Giám đốc Sở Y tế: Thành phố sẽ hỗ trợ đón các trường hợp cách ly tập trung từ tỉnh ngoài về Hải Phòng

(Haiphong.gov.vn) – Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân thành phố đang có nhiều băn khoăn, vướng mắc trước nhu cầu đi đón người thân đã thực hiện cách ly tập trung tại các tỉnh thành khác về Hải Phòng, người dân mắc bệnh nghiêm trọng điều trị định kỳ tại thành phố Hà Nội quay trở về Hải Phòng có phải thực hiện cách ly không… Để giải đáp cho những vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 đã trả lời phỏng vấn về một số nội dung liên quan. Cổng Thông tin điện tử thành phố trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn tới bạn đọc.

PV: Hiện nay, nhiều gia đình băn khoăn người thân của họ hoàn thành cách ly y tế tại một số địa phương khác và muốn trở về Hải Phòng; để quay về thành phố, họ phải làm như thế nào?

Giám đốc Sở Y tế: Về việc tổ chức đón các con em đã hoàn thành thời gian cách ly của quốc gia quay trở lại thành phố, trong giai đoạn vừa qua, thành phố có một số văn bản chỉ đạo cụ thể, tuy nhiên việc triển khai còn đang lúng túng ở một số địa phương. Để thống nhất triển khai đồng bộ, ngày 7/4, Sở Y tế tham mưu với UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, lập danh sách tất cả các gia đình hiện có con em, người thân đang cách ly cấp quốc gia, sau đó thông báo cho Sở Y tế về ngày dự kiến trở về. Sở Y tế có trách nhiệm bố trí xe của ngành đi đón. Trường hợp số lượng vượt quá khả năng của ngành, Sở Y tế sẽ xin ý kiến chỉ đạo của thành phố về việc huy động sự vào cuộc của các ngành khác như Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố để hỗ trợ, phối hợp ngành Y tế tổ chức đưa đón. Trong trường hợp số lượng con em cách ly quá ít ở những địa phương khác nhau, đề nghị các quận, huyện trên địa bàn cũng có phương án hỗ trợ trực tiếp người dân, tổ chức xe đưa đón của quận, huyện để giải quyết.

Thực tế hiện nay đang diễn ra tình trạng các con em Hải Phòng đang cách ly ở khu vực phía Nam đi máy bay về sân bay Nội Bài, hay ở khu vực miền Trung đi bằng đường tàu hỏa về ga Hà Nội, Sở Y tế có thể tính được số lượng này để tổ chức đưa đón. Nhưng những trường hợp cách ly ở những đơn vị nhỏ lẻ khác, các quận, huyện nên hỗ trợ các gia đình tổ chức đón đưa kịp thời.

Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp nghiêm túc thực hiện khám sàng lọc bệnh nhân

PV: Đối với các trường hợp đi cách ly y tế về Hải Phòng sẽ phải thực hiện các biện pháp y tế như thế nào?

Giám đốc Sở Y tế: Khi các con em Hải Phòng hoàn thành thời gian cách ly, hầu hết được xét nghiệm lần 2 âm tính, chúng tôi tham mưu với lãnh đạo thành phố và khuyến cáo tiếp tục theo dõi chặt chẽ về y tế và không ra khỏi nhà trong vòng 14 ngày, sau đó mới yên tâm để họ hòa nhập cộng đồng.

PV: Thưa bà, hiện nay xuất hiện ổ dịch tại một số cơ sở khám, chữa bệnh ở Hà Nội, nguồn lây không chỉ là người bệnh mà cả những người thực hiện dịch vụ, người nhà chăm sóc và người đến thăm. Trong trường hợp như vậy, Sở Y tế có khuyến cáo như thế nào với người dân thành phố?

Giám đốc Sở Y tế: Trong giai đoạn qua, chúng ta thấy có rất nhiều thông tin về tình hình lây nhiễm ở các cơ sở y tế. Hiện thủ đô Hà Nội có 9 cơ sở y tế liên quan đến người bệnh lây nhiễm dẫn đến một số bệnh viện phải thực hiện cách ly, một số bệnh viện phải thực hiện phong tỏa. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai có tới gần 53.000 người ở các địa phương liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai phải làm xét nghiệm. Các đối tượng không chỉ riêng người bệnh, kể cả thầy thuốc, người thực hiện các dịch vụ, từ bảo vệ, bán hàng căng tin, đưa nước sôi… Đến nay, có trường hợp người bệnh số 243 là chồng dẫn vợ đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội rồi bị lây nhiễm. Vì thế, chúng tôi triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch từ các bước vào khám tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Qua đó thấy rằng việc lây chéo ở các bệnh viện rất nguy hiểm, vì một bệnh viện tổ chức khám, chữa bệnh cho nhiều người bệnh trong cùng một ngày, từ thầy thuốc lây chéo sang người khác và khó kiểm soát.

Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phân loại, tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng

Trước tình hình đó, Sở Y tế có nhiều văn bản chỉ đạo, đi kiểm tra, hướng dẫn cụ thể về phân luồng; yêu cầu các bệnh viện phải khai báo y tế với tất cả những người đến làm các dịch vụ trong bệnh viện; người đưa người bệnh đi khám bệnh hoặc những người chăm sóc người bệnh. Các bệnh viện giao cho các trưởng khoa sẽ quyết định những bệnh nhân nào sẽ được người nhà chăm sóc, người bệnh nào không có người chăm sóc, những người muốn được chăm sóc phải được cấp thẻ, việc đó sẽ hạn chế việc lây chéo. Hiện nay, những người nhà đến thăm người bệnh, ngồi chờ khám, chữa bệnh đều phải đeo khẩu trang và ngồi trong khoảng cách 2m.

Như vậy, có thể thấy giai đoạn vừa qua, ngành Y tế đã chủ động triển khai chống lây chéo trong bệnh viện. Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành công điện khẩn và yêu cầu nâng mức lên cấp độ cao hơn. Tức là các bệnh nhân vào khám chữa bệnh được coi là những trường hợp có nguy cơ cao để phân luồng từ đầu, sau đó phân loại, khám sàng lọc. Như vậy, hạn chế được việc lây chéo trong bệnh viện.

Giám đốc Sở Y tế kiểm tra chốt kiểm dịch khu vực Ngọ Dương, xã An Hòa, huyện An Dương, ngày 7/4/2020

PV: Về việc siết chặt kiểm dịch tại các chốt ra vào thành phố, những người bệnh nặng vẫn phải thực hiện các liệu trình ở bệnh viện tuyến Trung ương. Những người bệnh này cần phải làm như thế nào để vẫn có thể đi chữa bệnh tại Hà Nội?

Giám đốc Sở Y tế: Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của người bệnh về việc hiện họ đang thực hiện các liệu trình đang điều trị ở Hà Nội với tần suất khoảng 2 ngày/lần. Rõ ràng, với tình hình phức tạp ở Hà Nội hiện nay, có 110 ca nhiễm, 9 cơ sở y tế có liên quan đến lây nhiễm dịch bệnh, riêng bệnh nhân số 237 có đến 475 cán bộ y tế có liên quan; hay ca bệnh 243 ngày 6/4, cũng ảnh hưởng đến 75 cán bộ y tế liên quan. Do vậy, người bệnh tại hải Phòng lên Hà Nội, tiếp xúc với cán bộ y tế tại bệnh viện ở Hà Nội, sau đó lại quay về Hải Phòng là nguy cơ rất lớn mang dịch vào Hải Phòng. Vì thế, thành phố phải siết chặt các cửa ngõ vào thành phố, kể cả xe vào và xe ra. Những xe ra đều được cấp lệnh. Do vậy, chúng tôi có khuyến cáo các bệnh nhân nặng nên tổ chức thuê nhà trọ tại Hà Nội, khi nào thực hiện hết liệu trình điều trị, ít nhất qua ngày 15/4 hoặc nếu lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ kéo dài, các người bệnh này phải thực hiện hết giai đoạn đó mới quay trở về thành phố. Chúng tôi có báo cáo thành phố về các trường hợp nghèo, neo đơn, khó khăn, phải thuê nhà. Thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện rà soát, sau đó có chính sách hỗ trợ cho những người này có điều kiện thuê nhà, không phải quay về Hải Phòng. Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, việc chúng ta xử lý điều trị cho người bệnh đang thực hiện dở các liệu trình điều trị trên Hà Nội vượt quá khả năng chuyên môn của Hải Phòng, nên thực hiện như trên sẽ tránh lây nhiễm dịch mang về thành phố.

PV: Xin trân trọng cám ơn bà!

V.H.N

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn