Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

(Haiphong.gov.vn) - Sáng 11/12, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững Trung ương cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tại điểm cầu Hải Phòng có sự tham dự của các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh tại điểm cầu Hải Phòng

Người nghèo được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1 - 1,5%/năm. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.

Kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn.

Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước.

(Infographic: Cổng TTĐT Chính phủ)

Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu. Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các tỉnh, thành phố hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương.

Việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình giảm nghèo tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất khung Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi. Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, đến năm 2025, giảm ít nhất 25% tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia, duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5%/ năm; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5-4%/năm. Chương trình bao gồm 5 Dự án và 15 Tiểu Dự án, tập trung vào các nhiệm vụ: giảm nghèo; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; phát triển hệ thống Giáo dục nghề nghiệp và Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc làm bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo của Hải Phòng giảm nhanh, đều qua các năm

Tại Hải Phòng, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,86% xuống còn 2,81% (giảm 1,05%); đến năm 2019 giảm còn 0,72% (giảm 0,69%), năm 2020 dự kiến giảm còn 0,22% (giảm 0,5%). Tỷ lê hộ nghèo giảm từ 3,1% (năm 2016) xuống còn 2,14% (năm 2019). Năm 2019, thành phố hoàn thành việc xây dựng, triển khai và nhân rộng 280 mô hình giảm nghèo ở 14 quận, huyện, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch của UBND thành phố về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố.

Hàng năm, thành phố quan tâm trích ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo Tết cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội để đón Tết vui vẻ, đầm ấm với mức quà năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, mỗi hộ nghèo, cận nghèo được tặng 300.000 đồng/hộ; đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới, thành phố sẽ tặng mỗi hộ nghèo 1,4 triệu đồng; hộ cận nghèo 1,2 triệu đồng.

Thành phố cũng thực hiện tốt vận động xã hội hóa trong công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2015-2020, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và hội đoàn thể đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.295 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 46.273 triệu đồng.

Kết quả đạt được của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã từng bước tạo điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, trước hết là khu vực nông thôn đã có thay đổi rõ nét; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm nhanh, đều qua các năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, người nghèo, hộ nghèo nói riêng được nâng cao; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, qua đó tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Hải Phòng đề xuất thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2015 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; bảo đảm an sinh xã hội và các điều kiện hỗ trợ tăng trưởng bao trùm trong lĩnh vực giảm nghèo. Thực hiện đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ngoài đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tập trung xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình khởi nghiệp cho người nghèo (trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh), các mô hình cần phát huy điều kiện, lợi thế của từng vùng miền, phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ giảm nghèo trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo.

Giảm nghèo là công việc của cả trí tuệ và trái tim

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất, giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim. Nhấn mạnh tầm nhìn 2045 vì “một Việt Nam không có đói nghèo”, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo.

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo. 

Thủ tướng lưu ý triển khai một số công việc nhằm hướng đến giảm nghèo bền vững, như đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề. Bên cạnh đó, giải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất kinh doanh, có việc làm mà trước hết là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, nhất là những chương trình đã triển khai tập trung cho vùng có thu nhập thấp. Trước mắt, hỗ trợ kịp thời cho người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật. Khẩn trương sửa chữa lại trường học, lớp học để 100% học sinh được đến trường. Lãnh đạo các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung cần lo cho dân nghèo sắp tới vui Tết đầm ấm, có chỗ ăn chỗ ở.

Thủ tướng cũng lưu ý, cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện.

Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình”, với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính quyền phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao thưởng Huân chương Lao động cho 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 7 cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng 1 giải tập thể; 3 giải A cá nhân; 10 giải B cá nhân Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn