Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão và mưa lũ trên địa bàn
(Haiphong.gov.vn) – Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, Bão số 03 là cơn bão mạnh, có diễn biến nhanh, phức tạp và nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển Bắc Bộ, trong đó có thành phố Hải Phòng. Nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó kịp thời và hiệu quả với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố đã có Văn bản 4147/SNNMT-VP đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn, đặc khu và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão và mưa lũ trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến của Bão số 03, tình hình mưa lớn và lũ trên các tuyến sông; thông tin đầy đủ tới các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh. Đồng thời, nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, đê điều và các khu dân cư xung yếu.
Các địa phương chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trước diễn biến phức tạp của Bão số 03.Trong lĩnh vực trồng trọt, các địa phương cần chủ động tiêu thoát nước đệm tại hệ thống kênh mương, huy động tối đa máy bơm, phương tiện để tiêu úng nhanh, cứu lúa tại các vùng bị ngập. Tạm dừng gieo cấy trong thời gian mưa bão, đồng thời chuẩn bị giống lúa ngắn ngày (P6ĐB, KD18, HN6, BT7…) để gieo lại trong trường hợp thiệt hại trên 50%, đảm bảo thời vụ gieo cấy lại kết thúc trước ngày 5/8/2025.
Đối với rau màu, cây ăn quả, cần thu hoạch nhanh diện tích đến kỳ, che chắn cho các luống rau, kiểm tra, gia cố nhà lưới, nhà màng, nạo vét kênh tiêu, chủ động phương án tiêu úng. Với cây ăn quả, khuyến cáo người dân cắt tỉa cành, chằng chống cây, khai thông dòng chảy để hạn chế đổ gãy, ngập úng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, các cơ sở cần chủ động thu hoạch vật nuôi đến kỳ, đảm bảo an toàn chuồng trại, lồng bè, chòi canh. Kiểm đếm tàu, thuyền, hướng dẫn ngư dân chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, neo đậu an toàn. Thực hiện đình chỉ hoạt động tàu cá ra khơi tại các cảng ngay sau khi có chỉ đạo của Ban Chỉ huy thành phố.
Rà soát, kiểm tra hạ tầng cảng cá, bao gồm kè cảng, cầu cảng, hệ thống điện, trạm biến áp, nhà kho… để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát phương tiện, sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, yêu cầu rà soát, kiểm tra các khu vực rừng, đất lâm nghiệp có nguy cơ sạt lở, nhất là các vị trí giáp ranh khu dân cư; cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, không để người dân lưu trú tại các khu vực rừng, lán trại trong thời điểm có mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Trong lĩnh vực môi trường, các đơn vị tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo quy định; tăng cường giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, bãi chôn lấp rác, khu vực tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, vùng nuôi trồng thủy sản ven biển, vùng trũng thấp… Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa ô nhiễm môi trường do mưa lớn, triều cường, sạt lở, vỡ ao hồ, xả thải không kiểm soát. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm dừng hoặc hạn chế xả thải ra môi trường trong thời gian mưa bão nếu không có hệ thống xử lý đảm bảo an toàn.
Trong lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp khai thác được yêu cầu rà soát, rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực đã tác động khai thác, đặc biệt là các vách moong sâu có nguy cơ sạt trượt, tích nước; bố trí lực lượng thường trực, chủ động phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó với sự cố thiên tai; đảm bảo an toàn lao động và tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác an toàn.
Trong lĩnh vực biển và hải đảo, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển, xăng dầu, cảng bến kiểm tra, gia cố kho tàng, phương tiện, thiết bị, hàng hóa; chủ động phương án phòng ngừa rò rỉ, tràn dầu; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực ứng phó sự cố và đảm bảo duy trì thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
Các địa phương, đơn vị cần khẩn trương thống kê thiệt hại (nếu có), triển khai biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 3788 và 3875 của Sở Nông nghiệp và Môi trường về phòng, chống thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản.
Thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp ứng phó Bão số 03, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân./.