Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền
vững quần đảo Cát Bà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050

Mục
tiêu tổng thể của quy hoạch là đưa ra các định hướng phát triển quần đảo Cát Bà
trở thành điểm đến du lịch “xanh” đẳng cấp quốc tế, xứng đáng với vị thế và
tiềm năng, có đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Hải
Phòng và Việt Nam, phát triển gắn liền với bảo tồn.
Để
phát huy tốt hơn nữa tiềm năng du lịch của quần đảo Cát Bà gắn liền với việc
bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, UBND thành phố Hải Phòng đã quy hoạch
năm trọng điểm du lịch tại đây.
Điểm
quy hoạch thứ nhất là địa bàn thị trấn Cát Bà-Khu đô thị Cái Giá - là địa bàn
du lịch quan trọng có không gian bao gồm thị trấn Cát Bà được định hướng phát
triển trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Hải Phòng, đầu mối giao thông du
lịch, nơi kết nối Cát Bà với trung tâm thành phố Hải Phòng và các điểm du lịch
phụ cận. Đây cũng là trung tâm cung cấp thông tin và các dịch vụ du lịch chủ
yếu như lưu trú, dịch vụ mua sắm, dịch vụ ăn uống lớn nhất trên quần đảo này.
Địa
bàn trung tâm Vườn Quốc gia-Việt Hải sẽ tập trung vào tổ chức hoạt động quản lý
du lịch sinh thái trong vườn quốc gia.
Thứ
ba là địa bàn Phù Long-Gia Luận là nơi tập trung diện tích lớn thảm rừng ngập
mặn trên quần đảo Cát Bà, cũng được xem là thảm rừng ngập mặn có ý nghĩa quan
trọng bậc nhất đối với hoạt động bảo tồn ở vùng duyên hải Đông Bắc. Chính vì
vậy, việc phát triển mô hình du lịch sinh thái ở Phù Long được xem là ưu tiên ở
địa bàn Phù Long-Gia Luận vì đây là mô hình phát triển du lịch có hỗ trợ hiệu
quả cho hoạt động bảo tồn với sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Địa
bàn Xuân Đám-Trân Châu-Hiền Hào là nơi giao thoa những giá trị cảnh quan sinh
thái biển-đảo với cảnh quan sinh thái vùng nông thôn khá đặc trưng của đồng
bằng Bắc Bộ, thích hợp với loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng
lý tưởng.
Cuối
cùng là địa bàn vịnh Lan Hạ, được xem là một trong những giá trị cốt lõi tạo
nên sức hấp dẫn đặc biệt của du lịch Cát Bà. Với mục tiêu khai thác có hiệu quả
những giá trị đặc biệt của vịnh Lan Hạ, tạo ra những sản phẩm du lịch khác
biệt, góp phần kéo dài ngày lưu trú, tăng mức chi tiêu trung bình của khách du
lịch, việc quy hoạch vịnh Lan Hạ tập trung vào sản phẩm du lịch tiêu biểu như
du lịch chèo thuyền Kayak, lặn biển, leo vách núi, nghỉ dưỡng...
Chiến
lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng tiếp
tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của “Tam giác tăng trưởng du lịch”
là Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đối với phát triển du lịch ở khu vực phía Bắc.
Cát
Bà sẽ đóng vai trò “cửa đến” bằng đường biển từ Hà Nội - trung tâm du lịch và
là nơi phân phối khách khu vực phía Bắc đến vùng di sản thiên nhiên ở các tỉnh,
thành phố khu vực xung quanh.
Đối
với chiến lược phát triển hai hành lang kinh tế là Vân Nam-Lào Cai-Hà Nội-Hải
Phòng-Quảng Ninh và Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, trong đó
trọng tâm là phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, quần đảo Cát Bà cũng có
vai trò tương tự.
Bên
cạnh sự thuận lợi về vị trí địa lý, Cát Bà là quần đảo có nhiều sự khác biệt so
với các danh lam thắng cảnh trong cả nước. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam hội
tụ ba danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển
và Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với sự đa dạng về sinh học đã giúp Cát Bà có
tài nguyên du lịch sinh thái nổi trội. Đây là nơi cư trú của 3.800 loài động,
thực vật với 81 loài được xếp vào nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam năm
2007, Sách đỏ Thế giới và Danh mục các loài sinh vật cần được bảo vệ. Loài voọc
Cát Bà là loại linh trưởng chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam.
Với
những thế mạnh đặc biệt như vậy, song về tổng thể phát triển du lịch ở Cát Bà
còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù tương xứng với vị thế và giá trị mang
tính toàn cầu, sức hấp dẫn và cạnh tranh du lịch còn hạn chế. Hoạt động du lịch
còn tản mát ở các khu khác nhau. Việc phát triển du lịch phải đối mặt với thách
thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Chính vì vậy, Ủy
ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành “Quy hoạch Tổng thể phát triển du
lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050."
Việc
xây dựng năm địa bàn trọng điểm du lịch tại Cát Bà khẳng định lại một lần nữa
Hải Phòng sẽ tập trung phát triển du lịch tại quần đảo này theo hướng du lịch
sinh thái, phát triển gắn với bảo tồn bền vững.
Trong
một cuộc họp gần đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Dương Anh Điền yêu cầu các cấp,
ngành tập trung thực hiện Quy hoạch tổng thể du lịch Cát Bà hướng đến tạo dựng
thương hiệu Cát Bà là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có tính cạnh tranh cao, với
những sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế.