Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 31/3/2021)

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Hải Phòng: Các trường hợp F1 của 2 bệnh nhân 2582 và 2586 đã âm tính lần 2 với SARS-CoV-2

Tất cả các F1 của 2 bệnh nhân 2582 và 2586 đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính với SARS-CoV-2, TP. Hải Phòng đã quyết định dỡ bỏ phong tỏa Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng và thu gọn khu vực phong tỏa tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền.

Sở Y tế Hải Phòng cho biết, đến thời điểm này, tất cả 26 trường hợp F1 của 2 BN 2582 và 2586 (2 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Phú Quốc (Kiên Giang), sau đó về Hải Phòng) đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với SARS-CoV-2. Ngoài ra, 218 trường hợp F2 và những người liên quan cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với  Sars-Cov-2.

Cũng liên quan đến 2 ca bệnh này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP. Hải Phòng đã quyết định dỡ bỏ phong tỏa đối với Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng (nơi 2 ca bệnh đến khám và được phát hiện mắc COVID-19). Theo camera bệnh viện ghi lại, khi 2 người này đến bệnh viện đã được phân luồng bằng lối đi riêng; thời gian lưu lại bệnh viện rất ngắn, chỉ đến phòng xét nghiệm, không đến các phòng khoa khác; các nhân viên y tế tại bệnh viện tuân thủ chặt chẽ các quy tắc phòng chống dịch bệnh. Tất cả 4 nhân viên y tế của bệnh viện có tiếp xúc trực tiếp với 2 ca bệnh đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Sau khi được dỡ bỏ phong tỏa, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng đã hoạt động trở lại bình thường. Đồng thời, quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) cũng thu gọn địa điểm phong tỏa tại phường Đằng Giang, chỉ còn khách sạn Paris tại số 2 lô 8A Lê Hồng Phong (nơi 2 bệnh nhân 2582 và 2586 lưu trú).

Trước đó, sau khi phát hiện 2 trường hợp BN 2582 và 2586 nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Phú Quốc, sau đó từ Phú Quốc về sân bay Nội Bài (Hà Nội) và đi xe riêng về Hải Phòng, ngày 26/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP. Hải Phòng đã quyết định phong tỏa 6 địa điểm mà 2 bệnh nhân này đã cư trú hoặc di chuyển đến, gồm: Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng, khu vực khách sạn Paris trên đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), 1 nhà nghỉ tại phường Trại Lẻ (quận Lê Chân), 3 địa điểm tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). (Vov.vn 30/3, Thanh Nga)

Nam điều dưỡng nhiễm Covid-19 ở Hải Phòng đã âm tính sau 13 lần xét nghiệm

Sau 13 lần xét nghiệm Covid-19, N.V.Q, nam điều dưỡng nhiễm Covid-19 ở Hải Phòng đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tối 30/3, Sở Y tế TP. Hải Phòng cho biết, sau 13 lần xét nghiệm Covid-19, N.V.Q, nam điều dưỡng nhiễm Covid-19 ở Hải Phòng, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Như Thanh Niên đã đưa tin, cuối tháng 2/2021, cơ quan chức năng TP. Hải Phòng phát hiện chùm ca bệnh Covid-19 là N.V.Q, Đ.T.P (cùng là điều dưỡng ở Bệnh viện GTVT TP. Hải Phòng) và em gái của Đ.T.P.

Theo Công an TP. Hải Phòng, N.V.Q đã từ Hải Phòng về TP.Hải Dương rồi đi H.Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) từ ngày 27/1. Đến ngày 28/1, bệnh nhân N.V.Q từ Hải Dương trở về Hải Phòng. Tuy nhiên, N.V.Q không khai báo y tế, không thực hiện cách ly theo quy định của UBND TP. Hải Phòng khi đó khiến lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 ở Hải Phòng. UBND TP. Hải Phòng đã giao Công an TP. Hải Phòng vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, UBND TP. Hải Phòng cũng đã giao Công an TP. Hải Phòng vào cuộc điều tra, xử lý đối với 2 trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đó là Đỗ Thị Thu P. (26 tuổi, ở xã Đại Hợp, H.Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) và Nguyễn Thị Th. (25 tuổi, ở TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Theo cơ quan chức năng, Đỗ Thị Thu P. và Nguyễn Thị Th. đã nhập cảnh trái phép từ nước ngoài về Việt Nam, khi về đến Hải Phòng thì phát hiện bị nhiễm Covid-19. (Thanhnien.vn 30/3, Lê Tân; Laodong.vn 30/3; VTV.vn 31/3)

Dỡ phong tỏa nhà nghỉ liên quan đến 2 ca mắc COVID-19 ở Hải Phòng

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Lê Chân (Hải Phòng) đã gỡ phong tỏa nhà nghỉ H.H (25 Trại Lẻ, Lê Chân), những người tiếp xúc, liên quan đến bệnh nhân tại đây tiếp tục được cách ly tại nhà.

Theo báo cáo 19h ngày 30/3 của Sở Y tế Hải Phòng, liên quan đến bệnh nhân 2582, bệnh nhân 2586, đến chiều 30.3, sau khi 26/26 F1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với SARS-CoV-2, 218/218 F2 và người liên quan cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Do đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Lê Chân đã gỡ phong tỏa Nhà nghỉ H.H (25 Trại Lẻ, Lê Chân), những người tiếp xúc, liên quan đến bệnh nhân tại đây, tiếp tục được cách ly tại nhà.

Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với người bệnh (F1, F2), các ca bệnh nghi ngờ, người về từ vùng dịch, hoặc có đi qua địa điểm theo các Thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế.

Trước đó, từ ngày 25/3, toàn thành phố thực hiện phong tỏa, phun khử trùng 6 điểm có liên quan 2 ca mắc COVID-19 gồm: 3 điểm tại huyện Kiến Thụy (1 nhà nghỉ tại huyện Kiến Thụy, nhà mẹ đẻ chị Đ.T.T.P, nhà lái xe taxi chở 2 trường hợp Đ.T.T.P và N.T.T); 2 điểm tại quận Lê Chân (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec và nhà nghỉ H.H tại đường Trại Lẻ vì bệnh nhân đi vào hỏi phòng, tuy không ở tại đó nhưng đã tiếp xúc với lễ tân, trong quá trình tiếp xúc không đeo khẩu trang), 1 điểm tại quận Ngô Quyền (khách sạn Paris - đường Lê Hồng Phong).

Trưa 27/3, sau khi khử khuẩn toàn bộ bệnh viện, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã cho gỡ phong toả Bệnh viện Đa khoa Vinmec Hải Phòng để bệnh viện hoạt động bình thường trở lại. (Laodong.vn 30/3, Mai Dung)

Hà Nội thông tin xử lý những ca nhập cảnh trái phép mắc COVID-19 ở Hải Phòng

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Sở Y tế đã thông tin về việc điều tra, xử lý trường hợp nhập cảnh trái phép dương tính với COVID-19 ở Hải Phòng, có liên quan đến Hà Nội.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội đến các quận huyện ngày 29/3, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế đã thông tin về việc điều tra, xử lý trường hợp nhập cảnh trái phép dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Hải Phòng, có liên quan đến Hà Nội.

Cụ thể, bệnh nhân sinh sống tại Hải Phòng, ngày 16/3/2021, bệnh nhân đi từ Hải Phòng vào Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sang Campuchia; tại Campuchia bệnh nhân ở cùng nhà với bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 22/3, bệnh nhân nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam bằng thuyền đến Phú Quốc, sau đó đi trên chuyến bay VJ458 tới Nội Bài ngày 22/3 và di chuyển về Hải Phòng bằng xe taxi từ Hải Phòng lên đón. Theo kết quả điều tra, có 89 người Hà Nội trên chuyến bay này, trong đó có 12 trường hợp là F1 và 77 người có liên quan. (Giaoducthoidai.vn 30/3, Phạm Hiền)

HẢI QUAN

Hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng tăng mạnh hai con số

Trong quý đầu tiên năm 2021, sản lượng hàng hóa qua khu vực cảng biển Hải Phòng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số…

Đại diện Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng ước đạt hơn 22,7 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng container ước đạt gần 1,4 triệu Teus, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tháng 3/2021, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng ước đạt hơn 8,2 triệu tấn, tăng 8%. Trong đó, hàng container đạt gần 500.000 Teus, tăng 10% so với năm 2020. “Về số lượt tàu, trong quý đầu tiên của năm 2021, cảng biển khu vực Hải Phòng đã tiếp nhận tổng số hơn 9.700 lượt. Trong đó, tàu biển đạt gần 4.400 lượt (tăng 8%), phương tiện thủy nội địa đạt hơn 5.300 lượt (tăng 21%)”, vị này thông tin.

Đáng chú ý, những tháng đầu năm, hai bến khởi động (số 1, 2) thuộc Cảng Lạch Huyện tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 1,5 triệu hàng hóa thông qua, tăng 35%. Hàng container ước đạt hơn 146.000 Teus, tăng tới 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, sản lượng hàng container qua cảng Lạch Huyện liên tục ghi nhận mức tăng vượt bậc khi năm 2019 tăng trưởng 40%. Đến năm 2020, mức tăng đạt 50% với khoảng 650.000 Teus hàng hóa container thông qua (chiếm 15% tổng sản lượng hàng container thông qua cảng biển Hải Phòng). (Baogiaothong.vn 30/3, Nam Khánh; Giao thông 31/3, tr9)

Chuyển biến tích cực từ hoạt động sử dụng máy soi tại Cục Hải quan Hải Phòng

Qua hơn 3 tháng triển khai chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về sử dụng máy soi container (từ tháng 12/2020 đến trung tuần tháng 3/2021), hoạt động nghiệp vụ này tại Cục Hải quan Hải Phòng có chuyển biến tích cực.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2 (từ 16/1-15/2), toàn Ngành thực hiện soi chiếu tổng số 8.776 container; phát hiện nghi vấn 572 container (chiếm 6,52% tổng cont soi chiếu), phát hiện vi phạm 22 container (chiếm 3,85% tổng contaner nghi vấn).

Đáng chú ý, riêng Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện tới 16 container vi phạm, chiếm gần 73% số lượng container phát hiện vi phạm của toàn Ngành.

Trao đổi với phóng viên về hoạt động này tại đơn vị, lãnh đạo Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: hiện toàn Cục được giao quản lý, vận hành 4 máy soi container, trong đó có 1 máy soi cố định, 3 máy soi di động đặt tại cảng Tân Vũ, cảng Nam Hải Đình Vũ và cảng Lạch Huyện.

Thực hiện Quyết định số 3272/QĐ-TCHQ (ngày 24/11/2020) của Tổng cục Hải quan về việc ban hành quy định kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng máy soi container (hiệu lực từ 1/12/2020), lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều giải pháp và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Hiện, năng suất soi chiếu của các máy soi container được tăng lên đáng kể, trung bình 102 container/ngày so với các tháng trước là 65 container/ngày.

Một trong những nguyên nhân giúp tăng năng suất soi chiếu tại các máy soi container của Cục Hải quan Hải Phòng là tại Quyết định số 3272/QĐ-TCHQ và các văn bản chỉ đạo công tác máy soi của Tổng cục Hải quan đã chú trọng đến việc nâng cao số lượng container soi chiếu trong quá trình xếp dỡ (soi chiếu trước).

Việc tập trung nâng cao số lượng container soi chiếu trước đã giúp Hải quan Hải Phòng chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật kể cả khi vắng mặt người khai hải quan.

Đồng thời, kết quả soi chiếu trước là một trong những yếu tố sử dụng để quyết định hình thức kiểm tra khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai, nhờ vậy kết quả soi chiếu trước có tác dụng giảm thời gian thông quan, chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời ngăn ngừa được từ xa hành vi vi phạm của doanh nghiệp...

Thực tế tại Cục Hải quan Hải Phòng, công tác soi chiếu trước góp phần quan trọng vào việc bắt giữ các lô hàng vi phạm như: hàng cấm, hàng khai báo sai, khai báo thiếu số lượng thực nhập...

Điển hình vụ việc liên quan đến tờ khai nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại XNK Hạnh Minh. Hàng hóa thể hiện trên Manifest là sữa tắm, bánh kem. Qua soi chiếu hình ảnh nghi vấn, sau khi điều tra nắm tình hình nhận thấy lô hàng có dấu hiệu nghi vấn, Đội Kiểm soát hải quan đã tiến hành khám xét lô hàng. Kết quả phát hiện lô hàng có chứa hàng cấm là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, lô hàng đã được sai áp về kho tang vật để chờ xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ việc liên quan đến 2 container của Công ty TNHH Thương mại Trang Hoàng Đạt, trên Manifest hàng hóa thể hiện băng tải cao su mới 100%. Lô hàng soi chiếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Tổ Kiểm tra máy soi đã chuyển thông tin cho Tổ Kiểm soát Hải quan số 1 xác minh làm rõ. Kết quả 2 container trên nhập khẩu hàng cấm là máy móc thiết bị đã qua sử dụng, toàn bộ lô hàng được sai áp về kho tang vật để xử lý theo quy định pháp luật.

Trường hợp Công ty TNHH ITTB, nhập khẩu lô hàng khai báo là gỗ Paurosa, soi chiếu phát hiện nghi vấn. Kết quả kiểm tra thực tế ngoài chủng loại gỗ như khai báo còn có gỗ Giáng hương Tây Phi thuộc danh mục CITES (hàng hóa phải có Giấy phép của cơ quan quản lý CITES).

Vi phạm khác được phát hiện qua máy soi liên quan đến khai sai mã số dẫn đến làm thiếu số thuế phải nộp.

Điển hình, vụ việc liên quan đến Công ty TNHH TM và DV tổng hợp Bình Phát Thăng Long (hàng nhập khẩu về cảng Hải Phòng, đăng ký tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội). Hàng khai báo là hệ thống truyền dẫn tín hiệu âm thanh, soi chiếu phát hiện nghi vấn, bị dừng thông quan để kiểm tra thực tế tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ. Kết quả kiểm tra doanh nghiệp khai sai mã số, thuế suất hàng hoá nhập khẩu dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Tổng số tiền thuế tăng thêm sau khi soi chiếu, kiểm tra hơn 956 triệu đồng.

Vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Kehin, nhập khẩu hàng hóa khai báo là thiết bị van vòi. Lô hàng soi chiếu phát hiện nghi vấn. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy doanh nghiệp có hành vi không khai, khai sai tên hàng, chủng loại hàng hóa dẫn đến thiếu gần 400 triệu đồng tiền thuế.

Trường hợp Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Vũ Chung (hàng nhập khẩu về cảng Hải Phòng, đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan Ninh Bình). Hàng khai báo là đá granite tự nhiên. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra bằng máy soi container, thực tế và giám định của cơ quan chức năng, hàng hóa thực tế là đá nhân tạo. Doanh nghiệp đã có hành vi khai sai chủng loại hàng dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hơn 300 triệu đồng…

Lãnh đạo Đội Kiểm soát hải quan cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong và ngoài Ngành triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa công suất, hiệu quả phát hiện vi phạm thông qua máy soi container. (Haiquanonline.com.vn 30/3, Thái Bình- Ngọc Linh; Hải quan 31/3, tr6)

KINH TẾ   

Điều chỉnh phạm vi, quy mô Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 13/2021/QĐ-TTg ngày 25/3 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải TP. Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 69/2011/QĐ-TTg ngày 13/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 39/2013/QĐ-TTg ngày 27/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có tổng diện tích khoảng 22.540 ha, bao gồm: phần diện tích khu kinh tế hiện hữu: 22.540 ha; đưa ra khỏi ranh giới Khu Kinh tế  Đình Vũ - Cát Hải hiện hữu lấy từ đất ở đô thị theo quy hoạch trên địa bàn hai xã Trung Hà và Ngũ Lão thuộc khu vực Bến Rừng (huyện Thủy Nguyên). Tổng diện tích đề nghị đưa ra khỏi ranh giới là 687 ha; bổ sung vào ranh giới Khu kinh tế  Đình Vũ - Cát Hải hiện hữu một phần của bốn xã: An Tiến, Trường Thọ, Trường Thành và Bát Trang (huyện An Lão). Tổng diện tích đề nghị bổ sung vào ranh giới là 687 ha.

Phạm vi ranh giới Khu kinh tế  Đình Vũ - Cát Hải được xác định, gồm các xã: Thủy Triều, An Lư, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng và một phần các xã Trung Hà, Ngũ Lão, Tân Dương, Thủy Sơn, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên); toàn bộ đảo Vũ Yên; phường Tràng Cát, bán đảo Đình Vũ (quận Hải An); các xã: Văn Phong, Hoàng Châu, Nghĩa Lộ, Đồng Bài, thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải); một phần các xã: Lê Lợi, Hồng Phong, Bắc Sơn, An Hòa (huyện An Dương) và một phần các xã: An Tiến, Trường Thọ, Trường Thành và Bát Trang (huyện An Lão). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 12-5. (Nhandan.com.vn 30/3, Ngô Quang Dũng; Daidoanket.vn 30/3)

Hải Phòng tăng tốc thu hút đầu tư FDI

Với mục tiêu thu hút vốn FDI đạt từ 2,5-3 tỷ USD trong 2021, Hải Phòng chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp dịch vụ sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả cao...

Không chỉ dừng lại ở lợi thế vị trí địa lý với cảng biển, sân bay, hạ tầng logistics, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính cùng những quyết sách phù hợp và hiệu quả đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hải Phòng.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang và sẽ "đổ bộ" vào Việt Nam sau chuỗi khủng hoảng liên hoàn từ y tế - đến kinh tế - và xã hội của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các nhà đầu tư: kiểm soát tốt dịch bệnh covid-19, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào và hợp tác quốc tế sâu rộng,...

Cho đến nay, TP. Hải Phòng đã thành lập và cho đi vào hoạt động 12 khu công nghiệp, thu hút được 567 dự án trong và ngoài nước. Trong đó, 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 146.000 tỷ đồng, của các nhà đầu tư đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong số các dự án này, không thể không nhắc tới các tên tuổi lớn như: Tập đoàn LG (5,84 tỷ USD), Bridgestone (1,2 tỷ USD), Pegatron (481 triệu USD), USI (200 triệu USD), Kyocera (187 triệu USD),...

Tiếp tục phát huy tiềm năng năng vốn có, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, Hải Phòng đã thú hút được thêm gần 1 tỷ USD tiền vốn đầu tư. Trong đó, tổng vốn FDI thu hút đạt 906,85 triệu USD, tổng vốn đầu tư trong nước đạt 17,4 tỷ VND. Thành phố cũng đặt mục tiêu thu hút vốn FDI từ 2,5-3 tỷ USD trong năm 2021.

Theo kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột phát triển gồm công nghiệp công nghệ cao; kinh tế biển, cảng biển logistics và du lịch, thương mại. Với chiến lược đầy tham vọng đó, Hải Phòng đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ đầu tư thêm 15 khu công nghiệp mới, bổ sung 6.500 ha quỹ đất để đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư trong giai đoạn mới, bên cạnh 1 Khu kinh tế, 12 khu công nghiệp đang vận hành ổn định.

Với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp như vậy, tới năm 2025, thành phố dự kiến thu hút đầu tư 15-20 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 25-30 tỷ USD; thu hút 300.000 lao động. Đây là nguồn lực rất lớn thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững.

Mục tiêu chính của quy chế phối hợp là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý với hoạt động của các dự án, doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp; trong đó, có quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, hoạt động cư trú, tạm trú, xuất nhập cảnh, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Nhờ hội tụ các điều kiện thuận lợi, các khu công nghiệp tại Hải Phòng đã đóng góp trên 70% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, tăng thu ngân sách hơn 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, mở rộng thị trường, tăng lượng hàng hóa qua cảng, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế thành phố.

Trong thời gian qua, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã và đang trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp nhằm giảm thiểu các nguồn gây ô nghiễm, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng xung quanh.

Tại Hải Phòng, Hội đồng nhân dân thành phố đã thành lập hai khu công nghiệp sinh thái trên địa bàn trong đó có khu Nam Cầu Kiền. Với vai trò tiên phong trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng, cùng tầm nhìn xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Hải Phòng, Nam Cầu Kiền đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế và mạng lưới cung cấp dịch vụ toàn diện, từ đó tích lũy giá trị sinh thái Nam Cầu Kiền trong lòng khách hàng, đối tác.

Là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên do người Việt đầu tư, chiến lược phát triển xuyên suốt của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã chủ động triển khai các giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Tháng 12/2019, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với những nỗ lực của mình và sự khác biệt trong tư duy quản lý đã thành công trong việc trở thành đơn vị thí điểm xây dựng Khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng nằm trong “Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của thành phố”.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã phối hợp với Trung tâm giảm thiểu Cacbon Khu vực châu Á tP Kitakyushu và Khu Ecotown Center ký kết “Biên bản thỏa thuận hợp tác xây dựng thí điểm mô hình Khu công nghiệp sinh thái tại Nam Cầu Kiền” góp phần nâng cao sự hợp tác gắn bó giữa hai thành phố.

Với định hướng xây dựng môi trường đầu tư xanh, thân thiện với môi trường, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền lấy bảo vệ môi trường làm cốt lõi cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Cho đến nay, Nam Cầu Kiền đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí sinh thái theo quy định của Nhà nước. Điều này mang đến lợi thế to lớn cho Nhà đầu tư trong khu công nghiệp.

Với mục đích mang đến một môi trường đầu tư lý tưởng, các doanh nghiệp phát triển cùng chuỗi liên kết cộng sinh trong mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp. Nam Cầu Kiền đã và đang tiếp tục khẳng định thương hiệu khu công nghiệp sinh thái đúng nghĩa đầu tiên tại Việt Nam. (Vneconomy.vn 30/3, Nguyễn Dũng)

Kinh doanh “nghề độc” - phục vụ cõi âm, công ty Mai táng Hải Phòng đạt mức doanh thu mỗi năm lên tới trăm tỷ đồng

Công ty cổ phần Phục vụ Mai táng Hải Phòng (UPCOM: CPH) là doanh nghiệp trong ngành dịch vụ mai táng đầu tiên và hiện là duy nhất trên sàn chứng khoán.

CPH đưa 4,4 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ 44 tỷ đồng lên sàn từ tháng 2/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, khác với nhiều doanh nghiệp sở hữu ngành nghề kinh doanh độc khác trên sàn, cổ phiếu CPH hầu như không được đưa ra giao dịch.

Theo bản giới thiệu, công ty cổ phần Phục vụ mai táng Hải Phòng là doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phục vụ hoạt động tổ chức tang lễ, mai táng, tại nghĩa trang Ninh Hải - Đài hóa thân Hoàn Vũ và nghĩa trang Phi Liệt, Hải Phòng.

Công ty này từng là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND thành phố, được thành lập từ tháng 7/2010. Đầu năm 2015, doanh nghiệp này đã tiến hành cổ phần hóa, bằng việc đấu giá thành công 440.000 cổ phần, thu về hơn 4,4 tỷ đồng.

Hiện tại, UBND Hải Phòng là cổ đông lớn nhất sở hữu 2,84 triệu cổ phiếu (64,5%). Hai cổ đông lớn khác nắm giữ trên 5% cổ phần bao gồm công ty TNHH Đầu tư công trình và Thương mại Hoàng Phát nắm 440.000 cổ phiếu (10%) và ông Nguyễn Hồng Lê (Chủ tịch) nắm 234.600 cổ phiếu (5,33%).

Theo số liệu từ Người Đưa Tin Pháp luật, hiệu quả kinh doanh của Phục vụ mai táng Hải Phòng khá ổn định với doanh thu, lợi nhuận mỗi năm không có sự biến động đáng kể.

Năm 2016, doanh thu của CPH ghi nhận đạt 95 tỷ đồng. Từ năm 2017-2019, doanh thu đều đặn trăm tỷ đồng mỗi năm, tương ứng mỗi ngày thu về khoảng 300 triệu đồng doanh thu. Xét về lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế đi ngang nhiều năm ở mức khoảng 9 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu thuần CPH đạt được xấp xỉ 109 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2019. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu bán hàng hóa tăng 4% đạt 54 tỷ đồng; doanh thu bán thành phẩm tăng 25% đạt 4 tỷ đồng; doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 3% đạt 51 tỷ đồng so với năm 2019.

Trừ chi phí vốn bỏ ra, công ty lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 32 tỷ đồng, trong đó riêng mảng bán hàng hóa cũng là mảng mang lại phần lớn lợi nhuận gộp với hơn 25,7 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng lợi nhuận gộp đạt được cả năm.

Lợi nhuận sau thuế đi ngang, với hơn 9 tỷ đồng, nhưng cũng vượt 6,6% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Sau 3 năm lên sàn, Công ty gần như không có giao dịch và hiện cổ phiếu giữ ở mức 3.500 đồng/cổ phiếu suốt gần 1 năm nay - chỉ bằng 1/3 so với giá trị trong phiên giao dịch đầu tiên. Dù vậy, CHP đã từng tạo ra "cơn sốt" trên thị trường chứng khoán khi nhiều phiên dư mua với lượng lớn nhưng không cổ phiếu nào được bán ra. Bốn năm gần đây, Công ty đều đặn trả cổ tức tiền mặt khoảng 16%/năm.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2020, thu nhập của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Giám đốc đều tăng so với năm 2019. Công ty dành 1,45 tỷ đồng chi cho các thành viên HĐQT (tăng so với con số 1,35 tỷ đồng năm 2019) và gần 1,5 tỷ đồng chi cho Ban Giám đốc (năm 2019 là 1,21 tỷ đồng).

Trong đó, thu nhập của Chủ tịch HĐQT năm 2020 là 815 triệu đồng (năm 2019 là 771 triệu đồng) còn thu nhập của Tổng Giám đốc năm 2020 xấp xỉ 432 triệu đồng (năm 2019 xấp xỉ 428 triệu đồng). Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của công ty Phục vụ Mai táng Hải Phòng đạt gần 113 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm. (Nguoiduatin.vn 30/3, Dương Thị Thu Nga)

Hợp tác xã An Hưng: Kinh doanh đa ngành, thành công bền vững

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và điện năng An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng là đơn vị cung cấp hàng loạt dịch vụ cho nhân dân trong vùng như điện, nông nghiệp, xây dựng, quản lý chợ, vệ sinh môi trường... Hầu hết tại các lĩnh vực hoạt động, HTX đều gặt hái được thành công, mang lại nhiều giá trị bền vững cho địa phương.

Hiện nay, dịch vụ vệ sinh môi trường (VSMT) là một trong những hoạt động chính, HTX đang ký kết hợp đồng thu gom rác với khoảng 3.400 khách hàng, mức phí trung bình 40.000 đ/hộ.

Bà Nguyễn Thị Mai - Tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường của HTX nhớ lại: Địa bàn xã An Hưng có Khu công nghiệp với hàng trăm nghìn công nhân hoạt động. Thời điểm 2008 chưa có HTX đứng ra thu gom thì rác ngập đường, có những đợt cao điểm, UBND xã phải tiến hành tổng vệ sinh đến nửa tháng, số lượng rác được thu gom vận chuyển đi hàng nghìn khối.

"Nhưng rồi đâu lại vào đó! Từ tháng 2/2008, UBND xã chính thức giao cho HTX đứng ra thu gom, vận chuyển rác cho toàn xã thì tình trạng vứt rác bừa bãi trong khu dân cư mới chấm dứt", bà Mai nói

 

Trong những năm gần đây, HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng, tu bổ mở rộng ga tập kết rác với diện tích khoảng 1.000 m2. Đây là ga rác nông thôn được đầu tư bài bản nhất của Hải Phòng. Phần để rác được bố trí nằm sâu bên trong, cách xa trục đường giao thông. Xung quanh ga rác không phát sinh lượng rác tồn, lượng rác thu gom mỗi ngày đều được chuyển đi ngay, không có tình trạng ruồi muỗi, chuột bọ phát sinh. Ngoài phần diện tích chính là ga tập kết rác còn có nhà để dụng cụ, nhà nghỉ cho nhân viên mỗi khi đi thu gom rác về. Các khu nhà được bố trí phù hợp, đảm bảo sạch sẽ…

Trung bình mỗi ngày HTX thu gom được 13 đến 14 khối rác thải sinh hoạt. Toàn bộ lượng rác này sau thu gom sẽ được phân loại và ngay trong ngày sẽ được công ty Môi trường đô thị Hải Phòng mang đi xử lý.

Ông Đoàn Văn Kiểm – Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX có 16 lao động làm dịch vụ VSMT, để tạo điều kiện cho lao động và đáp ứng nhu cầu của công việc theo hướng chuyên nghiệp, HTX đã đầu tư 9 chiếc xe gắn máy để kéo rác thay vì dùng xe đẩy tay.

"Bên cạnh việc đầu tư xây dựng ga rác, chúng tôi còn đầu tư xe tải, vỏ container, máy xúc, lắp đặt camera tại bãi tập kết rác... để phục vụ việc thu gom, vận chuyển rác", ông Kiểm nói.

Bên cạnh công tác VSMT, trong năm 2020 cùng với chính quyền địa phương và bà con nhân dân, HTX đã hỗ trợ hơn 300 triệu đồng và đứng ra làm 02 con đường nội đồng (tổng chiều dài tuyến đường khoảng 2km) phục vụ dân sinh. Đồng thời, cải tạo, mở rộng 02 nghĩa trang nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Liên – người dân xã An Hưng phấn khởi: Nhờ có HTX mà nghĩa trang nhân dân địa phương được mở rộng, đường nội đồng được làm mới khang trang sạch sẽ, rác thải được thu gom triệt để... Người dân trong xã ai cũng phấn khởi, vui mừng vì HTX đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Ông Phạm Văn Bê – Phó giám đốc HTX chia sẻ, đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngoài cung cấp các dịch vụ truyền thống như vật tư nông nghiệp, giống lúa, thủy lợi nội đồng, các dịch vụ làm đất, máy gặt, máy cấy... HTX An Hưng còn kết hợp với công ty Âu Lạc cải tạo hơn 10 mẫu ruộng bỏ hoang không canh tác của bà con để trồng hành xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc trồng hành xuất khẩu đã triển khai được 02 năm và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, phía công ty Âu Lạc đang cùng với Ban lãnh đạo HTX xem xét tiến tới mở rộng diện tích cây trồng. Mục tiêu 02 bên đặt ra trong những năm tới sẽ tăng diện tích trồng hành lên 50 ha. HTX sẽ đóng vai trò quy hoạch vùng sản xuất, điều tiết nước, cung cấp dịch vụ làm đất phục vụ gieo trồng và giới thiệu công nhân cho doanh nghiệp...

HTX đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 60 lao động chủ yếu là người địa phương. Thu nhập trung bình của các lao động là 4,5 triệu/ tháng. Lợi nhuận trung bình của HTX hàng năm sau khi trừ tất cả các khoản chi phí là hơn 500 triệu đồng...

Với những kết quả đã đạt được, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng An Hưng trở thành “cánh chim đầu đàn” của khối kinh tế tập thể của TP. Hải Phòng. Đây cũng là đơn vị nhiều năm liền được lãnh đạo thành phố, Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen. (Vnbusiness.vn 31/3, Thanh Vân)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG   

Hải Phòng “tuýt còi” loạt công trình trái phép tại Cống Cổ Tiểu

 UBND huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với hành vi xây dựng mố cầu trên phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá.

Tuy nhiên, cơ quan này không tiến hành xử phạt hoạt động xây dựng trái phép trên diện tích nuôi trồng thủy sản kế cạnh mà chỉ yêu cầu người vi phạm tháo dỡ công trình trái phép.

Ngày 29/3, UBND huyện Kiến Thụy ban hành Báo cáo số 123/BC-UBND về việc xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh cửa cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kiến Thụy, UBND xã Đoàn Xá, trạm Tiêu Cổ Tiểu và Hạt quản lý đê điều Đồ Sơn-Kiến Thụy đã tiến hành lập biên bản ghi nhận hiện trường đối với trường hợp ông Phạm Ngọc Tuyên (SN 1987, trú tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) dựng mố cẩu trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Dù có “bút phê” của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Đa Độ, đơn vị quản lý cống Cổ Tiểu, đồng ý cho ông Tuyên tham gia sửa chữa mố cầu, kè kênh và tận dụng cung cấp vật liệu, tuy nhiên, do vi phạm Luật Thủy lợi, các cơ quan chức năng đã đã đình chỉ thi công và yêu cầu ông Tuyên hoàn trả lại mặt bằng đối với công trình xây dựng vi phạm.

Đến ngày 22/3/2021, ông Phạm Ngọc Tuyên đã tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Ngày 26/3/2021, UBND huyện Kiến Thụy đã ban hành Quyết định số 856 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi đối với ông Phạm Ngọc Tuyên. Ông Tuyên bị xử phạt 30 triệu đồng.

Được biết, ngày 30/6/2020, ông Lê Văn Tiến được UBND huyện Kiến Thụy cho thuê hơn 7.300 m2 đất nuôi trồng thủy sản tại thôn Đoan Xá 3, xã Đoàn Xá.

Chính quyền địa phương xác nhận ông này là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Việt Úc (trụ sở tại thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên) đồng thời không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Sau đó, trong tháng 3/2021, ông Tiến đã tiến hành hoạt động xây dựng công trình trái phép tại thửa đất số 237.1, tờ bản đồ số 07, thôn Đoan Xá 3, xã Đoàn Xá.

Qua kiểm tra, UBND huyện Kiến Thụy xác định hoạt động xây dựng của ông Tiến là vi phạm mục đích sử dụng đất nuôi trồng thủy sản được thuê. Ngay sau khi có phản ánh của cơ quan báo chí, ngày 13/3, UBND xã Đoàn Xá đã lập biên bản đình chỉ thi công đối với tổ thợ xây.

Đến ngày 21/3/2021, ông Lê Văn Tiến đã tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn trả lại mặt bằng hiện trạng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Kiến Thụy không xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động xây dựng của ông Tiến.

Trong khi đó, trao đổi với Pháp Luật Việt Nam, ông Tiến khẳng định không liên quan đến những vi phạm tại khu vực cống Cổ Tiểu. Và thật lạ rằng, dù đã nhiều lần liên hệ và đặt lịch làm việc nhưng lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy đã không cung cấp, trao đổi thông tin về những sai phạm được báo chí phản ánh.

Liên quan đến những sai phạm nói trên, đại diện Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Đa Độ biện minh rằng do lực lượng nhân sự mỏng trong khi ngày càng có nhiều vi phạm liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nên doanh nghiệp rất vất vả trong quá trình xử lý.

Trước đó, báo PLVN đăng tải 02 bài viết: “Hải Phòng: “Đại công trường” vi phạm “mọc” bên hành lang bảo vệ cống Cổ Tiểu” và “Hải Phòng chỉ đạo “nóng” liên quan đến vi phạm tại cống Cổ Tiểu” phản ánh những vi phạm liên quan đến hoạt động xây dựng, thi công mố cầu, san lấp mặt bằng tại khu vực cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ.

Những hoạt động vi phạm nói trên đã phá nát hành lang bảo vệ cống Cổ Tiểu nhưng chưa được xử lý triệt để.

Ngay sau đó, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản số 1751 chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm theo quy định. UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo Thanh tra Sở NN&PTNT tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi của Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Đa Độ đối với cụm công trình thuỷ lợi cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với các sai phạm (nếu có), đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND TP trong tháng 4/2021.

Chủ tịch huyện Kiến Thuỵ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Sở NN&PTNT xử lý triệt để các hành vi vi phạm công trình thuỷ lợi nêu trên và các vi phạm về sử dụng đất bãi sông khu vực cống Cổ Tiểu. (Phapluatplus.vn 30/3, Phương Thanh)

Hải Phòng: Xử lý nhiều thanh thiếu niên vi phạm giao thông, gây náo loạn đường phố

Thực hiện kế hoạch “Tổng kiểm soát phương tiện xe mô tô, xe gắn máy” chỉ trong 1 tuần, lực lượng Công an TP. Hải Phòng liên tục phát hiện, xử lý nhiều trường đối tượng vi phạm giao thông, gây náo loạn đường phố.

Trong ngày 27 và 28/3, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt bắt giữ 3 trường hợp thanh thiếu niên điều khiển phương tiện xe gắn máy vi phạm giao thông, làm náo loạn đường phố, gồm: Cao Thanh S (SN 2006, hộ khẩu thường trú (HKTT): Vạn Mỹ, Máy Chai, Ngô Quyền) điều khiển xe gắn máy BKS 15AF-086.73 chở Vũ Hoàng H (SN 2006, HKTT: 5/287 Lê Thánh Tông, Máy Chai, Ngô Quyền), không đội mũ bảo hiểm, không gương chiếu hậu bên trái, lạnh lách đánh võng trên đường Lê Hồng Phong; Nguyễn Đại H (SN 2006, HKTT: Đà Nẵng, Ngô Quyền) điều khiển xe 15AA-133.02 chở Vũ Tuấn Tr (SN 2006, HKTT: 66/165 Đà Nẵng, Ngô Quyền), không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu bên trái, không có giấy đăng ký xe, lạng lách trên đường Lê Hồng Phong; Trịnh Minh Q (SN 2004, HKTT: Xuân La,Thanh Sơn, Kiến Thụy) điều khiển xe 15AE-027.70 không đội mũ bảo hiểm, không gương chiếu hậu bên trái, không giấy đăng ký xe, lạng lách trên đường Phạm Văn Đồng.

Trước đó, khoảng 22h15 ngày 22/3, Đội CSGT-TT Công an quận Hồng Bàng đã phát hiện, bắt giữ Vũ Hoàng A (SN 2007, trú số 9 C24, phường Trại Chuối, Hồng Bàng) điều khiển xe máy BKS: 15B1-577.13 chở Đào Hoàng Q (SN 2006, trú ngõ 1 Đội Văn, Trại Chuối, Hồng Bàng), có hành vi điều khiển mô tô tốc độ cao, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX, xe máy không có gương chiếu hậu, không có đăng ký, không bảo hiểm xe…

Khoảng 21h00 ngày 24/3, trên đường Bùi Viện, Đội CSGT số 2 thuộc Phòng CSGT đường bộ, sắt - CATP. Hải Phòng phát hiện, bắt giữ nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, lạng lách, đánh võng.

Trong nhóm trên, 1 xe mô tô (dùng khẩu trang che BKS) chở 3 người, 2 người ngồi sau cầm theo 2 thanh kim loại dài 1,8m có gắn dao bầu, vừa chạy vừa kéo lê trên mặt đường. 3 đối tượng chở nhau trên xe gắn máy BKS 15AA-224.70 mang theo hung khí, gồm: Đoàn Hữu D (SN 2005, thường trú: 32/435A Đằng Hải, quận Hải An); Nguyễn Văn Đ (SN 2005, thường trú: 84/154 Bùi Thị Từ Nhiên, Đông Hải 1, Hải An); Nguyễn Trí Đ (SN 2005, thường trú: 19A/22/274 Bùi Thị Từ Nhiên, Đông Hải 1, Hải An).

Cũng trong tối ngày 24/3, Đội CSGT số 2 đã bắt giữ Nguyễn Anh K (SN 2006, thường trú: 11/681 Ngô Gia Tự, quận Hải An) điều khiển xe gắn máy không đeo BKS, xe không có gương chiếu hậu bên trái, lạng lách đánh võng trên đường Lê Hồng Phong. Trạm CSGT Lưu Kiếm phát hiện, bắt giữ Bùi Việt A (SN 2003, xã Cao Nhân, Thủy Nguyên) điều khiển xe mô tô BKS: 15G1-05134 chở Hoàng Vũ Minh T (SN 2003, xã Cao Nhân, Thủy Nguyên) không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng trên đường tỉnh 359, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên.

Khoảng 20h10 ngày 26/3, trên đường Lê Hồng Phong, Đội CSGT số 1 phát hiện, bắt giữ Nguyễn Văn M (SN 1995, thường trú: 21/28 Hạ Lũng, Hải An) điều khiển xe mô tô BKS: 15B1-789.35 chở người ngồi sau là Đào Công D (SN 1993, thường trú: tổ 34 Cụm 5 Đông Khê, quận Ngô Quyền) vi phạm lạng lách đánh võng trên đường bộ, không đội mũ bảo hiểm, chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe (GPLX), không có đăng ký xe.

Hồi 21h30 ngày 26/3, trên đường tỉnh 359 (xã Tân Dương, Thủy Nguyên), Trạm CSGT Lưu Kiếm phát hiện, bắt giữ Nguyễn Đức V (SN 2003, xã Thủy Đường, Thủy Nguyên) điều khiển xe mô tô BKS: 15B3-896.44 chở Nguyễn Tất H (SN 2003, xã Thủy Đường, Thủy Nguyên) có hành vi lạng lách, đánh võng trên đường bộ, không có GPLX, không đội mũ bảo hiểm, chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm.

Hồi 22h45' ngày 28/3, Đội CSGT-TT Công an quận Hồng Bàng đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ đối tượng Nguyễn Ngọc Th. (SN 2003, quê quán xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa) điều khiển xe mô tô BKS: 15B3-907.11 chở Đào Huy H. (SN 2003, trú số 18/34, phố Chợ Hàng cũ, Đông Hải, Lê Chân), có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX, xe máy không gương chiếu hậu. (Congly.vn 30/3, Vũ Ba; Laodong.vn 30/3)

XÃ HỘI     

Hải Phòng: Quận Hồng Bàng khởi công xây dựng công viên cây xanh phường Trại Chuối

Sáng 30/3, Quận ủy, UBND quận Hồng Bàng đã chính thức động thổ xây dựng công viên cây xanh tại hồ khu C, phường Trại Chuối.

Dự án công viên hồ khu C phường Trại Chuối có quy mô 1,3ha, trong đó 845,1m2 đất cây xanh, 390,1m2 đất giao thông và 65,1m2 đất cộng đồng, tổng mức đầu tư là 9,97 tỷ đồng. Công viên được quy hoạch tạo thành không gian sinh hoạt cộng đồng với 4 khu chính như sau:

Khu 1 nằm ở chính giữa tạo điểm nhấn với hình elip rộng, kết hợp với hệ thống máy tập để nhân dân tập thể dục và đi lại ngắm cảnh, trên các tuyến có bố trí các ghế đá để nhân dân có các khoảng cách nghỉ khi vào vườn hoa thăm quan;

Khu 2 nằm ở phía Nam khu đất với hệ thống đường dạo cách điệu hình dáng của một người tập thể dục, tạo hình thể phù hợp với mục đích, ý nghĩa của công viên cũng là đường dạo để người dân đi lại thả lỏng sau khi tập thể dục;

Khu 3 là nhà sinh hoạt chung để phục vụ đời sống văn hóa cũng như phục vụ vệ sinh cho người dân đến tập thể dục và sinh hoạt văn hóa. Còn lại là khu cảnh quan cây xanh, sân vườn được trồng các loại cây như: Hoàng Lan, Sấu, Xoài. Bên cạnh đó, công trình được đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng, cấp – thoát nước đồng bộ, hiện đại.

Tại lễ động thổ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ khẳng định, đây là công trình công viên đầu tiên trong tổng số 67 công viên của TP. Hải Phòng đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trương khu vực, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển văn hóa, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng, thiết thực với sự phát triển kinh tế, hiện đại hóa đô thị, thiết thực với đời sống nhân dân. (Phapluatplus.vn 30/3, Thùy Linh; Baoxaydung.com.vn 30/3; Kinhtedothi.vn 30/3)

Hải Phòng tập trung hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo

Chiều 30/3, UBND TP. Hải Phòng tổ chức phiên họp trực tuyến thường kỳ nhằm đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ tháng 3 và 3 tháng đầu năm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố (TP), trong quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 13,22% so với cùng kỳ (nhóm công nghiệp - xây dựng ước tăng 17,91%; nhóm dịch vụ ước tăng 9,75%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 18,29%.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý I ước 22.924,44 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ và bằng 25,6% dự toán HĐND TP giao. Thu hút đầu tư nước ngoài tính đến ngày 29/3 là 920,7 triệu USD (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng vốn), gấp 4,25 lần so với cùng kỳ năm 2020, bằng 36,83% kế hoạch.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thành ủy, UBND TP tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành kịp thời nhiều văn bản thực hiện các biện pháp cấp bách và giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Cung cầu hàng hóa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân…

Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, UBND TP ban hành Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo có khó khăn về nhà ở đủ điều kiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa năm 2021, theo Nghị quyết số 52 của HĐND TP. Tiếp tục hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng, khó khăn về nhà ở. (Baophapluat.vn 31/3, Mạnh Toàn)

Công chiếu 16 bộ phim cổ điển và hiện đại của Pháp tại Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức chiếu 16 bộ phim giới thiệu điện ảnh Pháp cổ điển và hiện đại tại Việt Nam.

Các bộ phim được trình chiếu gồm: Robert Doisneau: Điều kỳ diệu đằng sau ống kính; Lỗi của phụ nữ, Giúp việc - hết việc; Ánh sáng chân lý ở thành phố Roubaix; Jean Paul Gaultier - Buổi trình diễn cuối cùng; Huyền thoại về chiếc hộp đỏ mang tên Cartier; Isabel Marant: Khởi nguyên của bộ sưu tập; Thời trang Balmain; Lịch sử thời trang: Cách mạng thời trang; Tháp Eiffel: Cuộc đối đầu lịch sử; Paris - Thành phố vượt thời gian; Versailles - Cung điện Vua mặt trời; Công viên kinh dị; Kịch bản cuộc đời; 52 phút thăng hoa trên sàn diễn; Cậu bé kỳ diệu.

Các bộ phim được trình chiếu từ ngày 1/4 đến 31/12, tại các địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Cần Thơ. Các phim chỉ được trình chiếu tại Việt Nam sau khi có giấy phép phổ biến phim của Cục Điện ảnh.

Việc tổ chức chiếu phim chỉ được thực hiện tại các địa phương khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn và phải tuân thủ theo các quy định về phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành. (Qdnd.vn 30/3, Khánh Huyền; Baochinhphu.vn 30/3)

Hành trình 7 năm truyền “sức sống” cho bệnh nhi tan máu bẩm sinh

7 năm qua, với nhiệt huyết tuổi trẻ, tấm lòng thiện nguyện, Câu lạc bộ tình nguyện Trái tim Việt Hải Phòng tiếp thêm niềm tin, động lực, giúp đỡ hàng chục bệnh nhi tan máu bẩm sinh vượt qua khó khăn, hi vọng vào tương lai tươi sáng.

Câu lạc bộ tình nguyện Trái Tim Việt (gọi tắt là Trái Tim Việt) tiền thân là nhóm các thành viên hiến máu tình nguyện và vận động người hiến máu. Biết được lượng máu hiến tình nguyện được sử dụng nhiều cho người bệnh bị tan máu bẩm sinh, các thành viên Trái tim Việt tìm hiểu, đi đến thống nhất triển khai dự án hỗ trợ bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh trên địa bàn TP. Hải Phòng từ năm 2014.

Theo anh Trần Trọng Hiếu – Ban Chủ nhiệm Trái tim Việt, thời gian đầu triển khai dự án, các thành viên đến các huyện khắp thành phố để thăm nhà các bệnh nhi, cập nhật thông tin bệnh nhi cũng như hoàn cảnh gia đình để lên kế hoạch hỗ trợ kịp thời. “Hầu hết các bệnh nhi mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh đều phải truyền máu định kỳ và thải sắt liên tục theo chỉ định của bác sĩ mới có thể phát triển tốt về mặt thể chất và có thể hoạt động gần như người bình thường. Bởi vậy, các em hầu như không được đến trường, gia đình hoàn cảnh vô cùng khó khăn…” – anh Hiếu chia sẻ.

Với mong muốn mang niềm vui, tiếp thêm sức mạnh, sự lạc quan với bệnh nhi, ngay sau khi lên danh sách bệnh nhi tan máu bẩm sinh trên địa bàn TP. Hải Phòng, Trái tim Việt triển khai hàng loạt hoạt động, từ việc tổ chức giao lưu, lớp học kỹ năng sống, đến những buổi dã ngoại, hành trình về nguồn đầy ý nghĩa. Cụ thể, vào tối thứ 4 hằng tuần, các thành viên sẽ đến bệnh viện nơi các em điều trị để dạy các em kỹ năng học tiếng Anh, học giao tiếp, dạy làm đồ thủ công, làm bánh… Cuối tháng 1/2021, câu lạc bộ tổ chức cho các em tham quan Bảo tàng Hải Quân, chụp ảnh lưu niệm vào các ngày lễ, Tết…

“Trong rất nhiều hoạt động, mỗi lần tổ chức sinh nhật cho bệnh nhi đều mang lại nhiều cảm xúc cho mỗi thành viên. Đáng nhớ là sinh nhật của bệnh nhi Trịnh Duy Hiếu (Thuỷ Nguyên). Gia đình Hiếu hoàn cảnh khó khăn, chị gái Hiếu qua đời vì bệnh tan máu bẩm sinh. Nhìn những giọt nước mắt của mẹ Hiếu khi thấy con được thổi nến, cắt bánh sinh nhật, các thành viên đều cảm thấy rất xúc động, càng có thêm sức mạnh để giúp đỡ, đồng hành với các em và gia đình” – anh Trần Trọng Hiếu chia sẻ.

Ngoài những hoạt động giúp đỡ trực tiếp, hằng năm, Câu lạc bộ tổ chức từ 2-4 lần hoạt động hiến máu tình nguyện vừa đóng góp nguồn máu cứu chữa người bệnh của thành phố, vừa để các bệnh nhi tan máu bẩm sinh có thêm máu truyền trong các đợt điều trị hàng tháng. Đến nay, gần 80 thành viên câu lạc bộ cũng là thành viên tích cực trong phong trào hiến máu của thành phố, vừa trực tiếp hiến máu, vừa là tuyên truyền viên tích cực, trao thông điệp “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Trước sự nguy hiểm của căn bệnh tan máu bẩm sinh, Câu lạc bộ xây dựng một cộng đồng các gia đình bệnh nhi tan máu bẩm sinh. Thông qua hội, nhóm, các gia đình chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhi, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Hằng năm, câu lạc bộ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức gặp gỡ, giao lưu tìm hiểu về bệnh tan máu bẩm sinh, tuyên truyền để cộng đồng xã hội hiểu hơn về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống với bệnh tan máu bẩm sinh cũng như tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh...

Chị Phạm Thị Dung (thôn 11 xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng, mẹ bệnh nhi Trịnh Duy Hiếu) cho biết: "Câu lạc bộ tình nguyện Trái Tim Việt đồng hành với gia đình tôi suốt 7 năm qua, từ khi con trai tôi mới 3 tuổi và tôi cảm nhận được niềm vui, háo hức của con mỗi khi được tham gia các hoạt động do câu lạc bộ tổ chức. Tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ của các bạn giúp cháu Hiếu cũng như gia đình như được tiếp thêm “sức sống”, mạnh mẽ hơn trong chặng đường chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh còn dài phía trước".

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Hoà - Trưởng khoa thận máu nội tiết Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: “Sự tâm huyết, nhiệt tình của các thành viên Trái Tim Việt giúp các bệnh nhi có thêm một sân chơi bổ ích ngay tại bệnh viện, là liều thuốc tinh thần giúp bệnh nhi thêm lạc quan, mạnh mẽ hơn trong những lần phải điều trị dài ngày. Các y, bác sĩ của khoa sẵn sàng hỗ trợ để hành trình giúp đỡ bệnh nhi tan máu bẩm sinh của các bạn sẽ được tiếp nối trong những năm tới. Qua đó, không chỉ giúp đỡ bệnh nhi, mà còn giúp nhiều người dân hiểu về căn bệnh này, giảm thiểu nguy cơ sinh con tan máu bẩm sinh nhờ tầm soát trước sinh...". (Laodong.vn 31/3, Mai Dung)

Mệnh lệnh từ trái tim

Thành công chống dịch Covid-19 từ nỗ lực chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ, BS Phạm Thị Anh Tú, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trải lòng về những ngày tháng ở tâm dịch Đà Nẵng gian truân, nhọc nhằn nhưng rất đỗi tự hào. Chị vinh dự được chọn là đại biểu của thành phố cảng tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Dù có mẹ là bác sĩ, quá thấm thía nỗi vất vả của nghề nên định hướng con theo nghề khác, nhưng Phạm Thị Anh Tú vẫn quyết tâm thi Đại học Y, bởi được chữa bệnh cứu người là vinh hạnh. Về Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng làm bác sĩ gây mê hồi sức, Tú nhiệt tâm với công việc, theo học đến chuyên khoa hai để nâng cao trình độ. Tính bộc trực, lại say nghề, dù hết ca trực chị vẫn không ngần ngại hỗ trợ kíp cấp cứu và thẳng thắn góp ý chuyên môn. Ngay sau khi nhận được lời kêu gọi của Sở Y tế TP. Hải Phòng, chị là bác sĩ duy nhất của Bệnh viện Phụ sản tình nguyện đăng ký đi Đà Nẵng chống dịch Covid-19 bởi đồng cảm với đồng nghiệp hằng ngày gồng mình chống dịch đến mất ngủ quên ăn, tranh thủ chợp mắt trên ghế, hay mệt đến mức kiệt sức.

Chồng Tú cùng ngành y, hiểu tính vợ, ủng hộ quyết định nhanh chóng và táo bạo ấy, nhưng cũng lo lắng bởi bệnh hen vẫn hành hạ vợ mỗi khi trái gió, trở trời. Rồi bạn bè, người thân thấy số ca lây nhiễm ở Đà Nẵng ngày càng tăng nên can ngăn chớ dại dột vào tâm dịch, người hiểu chuyện ngưỡng mộ tinh thần dũng cảm, có người lại cho rằng chị tận dụng cơ hội này lập thành tích để được vinh danh, làm bàn đạp thăng tiến. Tú vẫn quyết tâm đi, tâm niệm giúp đồng bào mình dẫu biết hiểm nguy luôn rình rập, thậm chí phải đánh đổi nhiều thứ nếu chẳng may bị lây nhiễm. Bản thân có kiến thức y khoa, biết cách phòng tránh và có trang thiết bị phòng dịch nên chị tự trấn an, chỉ coi đó là chuyến công tác xa với trải nghiệm thú vị hiếm có. Những lời khích lệ, động viên của chồng, con càng khiến chị vững tâm.

Làm bác sĩ gây mê, khâu khởi đầu góp phần quyết định thành công của cả ca mổ đòi hỏi cảm quan, tiên lượng đúng, Tú rèn cho mình tính cẩn thận, bởi bảo thủ, chủ quan thì "sai một ly đi một dặm", giá đắt phải trả không chỉ với sinh mạng bệnh nhân mà bản thân cả đời dằn vặt, áy náy. Chị cầu thị học hỏi từ sách vở, các thầy, các bác sĩ giỏi nghề đàn anh và đồng nghiệp. Không ít ca, Tú cứu sống bệnh nhân bởi tay nghề vững, nhanh trí và cả chút liều. Một sản phụ mới vỡ ối, tự lên bàn đẻ nhưng ít phút sau chuyển biến xấu, tình thế hết sức nguy kịch. Ngay lập tức, Tú cùng một bác sĩ đặt ống, ép tim, tranh thủ từng giây phút thời điểm vàng để giành giật sự sống rồi trực tiếp điều trị. Sản phụ tỉnh lại, may mắn không bị ngưng tim, tổn thương não để lại di chứng. Hôm sau đi Đà Nẵng chống dịch, tối hôm trước Tú vẫn đi trực, kịp cứu sống một ca nặng. Bệnh nhân chuyển đến viện đã bị vỡ tử cung 21 tuần, máu chảy lan khắp ổ bụng, vừa mổ cấp cứu thì huyết áp sập. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, chị nghẹn lời cảm ơn bác sĩ.

Với các ca nặng, đôi khi chỉ từ một y lệnh sai gây hệ lụy đau lòng. Là người mẹ, lương tâm Tú không cho phép em bé vừa chào đời đã bơ vơ vì mất mẹ. Thế nên, sau mỗi ca tai biến, tử vong dù không xảy ra trong ca mình trực, Tú vẫn luôn trăn trở phương pháp điều trị đã tối ưu chưa, nhiều đêm ngẫm nghĩ, hồi tưởng những gì đã làm để rút kinh nghiệm. Chị kể, chứng kiến cảnh tượng thê lương chồng một sản phụ suy sụp khi vợ mình không qua khỏi vì bị nhiễm trùng sau sinh mổ, rối loạn đông máu, chuyển đến viện đã không thể cứu vãn, chị không cầm nổi nước mắt. Và để vượt qua ám ảnh, day dứt khó nguôi ngoai ấy, Tú tự nhủ càng phải chịu khó đọc, học hỏi nhiều, để không xảy ra sai lầm đáng tiếc.

Ngày 5/8/2020, Tú cùng 32 bác sĩ, điều dưỡng trong đoàn gấp rút lên đường, thầm hứa cố gắng hết mình, khống chế thành công dịch mới trở về. Cảnh tượng thực tế tại Đà Nẵng khác xa so với những gì đã hình dung, số bệnh nhân nhiễm Covid - 19 ở thể nặng nhiều, hai bệnh viện lớn bị phong tỏa, nhân lực thiếu hụt rất nhiều, không khí hết sức căng thẳng. Các y, bác sĩ đang căng mình chống dịch, có thêm sự chia sẻ, giúp đỡ, tiếp sức nên lạc quan, làm việc hăng say hơn.

Ngay ngày đầu tiên đến Đà Nẵng, đoàn chia thành hai nhóm hỗ trợ bệnh viện dã chiến Hòa Vang có 120 bệnh nhân Covid-19, trong đó 20 bệnh nhân đặc biệt nặng phải thở máy, lọc máu và bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 10 bệnh nhân nặng/75 bệnh nhân Covid-19, trong đó khoa Nội 2, lúc cao điểm có tới 22 bệnh nhân dương tính. Cắt tóc ngắn để tránh vướng víu và lây nhiễm, thường xuyên xét nghiệm định kỳ để bảo đảm đủ sức khỏe, các y, bác sĩ khẩn trương vào cuộc. Môi trường dịch bệnh nguy hiểm, Tú phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus, chỉ 15 phút vào ca trực là mồ hôi túa ra, ướt đầm, chẳng khác xông hơi, khát nước cháy họng. Buổi đầu chưa quen đeo khẩu trang phòng dịch, bí hơi, cảm giác như sắp ngất, tưởng không chịu nổi. Công việc quay cuồng, vất vả, nhất là điều trị, chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nặng, nào đánh răng, hút đờm dãi, lau người, hỗ trợ vệ sinh cá nhân, thay băng, tiêm thuốc, đút ăn… nhưng ai cũng gắng sức, thay phiên trực chiến vì nhiệm vụ cứu người cao cả.

Không có thuốc đặc trị, hằng ngày Tú thăm khám, cho chỉ định điều trị các triệu chứng tổn thương ở phổi, thận, mẩn ngứa da, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Nơi nghỉ sau ca trực là căn phòng không điều hòa giữa trời nắng nóng, nằm trên giường gấp dù mệt vẫn chẳng thể chợp mắt. Cơm hộp từ thiện gửi vào không quen khẩu vị, nên món khoái khẩu luôn là trứng luộc, mì tôm và bánh. Buồn, khổ là vậy nhưng chị và đồng nghiệp chẳng kêu ca, phàn nàn.

Sát cánh điều trị bệnh nhân Covid-19 trong những ngày "nước sôi lửa bỏng", bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Kiến An thán phục trước tâm huyết, nghị lực và tích cực phối hợp, hỗ trợ chẳng quản khó khăn, nề hà, hết lòng vì người bệnh của bác sĩ Tú. Một số bệnh nhân tổn thương phổi tiến triển rất nhanh, lúc trước còn tỉnh táo, nói chuyện vui vẻ nhưng ít phút sau bệnh đã trở nặng. Một bệnh nhân 70 tuổi bị suy thận mãn, thể trạng yếu, bệnh ngày càng nặng, Tú hội chẩn với bác sĩ bên Hồi sức chưa vội chuyển viện mà tiếp tục tích cực điều trị, chăm sóc, hôm sau dần hồi phục. Công việc cuốn theo, mỗi bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện là hạnh phúc tột cùng.

Làm việc trong môi trường ranh giới sinh tử rất mong manh, chị càng thấm thía tình người, tình đồng nghiệp. Xa nhà lâu ngày, nỗi nhớ cồn cào, da diết, Tú gắng kìm nén, tranh thủ gọi điện động viên chồng con. Mẹ vắng nhà, đứa lớn đảm đang hẳn, biết chăm em còn đứa bé chỉ mong mẹ sớm về để được vỗ về, ôm ấp. Lãnh đạo bệnh viện quan tâm thường xuyên gọi điện hỏi thăm, khích lệ. PGS,TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng bộc bạch, bệnh viện ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bác sĩ Tú yên tâm cống hiến tại tâm dịch và nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ tinh thần xung phong, trách nhiệm cao vì cộng đồng, "chống dịch như chống giặc" của nữ bác sĩ xông xáo, nhiệt huyết.

Khi dịch bệnh được khống chế, đẩy lùi sớm hơn dự định, mọi người trong đoàn vui mừng bởi công sức đóng góp nhỏ bé đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, cuộc sống sớm trở lại bình thường và thời gian trở về không còn xa. Học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm từ trải nghiệm chống dịch lần đó, thế nên kể từ khi ca Covid-19 xuất hiện đầu tiên ở Hải Phòng, rồi Bệnh viện Phụ sản thành phố bị phong tỏa, bác sĩ Tú không còn lo âu, bỡ ngỡ, chủ động ứng phó, xử lý tình huống. Lửa nhiệt tình vẫn vẹn nguyên, Tú trở lại với bộ đồ bảo hộ phòng dịch, tham gia gây mê cho thai phụ thuộc diện F1 sinh con. Và lần này lại có thêm niềm hạnh phúc, khi chị góp sức cho ca mổ thành công ở thời điểm rất đặc biệt ngay tại bệnh viện mình. Tú và các thành viên trong đoàn công tác vẫn liên hệ thường xuyên, mọi người nhắn nhau rằng nếu dịch bùng phát trở lại, khi cần vẫn sẵn sàng lên đường bởi trị bệnh, cứu người là mệnh lệnh từ trái tim. (Nhandan.com.vn 30/3)

Quả trĩu cành, hoa bốn mùa trên sân thượng của người phụ nữ tại Hải Phòng

Chỉ bằng thùng xốp, xô nhựa, chị Tô Thúy Hoàn đã tự tạo nên một khu vườn sân thượng trĩu trịt hoa trái, rau củ, vừa sạch vừa đẹp mắt.

Khu vườn sân thượng ngập tràn hoa trái các loại kèm một giàn cà chua sai trĩu quả rất bắt mắt là thành quả chăm sóc của người mẹ đảm đang - chị Tô Thúy Hoàn (50 tuổi, Hải Phòng). Sân thượng vốn bị "bỏ quên" lâu nay bỗng "sống lại", trở thành không gian yêu thích của chị, gia đình và nhiều bè bạn.

Chị Hoàn vốn thích làm vườn từ nhỏ nhưng bận rộn công việc và chăm sóc gia đình nên không có thời gian thực hiện. Tháng 9/2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc buôn bán của chị ít nhiều ảnh hưởng.

"Tôi có gần 20 năm gắn bó với nghề kinh doanh sứa biển - đặc sản Hải Phòng. Dịch Covid-19 ập tới làm du lịch đình trệ, các quán ăn, nhà hàng là khách quen của tôi đều tạm thời đóng cửa. Tôi từ cảnh làm từ sáng tới tối không hết việc thì bỗng dưng có nhiều thời gian rảnh rỗi", chị Hoàn chia sẻ.

Đa phần cây trong khu vườn sân thượng được trồng trong thùng xốp hoặc xô nhựa. Chị tận dụng thùng, xô vốn dùng để đựng hải sản phục vụ việc buôn bán của mình.

Khi còn nhỏ, chị từng phụ bố mẹ khai hoang, làm vườn nhưng việc trồng cây trên sân thượng có nhiều khác biệt. Người mẹ đảm lên các hội nhóm học hỏi nhiều cách trồng rau sân thượng khác nhau rồi mang về áp dụng tại nhà.

Để làm lối thoát nước, giúp rễ thông thoáng và đỡ tốn đất, chị đục lỗ ở mặt bên của thùng, cách đáy khoảng 20cm, sau đó đục lỗ can nhựa, đặt can xuống đáy thùng, miệng can hướng về phía mặt thùng đã đục.

"Ban đầu thấy tôi hì hục bê đất, thùng này thùng khác lên sân thượng, chồng tôi không ủng hộ cho lắm. Nhưng tôi cứ từ từ học hỏi rồi làm chút một", chị Hoàn chia sẻ.

Ấn tượng nhất trong khu vườn của chị Hoàn chính là giàn cà chua bạch tuộc (giống cà chua Nga) sai trĩu trịt quả, quả nào quả nấy căng bóng, đẹp mắt. Chị Hoàn dùng phân trùn quế, phân vi sinh ủ từ chất thải nhà bếp để chăm cho cà chua. Khi cây ra hoa và có trái nhỏ, chị tưới thêm nước vôi trong và bón phân NPK.

Để cây luôn sai quả, khỏe mạnh, mỗi ngày, chị Hoàn đều tỉa lá già, lá che khuất để cây tập trung dinh dưỡng vào trái. Khu vườn nằm ở hướng Tây nên có ưu điểm là đón nhiều nắng, giúp cây phát triển.

Từ vài cây cà chua trồng trong thùng xốp mà chị Hoàn thu được hàng chục kg cà chua. Trong khu vườn 50m2, chị Hoàn còn trồng nào đu đủ, dưa chuột, dâu tây, dưa lê… cùng các loại rau ít sâu bệnh như mùng tơi, rau ngót, xà lách, rau thơm. Rau củ tại khu vườn không chỉ đủ cho gia đình chị sử dụng, để chị tặng người thân, bạn bè mà còn được chị tận dụng để làm món nộm sứa bán cho khách hàng.

"Dịch Covid làm người dân miền biển Đồ Sơn không tiêu thụ được món sứa đặc sản. Tôi mua về chế biến thành nộm để bán cho khách hàng. Các loại rau củ cho món nộm tôi đều tự trồng được nên vừa hạ giá thành, vừa đảm bảo vệ sinh mà lại "giải cứu" được một chút cho bà con", chị Hoàn thật thà chia sẻ. Từ khi có khu vườn, chị cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Nơi đây trở thành không gian để cả gia đình giải trí sau ngày dài làm việc. (Dantri.com.vn 31/3, Hương Thảo)

GIÁO DỤC

Quyết định mở thêm lớp chuyên tiếng Hàn quá gấp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng lên tiếng

Trước những ý kiến băn khoăn từ dư luận cho rằng việc đưa thêm lớp chuyên tiếng Hàn tại trường Chuyên Trần Phú nhằm phục vụ "nhóm lợi ích", Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hải Phòng khẳng định, đây là tạo cơ hội cho học sinh vào trường chuyên.

Mới đây, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản số 1860/UBND-VX đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT thành phố về việc mở lớp chuyên tiếng Hàn tại trường THPT Chuyên Trần Phú từ năm học 2021-2022.

Theo đó, số lượng tuyển sinh là 35 học sinh. Mỗi năm, trường THPT Chuyên Trần Phú sẽ tuyển sinh 1 lớp. Học sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp chuyên tiếng Hàn sẽ tham dự 4 bài thi gồm: 3 bài thi điều kiện (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh) và 1 bài thi môn chuyên Tiếng Anh. Cụ thể, điểm xét tuyển = Toán + Ngữ văn + Tiếng Anh (điều kiện) + môn chuyên x 2.

Trước thông tin trên, rất nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, nghi ngại về thời điểm đề xuất, quyết định (ngày 12/03) của Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng như UBND TP. Hải Phòng có phần gấp gáp, bất ngờ.

Trước những phản ánh trên từ phía dư luận, PGS. TS Lê Quốc Tiến – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng thẳng thắn cho biết: "Việc mở thêm lớp chuyên tiếng Hàn tại trường Chuyên Trần Phú hoàn toàn nhằm tạo thêm cơ hội cho các em học sinh được vào trường Chuyên, tuyệt đối không vì phục vụ nhóm lợi ích riêng nào. Bởi lẽ, thí sinh phải làm bài thi môn tiếng Anh chuyên, không thi tiếng Hàn. Hiện, các trường THCS trên địa bàn cũng chưa triển khai dạy tiếng Hàn nên trong vòng 2 niên học tới, môn thi cho khối chuyên tiếng Hàn vẫn là tiếng Anh. Về thời gian đề xuất, quyết định có phần gấp quá là do giáo trình giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… dành cho môn chuyên tiếng Hàn tại trường Chuyên Trần Phú vừa mới hoàn thiện xong".

Toàn TP. Hải Phòng có 3 cơ sở, trung tâm đào tạo tiếng Hàn quốc, riêng bậc THCS, Tiểu học vẫn chưa có trường nào đào tạo tiếng Hàn. (Giadinh.net.vn 30/3, Minh Lý)

GIAO THÔNG

Khối bê tông nằm giữa đường ở Hải Phòng: Sở Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương xử lý

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hải Phòng vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng (chủ đầu tư dự án) điều chỉnh đảo tam giác tại nút giao giữa đường Đỗ Mười để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua nút giao.

Liên quan phản ánh của Dân Việt về việc một dải phân cách cứng bằng bê tông ở đảo giao thông trên đường Đỗ Mười (Khu Đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên) chắn ngang giữa hai làn xe gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, Sở GTVT đã có chỉ đạo.

Theo đó, Sở GTVT Hải Phòng đã có văn bản Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng (chủ đầu tư dự án) về việc đảm bảo an toàn giao thông tuyến đường Đỗ Mười

Văn bản của Sở GTVT Hải Phòng nêu rõ, trong những ngày qua, Sở GTVT nhận được thông tin phản ánh của báo Dân Việt và người dân về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông tại nút giao giữa đường Đỗ Mười và đường Trần Kiên.  Do xuất hiện đảo giao thông chắn ngang làn xe hỗn hợp đường Đỗ Mười hướng từ huyện Thủy Nguyên về Trung tâm thành phố.

Trong quá trình thực hiện công tác thẩm định hồ sơ giao thông gói thầu xây dựng đường trục chính Bắc Nam thuộc Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cẩm ngày 15/3, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản số 613/SGTVT-HTGTRATGT đề nghị Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng khắc phục các tồn tại đối với công tác thẩm tra an toàn giao thông gói thầu tại tuyến đường trên.

Trong đó có nội dung nghiên cứu điều chỉnh đảo tam giác tại nút giao giữa đường Đỗ Mười và đường Trần Kiên cho phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng chưa triển khai thực hiện.

Để đảm bảo an toàn giao thông tuyến đường Đỗ Mười, Sở GTVT Hải phòng đề nghị Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng khẩn trương điều chỉnh đảo tan giác tai nút giao giữa đường Đỗ Mười và đường Trần Kiên, hoàn thành trong tháng 3/2021.

Trường hợp không hoàn thành theo thời gian nêu trên, Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng phải có phương án treo biển báo, đèn cảnh báo, đèn chiếu sáng ban đêm, hoặc người điều tiết giao thông tại chỗ để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua nút giao.

Trước đó như Dân Việt đã đưa tin một dải phân cách cứng bằng bê tông ở đảo giao thông trên đường Đỗ Mười (Khu Đô thị Bắc sông cấm, huyện Thủy Nguyên) chắn ngang giữa hai làn xe nguy cơ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Một lãnh đạo cấp phòng của Sở GTVT Hải Phòng cũng cho biết, việc tồn tại giải phân cách giữa hai làn đường ở đường Đỗ Mười gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và theo ông, chưa có một dự án giao thông nào ở Hải Phòng làm dải phân cách như vậy. (Danviet.vn 30/3, Nguyễn Đại)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

UBND thành phố họp trực tuyến phiên thường kỳ tháng 3/2021: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 3 và 3 tháng đầu năm

Chiều 30/3, tại Trung tâm hội nghị thành phố, UBND thành phố tổ chức phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 3/2021, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố, Phó chủ tịch HĐND thành phố, các đồng chí ủy viên UBND thành phố, lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, đơn vị, quận, huyện phát biểu ý kiến, làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ quý 1, những khó khăn, vướng mắc các sở ngành, địa phương cần tháo gỡ và phương hướng thực hiện nhiệm vụ quý 2. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công; công tác cải cách hành chính; chuẩn bị tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ; phòng, chống dịch bệnh COVID-19; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; giải phóng mặt bằng; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, quý 1/2021, thành phố thực hiện tốt “mục tiêu kép” phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, đơn vị. Các chỉ tiêu quan trọng đều thực hiện tốt, nhiều chỉ tiêu vượt hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều tỉnh, thành phố và bình quân chung của cả nước. Trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách, tổng sản phẩm, sản lượng hàng hóa qua cảng, chỉ số sản xuất công nghiệp...

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng đột biến, dự báo cả năm 2021 sẽ thu hút hơn 3 tỷ đô la (kế hoạch 2,5 tỷ). Các công tác khác như an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán, an ninh trật tự an toàn xã hội, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế... đều đạt kết quả tốt. Thành phố cũng đang khẩn trương cải tạo vỉa hè một số tuyến đường trung tâm, khởi động xây dựng các công viên cây xanh tại một số địa phương… Đây là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự phát triển của thành phố dù trong điều kiện phải tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. (Baohaiphong.com.vn 30/3, Phương Nam)

“Cầu vồng trong đêm” dành cho học sinh Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hải Phòng

Chiều 29/3/2021, 90 cuốn sách nổi được học sinh lớp 11 Anh 2 Trường THPT chuyên Trần Phú trao tặng học sinh Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hải Phòng. Đây là một phần nội dung dự án “Lighting the Hearts” được lớp 11 Anh 2 (khóa 2016-2019) sáng lập và thực hiện được tiếp nối bởi lớp 11 Anh 2 khóa 2019-2022.

Trong hơn hai tháng qua, tập thể lớp 11 Anh 2 gây quỹ bằng việc mở bán các ấn phẩm tự thiết kế như: phong thiếp lì xì, thiệp chúc mừng năm mới… Chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bậc cha mẹ và học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú. Qua trang web và tài khoản mạng xã hội của lớp, chương trình nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của một số nhà tài trợ. 90 quyển sách chữ nổi là kết quả từ Dự án góp thêm vào tủ sách chữ nổi của Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị thành phố. Không chỉ dừng ở con số 90 của hiện tại, “Lighting the Hearts” hứa hẹn sẽ quay trở lại và tiếp tục hành trình đưa chữ đến với các em học sinh khiếm thị. (Baohaiphong.com.vn 30/3, Đỗ Hiền)

Các tiểu thương bán hàng tại chợ tạm Cầu Rào: Mong có phương án hỗ trợ

Qua đường dây nóng, Báo Hải Phòng nhận được phản ánh của một số tiểu thương bán hàng tại chợ tạm Cầu Rào, phường Cát Bi (quận Hải An) lo lắng về việc chợ sẽ dừng hoạt động vào ngày 1/4 tới đây.

Những ngày cuối tháng 3 này, không khí tại chợ tạm Cầu Rào, phường Cát Bi trầm lắng hơn. Mặc dù lượng người mua hàng vẫn đông đúc nhưng tâm trạng các tiểu thương hộ bán hàng dường như trĩu nặng. Nhiều người nén tiếng thở dài đầy lo lắng khi ngày 1/4 tới đây, chợ sẽ dừng hoạt động. Nguồn thu nhập của hơn 200 hộ buôn bán tại đây đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi không còn điểm bán hàng ổn định.

Những ngày cuối tháng 3 này, không khí tại chợ tạm Cầu Rào, phường Cát Bi trầm lắng hơn. Mặc dù lượng người mua hàng vẫn đông đúc nhưng tâm trạng các tiểu thương hộ bán hàng dường như trĩu nặng. Nhiều người nén tiếng thở dài đầy lo lắng khi ngày 1/4 tới đây, chợ sẽ dừng hoạt động. Nguồn thu nhập của hơn 200 hộ buôn bán tại đây đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi không còn điểm bán hàng ổn định.

Trưởng Ban quản lý chợ tạm Cầu Rào, ông Triệu Đình Phương thông tin: Năm 2016, xuất phát từ nhu cầu của bà con cần nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa và thực trạng nhếch nhác do chợ cóc hoạt động của phố Cát Bi lúc bấy giờ, nên Công ty TNHH Nam Dương thuê hơn 3000 m2 đất của Công ty CP Muối Hải Phòng, thời hạn 5 năm để xây dựng chợ tạm với hơn 30 kiot và nhiều gian bán hàng. Chợ xây xong, hơn 200 bà con từ các huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Thủy Nguyên và quận Đồ Sơn xin vào chợ bán hàng. Từ đó đến nay, Công ty có nhiều văn bản, hồ sơ gửi UBND phường Cát Bi, UBND quận Hải An đề nghị được cấp phép hoạt động chợ để ổn định nơi buôn bán cho bà con, song chưa được phê duyệt. Theo hợp đồng với Công ty CP Muối, thời gian thuê đất kết thúc vào ngày 1/4/2021, nên chợ đứng trước nguy cơ dừng hoạt động.

Nêu quan điểm về việc này, Chủ tịch UBND phường Cát Bi Tạ Trung Lương cho biết: Chợ tạm Cầu Rào không nằm trong quy hoạch. Hợp đồng thuê đất, xây dựng chợ tạm là thỏa thuận dân sự giữa hai công ty. Nếu chợ dừng hoạt động, UBND phường kiên quyết không để người dân bán hàng ngoài vỉa hè, lòng đường.

Như vậy, hàng trăm tiểu thương tại chợ tạm Cầu Rào đang đối diện với việc không còn nơi bán hàng, bảo đảm nguồn thu nhập nếu chợ dừng hoạt động. Công ty TNHH Nam Dương và chính quyền địa phương rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản lý chợ khi chưa được cấp phép. Song, hiện trên địa bàn phường Cát Bi chưa có chợ dân sinh. Nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân là cần thiết. UBND phường, UBND quận Hải An nên xem xét, có phương án bố trí địa điểm kinh doanh chợ phù hợp, bảo đảm quyền lợi của các tiểu thương. Quan trọng hơn, không để tiểu thương tràn ra đường vỉa hè, lòng đường bán hàng, tái diễn tình trạng nhếch nhác do bán hàng rong trên tuyến phố Cát Bi. (Baohaiphong.com.vn 30/3, Mộc Nhi)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Hải Phòng tập trung chỉnh trang các tuyến đường nội đô

TP. Hải Phòng tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hè đường cho toàn bộ các tuyến đường thuộc các quận với tiêu chí rõ ràng, phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời hạ ngầm toàn bộ hệ thống đường dây điện, đường cáp viễn thông...  (Phapluat.tuoitrethudo.com.vn 30/3, Phạm Mạnh)

Cô gái 20 tuổi ở Hải Phòng không đi lại được sau 6 tháng hút bóng cười

Hút bóng cười 6 tháng, cô gái 20 tuổi ở Hải Phòng không thể đi lại, nhập viện được chẩn đoán: Viêm đa dây thần kinh sau sử dụng bóng cười, lo sợ phải nằm xe lăn suốt đời. (Giaoducthoidai.vn 30/3, Phạm Hiền; Phunuvietnam.vn 30/3; Baovanhoa.vn 30/3; Saostar.vn 30/3; Infonet.vietnamnet.vn 30/3; Zingnews.vn 30/3; Suckhoedoisong.vn 30/3; Phapluatxahoi.vn 30/3; Giadinhvietnam.com 30/3; Vietnamnet.vn 30/3; Phapluatplus.vn 31/3; Doisongphapluat.com 30/3; Phụ nữ Việt Nam 31/3, tr10)

Hải Phòng đạt 2 giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học

Hai dự án của học sinh Hải Phòng đã xuất sắc giành 1 giải Nhất, 1 giải Nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021. (Congly.vn 30/3, Vũ Ba)

Phát động Giải báo chí "Vì một Hải Phòng phát triển" lần thứ III

Giải báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” là giải báo chí uy tín do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hải Phòng tổ chức thường niên. Qua 2 năm phát động và triển khai, giải đã thu hút được hàng trăm tác phẩm và đông đảo các nhà báo, hội viên, phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và thành phố tham gia. (Nguoilambao.vn 30/3)

Băng nhóm chuyên làm giấy tờ giả, rao bán online

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đào Quang Trường, Phó giám đốc Công an TP. Hải Phòng, Công an huyện Kiến Thụy đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, xác minh 2 tài khoản facbook mang tên “Nguyễn Mạnh Quang” và “Độc Bước” rao bán giấy khám sức khỏe của Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. (Cand.com.vn 30/3)./.

 

 

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn