Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới Phòng, chống Lao 24/3/2023: Chung tay tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030
(Haiphong.gov.vn) – Sáng 24/3, tại quảng trường Nhà hát thành phố, Sở Y tế Hải Phòng tổ chức Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới Phòng, chống lao 24/3/2023. Dự Mít tinh có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan và hàng trăm tình nguyện viên.
Các đồng chí lãnh đạo tham dự Mít tinh.
Việt Nam là được coi là Quốc gia có gánh nặng bệnh Lao đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất, đồng thời là nước đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao trên toàn cầu. Bệnh Lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh nhiễm trùng, con số tử vong còn cao hơn nhiều so với tử vong vì COVID hay do tai nạn giao thông.
Thành phố Hải Phòng với chỉ số dịch tễ là hơn 1,4%, dân số trên 2 triệu người ước tính hàng năm có gần 3.000 người mắc Lao các thể, thành phố có gánh nặng bệnh Lao và Lao kháng thuốc ở mức trung bình cao so với cả nước. Độ tuổi mắc Lao chiếm tỷ lệ cao ở lứa tuổi lao động chính của gia đình và xã hội (gần 70% ở tuổi từ 25 tuổi đến 54 tuổi), các trường hợp Lao kháng đa thuốc và siêu kháng thuốc xuất hiện và đang gia tăng, bệnh Lao phối hợp với nhiều bệnh khác như: HIV/AIDS, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính… đã tác động không nhỏ đến kinh tế xã hội.
Khi bị mắc bệnh Lao, người bệnh sẽ mất trung bình 3 – 4 tháng lao động/năm (có đến 26% phải ngừng làm việc hơn 6 tháng), có tới 5% phải bán tài sản, 17% phải đi vay nợ, thu nhập trung bình giảm 25% và thu nhập của hộ gia đình giảm 12% hàng tháng chi cho chăm sóc y tế. Họ sẽ phải chi phí trung bình hơn 1.100 USD (tương đương 26 triệu đồng) đối với những người mắc Lao nhạy cảm, nếu họ mắc Lao đa kháng thì phải mất hơn 4.300 USD (khoảng gần 100 triệu đồng), đây là chi phí vô cùng lớn của người bệnh, gia đình người bệnh cũng như của xã hội.
Quang cảnh Mít tinh.
Thời gian qua, chương trình chống Lao thành phố đã thực hiện khá toàn diện và đạt kết quả đáng ghi nhận, Chiến lược DOST, đã duy trì 100% quận, huyện, xã, phường, 100% dân số được bảo vệ bằng chương trình mục tiêu Y tế dân số; nhiều hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức cộng đồng được triển khai; mạng lưới chống Lao luôn được củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả. Riêng năm 2022, chương trình chống Lao thành phố đã khám phát hiện 1.578 bệnh nhân và quản lý điều trị thành công > 90% số bệnh nhân mắc Lao, quản lý điều trị cho hơn 80 bệnh nhân Lao kháng đa thuốc. Hoạt động phối hợp giữa y tế công – công, công – tư, luôn duy trì đạt hiệu quả và cơ bản thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia đề ra cũng như kế hoạch hành động của Chương trình chống Lao thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.
Năm 2022, Hải Phòng đã triển khai có hiệu quả Chiến lược 2X (Xquang, Xpert) trong hoạt động khám sàng lọc chủ động bệnh Lao, các bệnh Phổi và các bệnh không lây nhiễm nổi cộm cho người dân trong khuôn khổ Dự án Thành phố không bệnh Lao, được quốc tế và trung ương đánh giá cao. Hải Phòng là một trong các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm điều trị Bedaquilin cho người bệnh Lao đa kháng (gồm cả phác đồ ngắn hạn và dài hạn).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu tại Mít tinh.
Phát biểu tại Mít tinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam biểu dương và ghi nhận những kết quả cuả Bệnh viện Phổi và các cá nhân đã đạt được trong thời gian qua. Để công tác phòng chống Lao tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cấp Đảng, chính quyền, Sở ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng, chống Lao. Nâng cao hơn nữa chất lượng chẩn đoán và điều trị, tích cực ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, hiện đại góp phần phát hiện sớm bệnh nhân lao tại cộng đồng, quản lý điều trị chặt chẽ để không có người bệnh bỏ trị. Tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương – Chương trình chống lao quốc gia và các tổ chức quốc tế để tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các nguồn viện trợ trong công tác phòng, chống bệnh Lao và các bệnh Phổi cùng các bệnh không lây nhiễm nổi cộm trong cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình. Vận động các chính sách xã hội, bảo đảm bao phủ Bảo hiểm y tế, tiếp cận Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao và các nguồn lực khác trong xã hội để mọi người dân đều được bình đẳng thụ hưởng tốt nhất trong công tác phòng, chống Lao.
Các lực lượng tham gia diễu hành.
Từ thành công cuộc chiến chống COVID-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi toàn dân tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng chống bệnh Lao, cùng vào cuộc chung tay tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030, “Chấm dứt bệnh lao là tránh đi cái chết của hàng chục ngàn người mỗi năm và làm cho hàng trăn ngàn gia đình hạnh phúc”.
Hồng Nhung