 1 và đợt 2, Hải Phòng đã tiêm phòng vắc xin COVID-19 được 19.029 mũi.
3. Liên quan đến ổ dịch BV K3 Tân Triều, tính đến ngày 12/5/2021, Hải Phòng đã truy viết, quản lý, phát hiện: 01 ca bệnh (BN số 3210); hiện đã quản lý, cách ly tại nhà, lẫy mẫu xét nghiệm cho 2.021 người là các trường hợp bệnh nhân, người nhà chăm sóc đã đến BV K trong thời gian từ ngày 15/4/2021 đến ngày 07/5/2021. Kết quả xét nghiệm 2.021 mẫu âm tính.
4. Liên quan ca dương tính tại Hải Dương đã lưu trú tại Hải Phòng (BN3051, BN3094). Đến nay, các địa phương đã khẩn trương điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần tại các địa điểm:
+ Khách sạn Blue sea (Hải An): 07/07 mẫu âm tính;
+ Quán Karaoke New KTV (Hải An): 48/48 mẫu Âm tính;
+ Khách sạn Tường Vy 2 (Ngô Quyền): 39/39 mẫu Âm tính;
+ Đã rà soát được 124 người F2 và liên quan, kết quả xét nghiệm đều âm tính. Các địa phương vẫn đang tiếp tục truy vết các trường hợp F1, F2.
5. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với người bệnh (F1, F2), các ca bệnh nghi ngờ, người về từ vùng dịch, hoặc có đi qua địa điểm theo các Thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế.
6. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh, truyền thông tại cộng đồng về cài đặt Bluezone, Khai báo y tế bằng QR Code, sử dụng Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 qua covidmaps.haiphong.gov.vn.
Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)