Tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát

(Haiphong.gov.vn) – Sáng 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo một số sở, ngành.

Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng

Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của cả nước là cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn; đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay, chúng ta đã có các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Chúng ta cũng có “cú đấm thép” là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, 4 nội dung bàn thảo hôm nay rất quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Trước tình hình diễn biến và ảnh hưởng của dịch, các quốc gia có cùng hành động là ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn, dập dịch sớm nhất có thể và đưa ra các gói kích thích kinh tế.

Tại Việt Nam, để giảm thiểu tác động của dịch, Chính phủ đã sử dụng tất cả các biện pháp, từ giãn cách xã hội, nới lỏng tiền tệ tới các biện pháp quản lý hành chính. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích để thấy được tình hình nghiêm trọng của thế giới và trong nước, qua đó tìm các biện pháp, giải pháp đủ mạnh, dễ hiểu, dễ vận dụng để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Bí thư Thành ủy phát biểu tại điểm cầu thành phố Hải Phòng

Phát biểu tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và các Bộ, ngành. Đồng chí nhận định, 4 nhóm giải pháp đưa ra thảo luận ngày hôm nay rất cần thiết đối với tất cả các địa phương, nhất là về an sinh xã hội, các tầng lớp nhân dân rất mong chờ những chính sách này. Chính sách về tiền tệ, tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng rất cần thiết để thúc đẩy khôi phục kinh tế - xã hội. Các chính sách về cải cách thủ tục hành chính, về tập trung tháo gỡ đẩy mạnh đầu tư công, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Chính sách bảo đảm an ninh trật tự trong những ngày này rất thiết thực và giúp cho các địa phương giữ vững ổn định tình hình và ngăn chặn được dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, trung tâm cảng biển lớn nhất miền Bắc. Trong thời gian qua, thành phố vừa phải chống dịch, vừa thực hiện duy trì phát triển kinh tế - xã hội, duy trì hoạt động của hệ thống cảng biển, với sản lượng hàng hóa 130 triệu tấn/năm. Số lượng tàu xuất nhập cảnh qua cảng biển Hải Phòng cũng như số lượng phương tiện, xe container để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ Hải Phòng đi các địa phương và từ các địa phương về Hải Phòng là rất lớn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16, cùng với các biện pháp phòng chống dịch, vẫn phải tiếp tục duy trì vận tải hàng hóa để bảo đảm sản xuất cho nền kinh tế, thành phố Hải Phòng đã tập trung rất cao, có các giải pháp để kiểm soát y tế liên quan đến thủy thủ, đến 10.000 lượt xe container hàng ngày di chuyển đi và đến Hải Phòng.

Trong quý I/2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 3 Chỉ thị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội. HĐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết riêng về các cơ chế chính sách, dành nguồn lực 1.000 tỉ đồng để phòng chống dịch COVID-19. Tất cả các chính sách, chỉ đạo về phòng chống dịch do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành, đặc biệt là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đều được Hải Phòng thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng chưa có ca mắc COVID-19, do đó cũng là điều kiện để duy trì, giữ được nhịp độ tăng trưởng.

Về kinh tế - xã hội, có một số ngành bị ảnh hưởng, nhưng một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp và phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp của thành phố, hoạt động cảng biển vẫn duy trì bình thường, số lượng tầu xuất nhập cảnh qua Hải Phòng tăng 4%, sản lượng hàng hóa qua cảng quý I đạt 24,6 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 14,9%, thu ngân sách nội địa tăng 12,8%, thu ngân sách địa phương tăng 22,7%, tốc độ sản xuất công nghiệp tăng gần 23% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế cơ bản vẫn bám sát mục tiêu đề ra.

Một số lĩnh vực của thành phố bị ảnh hưởng: du lịch giảm mạnh vào tháng 3 (-14%), thu xuất nhập khẩu (-15%), một số doanh nghiệp đang có xu hướng ngừng việc. Nếu dịch bệnh diễn biến kéo dài sẽ khiến các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ gặp khó khăn, có thể ảnh hưởng sang cả sản xuất công nghiệp.

Trên cơ sở 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ đưa ra để thảo luận, đồng chí cho biết, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào những chính sách này, đồng thời mong muốn các chính sách này sớm được ban hành.

Một số vấn đề Hải Phòng tham gia cùng Chính phủ, thứ nhất, đồng chí đánh giá, sự nguy hiểm của dịch bệnh có thể phá vỡ toàn bộ kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như mỗi quốc gia nếu dịch bệnh kéo dài. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước cũng như từng địa phương hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ khống chế dịch bệnh. 

Chỉ thị 16 sau 10 ngày đã phát huy hiệu quả tốt, giúp thành phố Hải Phòng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Hiện Hải Phòng thực hiện rất nghiêm túc Chỉ thị 16, thực hiện giãn cách xã hội tốt, sau 10h đêm người dân chấp hành nghiêm việc không ra đường... Đồng chí đề nghị cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa Chỉ thị 16, đặc biệt là tới ngày 15/4, nếu trên cả nước vẫn còn phát sinh những ca mắc bệnh tại cộng đồng thì có thể phải kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội.

Thứ hai, hiện dịch bệnh đang lây lan trên thế giới với tốc độ nhanh, các quốc gia sẽ không kết thúc dịch bệnh trong cùng một thời điểm. Với cách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như hiện nay, khả năng cao Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh, nên kịch bản về điều hành cần tách ra nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp để có chiến lược hỗ trợ riêng.

Với thành phố Hải Phòng sẽ tập trung 4 nhóm giải pháp mà Chính phủ sẽ thông qua, tập trung cao giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là tạo ra môi trường cải cách thủ tục hành chính để huy động nguồn lực của các doanh nghiệp.

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi. Do vậy cả nước cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội.

Về tác động tới kinh tế - xã hội, dịch COVID - 19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Phải biến nguy thành cơ, sau dịch COVID-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu về giải pháp cấp bách trên các lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay sau hội nghị này. “Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội”.

Về gói chính sách tiền tệ (300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa.

Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi cách làm và triển khai quyết liệt hơn. Đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tinh thần chung là càng khó khăn, chúng ta càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn, Thủ tướng cho biết, trong khi Hải Phòng tăng trưởng gần 15% GDP trong quý I, Hà Nội chỉ tăng trên 3,7% và TPHCM chỉ tăng 1%. Thủ tướng đề nghị các địa phương nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm. Cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không hoàn thành giải ngân, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…

Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Về bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và tất cả các địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá, đồng thời, có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình khó khăn.

Thủ tướng khẳng định, dịch COVID–19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là hết sức quan trọng và cần thiết. Phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát…

Tô Thành

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn