Thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 19 giờ ngày 8/4/2020

1. Tình hình dịch COVID-19

-  Thế giới: 1.447.212 người mắc, 83.093 người tử vong, trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ

- Hoa Kỳ: 400.549 người mắc; 12.857 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 146.690 người mắc; 14.555 người tử vong.

- Italia: 135.586 người mắc; 17.127 người tử vong.

- Pháp: 109.069 người mắc; 10.328 người tử vong.

- Đức: 107.663 người mắc; 2.016 người tử vong.

- Trung Quốc 81.802 người mắc; 3.333 người tử vong.

- Iran: 67.286 người mắc; 4.003 người tử vong.

- Anh: 55.242 người mắc; 6.159 người tử vong.

Thế giới có hơn 1,4 triệu người mắc bệnh; tử vong hơn 83 ngàn người, gần 50 ngàn bệnh nhân ở mức độ nghiêm trọng. Một số quốc gia đang tăng nhanh người nhiễm như Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Nga.

-  Việt Nam251 trường hợp mắc COVID-19; Không có BN tử vong

Ngày 8/4/2020, phát hiện thêm 2 ca nhiễm mới; BN 250- BN 251 (đến 19h)  

- Tổng số 126 người khỏi bệnh, chiếm 50%

- 16 người (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh.

- 110 người (tính từ ngày 6/3 đến 8/4) được chữa khỏi bệnh.

- Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong.

+ Có 385 trường hợp / 390 trường hợp nghi ngờ mắc dịch COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính, 5 trường hợp chờ kết quả xét nghiệm.

+ Có 1.247 mẫu / 1.311 mẫu sàng lọc cho các trường hợp cách ly, đã có kết quả âm tính, 64 mẫu chờ kết quả.

+ Số cách ly tại cơ sở tập trung là 635 người, tại: Cao đẳng Du lịch 62 người; BV Việt Tiệp 2: 65 người; Trung tâm GDQP- Đại học HP: 219 người; Trung tâm quân sự thành phố (Thủy Nguyên): 165 người; Khách sạn Công đoàn Đồ Sơn 46 người; Khách sạn Sinh viên ĐH QL&CN: 78 người.

Các Xã phường, Quận huyện tiếp tục chuyển những người từ các vùng dịch về Hải Phòng đến cơ sở cách ly tập trung của thành phố.

2. Thông tin hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành:

1. Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, ngày 8/4 diễn ra Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương với chủ đề “Đoàn kết chống dịch COVID-19”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp tới Hội nghị. Trong thông điệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến về hội nghị trực tuyến này. Thủ tướng cho biết với những bài học rút ra từ nỗ lực chống dịch SARS, Việt Nam đã rất chủ động đưa ra các biện pháp toàn diện nhằm kiểm soát, ngăn chặn COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”…

Tổng Giám đốc WHO Tedros đánh giá cao sự tận tâm của đội ngũ y tế trong tuyến đầu chống dịch và sự nỗ lực của các chính phủ trong việc đẩy lùi, ngăn ngừa dịch bệnh. Đại dịch COVID-19 đang diễn biến  hết sức phức tạp, đòi hỏi các nước cần đoàn kết, chung tay trong việc chia sẻ thông tin, kỹ thuật, trang thiết bị y tế để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Y tế các nước đã điểm qua về tình hình dịch COVID-19 ở quốc gia của mình. Australia và Nhật Bản đang ráo riết phát triển vắc-xin để phòng bệnh. Trung Quốc chia sẻ đã áp dụng thuốc y học cổ truyền trong điều trị bệnh nhân COVID-19 và đã có những kết quả khả quan. Các quốc gia/vùng lãnh thổ ở Tây Thái Bình Dương đều nhấn mạnh tới việc phát hiện sớm, cách ly, giãn cách xã hội, truy tìm người tiếp xúc gần để giảm thiểu đại dịch.

Tổng kết hội nghị, TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cho biết các nước cần tập trung vào tăng cường làm thêm các xét nghiệm để phát hiện sớm, cách ly và truy tìm người tiếp xúc gần. Đây sẽ là một cuộc chiến dài lâu, đặc biệt trong những ngày sắp tới. Về chiến lược ứng phó chung của Tây Thái Bình Dương, WHO đã thiết lập nhóm kỹ thuật, bộ xét nghiệm COVID-19 cũng đã được gửi tới những nước còn khó khăn. Đây là lúc các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cùng thể hiện tinh thần đoàn kết, các nước có năng lực y tế sẵn sàng hơn, có sẵn trang thiết bị, bộ xét nghiệm có thể hỗ trợ lẫn nhau.  

2. Ngày 8/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ. Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong phòng, chống dịch cũng như quan tâm đến vấn đề ổn định, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống của người dân. Đặc biệt Chính phủ chủ động đề xuất đưa ra các chính sách biện pháp để hỗ trợ người dân doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi các chính sách được ban hành, các cấp, các ngành chủ động thực hiện ngay, có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến người dân, hạn chế thấp nhất "độ trễ" của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không  xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.

3. Tại cuộc họp trực tuyến ngày 8/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng với virus Corona (COVID-19).

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi trước 0h ngày 22/3, thời điểm chúng ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong 251 trường hợp nhiễm bệnh (tính đến sáng 8/4), có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%). Trước thực tế số ca bệnh COVID-19 được phát hiện trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng, chiếm hơn 37% số trường hợp dương tính hiện nay, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia kiến nghị cần tập trung các biện pháp ngăn chặn. Cụ thể là tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhiều hơn và mở rộng diện xét nghiệm trong quần thể. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh kiên định 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

4. UBND TP Hà Nội đã ủy quyền ra quyết định cách ly y tế đối với ổ dịch Covid-19 cho UBND huyện Mê Linh ban hành quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế đối với thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Tổng số hộ dân phải cách ly là 2.973, với 10.872 nhân khẩu. Thời gian thực hiện cách ly y tế là 28 ngày, từ hôm nay đến 6/5/2020.

5. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) vừa qua có những trường hợp không tìm được ca đầu tiên như tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ca bệnh 237, người Thụy Điển, ca bệnh 243 ở Mê Linh, Hà Nội và ca bệnh mới 251 được phát hiện tại Hà Nam. Điều đó chứng tỏ đã có sự lây lan ra cộng đồng nhưng chưa lớn.

Liên quan đến bệnh nhân số 243 (BN243) việc xét nghiệm dương tính là rất chắc chắn, nhưng qua xét nghiệm kháng thể của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì lại chưa thấy xuất hiện kháng thể. “Do đó trường hợp này mới mắc COVID-19, có thể có sự lây truyền mới trong cộng đồng. Vậy lây ở đâu, lây như thế nào thì bệnh nhân này đã đi nhiều nơi, phải điều tra dịch tế tiếp mới xác định được”.

3. Thông tin hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:

1. Sáng 8/4, Ban Thường vụ Thành ủy họp, nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội quý I; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm quý II năm 2020; Dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2020, tình hình chính trị, xã hội thành phố ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Thành phố chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước tăng 14,9% gấp 3,9 lần tốc độ tăng của bình quân chung cả nước (3,82%), trong đó: nhóm công nghiệp – xây dựng ước tăng 23,97%; nhóm dịch vụ ước tăng 6,65%; nhóm nông, lâm, thủy sản ước tăng 0,44% so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 3 chỉ tiêu tăng trên 15% so với cùng kỳ đó là: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng trên 17%, quý I tăng gần 23% so với cùng kỳ, gấp 3,9 lần so với bình quân cả nước (5,8%); kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng trên 15%, quý I ước đạt trên 4 tỷ USD, tăng trên 15% so với cùng kỳ; thu hút FDI quý I đạt gần 200 triệu USD, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ. Có 4 chỉ tiêu tăng từ 10 - 15%; có 3 chỉ tiêu tăng thấp so với mức tăng cùng kỳ của năm 2019; có 8 chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đang bám sát, riêng thu Hải quan bị giảm đến 18%; các ngành du lịch, một số dịch vụ ăn uống giảm… Trên cơ sở đó nhận định các biện pháp cho quý II/2020; dịch bệnh hiện còn diễn biến phức tạp, chưa biết được kết thúc thời điểm nào, đang có một số ổ dịch mới phát sinh tại một số địa phương, do đó việc khống chế dịch sẽ quyết định được sự phát triển kinh tế cả nước và dự báo kinh tế sẽ khó khăn hơn trong quý I/2020.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, nhiệm vụ quý II/2020, trước hết là tháng 4/2020 phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch, các cấp, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, phải xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm, nếu kiểm soát được tình hình dịch bệnh thì sẽ bảo vệ được kinh tế, bảo vệ được sản xuất kinh doanh và các chỉ số tăng trưởng. Toàn thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung toàn bộ lực lượng khống chế dịch bệnh để dịch bệnh không vào thành phố. Trong môi trường thành phố chưa có dịch bệnh, cũng là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội; phải vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến thực hiện nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị cần tập trung cao triển khai. Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương UBND thành phố triển khai càng sớm càng tốt để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Đồng chí giao các sở, địa phương lên danh sách để sớm thực hiện hỗ trợ. Đặc biệt, phải chú trọng đến độ chính xác, tránh sai sót làm thất thoát nguồn lực, phải đảm bảo nhiệm vụ chống dịch nhưng cũng đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người dân. 

2. Ngày 6/4/2020, UBND thành phố ban hành Quyết định 934/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đ/c Nguyễn Văn Tùng Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban chỉ đạo; cùng các đồng chí lãnh đạo UBND T.P, Sở ngành, Quận Huyện tham gia BCĐ. Căn cứ chỉ đạo của Chính Phủ, Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

3. Chiều 8/4, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.

Kiểm tra tại siêu thị Big C và siêu thị MM Market, đến nay các mặt hàng đều đủ về số lượng và chất lượng, giá cả ổn định đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao các siêu thị đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 26, 27 của Ban Thường vụ Thành ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, tổ chức đo thân nhiệt khách hàng vào siêu thị, thực hiện giãn cách xã hội, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân thành phố trong thời gian tới. 

Kiểm tra chợ Quán Toan và chợ Ga, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành yêu cầu lực lượng công an thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo trật tự an ninh tại các chợ. Ban Quản lý các chợ cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ buôn bán kinh doanh về thực hiện giãn cách xã hội, thường xuyên vệ sinh phun thuốc khử trùng, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ.

4. Huyện Cát Hải đã thành lập 58 Tổ công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Các Tổ công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 lập 63 chốt kiểm soát y tế tại các thôn, tổ dân phố, đồng thời kiểm tra y tế và kê khai y tế toàn dân trên địa bàn.

5. Lãnh đạo UBND thành phố, các Quận huyện tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tại các chốt kiểm dịch của thành phố, tại các cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh lưu trú, địa điểm du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí, cơ sở tôn giáo….

6. Duy trì các hoạt động tuyên truyền, tẩy uế, khử trùng tại công sở, cơ sở y tế trường học, cơ quan đơn vị, nơi công cộng, đường phố, khu vực có người nghi ngờ mắc.

7. Duy trì hoạt động các chốt kiểm soát dịch; các hoạt động truyền thông kết hợp điều tra giám sát, tại cộng đồng, truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh.

8. Tại các quận huyện, xã phường: tiếp tục điều tra, tìm kiếm những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi ngờ mắc, người bệnh điều trị, người đến BV Bạch Mai, người từ vùng có dịch về Hải Phòng … để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc đưa vào cách ly tập trung, lấy mẫu làm xét nghiệm.

9. Các cơ sở cách ly tập trung của thành phố tiếp tục bàn giao đối tượng hết thời gian cách ly tập trung về địa phương để tiếp tục giám sát, cách ly tại nhà và nhận các đối tượng cần cách ly tập trung từ quận huyện chuyển lên, trên cơ sở quyết định danh sách cách ly tập trung do UBND thành phố phê duyệt.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn