Thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 19h ngày 25/5/2021

I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:  

167.954.797 ca mắc, 3.486.153 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.

Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:

- Mỹ: 33.915.936 người mắc604.322 người tử vong.

- Ấn Độ: 26.947.946 người mắc; 307.249 người tử vong.

- Brazil: 16.121.136 người mắc; 450.026 người tử vong.

1. Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đến nay đã có ít nhất 115.000 nhân viên y tế qua đời vì COVID -19 kể từ khi đại dịch xuất hiện, đồng thời ông kêu gọi mở rộng quy mô tiêm chủng ở tất cả các nước.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi những hy sinh của các nhân viên y tế trên toàn thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch. “Trong gần 18 tháng, đội ngũ bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khỏe  trên toàn thế giới đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết; Những người này đã cứu rất nhiều mạng sống, họ đã chiến đấu vì những người khác",

2.  Malaysia ngày 25/5 ghi nhận thêm 7.289 ca mắc COVID-19, cao nhất từ đầu dịch đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á này vượt ngưỡng 7.000 ca.

3.  Bộ Y tế Lào ngày 25/5 cho biết nước này đã ghi nhận 56 ca mắc COVID-19 mới tại 6/18 tỉnh thành trong 24 giờ qua, gồm 42 ca cộng đồng và 14 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

4.  Ngày 25/5, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã quyết định gia hạn mức độ cảnh báo dịch bệnh hiện nay cho dù số ca nhiễm mới tại đây đang có chiều hướng giảm dần. Theo người phụ trách y tế Đài Loan Chen Shih-chung, trong khi các biện pháp hạn chế phát huy hiệu quả, song nguy hiểm hiện nay là các ca mắc không biểu hiện triệu chứng trong cộng đồng mà chính quyền chưa thể phát hiện.

Do đó, Đài Loan sẽ duy trì mức độ cảnh báo dịch bệnh ở mức 3 - mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo, đến ngày 14/6, theo đó, các trường học và địa điểm giải trí sẽ tiếp tục phải đóng cửa, trong khi các hoạt động tụ tập bị hạn chế.

5.  Nghiên cứu của các nhà khoa học trên bệnh nhân mắc COVID-19 tại 28 trung tâm ở 13 quốc gia trên 4 châu lục cho thấy, trong tổng số 3.744 bệnh nhân thì có đến 3.083 (82%) có các biểu hiện thần kinh: Nhức đầu, chứng thiếu máu hoặc chứng già nua, các dấu hiệu và/hoặc hội chứng thần kinh phổ biến nhất là bệnh não cấp tính, hôn mê, đột quỵ, viêm màng não và/hoặc viêm não hiếm gặp.

Đau đầu là triệu chứng tự báo cáo phổ biến nhất (37%). Chứng thiếu máu hoặc chứng già 26%. Tiền sử ngất là triệu chứng ít phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc là 5%. Bệnh não cấp tính là hội chứng thần kinh lâm sàng phổ biến nhất (49%). Các hội chứng thần kinh phổ biến tiếp theo là hôn mê và đột quỵ (17%). Các dấu hiệu hoặc hội chứng thần kinh ít phổ biến nhất là viêm màng não/ viêm não (khoảng 0,2%).

6. 4.  Chỉ chiếm 8,4% dân số toàn cầu nhưng các nước Mỹ Latinh và Caribbean chiếm 31% số ca tử vong vì COVID-19 trong tháng 5.

Khi số ca mắc mới có xu hướng giảm ở châu Âu và Bắc Mỹ, đi ngang ở châu Phi, thì Nam Mỹ hiện là khu vực duy nhất trên thế giới có tỉ lệ lây nhiễm mới tăng nhanh tính trên bình quân số dân, bất chấp việc Ấn Độ đang là nước phải đối diện với tình trạng lây nhiễm tồi tệ nhất trên thế giới.

Số liệu cập nhật cho thấy trong tuần qua, 8 nước có số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất tính trên đầu người (100.000 dân) đều là các quốc gia ở Mỹ Latinh.

7. Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có dấu hiệu tích cực khi nước này ghi nhận 196.427 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức thấp nhất theo ngày kể từ khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát tại nước này hồi trung tuần tháng 4 vừa qua.

8. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ít nhất 25 bang của nước này đã thông báo tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 50% số người trưởng thành của bang, tính đến ngày 23/5.

II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam: 

Tính từ 6h đến 17h ngày 25/5 có 100 ca mắc mới (BN5462-5561):

- 0 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

- 100 ca ghi nhận trong nước tại Thái Bình (1), Hồ Chí Minh (1), Đà Nẵng (2), Hà Nội (8), Điện Biên (1), Bắc Giang (87).

Tính đến 17h ngày 25/5:

- Việt Nam có tổng cộng 4.075 ca ghi nhận trong nước và 1.486 ca nhập cảnh.

- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 2.505 ca.

1. Sáng ngày 25/5/2021, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vắc xin từ các tập đoàn, doanh nghiệp cho việc mua và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong nước, Việt Nam đã khống chế 3 đợt dịch trước và đang từng bước kiểm soát đợt dịch thứ 4.

Theo Bộ trưởng, để thực hiện những chiến lược tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất, rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo, do đó việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ vắc xin là rất cần thiết.

2. Theo thông tin từ bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế, đến đầu giờ chiều ngày 25/5 tại Bắc Giang đã ghi nhận thêm hơn 300 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Số lượng các ca dương tính này được phát hiện nhờ tổng lực tăng tốc xét nghiệm trong 3 ngày qua mà Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang và các lực lượng y tế đã triển khai tại tất cả các khu công nghiệp, các nhà máy và khu lưu trú của công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tất cả các công nhân dương tính này đều đang lưu trú tại khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đang được kiểm soát.

3.  Một nhóm chuyên gia độc lập với người đứng đầu là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock, Trường đại học Sydney vừa đưa ra một dự báo được xem là kịch bản khả dĩ nhất trong hai kịch bản dự báo diễn biến của đợt bùng phát dịch lần thứ tư này tại Việt Nam.

Theo nhận định của nhóm chuyên gia, đợt dịch này có thể bắt đầu từ khoảng tuần thứ 1, 2 của tháng 4/2021. Đợt dịch thứ tư xuất hiện nhiều vòng lây nhiễm. Đồng thời, nhiều ổ dịch, bắt nguồn từ các ca bệnh nhập cảnh nhưng không tuân thủ việc cách ly chặt chẽ, hoặc nhập cảnh trái phép, nên đã có mầm bệnh âm thầm trong cộng đồng.

Theo nhóm nghiên cứu, dựa vào mô hình dự báo dịch SEIQHCDR, có thể hiểu mô hình dự báo này là một hàm toán học liên quan đến rất nhiều dự liệu, đã được thống kê, phân tích cùng các qui trình, chính sách đặc trưng cho ngành y tế... hướng tới điều muốn dự báo. Nhận thấy tác động rất lớn của yếu tố giãn cách xã hội trong mô hình. Trên cơ sở mô hình dự báo đó, nhóm đã đưa ra hai kịch bản.

- Kịch bản thứ nhất, các dự liệu đưa vào trên cơ sở giả định: Việt Nam giữ nguyên các biện pháp phòng chống dịch như hiện tại. Với kịch bản này, dự báo đỉnh dịch nằm ở tuần thứ 3 hoặc 4 tháng 5/2021 với số ca nhiễm mỗi ngày có thể nằm trong khoảng 150-210 ca; dịch có thể kết thúc vào giữa hoặc cuối tháng 6/2021 với tổng cộng từ 4.100 đến 6.600 ca nhiễm.  

- Kịch bản thứ 2 cũng giả định thực hiện giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trên quy mô cấp tỉnh, thành, với các tỉnh có nguy cơ cao, số ca nhiễm mới tăng nhanh (giảm tiếp xúc xã hội ở mức 20% từ ngày 4/5, 50% từ ngày 9/5 và 60% từ ngày 24/5).

So với kịch bản 1, thì đỉnh dịch vẫn như vậy nhưng dịch có thể kết thúc sớm hơn 10 ngày với số ca tích lũy ít hơn, dao động từ tổng cộng 2.900 - 4.500 ca.

III.  Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:

- Tổng số ca mắc: 08 ca; số khỏi bệnh, xuất viện: 06 ca. BN3210, BN4380 đang theo dõi tại BV Việt Tiệp cơ sở 2.

- Số ca nhiễm mới đến 18h ngày 25/5/2021: 0 ca

- Thực hiện cách ly y tế:

+ Số đang cách ly tập trung: 361 người

+ Số đang cách ly tại khách sạn: 418 người

+ Số đang cách ly tại nhà: 3.466 người

* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:

1. Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận; để đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chỉ đạo từ 6h00’ ngày 26/5/2021 cho phép hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà, cơ sở lưu trú, công viên - vườn hoa, sân golf, sân tập golf trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố yêu cầu các cơ sở lưu trú phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tùy theo quy mô của từng cơ sở, không được phục vụ quá đông người trong cùng một thời điểm, phải đảm bảo tuân thủ khoảng cách của khách tối thiểu 2m; Các sân golf chỉ tiếp đón người chơi đang sinh sống tại thành phố Hải Phòng và phải có Giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày hoặc Giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Các hoạt động tại công viên - vườn hoa phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m/người.

2. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, chiều 25/5, tại Hội trường Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trao kinh phí ủng hộ tới Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố với số tiền 669 triệu đồng.

3. Sáng 25/5, đồng chí Trần Anh Cường – Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đi kiểm tra công tác phòng chống dịch, công tác xét nghiệm diện rộng, sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh tại khu công nghiệp Nomura trên địa bàn huyện An Dương.

Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của thành phố tập trung số lượng lớn chuyên gia nước ngoài và công nhân từ tỉnh ngoài đến làm việc, cùng với số lượng lớn công nhân lao động của thành phố, nguy cơ dịch xâm nhập vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất lớn. Vì vậy ngành Y tế đã thực hiện một loạt biện pháp, trong đó có biện pháp xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ chuyên gia cũng như công nhân ngoại tỉnh làm việc tại khu công nghiệp. Trước mắt, sẽ xét nghiệm khoảng 10-20% công nhân lao động trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Hợp Thịnh, Giám đốc Sở Y tế đánh giá doanh nghiệp thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đồng chí đề nghị doanh nghiệp cần xây dựng phương án triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo các tình huống, tự đánh giá mức độ an toàn trong phòng chống dịch, lưu ý bố trí nơi làm việc đảm bảo giãn cách, thông thoáng, treo nội dung hướng dẫn về công tác phòng chống dịch, triển khai thực hiện khai báo y tế điện tử đối với người lao động, quản lý người lao động từ tỉnh ngoài, người thuê trọ… để đảm bảo quy định phòng chống dịch.

4. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với người bệnh (F1, F2), các ca bệnh nghi ngờ, người về từ vùng dịch, hoặc có đi qua địa điểm theo các Thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế.

5. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh, truyền thông tại cộng đồng về cài đặt Bluezone, Khai báo y tế bằng QR Code, sử dụng Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 qua covidmaps.haiphong.gov.vn…

Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn