Xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện

Đồng chí Bùi Đức Quang, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố.

(Haiphong.gov.vn) - “Vươn ra biển” đã trở thành xu thế tất yếu nhằm đảm bảo nhu cầu sinh tồn và phát triển của nhân loại. Bước sang thế kỷ XXI, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên tiềm năng của biển. Nhận thức về vị trí chiến lược của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã sớm có những chủ trương đúng đắn, nhất quán qua các thời kỳ về vấn đề này. Chủ trương đó đã được cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị …

Ở tầm nhìn chiến lược, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X đã khẳng định thế kỷ XXI là “thế kỷ của đại dương” và xác định mục tiêu quan trọng là đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Chiến lược này đã đưa ra các mục tiêu rất cụ thể là các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước.

Nằm trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương có tiềm năng rất đa dạng, phong phú để phát triển kinh tế biển (Hải Phòng có 126 km bờ biển và 100.000 km2 thềm lục địa, vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4.000 km2; Quảng Ninh có hơn 250 km bờ biển, rộng trên 6.000 km2 mặt biển và trên 1.000 km2 diện tích hải đảo); với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa chính ra biển của cả khu vực phía Bắc; có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả miền Bắc, trong hợp tác "Hai hành lang - Một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc và hội nhập với khu vực, quốc tế; là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Từ những tiềm năng và lợi thế so sánh, Hải Phòng và Quảng Ninh đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn xây dựng các mục tiêu phát triển về kinh tế biển. Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định “Xây dựng Khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế mạnh, nòng cốt là cảng biển, công nghiệp và du lịch biển làm đầu tàu lôi kéo cả vùng phát triển"; Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục xác định rõ và nâng tầm mục tiêu phát triển kinh tế biển tại khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh. Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hải Phòng là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logictics quốc gia; Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện”, điều đó đã thể hiện rõ sự nhất quán trong phương hướng phát triển kinh tế biển của Đảng ta cũng như khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Hải Phòng, Quảng Ninh trong chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước.

Dưới ánh sáng của Đảng, trong tâm thức mỗi cán bộ, đảng viên và hơn hai triệu người dân Hải Phòng, vị trí, vai trò của biển, đảo trong phát triển kinh tế quan trọng hơn bao giờ hết. Toàn hệ thống chính trị của thành phố tập trung thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển để biến quyết tâm chính trị của Đảng thành hiện thực. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được kịp thời cụ thể hóa trong hàng loạt các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng. Chương trình hành động số 72-CTr/TU ngày 27/3/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác lập mục tiêu “phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển và là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hai hành lang kinh tế Việt Nam - Trung quốc”. Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI cũng đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch của cả nước ....”.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên rất cần những nghiên cứu, đánh giá sát những tiềm năng, lợi thế phát triển, thực trạng phát triển hai địa phương và triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển đột phá kinh tế biển, đặc biệt tập trung vào 6 ngành kinh tế biển: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải ; 3) Khai thác dầu khí và khoáng sản; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới…. Trong nội dung tham luận hôm nay, trên cơ sở khái quát những tiềm năng, lợi thế nổi bật của Hải Phòng, tôi xin đưa ra định hướng và một số giải pháp để phát triển các ngành kinh tế biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian tới, trong đó tập trung vào 03 nội dung trọng tâm mà Thành ủy Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả trong những năm qua, đó là (1) Xây dựng hệ thống cảng biển, phát triển dịch vụ vận tải biển; (2) Đầu tư xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; (3) Phát triển du lịch biển.

Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, trong những  năm qua, kinh tế - xã hội thành phố đạt được kết quả nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trong đó, kinh tế biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.

Ngành công nghiệp thành phố phát triển mạnh theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, trở thành trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghệ cao. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12%, năm 2015 lên 38,99% năm 2020; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020. Trên địa bàn thành phố đã có 12/17 khu công nghiệp đưa vào hoạt động (trong đó có 08 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải). Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của Vùng duyên hải Bắc bộ và của cả nước, là trung tâm dịch vụ cảng biển, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ được đặt trong quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có các dự án quốc gia quan trọng, dự án động lực đang được triển khai và đưa vào hoạt động như: Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Dự án đường Tân Vũ - Lạch Huyện (bao gồm cầu Đình Vũ- Cát Hải). Đặc biệt, Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện Vinfast đi vào sản xuất đã góp phần định hình ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện đại; cùng với nhiều dự án FDI quy mô lớn đang tích cực triển khai và đưa vào hoạt động...

Hệ thống cảng biển cùng với các đơn vị kinh doanh lĩnh vực vận tải biển, lĩnh vực dịch vụ logistics không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn thứ hai cả nước, lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam tham gia vào vành đai Thái Bình Dương, có chiều dài cầu cảng 11,53km; với hơn 40 cảng và 69 cầu cảng. Đặc biệt, Cảng cửa ngõ quốc tế  Lạch Huyện đã đưa vào khai thác 2 bến khởi động, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh, bình quân tăng 17,53%/năm; năm 2020 ước đạt 142,84 triệu tấn; dịch vụ logistics tăng trưởng cao, bình quân đạt 23%/năm. Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện hiện nay đã được chấp thuận đầu tư bến số 3 và số 4.

Hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa kết nối với cảng biển, đặc biệt là kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được xây dựng đồng bộ, hiện đại, khẳng định rõ vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng, với khu vực và quốc tế, tạo động lực cho Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển đột phá, trong đó phục vụ trực tiếp phát triển các ngành kinh tế biển. Giao thông đường bộ gồm 04 tuyến đường quốc lộ, 02 tuyến đường cao tốc, cầu và đường Tân Vũ vượt biển kết nối cảng Lạch Huyện. Giao thông đường sắt gồm 03 nhánh đường sắt chuyên dùng kết nối với các khu bến cảng dọc sông Cấm. Dịch vụ hàng không phát triển nhanh, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi vận chuyển 100 hành khách/giờ cao điểm, 2-4 triệu lượt khách/năm. Tổng chiều dài các tuyến đường thủy nội địa hơn 616,78 km.

Hạ tầng du lịch có bước phát triển vượt bậc, du lịch thành phố dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, du lịch biển có nhiều tiềm năng phát triển. Thành phố đã thu hút được nhiều Tập đoàn kinh tế lớn như Sungroup, Vingroup, Flamingo, Galaximco, FLC… đầu tư vào hạ tầng du lịch thành phố, đặc biệt là đầu tư vào phát triển du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái tại khu vực Cát Bà - Đồ Sơn, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của Cát Bà là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vịnh Lan Hạ được bình chọn là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới; hiện đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Thành phố đã hình thành và đưa vào hoạt động nhiều khách sạn 5 sao: Vinpearl Imperia, M' Galery, Hilton, Niko, Pullman, Flamingo Cát Bà; các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Cát Hải, Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Khu nghỉ dưỡng FLC Cát Bà. Đặc biệt, đã khai trương Dự án tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long với chiều dài 3.955 m.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện”, tôi xin tham gia đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất: Thể chế hóa nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện” bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, tạo nguồn lực đầu tư cho thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện Nghị định số 89/2017/NĐ-CP ngày 29/7/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng; đồng thời, tăng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho Hải Phòng để thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thứ hai: Hoàn thiện hệ thống cảng biển và các hệ thống kết nối liên vùng. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đến năm 2025 là 9 bến/3.000 mét dài; đến năm 2030 và sau 2030 tổng số bến là 23 bến/7750 md; trước mắt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư 04 bến (số 3, số 4, số 5 và số 6). Thực hiện điện khí hóa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (triển khai Dự án xây dựng mới đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng). Tiếp tục đầu tư Dự án nâng cấp và xây dựng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Dự án đường cao tốc Duyên hải (Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh CT 09).

Sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án có tính chất phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cao khả năng kết nối: Tuyến đường sắt đấu nối từ Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và đi các khu vực như đường sắt Yên Viên - Hạ Long để khai thác hiệu quả hành lang công nghiệp phía Bắc; đấu nối tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện có với khu vực phía triển mới phía Đông Nam. Đầu tư các dự án giao thông đường bộ kết nối với các hành lang giao thông, kinh tế quốc gia, đặc biệt là hành lang công nghiệp phía Bắc (quốc lộ 18, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long), hành lang ven biển phía Đông (đường cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long), hành lang quốc lộ 10 phía Tây và hành lang quốc lộ 37 phía Nam. Bổ sung quy hoạch, đầu tư bến cảng biển đón tàu du lịch quốc tế và di dời hệ thống cảng phía sau cầu Bạch Đằng theo từng giai đoạn phù hợp. Đầu tư xây dựng Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 từ nguồn vốn xã hội hóa. Nghiên cứu tách dòng giao thông đối ngoại ra khỏi khu vực trung tâm đô thị, cụ thể là luồng vận tải hàng hóa (xe container).

Thứ ba: Tập trung xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, trong đó quan tâm rà soát các quy hoạch, điều chỉnh theo hướng phát triển “kinh tế biển xanh”, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố Hải Phòng về phát triển các ngành kinh tế biển. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu công nghiệp đã được quy hoạch; điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp đã có; Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và 04 trung tâm Logistics và các kho ngoại quan. Sớm hoàn thiện quy hoạch khu vực đảo Cát Hải trở thành “đảo thông minh Cát Hải” làm công cụ định hướng phát triển không gian kinh tế biển của thành phố. Việc quy hoạch cần đảm bảo sự thống nhất, liên kết giữa các quy hoạch trong thành phố và khu vực, có phân kỳ thực hiện và dự báo được phát triển trong một thời gian dài.

Thứ tư: Quan tâm xây dựng và phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường trên cơ sở xác định bảo tồn Quần đảo Cát Bà là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Di sản thiên nhiên thế giới. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tiếp tục thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào hạ tầng du lịch biển theo tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh lân cận trong xây dựng các chương trình du lịch chung của khu vực và toàn vùng; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố; sản phẩm du lịch liên vùng.

Thứ năm: Xây dựng và ban hành cơ chế ưu đãi thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, có công nghệ hiện đại, thân thiện và bảo vệ môi trường… Có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ, tham gia chuỗi giá trị, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu: Nằm ở trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao lưu thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong nước, khu vực và thế giới, thời gian qua, Hải Phòng là địa phương khởi xướng nhiều nội dung quan trọng nhằm gia tăng giá trị của liên kết vùng như ký kết biên bản hợp tác các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã chủ động phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ký kết và triển khai thực hiện Chương hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, nhất là liên kết vùng phục vụ phát triển kinh tế biển. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng nhất là Chương trình hợp tác giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Nghiên cứu nâng cấp nội dung hợp tác trong thời gian tới, nhất là trong phát triển kinh tế biển (trong đó chú trọng nội dung quy hoạch và quản lý không gian biển). Phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, các lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển của cả 2 địa phương. Phối hợp xây dựng các cầu: Lại Xuân, Bến Rừng; triển khai Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10; Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phối hợp chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới”. Hợp tác chặt chẽ trong xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh).

(Tham luận của đồng chí Bùi Đức Quang, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố tham gia vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tại phiên làm việc Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố khóa XVI, chiều 14/10/2020)

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn