Thông tin phòng chống dịch COVID-19 đến 19 giờ ngày 24/4/2020

1. Tình hình dịch COVID-19:

-  Thế giới: 2.745.786 người mắc trên 212 quốc gia, có 191.806 người tử vong,

- Hoa Kỳ: 886.709 người mắc; 50.243 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 219.764 người mắc; 22.524 người tử vong.

- Italia: 189.973 người mắc; 25.549 người tử vong.

- Pháp: 159.877 người mắc; 21.856 người tử vong.

- Đức: 153.307 người mắc; 5.575 người tử vong.

- Anh: 138.078 người mắc; 18.738 người tử vong.

- Thổ Nhĩ Kỳ: 101.790 người mắc; 2.491 người tử vong.

- Iran: 87.026 người mắc; 5.481 người tử vong.

- Trung Quốc 82.804 người mắc; 4.632 người tử vong.

- Nga 68.622 người mắc; 615 người tử vong.

Thế giới có trên 2,7 triệu người mắc bệnh; trên 190 ngàn người tử vong;

Các ca bệnh nặng cao ở Hoa Kỳ, Brazil, Tây Ban Nha

Tỷ lệ tử vong ở Bỉ cao nhất 15,2%; ở Italia, Pháp, Anh trên 13%. Tỷ lệ tử vong chung do Covid-19 trên thế giới là 7,0%.

-   Việt Nam: 270 trường hợp mắc COVID-19; Chưa có BN tử vong

 Đến 19h ngày 24/4/2020, ghi nhận 02 ca mắc COVID-19 mới, đều là du học sinh từ Nhật Bản, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

-   Khỏi bệnh: 225 người; chiếm > 83% BN; còn 45 người đang điều trị;

- 16 người (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh.

- 209 người (tính từ ngày 6/3 đến 24/4) được chữa khỏi bệnh.  

- Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong.

+ Có 429 trường hợp / 429 trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính;

+ Có 2.451 mẫu / 2.451  mẫu sàng lọc cho các trường hợp cách ly, đã có kết quả âm tính;

+ Số cách ly tại cơ sở tập trung tại BV Việt Tiệp 2: 107 người; Truờng quân sự thành phố: 113 người;   

Số cách ly tại nhà: 1.142 người.

2. Thông tin hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành:

1. Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 20 và 22/4. Kết luận nêu rõ cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt. Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ cao với hình thức cách ly linh hoạt, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện ca bệnh để cách ly, điều trị hiệu quả; sử dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch; vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Thủ tướng yêu cầu chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Các địa phương quyết định việc mở cửa đón du khách trong nước với điều kiện đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn.

Theo kết luận của Thủ tướng, các huyện Mê Linh, Thường Tín của Thành phố Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh là địa bàn có nguy cơ cao, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Thành phố Hà Nội là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguy cơ. Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp, tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Các địa phương phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao; vận động người dân thường xuyên rửa tay sát khuẩn, tạo thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tại nơi công cộng, kể cả trên phương tiện giao thông công cộng; hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng, nhất là Hà Nội và TP.HCM; Người có dấu hiệu ốm sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, trường học, nơi công cộng, phải liên hệ với bệnh viện, bác sĩ để được tư vấn và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Sáng 24/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, diễn biến trên thế giới rất phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập vào trong nước vẫn còn hiện hữu, không được chủ quan.

Trên thế giới, mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 50.000 người nhiễm mới, 5.000 người tử vong. Nhiều nơi tưởng chừng đã kiểm soát được tình hình nhưng dịch bệnh đã bùng phát trở lại. Nhiều người nhiễm không có triệu chứng; nhiều người có thời gian ủ bệnh rất lâu; không ít người đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều lần. Các chuyên gia đều cho rằng tất cả mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Theo thống kê, tỷ lệ người mang mầm bệnh có khoảng 40% không có triệu chứng; nhiều trường hợp có triệu chứng nhẹ...

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương có những hướng dẫn hết sức chi tiết với từng lĩnh vực quản lý. Với mục tiêu chung sống an toàn với dịch, vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống người dân, Ban Chỉ đạo bàn các nội dung: Mở rộng diện giám sát; quản lý tốt tình hình lao động ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ của người lao động; quản lý người nước ngoài nhập cảnh, đưa công dân Việt Nam về nước; quản lý các cơ sở cách ly tập trung; chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế; ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh; sản xuất sinh phẩm xét nghiệm; triển khai tư vấn, hỗ trợ, khám chữa bệnh từ xa; xây dựng tiêu chí bảo đảm hoạt động vận tải hành khách an toàn (hàng không, đường sắt, đường bộ); bảo đảm các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường học;…

Chính vì vậy, không được lơ là, chủ quan trong bất cứ tình huống nào. Chúng ta kiên quyết ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, nhanh chóng phát hiện thật sớm tất cả các ca bệnh để cách ly, điều trị dập dịch từ bên trong, tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ như các khu công nghiệp, các khu nhà trọ công nhân, khu tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế… Lực lượng phòng, chống dịch ở tất cả các cấp, các ngành không được chủ quan, lơi lỏng.

3. Để ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của ngành y tế và kịp thời động viên những đơn vị gặp vô vàn khó khăn, vất vả trên tuyến đầu chống dịch, sáng ngày 24/4, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến Bộ Y tế động viên ngành y tế và biểu dương đơn vị tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

4. Ngày 23/4/2020, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá công tác xét nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19” tại 65 điểm cầu trên cả nước.

Cả nước hiện có 48/112 phòng xét nghiệm được cấp phép xét nghiệm và khẳng định kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2, công suất 14.300 mẫu/ngày. Trong đó 24 phòng xét nghiệm thuộc cơ sở y tế tuyến Trung ương và các bệnh viện, 19 phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/ thành phố, 05 phòng xét nghiệm thuộc đơn vị ngoài ngành Y tế. Tổng số mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR phát hiện kháng nguyên vi rút từ tháng 02 đến ngày 21/4/2020 là 181.331 mẫu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất phương án đối với công tác xét nghiệm trên toàn quốc trong phòng chống dịch COVID-19: Đối tượng cần xét nghiệm, các kỹ thuật xét nghiệm được sử dụng, nghiên cứu kỹ thuật xét nghiệm mới…;  Kế hoạch xét nghiệm đáp ứng trong tình hình mới; Tăng cường năng lực xét nghiệm cho các phòng xét nghiệm trong cả nước…

Để công tác xét nghiệm đáp ứng nhanh với tình hình và các diễn biến của dịch bệnh, nhằm phát hiện, giám sát, theo dõi điều trị và nghiên cứu bệnh. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đơn vị tập trung xác định đối tượng cần xét nghiệm: người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; nhân viên trong các cơ sở y tế tuyến đầu chống dịch, nhân viên y tế tại các khoa như cấp cứu, hô hấp, truyền nhiễm…; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch; các đối tượng tiếp xúc gần với ca dương tính, đối tượng tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần; các cơ sở tập trung đông người: trung tâm chăm sóc người già, trại trẻ mồ côi, trung tâm chăm sóc thương bệnh binh, trại giam…; người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh…

Đối với Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/ thành phố rà soát năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để kiện toàn năng lực và các điều kiện cần thiết đáp ứng xét nghiệm được virus SARS-CoV-2 trên tiêu chí sử dụng được lâu dài, đáp ứng xét nghiệm được nhiều bệnh…

3. Thông tin hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:

1. Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố ký ban hành văn bản 3036/UBND-VX ngày 23/4/2020, điều chỉnh một số biện pháp về phòng chống dịch bệnh COVID-19, cụ thể như sau:

Từ ngày 23/4/2020, mọi người dân được đi lại bình thường nhưng phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách tối thiếu 2m khi tiếp xúc; không tập trung quá 20 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Đối với các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ và các hoạt động tại những nơi đông người: Tiếp tục dừng đối với các hoạt động sau đến hết ngày 30/4/2020: Vũ trường, karaoke, bar, pub, lễ hội, rạp chiếu phim, xông hơi, mát-xa, trò chơi điện tử, casino, thư viện, biểu diễn nghệ thuật, khiêu vũ thể thao, thể dục thể hình trong nhà, bi-a, yoga, du lịch, tham quan bảo tàng và các khu di tích, các nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng.

Các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ và các hoạt động tại những nơi đông người không nêu trên được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc, không tập trung quá 20 người tại một chỗ và tại cùng một thời điểm, khai báo y tế và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.

Đối với Chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào thành phố: Dừng hoạt động từ ngày 24/4/2020.

Đối với việc cách ly y tế: Tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung đối với những người đến Hải Phòng từ các khu vực có nguy cơ cao và người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm dịch bệnh.

Đối với hoạt động giao thông vận tải: Đối với một số tuyến vận tải hành khách có hạn chế: Cho phép hoạt động 30% tần suất đối với tuyến từ Hải Phòng đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Cho phép hoạt động 50% tần suất đối với tuyến từ Hải Phòng đi đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại. Các hoạt động vận tải hành khách khác không nêu tại Mục 6.1 được hoạt động trở lại. Các phương tiện khi hoạt động phải đảm bảo chỉ được chở dưới 50% số ghế và không quá 20 hành khách/chuyến xe và các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị: 100% công chức, viên chức, cán bộ, người lao động trở lại làm việc bình thường. Thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính và tiếp công dân theo quy định.

2.  Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đồng ý chủ trương cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao vào làm việc tại Việt Nam. Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo, giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, nắm chắc các trường hợp người nước ngoài thuộc diện nêu trên đến thành phố Hải Phòng (chuyển thông tin đến Sở Y tế để tổng hợp chung hàng ngày).

- Sở Y tế tổng hợp, quản lý danh sách người nước ngoài thuộc diện nêu trên, thực hiện việc cách ly tập trung hoặc giám sát y tế đảm bảo phù hợp, đúng quy định về an toàn phòng, chống dịch.

- Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện theo dõi, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp liên quan có người nước ngoài thuộc diện nêu trên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-10 đảm bảo an toàn theo quy định.

4. Sáng 24/4, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp với Công ty Minh Hoàng Mobile tổ chức trao tặng 100 suất quà cho các gia đình khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn phường Hùng Vương, Quán Toan, quận Hồng Bàng.Tại buổi trao quà, đã có 100 suất quà, mỗi suất quà gồm 10kg gạo và 1 thùng mỳ tôm được trao cho các hộ nghèo, khó khăn, các hộ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

5. Lãnh đạo UBND thành phố, các Quận huyện tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị, trường học, cơ sở kinh doanh lưu trú, địa điểm du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí, cơ sở tôn giáo….

6. Duy trì hoạt động tuyên truyền, khử trùng tại công sở, cơ sở y tế, trường học, cơ quan đơn vị, nơi công cộng, đường phố, khu vực có người nghi ngờ nhiễm.

Duy trì các hoạt động truyền thông kết hợp điều tra giám sát, tại cộng đồng, truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn