Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới từ thực tiễn Hải Phòng

 

Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố phát biểu tham luận tại Đại hội.

(Haiphong.gov.vn) - Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội 13 của Đảng đã xác định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”.    

Có thể khẳng định, đây là chủ trương, giải pháp đúng đắn, thấm nhuần quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, là sự tiếp nối truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc và phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực tiễn đã chứng minh, ngay từ khi ra đời, Đảng ta luôn trương gắn biện pháp kinh tế với biện pháp quân sự để thực hiện mục tiêu cách mạng “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Đồng thời, thông qua các kỳ Đại hội, Đảng ta tiếp tục khẳng định rõ việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội là quy luật khách quan, là quan điểm cơ bản, căn cốt, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam; phù hợp với sự vận động phát triển của thế giới trong điều kiện hội nhập và phát triển                                                                                              Trong những năm qua, thực hiện đường lối của Đảng, việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, chương trình, công trình kinh tế cụ thể và đã mang lại hiệu quả thiết thực (Điển hình như: đường cao tốc Bắc - Nam; dự án đầu tư Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng; dự án sân bay Long Thành; cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; chính sách cho việc định cư dân trên các hải đảo…). Nhà nước đã ban hành cơ chế, chính sách thông thoáng phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng đất nước đi đôi với thu hút vốn, công nghệ, giúp nền kinh tế có những chuyển biến hết sức to lớn (Tăng trưởng GDP trung bình hằng năm giai đoạn 2016 - 2019 đạt trên dưới 7%, mức cao trên thế giới); tạo điều kiện thuận lợi đầu tư toàn diện cho lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, từ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đến con người nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.

Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội và bộ máy quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh ở Trung ương và địa phương được kiện toàn theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật An ninh quốc gia. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh ngày càng được hoàn thiện (Như Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chiến lược quốc phòng Việt Nam; Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Chiến lược quân sự Việt Nam; Luật quốc phòng; Luật an ninh quốc gia…). Việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội có nhiều chuyển biến; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; khoảng cách về mức sống và cơ hội phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc, giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cơ chế, chính sách phát triển khoa học - công nghệ và môi trường vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa ưu tiên cho các mục tiêu hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng quân đội và công an, đặc biệt là trình độ phòng vệ quốc gia trước các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống như phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.  

Đối với thành phố Hải Phòng: Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là Nghị quyết 28 - Hội nghị Trung ương 8 (khóa 11) "Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 152 (nay là Nghị định 21) của Chính phủ về "Khu vực phòng thủ" gắn với thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (nay là Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố hải phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ thành phố luôn coi trọng và làm tốt công tác quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông với kinh phí đầu tư gần 80 nghìn tỷ đồng cho 78 dự án, trong đó nhiều lĩnh vực, dự án có tính lưỡng dụng cao, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo đảm có thể chuyển sang động viên khi tình huống xẩy ra, như: công trình giao thông đường 353, đường 10, cầu Bính, cầu Bạch Đằng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường bộ ven biển; dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi... Không gian đô thị được mở rộng, trung tâm đô thị cũ được chỉnh trang, diện mạo đô thi ngày càng xanh, văn minh, hiện đại; xây dựng nông thôn mới được tập trung cao với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư mạnh mẽ và đặc biệt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo luôn đi trước một bước so với sự phát triển kinh tế, cao hơn mức bình quân chung các tỉnh, thành phố lân cận từ 1-1,5 lần và đứng đầu cả nước về mức quà tặng đối với thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công... Đây cũng chính là bảo đảm cho sự phát triển và ổn định về tiềm lực chính trị tinh thần trong xây dựng KVPT. Từ đó, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân thành phố, làm cho người dân, các lực lượng xã hội yên tâm, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vững vàng trước sự lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch; tạo nền tảng chính trị vững chắc để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Cùng với đó, thành phố đầu tư cải tạo và xây dựng một số công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ thành phố như: sửa chữa, nâng cấp Căn cứ hậu phương, Căn cứ chiến đấu của thành phố; cải tạo, nâng cấp công trình chiến đấu tại đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cát Bà, Đồ Sơn; xây mới một số thao trường huấn luyện, Trung tâm huấn luyện dự bị động viên của lực lượng vũ trang thành phố; đặc biệt, các cây cầu đã khành thành và đang triển khai xây dựng nối liền với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình... tiếp tục khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc; đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để triển khai cơ động lực lượng khi có tình huống xảy ra.... tạo thành thế phòng thủ có trọng điểm, có chiều sâu, liên hoàn vững chắc; đáp ứng được yêu cầu bảo vệ địa phương trong các tình huống thời bình và sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có tình huống chiến tranh xảy ra.  

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, từ thực tiễn tại Hải Phòng, cũng như các địa phương cho thấy việc kết hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh còn nhiều hạn chế, như: thế bố trí sản xuất, cơ cấu vùng lãnh thổ vẫn bộc lộ nhiều sơ hở, nhiều vùng chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh nhưng kinh tế vẫn còn chậm phát triển, không đáp ứng được thế bố trí chiến lược Quốc phòng chung của cả nước; vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng, trong khi đó lại tập trung khá lớn vào lĩnh vực khách sạn, văn phòng cho thuê, dịch vụ du lịch; xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nặng về xem xét hiệu quả kinh tế mà chưa quan tâm nhiều đến yếu tố quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; một số cấp ủy, chính quyền nhận thức về kết hợp nhiệm vụ kinh tế với Quốc phòng còn hạn chế nhất là trong triển khai quy hoạch thế trận Quốc phòng địa phương; thực hiện mỗi bước phát triển về kinh tế xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa được quan tâm đúng mức…đặc biệt là việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 152 (nay là Nghị định 21) của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng tiềm lực quốc phòng toàn dân trong khu vực phòng thủ...

Để cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới, bên cạnh những nội dung giải pháp được xác định trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XIII, tôi xin đề xuất một số nội dung, giải pháp sau:  

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của nhà nước, nhất là của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, xuyên suốt, nhằm bảo đảm việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đúng định hướng, quan điểm và chiến lược của Đảng. Vì vậy, phải linh hoạt, cụ thể trong việc vận dụng kết hợp kinh tế và quốc phòng trong từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở để thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: cải thiện đời sống nhân dân; tích lũy để phát triển, mở rộng quan hệ với bên ngoài; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hai là: Gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ngay từ trong các chủ trương, quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với đặc điểm từng địa phương và thực tiễn đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, hải đảo và từng địa phương; nhất là việc điều chỉnh quy hoạch vùng, bố trí lao động, phân bố dân cư cần hợp lý hơn; bảo đảm ở đâu có đất, có biển, có đảo là ở đó có dân và lực lượng quốc phòng, an ninh. Ưu tiên đầu tư những dự án, công trình mang tính lưỡng dụng vừa phục vụ dân sinh, vừa phục vụ quốc phòng.

Ba là: Ưu tiên đầu tư cho địa bàn biên giới, vùng cao, vùng sâu, sớm ổn định và phát triển làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Hiện nay, chính phủ đã có chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đề nghị cần có Chương trình ưu tiên đặc biệt xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các xã biên giới, biển đảo (như Bạch Long vĩ, Cát Hải của Hải Phòng) để thu hút mọi nguồn lực, tập trung cho chương trình, mục tiêu với những tiêu chí cụ thể để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở địa bàn chiến lược này.

Bốn là: Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách quốc phòng, an ninh các cấp. Kết hợp chặt chẽ giữa chấn chỉnh, kiện toàn với chăm lo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm, giúp cho cấp ủy đảng và chính quyền các cấp thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Cần có chính sách ưu đãi đối với cán bộ, chiến sĩ công tác tại biên giới, hải đảo; đồng thời quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, chiến sỹ LLVT, xác định là một trong những giải pháp thiết thực, để bộ đội yên tâm công tác, sẵn sàng chiến đấu, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho Quân đội.

(Tham luận của đồng chí Nguyễn Minh Quang, UVBTV, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tại phiên làm việc Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố khóa XVI, chiều 14/10/2020)

 

 
   

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn