Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 309/TB-VPCP ngày 24/8/2020 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 21/8/2020). Thông báo nêu rõ:

Chiều ngày 21 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Đắc Vinh, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Dân tộc; các đồng chí Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Quảng Trị, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn (dự họp trực tuyến tại các điểm cầu của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố).

Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các ngành y tế, quân đội, công an, các đoàn thể, cấp ủy và chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương có dịch và lực lượng cán bộ, nhân viên y tế đã nỗ lực, cố gắng thực hiện quyết liệt, bài bản, kịp thời các giải pháp phù hợp, trong đó có nhiều giải pháp mới, sáng tạo và đạt thành công bước đầu, kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động, kể cả tại các địa bàn có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng như Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Hải Dương và các thành phố lớn. Năng lực ứng phó với dịch bệnh được nâng lên rõ rệt. Hoạt động phòng, chống dịch tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ, ủng hộ của các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, kể cả người nước ngoài cho các địa phương đang có dịch. Các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cũng đã tiếp tục chủ động, phối hợp tốt, chỉ đạo linh hoạt việc phòng chống dịch, bảo đảm an toàn các hoạt động kinh tế - xã hội, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép.

2. Dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến xấu trên thế giới. Nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng vẫn hiện hữu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện với kết quả tối ưu cả 2 nhiệm vụ phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

a) Về phòng, chống dịch:

- Đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhất là trong hệ thống y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện.

- Tiếp tục chung sống, chiến đấu trường kỳ với dịch bệnh.

- Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, trong phạm vi quản lý. Phải tập trung, dồn lực, kiên quyết thực hiện các giải pháp phù hợp phòng chống dịch. Trường hợp xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để người dân lo lắng, bất ổn do giãn cách xã hội.

- Phát huy các kinh nghiệm quý như thần tốc chỉ đạo, truy vết và xét nghiệm nhanh trên diện rộng; truyền thông sâu rộng, minh bạch, kịp thời; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân. 

b) Duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong mọi ngành, lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới ở mức cần thiết, không để đình trệ, đứt gãy. Các cơ sở sản xuất phải có phương án tổ chức sản xuất phù hợp, phòng dịch chặt chẽ, không để ngưng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

3. Giao Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo:

a) Nâng cao năng lực xét nghiệm của toàn hệ thống, tạo thuận lợi cho người dân xét nghiệm; có phương án bảo đảm phát hiện nhanh nguy cơ dịch bệnh từ các trường hợp có biểu hiện nhỏ nhất;

b) Rà soát, chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm năng lực ứng phó của hệ thống y tế, nhất là tại các thành phố lớn khi có tình huống gia tăng các bệnh nhân nặng. Cần tập trung bảo vệ các đối tượng có nguy cơ cao như người có bệnh nền, người cao tuổi… khi bị lây COVID-19 dễ dẫn đến tử vong; quy định, hướng dẫn, khuyến cáo các biện pháp tự bảo vệ đối với bệnh nhân ngoại trú;

c) Đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ an toàn các cơ sở y tế. Phải rút kinh nghiệm về việc để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh tại một số bệnh viện vừa qua. Không để xảy ra các ổ dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Tất cả các cơ sở y tế phải có quy trình chặt chẽ tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, phân luồng, tuyến phù hợp. Tăng cường tập huấn trực tuyến nâng cao ý thức, tay nghề, năng lực ứng phó của đội ngũ cán bộ y tế tại tất cả các cơ sở y tế (từ trạm y tế cấp xã đến các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối) bảo đảm phát hiện, phản ứng nhanh, hiệu quả với mọi trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh COVID-19.

d) Chú trọng củng cố, phát triển hệ thống y tế dự phòng. Triển khai mạnh việc khám bệnh từ xa, nhất là tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh.

4. Các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo:

- Tích cực truyền thông và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, tại trường học, bệnh viện, nơi đông người, trên phương tiện công cộng…, dần hình thành nếp văn hóa này trong điều kiện có dịch bệnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chế tài và thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

- Khuyến cáo mạnh mẽ về việc khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng phần mềm truy vết Bluezone. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông dự thảo Thư của Thủ tướng Chính phủ khuyến cáo về việc cài đặt ứng dụng này.

5. Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép người nhập cảnh kể cả ở các tuyến biên giới, cửa khẩu và trong nội địa; xử lý nghiêm việc tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giám sát chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch trong việc cách ly phù hợp các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao… nhập cảnh làm việc tại Việt Nam.

6. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương án tổ chức đợt còn lại của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn; chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức khai giảng và tiến hành năm học mới linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương, bảo đảm an toàn.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì hoàn chỉnh, trình Thường trực Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các chính sách, có quy trình thuận lợi hơn nữa kịp thời hỗ trợ người lao động mất việc làm, không có thu nhập.

Tài liệu đính kèm:

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn