1. Tình hình dịch COVID-19:
Thế giới: 20.487.350 người mắc, 743.961 người tử vong, trên 215 quốc gia, lãnh thổ.
- Hoa Kỳ: 5.301.496 người mắc; 167.479 người tử vong.
- Brazil: 3.109.630 người mắc; 103.026 người tử vong.
- Ấn Độ: 2.328.405 người mắc; 46.188 người tử vong.
- Nga: 897.599 người mắc; 15.131 người tử vong.
- Nam Phi: 566.109 người mắc; 10.751 người tử vong.
- Việt Nam: bệnh đã xuất hiện bệnh tại 40 tỉnh thành: tổng số 866 ca (bản tin 6h 12/8/2020 ghi nhận 3 ca mắc mới trong 12h qua (Hải Phòng 3 ca nhập cảnh).
(từ 25/7/2020 đến nay có 405 ca bệnh phát hiện liên quan đến Đà Nẵng, lây lan ra 15 tỉnh thành phố)
321 ca nhiễm khi nhập cảnh được cách ly ngay; 545 ca lây nhiễm trong nước.
399 người khỏi bệnh; 451 người đang điều trị; Tử vong 16 người;
- Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 ca tử vong.
+ 535/535 mẫu ca nghi ngờ mắc có kết quả âm tính.
+ 7.389 mẫu sàng lọc cho các trường hợp cách ly: 7.381 mẫu âm tính, 07 mẫu dương tính lại, 01 mẫu nghi ngờ sau khi đã được điều trị khỏi ra viện (BN 300, BN 303). (Ngày 11/8/2020: 115 mẫu sàng lọc chờ kết quả trong ngày 10/8 đã có kết quả âm tính; 190/193 mẫu sàng lọc âm tính).
+ Số cách ly tại cơ sở tập trung: 262 người; tại BV Việt Tiệp 2: 86 người; BV Trẻ Em: 4 người; Trường quân sự Thủy Nguyên 171 người; Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng 1 người,
+ Tại khách sạn, lưu trú dịch vụ (khách sạn, khu nghỉ dưỡng theo yêu cầu): 78 người.
+ Tổng số đang cách ly tại nhà: 914 người.
2. Thông tin quốc tế:
1. Theo báo Hindustantimes, cứ 5 người trên thế giới thì có 2 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chính điều này đã làm suy yếu nỗ lực kiềm chế đại dịch COVID-19 của toàn thế giới.
Tình trạng không được tiếp cận với nguồn nước và điều kiện vệ sinh cơ bản là một ví dụ cho thấy những ảnh hưởng có thể dẫn đến chết người từ sự bất bình đẳng do đại dịch COVID-19 gây ra. Khoảng 3 tỷ người không có nguồn nước sạch và xà phòng tại nhà, cũng như 4 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước kéo dài 1 tháng trong một năm là kết luận của Ủy ban Nước của Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra ngày 10/8.
2. Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Bộ Y tế Nga đã chính thức cấp phép cho loại vaccine đầu tiên trên thế giới để phòng dịch bệnh COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra. Qua đó, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trình làng một loại vaccine phòng bệnh COVID-19.
3. Ngày 11/8, New Zealand đã ghi nhận 4 trường hợp mắc COVID-19 lây nhiễm trong một gia đình, song nguồn lây hiện vẫn chưa thể xác định, sau 102 ngày không phát sinh trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau khi có diễn biến mới, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ra lệnh phong tỏa Auckland để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
4. Các nước Tây Ban Nha, Pháp hay Hà Lan đang chứng kiến số ca nhiễm mới virus Sars-CoV-2 tiếp tục tăng mạnh trong những ngày qua, khiến nguy cơ về một làn sóng dịch thứ hai ập đến trong mùa Thu này càng trở nên rõ nét.
Trong thông báo được Bộ Y tế Tây Ban Nha đưa ra trong ngày 11/8, nước này vừa ghi nhận thêm 1.418 ca nhiễm mới virus Sars-CoV-2 trong ngày. Tuy nhiên, một con số đáng lo ngại hơn được công bố trước đó 1 ngày cho thấy, trong vòng 1 tuần qua trung bình Tây Ban Nha có tới trên 4900 ca nhiễm mới/ 1 ngày.
Tại Pháp, ngoài số ca nhiễm gia tăng, các chỉ số khác cũng đáng lo ngại, như việc số ca nhập viện hàng tuần (800 ca/tuần) hay số ca bệnh nặng phải hồi sức tăng cường (100 ca/tuần) cũng đều tăng trở lại sau gần 2 tháng giảm.
Tại Hà Lan, trong 1 tuần qua ghi nhận 4.036 ca nhiễm mới. Số ca nhiễm hàng ngày hiện ở mức trung bình 500 ca/ngày, bằng một nửa thời kỳ đỉnh dịch cách đây vài tháng
3. Thông tin của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương:
1. Ngày 11/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) cùng Thường trực Ban Chỉ đạo đã tới thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tại buổi làm việc, sau khi nghe Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh phụ trách Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo, kiến nghị về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống, dịch bệnh COVID-19 của Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế đã thảo luận, trao đổi về một số phương hướng, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới như: Phối hợp quản lý chặt chẽ người xuất nhập cảnh; thực hiện công tác cách ly; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng hộ, nguồn lực tài chính; thực hiện chế độ, chính sách, động viên, khen thưởng kịp thời lực lượng tham gia phòng chống dịch. Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng Biên phòng phải tiếp tục động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục bám chốt. Bộ Quốc phòng phải chuẩn bị phương án đảm bảo đầy đủ vật chất, điều kiện làm việc, sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ trong thời gian dài. Bây giờ đang mùa nóng đã phải tính đến mùa đông, thời tiết mưa rét. Tới đây, dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta phải xác định tinh thần “chung sống an toàn với dịch”.
2. Theo kế hoạch, từ ngày 12-14/8, sẽ có 7 chuyến bay đưa gần 1.700 khách du lịch đang mắc kẹt tại Đà Nẵng về Hà Nội và TP.HCM. Các chuyến bay được thực hiện với sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương và áp dụng các quy chuẩn về phòng chống dịch COVID-19 trên chuyến bay.
Cụ thể, trong ngày 12/8 có 2 chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA) đưa hơn 400 khách từ Đà Nẵng về Hà Nội.
Ngày 13/8 có 3 chuyến bay gồm 1 chuyến của VNA đưa hơn 300 khách từ Đà Nẵng về TP.HCM, 2 chuyến của Vietjet đưa khách từ Đà Nẵng về Hà Nội.
Ngày 14/8 có 2 chuyến của Vietjet đưa khách từ Đà Nẵng về TP.HCM.
Hành khách trên các chuyến bay rời Đà Nẵng của hãng là những người đã mua vé đi từ Đà Nẵng về các địa phương trên trong giai đoạn từ ngày 26/7 – 31/8, các chuyến bay này đã bị hủy, nay được hỗ trợ đổi vé miễn phí sang các chuyến bay "giải cứu" trên.
3. Tối 11/8, Bộ GTVT có công văn hỏa tốc số 7832 về kế hoạch vận chuyển hành khách nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải. Từ 00 giờ 00 phút ngày 12/8, lĩnh vực hàng không tiếp tục dừng các chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa đi/đến thành phố Đà Nẵng.
Về lĩnh vực đường bộ, dừng hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; Các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt có hành trình qua thành phố Đà Nẵng thì không được dừng, đỗ tại thành phố Đà Nẵng để đón, trả khách.
Về lĩnh vực đường sắt, tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách xuất phát và kết thúc tại ga Đà Nẵng, không dừng, đỗ để đón, trả khách tại ga Đà Nẵng.
Về lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, dừng các chuyến tàu chở khách tuyến từ bờ ra đảo có điểm đi/đến là thành phố Đà Nẵng.
4. Ngày 11.8, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 5306/TTr-UBND, trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế cho phép thành lập Bệnh viện dã chiến trực thuộc Sở Y tế tại Cung Thể thao Tiên Sơn để kịp thời thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Việc sớm thành lập Bệnh viện dã chiến nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố trong những ngày tới, giảm quá tải cho Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi và các cơ sở y tế trên địa bàn.
Bệnh viện được đề xuất thành lập với quy mô 500 giường bệnh, chia thành hai giai đoạn thu dung điều trị, gồm: giai đoạn 1 triển khai 300 giường điều trị bệnh nhân COVID-19; giai đoạn 2 triển khai 200 giường điều trị bệnh nhân COVID-19. Đối tượng thu dung điều trị là ca bệnh xác định mắc COVID-19 (ca dương tính), và ca bệnh gồm người lớn (không bao gồm phụ nữ có thai), trẻ em.
4. Thông tin hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:
1. Chiều 11/8, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các bến tàu, bến xe, sân bay. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
2. Lãnh đạo Thành phố, Quân huyện kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, khu công nghiệp, một số doanh nghiệp, cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố.
3. Các quận huyện, xã phường trên địa bàn thành phố tiếp tục điều tra, tổng hợp khai báo y tế người về từ Đà Nẵng (từ 01/7/2020) các ca F1, F2 tiếp xúc với người bệnh Covid 19, các trường hợp từ các vùng dịch, vùng có bệnh nhân về.
4. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh...
5. Sáng 11/8, UBND phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền cùng với cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa, thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ quán Bánh đa Bà Cụ và rà soát lấy mẫu của 7 người gồm 2 vợ chồng chủ quán, 5 nhân viên có tiếp xúc gần BN816, BN751, kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.
6. Ngày 11/8, Trung tâm Y tế dự phòng TP phối hợp với Phòng Hóa học - Bộ Tư lệnh Quân khu 3 thực hiện phun khử trùng các tuyến đường chính phòng chống dịch Covid-19.