Từ cách mạng Tháng Tám ở Hải Phòng - Kiến An và tầm vóc thành phố Cảng hôm nay

Kỷ niệm 72 năm cách mạng tháng tám và quốc khánh 2/9:

Từ cách mạng Tháng Tám ở Hải Phòng - Kiến An và tầm vóc thành phố Cảng hôm nay

Từ năm 1920, thành phố Cảng Hải Phòng, cùng với Sài Gòn, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm “đầu cầu” để truyền bá chủ nghĩa Mác -Lênin về Việt Nam. Năm 1925, khi thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người cử cán bộ về Hải Phòng tuyên truyền, vận động hình thành các tổ chức cách mạng. Tháng 3-1929, chi bộ và tháng 6-1929, Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng được thành lập. Sau khi dự hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng (tháng 4-1930), gồm 14 chi bộ và gần 100 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hải Phòng trở thành một trong ít trung tâm phong trào cách mạng của cả nước. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc theo sát tình hình và báo cáo với Quốc tế Cộng sản về những cuộc đấu tranh tiêu biểu của đội ngũ công nhân Hải Phòng. Thực dân Pháp tăng cường khủng bố. Nhiều lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ đóng tại Hải Phòng và Thành ủy bị địch bắt, như các đồng chí Lê Duẩn, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu... Do vậy, trước ngày khởi nghĩa, Thành ủy chưa được lập lại, nhưng quần chúng được giác ngộ, tập hợp trong mặt trận Việt minh, khi thời cơ đến, vùng lên giành chính quyền: Kiến Thụy ngày 15-8, Tiên Lãng ngày 16-8, An Lão ngày 17-8, An Dương, Thủy Nguyên ngày 21-8... Đó là một trong những đặc điểm nổi bật của phong trào cách mạng ở Hải Phòng -Kiến An.

 

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 9.              							                     Ảnh: Duy Thính

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 9.

Tổng khởi nghĩa ở tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng diễn ra nhanh gọn. Tại tỉnh Kiến An, sáng 21-8-1945, lực lượng tự vệ huyện An Lão chia thành 3 mũi tiến vào tỉnh lỵ Kiến An, đột nhập Bưu điện cắt đường dây liên lạc với Hải Phòng, tước vũ khí của lính Bảo an binh, đột nhập buộc Tỉnh trưởng đầu hàng. Sau đó để lại một bộ phận ở lại chốt giữ các vị trí quan trọng, số còn lại rút về Câu Trung. Sáng 22-8, Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh huy động lực lượng các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng kéo về tỉnh lỵ, bắt Tỉnh trưởng, thu vũ khí và tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai. Chiều 24-8, tại sân vận động trung tâm tỉnh lỵ, hơn 5 vạn đồng bào mít tinh chào mừng Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh, gồm 7 thành viên, do ông Nguyễn Dương Lâm làm Chủ tịch, ra mắt. Tại Hải Phòng, ngày 21-8, Xứ ủy cử cán bộ về cùng Thành bộ Việt minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa, cử đại biểu gặp Thị trưởng thành phố thông báo chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền và qua đó thương nghị không để quân Nhật can thiệp vào công việc của ta. Sáng 23-8, hàng vạn đồng bào Hải Phòng - Kiến An, cùng lực lượng vũ trang chiến khu Đông Triều, từ các ngả đường kéo về Quảng trường Nhà hát thành phố dự mít tinh giành chính quyền. Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh khổng lồ trọng thể khai mạc. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, mọi người hướng lên lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn phủ kín mặt tiền Nhà hát. Bài “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng. Đại diện Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát-xít Nhật. Ủy ban Cách mạng lâm thời thành phố, gồm 7 thành viên, do đồng chí Vũ Quốc Uy làm Chủ tịch, ra mắt trong tiếng hò reo vang dậy. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, từ ngày 15 đến 25-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở thành phố Hải Phòng - tỉnh Kiến An, một trung tâm hải cảng, kỹ nghệ lớn nhất miền Bắc, thắng lợi có vai trò quan trọng đối với cuộc Cách mạng Tháng Tám của cả nước. 

 

Bảy mươi hai năm qua, tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng phát huy, giành được những thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đáng chú ý, trong hơn một thập niên đầu thế kỷ 21, Hải Phòng có những đột phá tạo thế và lực mới cho phát triển toàn diện, khẳng định vị thế của một thành phố năng động. Hải Phòng chủ động và sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố Cảng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, mở mang và chỉnh trang đô thị... Tiêu biểu là những thành tựu về số vốn FDI, mở rộng các khu kinh tế, hoàn thành tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cầu Tân Vũ-Lạch Huyện vượt biển dài nhất Đông Nam Á, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, chỉnh trang đô thị, thu ngân sách, thực hiện an sinh xã hội...  Từ thực tiễn sinh động đó, có thể khẳng định, sau nhiều năm “chuẩn bị”, đến thời điểm này, Hải Phòng bắt đầu chuyển mình với tư duy mới, thế và lực mới.

 

TS. Đoàn Trường Sơn

(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng)
(Nguồn: Báo Hải Phòng) 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn