Người dân không nên tự ý mua thuốc kháng virus điều trị COVID-19 tại nhà

(Haiphong.gov.vn) - Thời gian qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng cao, nhiều người dân tự đến các hiệu thuốc để mua thuốc điều trị COVID-19. Trong đó, nhiều trường hợp người nhiễm COVID-19 được cách ly, điều trị tại nhà chưa hiểu hết ý nghĩa của các loại thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19. Không ít người tự ý sử dụng các loại thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ gây ra những hệ lụy cho sức khỏe. Cổng thông tin điện tử thành phố đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Quang Chính – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố về nội dung liên quan đến vấn đề này.

Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Quang Chính – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Ảnh: Đàm Thanh

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết các loại thuốc được sử dụng trong điều trị COVID-19 hiện nay?

TS.BS Nguyễn Quang Chính: Các thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19 tập trung vào 3 nhóm: thuốc điều trị triệu chứng; thuốc điều trị bệnh và thuốc bổ nâng cao sức đề kháng.

Các thuốc điều trị triệu chứng là:

+ Các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol…

+ Nhóm các thuốc chữa ho;

+ Nhóm các thuốc tiêu chảy;

+ Các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần);

+ Các loại thuốc xịt mũi;

Thuốc nâng cao thể trạng: Vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho; Thuốc bổ, thuốc tăng sức đề kháng miễn dịch.

Thuốc kháng sinh điều trị bội nhiễm và bệnh lý khác kèm theo:

+ Kháng sinh chống bội nhiễm…

Thuốc kháng virus và thuốc chống đông, thuốc giảm viêm:

+ Về thuốc kháng virus: hiện tại, người dân thường tự mua và sử dụng thuốc Molnupiravir do Nga hoặc Ấn Độ sản xuất.

+ Hiện Việt Nam có các loại thuốc Favipiravir 200/400mg, Molnupiravir 200/400mg (do Merck nghiên cứu) và Nirmartrelvir/ritonavir (Paxlovid do Pfizer nghiên cứu). Trong các thuốc này, FDA Mỹ đã thông qua việc cấp phép khẩn cấp cho Molnupiravir và Nirmatrelvir/ritonavir để điều trị COVID-19 nhẹ và vừa.

Tại Việt Nam, thuốc Molnupiravir đang được dùng trong chương trình thử nghiệm, được phát miễn phí cho các F0 đủ điều kiện và bắt buộc phải tuân thủ nghiêm theo quy trình.

Mới đây, Bộ Y tế mới cấp phép cho sản xuất và đưa ra thị trường; nhưng đây là thuốc kê đơn, bắt buộc phải có chỉ định kê đơn của bác sĩ thì mới được dùng.

Về Favipiravir, trong hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 28/1/2022, thuốc này được dùng cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ có yếu tố nguy cơ và mức độ trung bình. Liều dùng ngày đầu 1.600mgx2 lần, các ngày sau 600mg x2 lần, uống trong 5-7 ngày.

Thuốc chỉ dùng cho người trên 18 tuổi, chống chỉ định cho phụ nữ có thai, sắp có thai, cho con bú và bệnh nhân suy gan thận nặng.  

+ Về thuốc chống đông: Rối loạn đông máu cùng với rối loạn phản ứng viêm là 2 hậu quả chính của cơn bão cytokine khiến suy hô hấp và suy các cơ quan quan trọng của cơ thể. Do vậy, việc sử dụng thuốc chống đông trong dự phòng và điều trị các biến chứng liên quan đến rối loạn đông máu ở bệnh nhân COVID-19 là hết sức quan trọng. Nhưng một số người đang mua và sử dụng Aspirin lại không hợp lý; vì có nguy cơ viêm loét dạ dày và chảy máu. Trong khi có hai loại thuốc chống đông khuyến cáo của Bộ Y tế là Rivaroxaban hoặc Apixaban.

+ Về thuốc chống viêm:

Thuốc kháng viêm corticoid là nhóm thuốc thông dụng, rẻ tiền và có hiệu quả tốt để điều trị các rối loạn phản ứng viêm do COVID-19. Theo hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế, bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng thì tuyệt đối không dùng kháng viêm corticoid. Vì đây là nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể. Trong giai đoạn đầu khi virus mới xâm nhập và đang nhân lên, dùng thuốc kháng viêm sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên vì thế tuyệt đối không dùng thuốc kháng viêm cho giai đoạn này. Corticoid chỉ có tác dụng khi COVID-19 ở mức độ vừa hoặc nặng. Ngoài việc giúp sức cho virus dễ dàng nhân lên, thuốc kháng viêm corticoid còn làm cho người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm... Corticoid làm nặng tình trạng tăng đường máu, tăng huyết áp trên các bệnh nhân có bệnh này.

Bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình thì dùng một trong các thuốc trong vòng 7-10 ngày với liều dùng như sau: Dexamethasone 0,5mg x 6 viên x 2 lần mỗi ngày, hoặc Methylprednisolon 16mg x 1 viên x 2 lần mỗi ngày

Phóng viên: Việc người dân tự ý mua thuốc kháng virus điều trị COVID-19 tại nhà không theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ gây ra những hệ lụy gì cho sức khỏe?

TS. BS Nguyễn Quang Chính: Nhiều F0 không có triệu chứng, không có chỉ định nhưng vẫn bất chấp sử dụng thuốc kháng virus. Thứ nhất là tác dụng phụ của thuốc đã được nhà sản xuất khuyến cáo là nguy cơ gây đột biến dòng tế bào sinh sản, do vậy thuốc Molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc nguời có ý định mang thai, sinh con. Chưa kể Molnupiravir có chuyển hóa không tốt trên gan nên nếu lạm dụng có thể dẫn đến viêm gan, nhiễm độc, ngộ độc gan, suy gan…

Nhiều loại thuốc điều trị COVID-19 hiện đều có tác dụng phụ nếu không kiểm soát tốt. Trong đó, có hai loại thuốc chống đông (Rivaroxaban hoặc Apixaban) và chống viêm (Dexamethasone hoặc Methylprenisolon). Việc sử dụng 2 loại thuốc này đúng thời điểm theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc chống đông là gây chảy máu. Nhiều người bác sĩ không bắt được mạch, tụt huyết áp do sốc mất máu vì tự ý dùng thuốc chống đông máu trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.

Kể cả việc sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, chỉ khi thực sự cần, có nhiễm trung bội nhiễm, bác sĩ mới chỉ định dùng, chứ chúng ta không dùng dự phòng, dùng tràn lan, gây kháng kháng sinh.

Phóng viên: Vậy ông có khuyến cáo gì đối với người dân khi phát hiện mắc COIVD-19?

TS.BS Nguyễn Quang Chính: Người dân khi phát hiện dương tính hãy bình tĩnh, phải ăn đủ chất, uống đủ nước (hơn 2 lít nước/ngày) để nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe. Chuẩn bị lương thực đủ cho thời gian cách ly (nếu 1 mình); Dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn; Chỗ ở cách ly đảm bảo quy định; Một số thuốc men thông thường, cần dùng. Số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực (Trạm Y tế), phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch.

Nếu không thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, chỉ số CT thấp lại điều trị cách ly tại nhà có thành phần người nhà là người cao tuổi, trẻ nhỏ..., người suy giảm miễn dịch), F0 không cần dùng thuốc kháng virus và chỉ cần điều trị triệu chứng: Sốt thì hạ sốt (Paracetamol hoặc Ilubrofen), lau người nước ấm, xông lá...; ho dùng giảm ho, bổ phế, long đờm, chống dị ứng, giảm kích thích đường thở; ngạt mũi thì nhỏ nước muối sinh lý, thuốc làm co mạch (ví dụ Otrivin 0,05 hoặc 0,1%), ColdiB...; rối loạn tiêu hóa sử dụng men tiêu hóa, Smecta, berberin...; mất ngủ sử dụng thuốc Melatonin, an thần thảo dược (Mimosa); căng thẳng, lo lắng dùng an thần thảo dược, Magne B6, vận động, tập thể dục, tập thở.

Xin trân trọng cảm ơn TS.BS Nguyễn Quang Chính!

Hồng Nhung

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn