Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 23/11/2016)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 23/11/2016)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1. Hội Chữ thập đỏ thành phố: Nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo

Sáng 22-11, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố tổ chức đại hội lần thứ 12 nhiệm kỳ 2016-2021. Tới dự có bà Đào Thanh Tâm - Phó tổng thư ký TƯ Hội CTĐ Việt Nam và các Phó chủ tịch UBND TP: Lê Khắc Nam, Lê Thanh Sơn cùng đại diện lãnh đạo các ban Đảng, HĐND TP.

Nhiệm kỳ qua, công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ thành phố đã đạt những kết quả đáng ghi nhận với tổng giá trị hoạt động nhân đạo đạt trên 132,5 tỷ đồng. Các hoạt động cứu trợ xã hội được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng. Công tác chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng được duy trì và phát triển rộng khắp, nhất là phong trào vận động hiến máu tình nguyện. Các chương trình dự án và công tác đối ngoại đạt hiệu quả rõ rệt. Hoạt động nhân đạo có bước phát triển mới, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân và đông đảo nhân dân tích cực tham gia, góp phần vào việc bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Phó tổng thư ký TƯ Hội CTĐ Việt Nam Đào Thanh Tâm và Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam ghi nhận những kết quả tích cực mà Hội CTĐ thành phố đã đạt được.

Nhiệm kỳ tới, hội cần tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng kịp thời yêu cầu cứu trợ xã hội; tập trung kiện toàn tổ chức hội, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, chú trọng phát triển các hội cơ sở; ngay sau đại hội cần xây dựng chương trình kế hoạch để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả, kịp thời động viên khen thưởng; tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm; phối hợp hiệu quả với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để triển khai các hoạt động của hội...

Đại hội đã bầu ra BCH và Ban lãnh đạo của hội. Bà Cao Thị Phượng giữ chức Chủ tịch Hội CTĐ thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành là Chủ tịch danh dự của hội.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen 1 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hội. UBND TP tặng Hội CTĐ thành phố bức trướng với dòng chữ “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo” và khen thưởng 4 tập thể, 10 cá nhân tiêu biểu. TƯ Hội CTĐ Việt Nam tặng bằng khen 4 tập thể và 9 cá nhân. (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

2. Kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Ngành thanh tra Việt Nam (23-11-1945 - 23-11-2016):Thanh tra thành phố phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý đất đai

Thực hiện chủ đề năm 2016 của thành phố: “Tăng cường thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, ngành Thanh tra thành phố thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị xử lý nghiêm minh.

Thanh tra trọng điểm

Bám sát chủ đề năm 2016 của thành phố, ngành Thanh tra chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các kế hoạch thanh tra năm, bảo đảm đúng tiến độ, quy định pháp luật. Các cuộc thanh tra tập trung vào công tác quản lý thu chi tài chính, thuế, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại sở Tài chính, Cục Thuế thành phố, UBND các quận, huyện và các sở, ngành; việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai tại các doanh nghiệp sử dụng đất vào mục đích kho, bãi tại 3 quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân...

Công tác thanh tra thực hiện quyết liệt và đồng bộ đem lại hiệu quả tích cực. So với cùng kỳ năm 2015, số tiền sai phạm về kinh tế được phát hiện qua thanh tra tăng hơn 2 lần. Tại cuộc thanh tra quản lý sử dụng đất tại khu di tích Núi Voi (huyện An Lão), cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý hành chính UBND huyện An Lão và 7 cán bộ thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, chuyên viên Phòng Tài nguyên môi trường, chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng, công chức địa chính xã Trường Thành và Trường Sơn… Cũng qua công tác thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng Trường tiểu học Bàng La (quận Đồ Sơn) và Phòng Quản lý đô thị quận Đồ Sơn, Thanh tra thành phố phát hiện sai phạm 178,1 triệu đồng. Sau thanh tra, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đồ Sơn bị kiến nghị xử lý kỷ luật. 

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, nhất là tại các địa phương có nhiều dự án triển khai, phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… Qua giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại một số địa phương. Điển hình, việc người dân xã Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng) tố cáo Chủ tịch UBND xã có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an tiếp tục điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự….

Công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm, chú trọng thường xuyên và tạo chuyển biến tích cực, đặc biệt là công tác cải cách hành chính. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng phát huy hiệu quả.

Chấn chỉnh công tác quản lý

Năm 2016 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của thành phố như: bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đây cũng là năm khởi công triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng của thành phố như: Khu vui chơi giải trí đảo Vũ Yên, Công viên cây xanh Tam Bạc, Khu đô thị Xi măng… Tình hình khiếu nại, tố cáo tăng cao hơn so với những năm trước.

Ngành Thanh tra phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để thanh tra, kiểm tra hạn chế chồng chéo, giảm phiền hà cho các cơ quan, doanh nghiệp đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, trình tự thủ tục, bảo đảm thời gian giải quyết, không để phát sinh điểm nóng về đơn thư, khiếu kiện. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội của thành phố.

Có thể nói, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thanh tra Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, những thành tích đạt được trong năm 2016 là kết quả nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Thanh tra thành phố. Đồng thời, hành lang pháp lý cho công tác thanh tra đang ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm, Thanh tra thành phố kiến nghị xử lý nghiêm minh, góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các tiêu cực, tham nhũng, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong việc quản lý đất đai, thu chi ngân sách … Cụ thể là khắc phục các sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: sai sót về diện tích, nguồn gốc đất; sự thiếu thống nhất trong việc áp giá bồi thường, chưa có khu tái định cư hoặc chưa giải quyết tái định cư đã quyết định thu hồi đất ở tại một số dự án...

Theo Chánh Thanh tra thành phố Trần Thị Uyên, năm 2017, toàn ngành thanh tra tiếp tục bám sát chủ đề năm của thành phố, tập trung thanh tra những lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm như: quản lý, sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý đầu tư xây dựng… Đồng thời, ngành tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hiệu quả công tác xử lý sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản kinh tế tồn đọng, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm; thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nghị quyết 39 của Quốc hội trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài để giảm khiếu nại đông người, vượt cấp… (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

3.  Lãnh đạo thành phố tiếp tổ chức truyền thông Nhật Bản

Sáng 18-11, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn tiếp xã giao đoàn Trung tâm hợp tác và truyền thông quốc tế Kobe (Nhật Bản) do ngài Tomoya Ono, Giám đốc Trung tâm dẫn đầu, nhân dịp triển khai chương trình hợp tác JICA-Kobe về phát triển nguồn nhân lực cho Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa 2 thành phố KOBE và Hải Phòng được ký kết vào năm 2013.

Từ năm 2014 đến nay, Cảng Hải Phòng đã cử 6 đoàn công tác gồm 50 người đến Kobe đào tạo nghiệp vụ Cảng… Hàng năm, thành phố Kobe cũng cử đoàn chuyên gia sang Hải Phòng trực tiếp hướng dẫn, đào tạo cho cán bộ Cảng Hải Phòng. Qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ của Cảng Hải Phòng.

Tại buổi tiếp, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn đánh giá cao việc hợp tác giữa thành phố Kobe -JICA và Hải Phòng trong lĩnh vực cảng biển. Ông giới thiệu đôi nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố có liên quan đến cảng. Thành phố đã đưa được Cảng hàng không quốc tế Cát Bi vào khai thác từ tháng 6-2016, mở nhiều đường bay nội địa và quốc tế. Phó chủ tịch mong muốn đoàn sẽ làm cầu nối để Hải Phòng và Kobe có thể hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực: hàng không, đào tạo và phát triển nhân lực cảng… (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

4.  Kiểm tra toàn diện Tư lệnh, Chính ủy các Vùng Hải quân

Các Tư lệnh, Chính ủy Vùng Hải quân sẽ được kiểm tra các nội dung: Kiểm tra trắc nghiệm tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện; Công tác Đảng, công tác chính trị; hậu cần, kỹ thuật; kiểm tra thực hành bắn súng ngắn,...

Ngày 21/11, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức khai mạc kiểm tra Tư lệnh, Chính ủy Vùng Hải quân.

Tham dự khai mạc có các đồng chí: Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân; Phó Đô đốc Đinh Gia Thật, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân; đại biểu Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu; Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị và 10 thí sinh là tư lệnh, chính ủy các Vùng Hải quân.

Phát biểu khai mạc, Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam khẳng định: Tổ chức kiểm tra Tư lệnh, Chính ủy Vùng Hải quân là nội dung quan trọng trong công tác quân sự, quốc phòng năm 2016.

Đây là lần đầu tiên Quân chủng tổ chức kiểm tra, nhằm cụ thể hóa kết quả triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trong việc xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, đủ sức làm nòng cốt để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.           

Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam nhấn mạnh, đợt kiểm tra có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá trình độ, năng lực thực tế toàn diện của Tư lệnh, Chính ủy Vùng Hải quân.

Việc kiểm tra sẽ cung cấp cơ sở để từng đồng chí tiếp tục phấn đấu rèn luyện, đồng thời để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng rút kinh nghiệm về tổ chức, phương pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân chủng trong tình hình mới.

Nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra trắc nghiệm tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện; Công tác đảng, công tác chính trị; hậu cần, kỹ thuật; kiểm tra tự luận Công tác đảng, công tác chính trị, hậu cần, kỹ thuật; kiểm tra thực hành bắn súng ngắn K54 bài 1; điều lệnh và tổ chức hội nghị đảng ủy báo cáo và thông qua quyết tâm chiến đấu. 

Đợt kiểm tra kết thúc vào chiều 23/11.

Từ khóa: Bộ Quốc phòng, hải quân , Bộ Tổng tham mưu , Vùng Hải quân. (Báo điện tử Chính phủ 23/11/2016)

5.  Ngày làm việc thứ 25, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 Dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ngày 22- 11, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết  về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư và thảo luận ở hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).  

Thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài từ 1- 2- 2017

Với đa số phiếu tán thành, Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được Quốc hội chính thức thông qua. 

Theo Nghị quyết, thị thực điện tử là loại thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

Việc thí điểm cấp thị thực điện tử sẽ áp dụng đối với công dân của những quốc gia có đủ các điều kiện: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử phải có hộ chiếu và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về phí cấp thị thực điện tử, Nghị quyết quy định: người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng. Phí cấp thị thực không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.

Thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử là 2 năm, kể từ ngày 1- 2- 2017. Quốc hội giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; đồng thời, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.

Đối với các trường hợp người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử sẽ thực hiện theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thông qua 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Cũng trong sáng 22- 11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư sẽ bổ sung điểm g về “Kinh doanh pháo nổ” vào khoản 1 Điều 6 của Luật đầu tư; thay thế Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bằng Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật này; bãi bỏ khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Điều 151 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2017, trừ ngành, nghề “Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” và ngành, nghề “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2017. Việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề này sẽ được Chính phủ quy định. 

243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể trong danh mục ban hành kèm theo Luật.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa số đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất tán thành với việc ban hành Luật bởi trong nhiều năm nay, việc hỗ trợ DNNVV còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện, chưa tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các DNNVV.

Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi),việc ban hành Luật này nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng về phát triển DNNVV; đồng thời, thiết lập chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn, phát triển kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là mục tiêu hướng tới năm 2020 cả nước có 1 triệu DNNVV hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên,đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) băn khoăn khi dự thảo Luật còn nhiều quy định mang tính chất định hướng, khó có thể trở thành các căn cứ pháp lý để thực hiện nếu được ban hành. Ví dụ tại Chương 2 có tới 7/10 điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Như vậy, sẽ làm tăng hệ thống văn bản dưới luật, có thể kéo dài thời gian để Luật đi vào cuộc sống. 

Đối với tiêu chí xác định doanh nghiệp (Điều 4), đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) nhất trí với ý kiến thứ nhất đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về việc sử dụng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là căn cứ tổng nguồn vốn và lao động bình quân. Tuy nhiên, để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa chính xác, khách quan, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xác định tiêu chí ưu tiên trong hai tiêu chí trên. Đồng thời, xem xét kết hợp với tiêu chí tổng doanh thu khi tiêu chí ưu tiên chưa đạt. Thực tế, có doanh nghiệp khoa học công nghệ số lao động không lớn, nhưng tổng doanh thu không nhỏ. Đại biểu Đỗ Văn Bình cho rằng, việc quy định loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ để có chính sách hỗ trợ, có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài tiêu chí về số lao động bình quân, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tiêu chí về tổng nguồn vốn và có thể cả tiêu chí về tổng doanh thu vì nếu chỉ quy định tiêu chí về lao động dưới 10 người thì cũng giống như đối với hộ kinh doanh, trong khi hộ kinh doanh lại không được hỗ trợ. 

Theo đại biểu Đỗ Văn Bình, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần phải  bảo đảm bình đẳng đối với các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ. Từ đó, cần tập trung tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn để tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không nên cắt khúc hỗ trợ riêng cho doanh  nghiệp nhỏ và vừa.

Hơn nữa, để việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả, cần phải nghiên cứu phân tích kỹ những đặc thù, khó khăn, vướng mắc, những vấn đề doanh nghiệp cần để xây dựng các nội dung hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng Luật Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với các quy định khuyến khích thành lập, hoạt động theo luật doanh nghiệp; hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ nhóm doanh nghiệp (không chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa) có hoạt động đổi mới sáng tạo, có tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. 

Khuyến khích hơn nữa hoạt động chuyển giao công nghệ

Với rất nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi, đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)  sẽ khuyến khích hơn nữa hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường chuyển giao công nghệ lành mạnh, đáp ứng nhu cầu - cung cầu công nghệ và hội nhập. Theo các đại biểu, gần 10 năm qua, Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước. Nhiều sản phẩm được tạo ra từ các công nghệ tiên tiến đã được sử dụng, khai thác trong các công trình quốc gia, quy mô lớn như Nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu; giàn khoan dầu khí hoặc trong các chương trình quốc gia… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật CGCN 2006 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về công tác quản lý hoạt động CGCN. 

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động CGCN thực sự cần thiết, đặc biệt là CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới; hỗ trợ phát triển thị trường KHCN trong nước... Từ đó, các đại biểu tập trung thảo luận vào một số vấn đề về phát triển thị trường KHCN; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Các đại biểu cũng đề nghị có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ, ưu tiên phát triển công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững quốc gia. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý KHCN và quản lý chuyên ngành trong thẩm định công nghệ từ đầu vào quá trình xét chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư để ngăn chặn công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững quốc gia; bổ sung quy định về vấn đề CGCN từ công ty mẹ sang công ty con và giữa các bên có quan hệ liên kết để hạn chế hiện tượng chuyển giá qua hoạt động CGCN gây thất thu ngân sách nhà nước… (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

GIAO THÔNG

6.  Tình trạng xe né trạm kiểm tra tải trọng còn phổ biến

Sáng 22-11, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan đánh giá về công tác kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn.

Thời gian qua, thực hiện kế hoạch số 12593 giữa Bộ GTVT - Bộ Công an ngày 21-11-2013 và sự phối hợp của UBND thành phố Hải Phòng, công tác kiểm tra tải trọng xe đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, kế hoạch có sự thay đổi. Theo đại diện Sở GTVT, trong lúc 2 trạm kiểm soát tải trọng cố định (trên QL5, QL10) chưa được đưa vào sử dụng thì việc duy trì trạm kiểm soát lưu động là cần thiết.

Liên quan đến kết quả thực hiện công tác, theo thống kê riêng của Phòng CSGT bộ sắt - CATP, từ cuối 2015 đến nay, đơn vị đã xử phạt hơn 600 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng; riêng từ ngày 1-10 đến 15-11-2016, đơn vị đã xử phạt 148 trường hợp với số tiền gần 2 tỷ đồng. Tình trạng né tránh các trạm kiểm soát ở các tuyến quốc lộ, vi phạm ở cac tuyến tỉnh lộ, huyện lộ còn phổ biến.

Kết luận cuộc làm việc, Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Bình giao Sở GTVT thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ GTVT; đồng thời khẩn trương phối hợp với Sở Nội vụ xem xét, đánh giá và đề xuất mô hình tổ chức, bộ máy trạm kiểm soát lưu động để tham mưu cho UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết sẽ báo cáo các bộ ngành trung ương và Chính phủ để có biện pháp phù hợp thực hiện công tác kiểm tra tải trọng xe lưu động. (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

7.  Xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh Nguy hiểm cần sớm loại bỏ

Không có công việc ổn định, nhiều người lao động tự do bám chặt vào những chiếc xe tự chế mưu sinh bằng việc vận chuyển những loại hàng hóa cồng kềnh, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Vi phạm gia tăng

Trước nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe tự chế, tháng 10-2016, Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung xử lý những phương tiện tự chế chuyên chở hàng cồng kềnh. Sau hơn 1 tháng thực hiện, hơn 600 phương tiện tự chế, cơi nới, chở hàng cồng kềnh bị xử lý vi phạm, với số tiền phạt lên tới hơn 320 triệu đồng. Trong đó, tính riêng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) xử phạt hơn 400 trường hợp, với tổng số tiền hơn 240 triệu đồng.  
Để có được kết quả trên, ngay khi Công an thành phố có văn bản chỉ đạo, Phòng PC67 lập kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng tăng cường chốt chặn tại các tuyến quốc lộ 5, quốc lộ 10, tỉnh lộ 353, 356, 359 và một số ngã tư, khu vực giao cắt phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Trong quá trình xử phạt, nhiều phương tiện tự chế gắn mác “thương binh” như "lá bùa" để tránh cơ quan chức năng xử phạt. Tuy nhiên, với quan điểm mọi đối tượng đều công bằng trước pháp luật, các tổ công tác của Phòng PC67 xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, tại các địa phương, công tác xử lý tình trạng hoạt động tràn lan của phương tiện xe gắn máy tự chế còn khiêm tốn. Nhiều quận, huyện chỉ xử lý được hơn 30 trường hợp, với số tiền phạt trên dưới 10 triệu đồng. Quận Ngô Quyền, huyện An Dương xử phạt không tới 10 phương tiện vi phạm. Thực tế, chỉ trong 1 giờ quan sát từ 16 đến 17 giờ, tại khu vực ngã 6 mới, thuộc địa bàn quận Ngô Quyền, phóng viên ghi nhận gần 20 lượt các phương tiện chở hàng cồng kềnh, xe máy tự chế lưu thông.

Cần có phương tiện vận chuyển phù hợp với đặc điểm giao thông

Qua hơn một tháng tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm phương tiện tự chế, chở hàng cồng kềnh, tình trạng phương tiện loại này vẫn hoạt động ngang nhiên trên nhiều tuyến phố, ngay cả trong giờ cao điểm. Trung tá Vũ Trường Linh, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng PC67 cho rằng, để giải quyết tận gốc tình trạng xe tự chế lưu thông trên đường cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Thực tế, những người làm nghề vận chuyển này đều có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định. Nhiều hộ nằm trong danh sách các gia đình khó khăn của địa phương. Do đó, việc bố trí việc làm phù hợp, ổn định lâu dài cho những người làm nghề chạy xe tự chế chở hàng là giải pháp cấp bách giúp người dân từ bỏ nghề "chạy xe hàng", qua đó giảm số lượng xe máy tự chế lưu thông. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi việc xử lý phương tiện tự chế còn nhiều khó khăn như thiếu cơ sở tịch thu xe, người bị tạm giữ xe không tới nộp phạt khiến khu vực kho bãi lưu trữ càng trở nên chật hẹp.

Phương tiện hai bánh hoán cải thành ba bánh, công suất được nâng lên, kèm theo khoang để hàng. Trong khi đó, hệ thống tay ga, phanh, hộp số cơ bản vẫn giữ nguyên. Những chiếc xe tự chế thực sự trở thành tác nhân gây tai nạn giao thông. Theo Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng PC67 Vũ Trường Linh, để ngăn ngừa mối nguy hiểm từ xe tự chế không thể chỉ dừng lại ở xử lý hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp nên nghiên cứu sản xuất xe ba bánh phù hợp điều kiện giao thông hiện tại của thành phố. Song song với đó, các ngành liên quan cần sớm ban hành quy định về thẩm định chất lượng đối với loại phương tiện này, qua đó tạo cơ sở pháp lý cấp giấy phép, giám sát chất lượng phương tiện hoạt động. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

GIÁO DUC - ĐÀO TẠO

8.  Trường Khiếm thính Hải Phòng: Mái trường ngập tràn tình yêu thương

Trên phố nhỏ Nguyễn Thị Thuận, phường Cát Bi (quận Hải An) có một ngôi trường nhỏ, khiêm nhường. Trải qua 40 năm hoạt động, với mấy lần đổi tên, bổ sung nhiệm vụ, Trường Khiếm thính Hải Phòng luôn là mái ấm của những trẻ em khuyết tật, thiệt thòi, hoàn cảnh khó khăn.

Chúng tôi trở lại thăm trường vào một ngày cuối thu. Chút nắng nhẹ tinh nghịch vờn trên những vòm lá, như những cô cậu tuổi học trò tung tăng đi lại trên sân trường.  Đang giờ giải lao, những chiếc ghế đá trong sân trường đều có “chủ”. Mấy cô bé ngồi bên nhau trò chuyện bằng động tác và nét biểu cảm trên gương mặt. Có lúc, các em cười rất tươi, nhất là những khi gặp cô giáo đi ngang. Nếu không có cô giáo phiên dịch, chúng tôi không thể hiểu được câu chuyện của các em...          
Cô giáo Hoàng Thị Lương, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu: Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên ở miền Bắc thành lập trường học dành cho trẻ em khuyết tật. Cách đây tròn 40 năm, ngôi trường được thành lập với tên gọi Trường Dạy trẻ điếc câm nội thành. Việc thành lập trường thể hiện sự quan tâm của thành phố, các cấp, ngành  với những trẻ em khuyết tật, tạo điều kiện để trẻ em khuyết tật được đến trường, học tập như những trẻ em bình thường khác. Năm 1991, trường đổi tên thành Trường Dạy chữ và dạy nghề học sinh bị điếc. Năm 2008, nhà trường được thành phố giao thêm nhiệm vụ can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ trẻ em bị đa tật. Trường được đổi thành Trường Khiếm thính Hải Phòng.

Nhớ lại ngày đầu trường mới thành lập, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường rất xúc động. Đây là những năm tháng vô vàn khó khăn đối với ngôi trường non trẻ này. Do nhận thức còn hạn chế của người dân, nhiều người ngại không muốn cho con đến trường. Vì vậy, các giáo viên phải đến từng nhà, vận động các gia đình không may có con em bị khuyết tật đưa các em đến trường. Tình cảm, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của các giáo viên làm nhiều gia đình thay đổi suy nghĩ.

Ở Trường Khiếm thính Hải Phòng, chúng tôi gặp, nghe những câu chuyện thấm đẫm tình mẫu tử, nghĩa thầy-trò, tình bạn bè, và cả những câu chuyện tình yêu xúc động lứa tuổi học trò...Đó là câu chuyện về một người cha nhiều năm không đành lòng đi bước nữa sau khi vợ bỏ đi. Ngày ngày, ông đưa con gái nhỏ tật nguyền đến trường học chữ rồi đến nhiệm sở. Đôi mắt ông rưng rưng xúc động khi nhìn thấy con gái có thể viết chữ, làm toán bằng chân say sưa. Những giọt mồ hôi rịn trên trán nhưng con luôn mỉm cười, khuôn mặt hạnh phúc. Đó là câu chuyện người bà ngoài 70 tuổi cứ thứ hai hằng tuần bắt xe buýt đưa cháu gái câm điếc từ thị trấn Tiên Lãng đến trường học; rồi chiều thứ sáu, bà lại bắt xe buýt ra nội thành đón cháu về nhà. Hay là câu chuyện một cô giáo của trường bàn với chồng và gia đình, đón học sinh tật nguyền hoàn cảnh khó khăn về chăm sóc, nuôi dưỡng, coi các em như con đẻ...

Năm học 2016-2017, nhà trường có gần 220 học sinh độ tuổi từ 3 đến 20 tuổi. Đó là những em bị khuyết tật về thính giác, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, nhiều em diện đa tật. Để đáp ứng nhu cầu học tập, phù hợp với từng độ tuổi, từng dạng khuyết tật và mức độ nhận thức của từng học sinh, nhà trường thực hiện đa dạng hóa các loại hình giáo dục gồm giáo dục can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt và hướng nghiệp dạy nghề. Hiện trường có 17 lớp học văn hóa và 7 lớp dạy nghề. Trong đó có 2 lớp dạy nghề may, 2 lớp dạy nghề mộc, điện và thủ công, 2 lớp tin học. Đáng mừng là, số học sinh đăng ký học văn hóa và học nghề tăng hằng năm. Hầu hết học sinh ra trường đều có việc làm, thu nhập, cuộc sống ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng. Đội ngũ giáo viên của trường không chỉ tăng về số lượng, mà còn bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Từ 2 giáo viên có trình độ sơ cấp ban đầu, đến nay, nhà trường có 27 giáo viên trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, được đào tạo bài bản chuyên môn dạy trẻ em khuyết tật. Các giáo viên của trường không chỉ dạy chữ, dạy nghề, mà còn trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống, giúp các em biết cách tự chăm sóc, bảo vệ mình.

Nhà trường là địa chỉ tin cậy đối với phụ huynh, học sinh khuyết tật trong và ngoài thành phố. Đây là điều mà mỗi cán bộ, giáo viên của trường trân trọng và tự hào. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

9.  10 năm xây dựng và phát triển Trường THPT Quốc Tuấn: Hành trình đáng tự hào

Mùa thu này, Trường THPT Quốc Tuấn (An Lão) tròn 10 tuổi. 10 năm qua, nhà trường có chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt. Phóng viên Báo Hải Phòng trò chuyện với thạc sĩ Phạm Huy Hùng, Hiệu trưởng nhà trường về quá trình xây dựng, phát triển.

- Những kết quả mà nhà trường đạt được trong 10 năm qua là gì, thưa đồng chí?  

- Những ngày này, mỗi ngày đến trường, chứng kiến sự đổi thay về cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, chất lượng giáo dục và sự tiến bộ của học sinh, chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào.

Chúng tôi cho rằng, thành tích nhà trường đạt được trong 10 năm khá toàn diện, từ quy mô trường lớp đến số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất và chất lượng GD-ĐT.

Trường THPT Quốc Tuấn được thành lập năm 2006, tách ra từ phân hiệu 2 Trường THPT An Lão. Ngày đầu, trường chỉ có 41 cán bộ, giáo viên, với hơn 300 học sinh lớp 10. Có học trò và giáo viên, nhưng trường chưa có trụ sở, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, phải dạy và học nhờ tại Trường THPT An Lão và Trung tâm GDTX của huyện. Được sự quan tâm của thành phố và địa phương, 10 năm qua, cơ sở vật chất của trường dần được xây dựng khang trang với 2 dãy nhà cao tầng, khu nhà công vụ giáo viên, sân chơi, bãi tập. Năm học 2016-2017, thầy trò nhà trường chấm dứt cảnh đi dạy nhờ, học nhờ do đủ phòng học. Cùng với đó, nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động dạy và học, quản lý, quản sinh được đầu tư kịp thời. Cảnh quan, môi trường trong khuôn viên nhà trường được quan tâm với nhiều cây xanh, bồn hoa, cây cảnh. Nhờ đó, ngôi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp, thân thiện với giáo viên, học sinh.

10 năm qua, nhà trường liên tục đứng trong tốp đầu của khối thi đua với 3 năm liền được công nhận đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; 2 năm liền được UBND thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc; được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.

- Xuất phát điểm của mỗi đơn vị, trường học thường không giống nhau. Vậy, Ban giám hiệu chọn cách làm nào để phù hợp với đặc điểm nhà trường?

- Xác định chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, làm nên “thương hiệu” nhà trường, chúng tôi coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên. Các hoạt động chuyên môn như hội giảng, hội thi được tổ chức thường xuyên, giúp giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học. Công tác kiểm tra, đánh giá cũng được đổi mới nhằm đánh giá đúng thực chất việc dạy và học. Hiện trường có  69 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 100% đạt trình độ chuẩn, hơn 20% đạt trình độ trên chuẩn. Trong số này, 26 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. 

So với nhiều trường THPT tại thành phố, học sinh chúng tôi có điểm “đầu vào” thấp. Vì vậy, chúng tôi rà soát, phân loại học sinh, bố trí giáo viên giảng dạy, bồi dưỡng phù hợp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, học sinh thi đại học, cao đẳng được quan tâm và đầu tư.  Những năm gần đây, trường luôn có  học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi thành phố. Đến nay, nhà trường có 141 giải học sinh giỏi thành phố. 

Với phương châm sư phạm  “trước khi là trò giỏi, phải là trò ngoan”, những năm qua, chúng tôi thực hiện dạy chữ đi đôi với giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân cho học sinh. Qua đó, xây dựng môi trường học đường nền nếp, kỷ cương theo quan điểm giáo dục toàn diện.    Chúng tôi phát động phong trào “Xây dựng phong cách, phẩm chất đạo đức, tác phong mang đặc trưng học sinh THPT Quốc Tuấn”. Nhờ đó, học sinh của trường có những nét đặc trưng riêng, từ đầu tóc, trang phục đến cách ứng xử, giao tiếp đối với thầy, cô giáo, bạn bè, người lớn tuổi. Nhiều đoàn khách trong và ngoài thành phố đến thăm trường có ấn tượng tốt về thái độ lễ phép, ngoan ngoãn của học sinh.

- Chặng hành trình tiếp theo, nhà trường xác định những mục tiêu gì?

- Thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nhà trường xây dựng  6  giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục toàn diện học sinh; đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá học sinh; nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể bằng việc đổi mới nội dung và hình thức, tạo sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn và cuốn hút học sinh; chú trọng giáo dục kỹ năng sống và khả năng giao tiếp, ứng xử trong học sinh....

- Cảm ơn đồng chí! (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

10.  Tập huấn thầy, cô giáo về "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai"

Chiều 21-11, tại Trường THPT Ngô Quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố, Công ty Honda Việt Nam tổ chức tập huấn chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. 

Tại chương trình, hơn 100 cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT trên địa bàn thành phố được tập huấn các nội dung: Tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ; Hệ thống báo hiệu giao thông; dự đoán và phòng tránh nguy hiểm; cách đi xe đạp an toàn và kiến thức chuẩn bị điều khiển xe máy an toàn. Qua buổi tập huấn, các thầy cô được chia sẻ cách tổ chức các buổi học để tổ chức những tiết học An toàn giao thông hấp dẫn và bổ ích cho học sinh trường mình. 

Dự kiến chương trình giáo dục “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” được triển khai đến hết tháng 12- 2016 ở 57 trường THPT với gần 24.500 học sinh trên địa bàn thành phố. Ngoài các bài học do thầy cô giáo giảng dạy, các em học sinh được nhân viên của Cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm Hồng Phát hướng dẫn thực hành đội mũ bảo hiểm đúng cách, các kỹ thuật lái xe đạp an toàn, tham gia các trò chơi tìm hiểu về luật ATGT. 

Cùng với hoạt động dạy và học tại nhà trường, Công ty Honda Việt Nam, tổ chức Cuộc thi tìm hiểu An toàn giao thông cho giáo viên và học sinh các trường THPT thành phố. Cuộc thi kết thúc, trao giải vào tháng 3- 2017. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

DU LỊCH

11.  Hơn 100 cán bộ, công chức, nhân viên bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch

Ngày 22-11, Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho hơn 100 cán bộ, công chức quản lý nhà nước và nhân viên đón tiếp khách du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. 

Trong đợt tập huấn này, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế của Tổng cục Du lịch và các chuyên gia, giảng viên trao đổi, cung cấp thông tin cập nhật về du lịch và nghiệp vụ du lịch. Trong đó, các học viên được tiếp cận tổng quan du lịch và định hướng phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; những dự báo về phát triển du lịch Hải Phòng trong những năm tới đây; nghiệp vụ về kỹ năng giao tiếp cho nhân viên các điểm du lịch. Sở Du lịch tổ chức hoạt động thực tế đón tiếp khách tại các điểm du lịch ở khu du lịch Đồ Sơn để các học viên trực tiếp thực hành, chia sẻ nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm đón tiếp khách bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

12.  2 khách sạn ở Hải Phòng bị thu hồi hạng sao

Tổng cục Du lịch vừa thu hồi Quyết định công nhận sao đối với 2 khách sạn tại TP Hải Phòng gồm: Khách sạn Hữu Nghị (4 sao) và khách sạn Holiday View (3 sao).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tại Công văn số 3320/BVHTTDL-TCDL ngày 23/8/2016 về việc chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch, ngày 11 và 12/11, đoàn của Tổng cục Du lịch tiến hành kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú tại thành phố Hải Phòng.

Kết quả, đoàn kiểm tra 10 khách sạn (1 khách sạn 5 sao, 4 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao). Trong đó giữ hạng cộng nhận sao đối với 5 khách sạn gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng Sông Giá (5 sao), Khách sạn nghỉ dưỡng Đảo Cát Bà (4 sao), Khách sạn Level (3 sao), Khách sạn Công Chúa (3 sao), Khách sạn Hùng Long Harbour (3 sao).

Đồng thời, nhắc nhở yêu cầu chấn chỉnh trong thời hạn 3 tháng để khắc phục những hạn chế đối với 3 khách sạn: Làng Quốc tế Hướng Dương (4 sao), Khách sạn Avani Hải Phòng Habour View (4 sao), Khách sạn Sea Pearl (4 sao).

Thu hồi Quyết định công nhận sao đối với 2 khách sạn: Khách sạn Hữu Nghị (4 sao), Khách sạn Holiday View (3 sao). (CafeF 23/11/2016)

KINH TẾ

13.  Thực trạng các nhà máy nước mini ngoại thành: DN nên tự cứu mình

Gần đây, nhiều người dân ở các vùng nông thôn đã nghi ngại về chất lượng nước của các nhà máy nước mini. Họ sử dụng nước mưa thay nước máy vì nguồn nước không bảo đảm. Do sự quan ngại trên, đã có 22 nhà máy phải đóng cửa vì bị người tiêu dùng quay lưng. Nếu doanh nghiệp không tự thay đổi, thời gian tới, các nhà máy đóng cửa sẽ không dừng lại ở con số trên. Vậy nguyên nhân do đâu và làm gì để cứu vãn những nhà máy này?

Tùy tiện xả thải

Đầu năm 2016, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thô và nước thành phẩm của các trạm cấp nước (nhà máy nước mini) tại 7 huyện ngoại thành. Qua kiểm tra mẫu nước tại 175 trạm cấp nước mini cho thấy: 11,43% trạm cấp nước chưa có nguy cơ ô nhiễm, 72% trạm cấp nước có nguy cơ ô nhiễm, 16,57% trạm cấp nước có nguy cơ ô nhiễm cao. Đặc biệt, 29 nhà máy nước mini tại huyện Kiến Thụy đều có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nguyên liệu.

Theo chân cán bộ khảo sát có mặt tại kênh trung thủy nông (huyện Tiên Lãng) và sông Chanh Dương (huyện Vĩnh Bảo) - nơi cung cấp nước thô chủ yếu cho các nhà máy nước mini trên địa bàn, người viết ghi nhận vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, hệ thống nước thải khu dân cư xả thải ra kênh, sông, nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Và thực tế, kết quả đánh giá yếu tố nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nguyên liệu của Sở Y tế cũng ở mức báo động. Cụ thể, 51 nhà máy thiếu bộ phận chắn rác tại điểm thu nước, 26 nhà máy lấy nước có các đường ống cống, kênh mương, rãnh nước thải xuống sông trong khu vực bảo vệ nguồn nước. Cùng với đó, gia súc, gia cầm nuôi cũng được thả xuống nước tại khu vực bảo vệ nguồn nước… Ngoài ra, các trạm cấp nước không đạt vệ sinh bể lắng, bể lọc, bể chứa, tập trung tại các huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo…

Phó trưởng phòng NN&PT-NT huyện Tiên Lãng Mai Văn Lượng cho biết: Trước thực trạng nguồn nước thô cung cấp cho các trạm cấp nước bị ô nhiễm, phòng đã hướng dẫn các xã tăng cường quản lý, nghiêm cấm việc các tổ chức sản xuất, chăn nuôi, xả thải vào nguồn nước thô gần nhà máy nước.

Toàn thành phố hiện có 197 trạm cấp nước, trong đó có 7 trạm cấp nước do tư nhân đầu tư vốn. Từ năm 2001 đến nay, tại 7 huyện ngoại thành đã có 190 nhà máy nước mini được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của nhà nước (từ 280 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng tùy từng giai đoạn) và vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Nguồn nước thô các nhà máy chủ yếu là nước mặt sông Đa Độ (Kiến Thụy), sông Rế, sông Vật Cách (hệ thống An Kim Hải), sông Giá (Thủy Nguyên), sông Chanh Dương (Vĩnh Bảo), các kênh trung thủy nông. Do chất lượng nước kém, đã có 22 nhà máy ngừng hoạt động tập trung tại: Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, An Dương.

Cạnh tranh lành mạnh là giải pháp

Ngoài việc nguồn nước đang bị ô nhiễm thì công nghệ xử lý của một số nhà máy nước mới chỉ là lắng, lọc nước đơn giản nên chất lượng nước không bảo đảm. Kết quả kiểm tra chất lượng nước các nhà máy nước mini của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều thông số không đạt tiêu chuẩn vệ sinh: 45,77% mẫu nước không đạt tiêu chuẩn cho phép về clo dư; 1,41% số mẫu không đạt tiêu chuẩn về E.coli; 5,63% số mẫu không đạt về chỉ số Pecmanganat; 2,82% số mẫu không đạt về tổng số Coliforms. Kết quả, chỉ 54,23% đơn vị có mẫu nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh. 

Từ thực tế trên, UBND TP đã có nhiều cuộc họp bàn và tháo gỡ, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nước tại vùng nông thôn. Theo chỉ đạo của UBND TP trong thông báo số 157 về kế hoạch cấp nước sạch nông thôn và quản lý các nhà máy nước mini tháng 4-2016, UBND TP giao các huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty cấp nước có năng lực, đủ điều kiện, được thành phố chấp thuận nâng cấp sản lượng cung cấp cho các thôn, xóm.

Với chủ trương trên, nếu các nhà máy nước mini không chú trọng đầu tư, mở rộng nhà máy thì sẽ dần mất thị phần. Đại diện Phòng NN&PT-NT huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Tại huyện Vĩnh Bảo, hiện công ty cấp nước sạch Hải Phòng đã triển khai xây dựng trạm cấp nước tập trung tại cầu Đòng, cung cấp cho một số xã trên địa bàn huyện”. Và thực tế, nếu chất lượng nước nhà máy nước mini ngày một kém, nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày một cao thì không lâu nữa các trạm cấp nước của nhà máy nước sạch Hải Phòng sẽ phủ sóng tại 7 huyện ngoại thành.

Chính cơ chế chính sách trên đã “phả hơi nóng” vào các nhà máy nước mini và cũng có một số ít nhà máy đã tập trung nâng cấp, đầu tư. Giám đốc nhà máy nước mini xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng Đỗ Hữu Đoàn trần tình: Khi thành phố có chủ trương phát triển các nhà máy cấp nước, nhiều nhà máy nước mini trên địa bàn thành phố đều có chung một nỗi lo về số phận của mình. Trước nhu cầu bức thiết của người dân và sự sống còn của nhà máy, đơn vị đã mở rộng hồ chứa nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày một cao của người dân.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc Công ty TNHH Tân Sơn Nguyễn Duy Tân cho biết: Hiện tại đơn vị doanh nghiệp đang quản lý 7 nhà máy nước mini cung cấp hơn 7.000 hộ dân 2 tại huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng. Để nâng cao chất lượng nước cho người dân, doanh nghiệp mong muốn được mở rộng hồ chứa nước và quy mô nhà máy. Nhưng việc xin đất mở rộng nhà máy gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn ngày càng gia tăng. Đối với những nhà máy nước mini nếu không có sự thay đổi, trong khi các đơn vị cung ứng nước sạch có năng lực tham gia vào thị trường này thì sẽ tự bị đào thải.

Lúc đó, dù thành phố có tạo điều kiện bằng cơ chế khuyến khích thì cũng sẽ “chết yểu”. Để không lãng phí tiền đầu tư của nhà nước và của chính doanh nghiệp thì ngay từ lúc này, doanh nghiệp nên tự cứu mình để tồn tại và phát triển. (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

14.  Ngành Thuế Hải Phòng: Thanh tra, kiểm tra 2.028 doanh nghiệp

Theo báo cáo của Cục Thuế TP Hải Phòng, 10 tháng năm 2016 thu nội địa trên địa bàn 14.125 tỷ đồng, đạt 80,8% dự toán HĐND TP giao, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số thu nội địa do ngành Thuế thực hiện là 13.480 tỷ đồng, đạt 90,7% dự toán HĐND TP giao, tăng 37,2% so với cùng kỳ.

Tổng số thuế, phí, lệ phí thu từ dịch vụ kinh doanh cảng năm 2015 đạt 500,408 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2016 đã thu được 418,102 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị có số nộp ngân sách lớn như: Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng nộp 68,88 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Container Việt Nam nộp 35,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ nộp 23,491 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cảng Đoạn Xá nộp 18,656 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải nộp 13,539 tỷ đồng...

Có 10/15 chỉ tiêu thu đạt từ 80% trở lên so với dự toán: Khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 86,3%, khu vực doanh nghiệp địa phương đạt 86,3%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 91,3% dự toán, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 91,7%, thuế thu nhập cá nhân đạt 101,6%, lệ phí trước bạ đạt 115,9%, thu tiền bán nhà đạt 273%, thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 95%, thu tiền thuê mặt đất, mặt nước đạt 112,1%, thu khác ngân sách đạt 80,2%.

5 chỉ tiêu đạt dưới 80% gồm: Thu tiền sử dụng đất đạt 71,6%, thu cố định tại xã 48,5%, phí lệ phí 78,5%, thuế bảo vệ môi trường 79,6%, thu cấp quyền khai thác khoáng sản 66,6% dự toán.

Có 10/18 đơn vị có số thu đạt trên 80% dự toán thu ngân sách gồm: Chi cục Thuế Tiên Lãng 120,9%, Đồ Sơn 106,8%, Hải An 96,1%, Cát  Hải 92,8%, Bạch Long Vỹ 89,4%, Phòng Thuế thu nhập cá nhân 88%, Ngô Quyền 84,3%, Lê Chân 84%, Phòng Kiểm tra thuế số 1 đạt 81,9%, Phòng Kiểm tra thuế số 2 đạt 80,4%.

Các đơn vị có số thu đạt dưới 80% dự toán: Dương Kinh 64,6%, Hồng Bàng 70,5%, Vĩnh Bảo 71,4%, An Dương 71,4%, Thủy Nguyên 72,9%, Kiến Thụy 74,7%, Kiến An 75,9%, An Lão 76,1%.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Chống thất thu ngân sách TP Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong 10 tháng năm 2016, các tổ công tác chống thất thu ngân sách TP đã đôn đốc thu nộp trên 955 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 243 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu là 712 tỷ đồng; thực hiện ghi thu, ghi chi 1.250 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Ngoài số thu của các tổ công tác, ngành Thuế đã chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Kết quả 10 tháng năm 2016 đã thanh tra, kiểm tra 2.028 doanh nghiệp, kiến nghị tăng thu 232,553 tỷ đồng; thu hồi nợ thuế 824 tỷ đồng, thu thuế 959 nhà thầu nộp ngân sách 648 tỷ đồng, tăng thu phí lề đường, bến bãi ước trên 200 tỷ đồng. (Thanh tra 23/11/2016)

15. Cấp nước Hải Phòng lên sàn UPCoM

Ngày 21/11 vừa qua, hơn 74,2 triệu cổ phiếu của CTCP Cấp nước Hải Phòng (HPW) đã chính thức giao dịch trên UPCoM, với giá tham chiếu 10.500 đồng/CP. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, không có cổ phiếu nào được khớp lệnh.

HPW có vốn điều lệ hơn 742 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Hải Phòng.

HPW có 1 công ty con sở hữu 100% vốn là CTCP Kinh doanh nước sạch số 2 Hải Phòng (vốn điều lệ 42 tỷ đồng) và 1 công ty liên kết là Công ty TNHH Công nghệ cấp nước tiên tiến Nhật Bản - Việt Nam (vốn điều lệ 22,45 tỷ đồng, trong đó HPW góp 25%).

Năm 2015, HPW đạt 519,3 tỷ đồng doanh thu, 51,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. 9 tháng đầu năm 2016, Công ty đạt doanh thu 451,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 42,36 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh năm 2016 của công ty mẹ HPW là đạt 590 tỷ đồng doanh thu, 64 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cổ tức tối thiểu 6%. (Đầu tư Chứng khoán 23/11/2016)

16.   Thu ngân sách các quận, huyện: Cơ bản hoàn thành dự toán

Năm 2016, khối quận, huyện được giao chỉ tiêu thu ngân sách là 3988,7 tỷ đồng. 10 tháng, các địa phương thu đạt 3676,6 tỷ đồng, bằng 92,2% dự toán, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2015. Với tốc độ này, ước cả năm 2016, khối quận, huyện thu đạt 4351 tỷ đồng, bằng 109% dự toán, tăng 11,9%.

Theo Sở Tài chính, hầu hết quận, huyện đều thu vượt dự toán được giao. Trong đó có 7 địa phương vượt dự toán năm từ 10% trở lên là Ngô Quyền 110,9%; Hải An 114,4%; Đồ Sơn 143,3%, Kiến Thụy 132,8%, Tiên Lãng 158,5%, An Lão 117,4%, Cát Hải 134,5%...

Đáng chú ý, có một số chỉ tiêu được giao dự toán cao nhưng vẫn thực hiện bằng và vượt như: thu ngoài quốc doanh đạt 1542,7 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán, tăng gần 20% so với năm 2015; thu tiền thuê đất đạt 564,2 tỷ đồng, bằng 144,7% dự toán, tăng trưởng 38,2%; thuế trước bạ đạt 742,3 tỷ đồng, bằng 125,8% dự toán, tăng trưởng 8,4%; thuế thu nhập cá nhân đạt 244,5 tỷ đồng, băng 116,5% dự toán, tăng trưởng 14,9%...

Tuy nhiên, vẫn có một số khoản thu thấp đạt hơn năm 2015 như: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 66,7 tỷ đồng, bằng 97,7% so với năm 2015; thu phí, lệ phí đạt 75 tỷ đồng, đạt 107,5% dự toán năm nhưng chỉ bằng 97,8% so với năm 2015; thu tiền sử dụng đất ước thực hiện 1008 tỷ đồng, bằng 96% dự toán và bằng 98,4% năm 2015; thu bằng biện pháp tài chính (bao gồm thu khác và hoa lợi công sản ở xã) thực hiện 71,2 tỷ đồng, bằng 142,5% dự toán, nhưng chỉ bằng 83,4% so với năm 2015. 

Trước tình hình đó, thành phố chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các khoản thu và đôn đốc thu trong tháng 11 và 12, với mục tiêu tăng số thu cao hơn so với số dự kiến. Cùng với đó là tăng cường quản lý thu, chống thất  thu và xử lý nợ đọng thuế; rà soát lại các khoản phí, lệ phí được phép thu theo quy định; theo dõi, kiểm tra các khoản thu trên tài khoản tạm thu, tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước và nộp ngay vào ngân sách Nhà nước những khoản thu đã rõ nội dung và được cấp có thẩm quyền xử lý. Các địa phương cũng cần nhanh chóng, tích cực hơn trong việc tập trung đấu giá quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện dứt điểm các dự án đấu giá đã được phê duyệt trong năm 2016; thu tiền đối với các dự án đã tổ chức đấu giá…

Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017 khá nặng nề, chỉ tiêu giao cho các địa phương cao hơn hẳn so với năm 2016. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, cần có các giải pháp hữu hiệu rà soát các khoản thu và tập trung thu, tạo đà cho việc hoàn  thành vượt mức kế hoạch năm 2016 và giành thắng lợi ngay trong tháng đầu tiên thực hiện kế hoạch năm 2017, thiết thực hưởng ứng chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách- Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố”. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

17.  Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả

Sản xuất kinh doanh (SXKD) ổn định, tạo nhiều việc làm cho người lao động, số nộp ngân sách tăng là những kết quả nổi bật của các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ở Hải Phòng 10 tháng năm 2016. Do được đầu tư bài bản, công nghệ hiện đại, hầu hết các dự án đều đang phát huy năng lực, tô điểm thêm bức tranh các KCN, KKT Hải Phòng thêm sinh động. 

Doanh nghiệp FDI vươn lên dẫn đầu

Theo Phó trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng Trần Vĩnh Hoàn, các doanh nghiệp FDI thứ cấp hoạt động trong các KCN, KKT luôn thể hiện rõ tiềm lực tài chính, công nghệ cũng như thị trường, mặt hàng. Nhờ vậy, SXKD của các DN đều có sự tăng trưởng khá cao.  Cụ thể, vốn thực hiện trong 10 tháng qua của các doanh nghiệp FDI đạt 500 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2015; doanh thu 3,41 tỷ USD, tăng 51%, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, tăng 52%; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,55 tỷ USD, tăng 47%; nộp ngân sách 125 triệu USD, tăng 15%.

Có được kết quả đó là nhờ nhiều dự án của các doanh nghiệp FDI sau một thời gian đầu tư xây dựng nay đi vào sản xuất ổn định, có sản phẩm, có doanh thu như LGE tại KCN Tràng Duệ; Nipro Pharma, Regina Miracle International tại VSIP Hải Phòng… Trong đó, công ty LGE liên tục có mức tăng trưởng cao, là một trong những điểm sáng về tính hiệu quả của khối doanh nghiệp FDI trong KCN, KKT. Công ty Regina Miracle tuy mới có doanh thu từ cuối năm 2015, nhưng có sự phát triển khá nhanh, hiện đang tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động, doanh thu năm 2016 đạt hàng trăm triệu USD. Công ty đang có kế hoạch mở rộng, nâng quy mô sản xuất thêm 1- 2 nhà máy nữa trong những năm tới. 

Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trong các KCN tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, chiếm hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu và gồm các mặt hàng chính như: hệ thống dây dẫn điện ô tô các loại; kẹp đựng tài liệu; túi xách da; hạt nhựa màu; túi khí ôtô các loại; các chi tiết, bộ phận của máy ô tô; lốp xe ôtô; áo len; robot và các phụ kiện…Tiếp theo là thị trường Mỹ chiếm khoảng 17% với các mặt hàng chính là: dụng cụ âm nhạc; cột hàng rào lưới bằng thép mạ kẽm; vở ghi; túi khí; máy phát điện chạy bằng sức gió; loa điện thoại di động, đế loa… Thị trường Hàn Quốc chiếm 17% với các mặt hàng chính: dây điện (tủ lạnh, máy giặt); máy in, máy photo; sản phẩm điện và điện tử... Ngoài ra, các nước ASEAN chiếm 6%, EU chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu và một số thị trường khác. 

Khối DN trong nước cũng có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh với doanh thu 10 tháng đạt 8300 tỷ đồng, nộp ngân sách 420 tỷ đồng. Tính chung, cả khối DN trong nước và nước ngoài tại các KCN 10 tháng qua nộp ngân sách 3.306 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó thu hải quan đối với hàng hóa KCN là 2.274 tỷ đồng, thu nội địa từ các KCN là 1.032 tỷ đồng. Cùng với việc tạo việc làm cho 65.800 lao động trong nước, tăng 32% và 1320 lao động nước ngoài, tăng 97%, các KCN, KKT Hải Phòng đang thể hiện rõ vai trò đòn bẩy trong phát triển kinh tế của Hải Phòng. 

Một số vướng mắc cần tháo gỡ 

Tuy vậy, một số DN trong các KCN đang đối mặt với nhiều khó khăn, có sự sụt giảm và ảnh hưởng tới kết quả chung. Điển hình là Nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ SXKD hết sức khó khăn, tài chính cạn kiệt, nợ phải trả lớn. Nhà máy phải dừng sản xuất từ 17-9-2015, chờ tới khi được bổ sung vốn lưu động và thị trường có xu hướng tích cực mới vận hành trở lại, tuy nhiên không biết tới bao giờ vì các khoản lỗ đang chồng lên lỗ. Một trường hợp khác là Công ty CP Tiến Hưng tạm ngừng Nhà máy sản xuất bột mỳ từ tháng 12-2015. Vì thế, doanh thu của các DN trong nước tại các KCN chỉ bằng 88% so với cùng kỳ năm trước,  nộp ngân sách bằng 54% và vốn thực hiện bằng 27%.  

Ở khối doanh nghiệp FDI, Công ty TNHH sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam không giữ được nhịp độ SXKD như khi mới đi vào sản xuất. Thời gian qua, công suất không đạt như đã công bố và công ty quyết định điều chỉnh giảm tốc độ đạt mục tiêu so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, công ty dự kiến năm 2021 mới sản xuất với công suất 23.500 chiếc/ngày, trong khi sản lượng sản xuất tháng 9- 2016 của công ty đạt 3.071 chiếc/ngày, sản lượng tháng 10  đạt 5.000 chiếc/ngày.

Mặc dù có khó khăn nhưng nhìn chung, khối DN thứ cấp trong các KCN của thành phố vẫn đang có chiều hướng phát triển tốt. Theo BQL Khu Kinh tế Hải Phòng, năm 2017, sẽ có thêm một số dự án lớn đi vào hoạt động. Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng, v.v... với sản lượng 7 triệu - 8 triệu sản phẩm/tháng; sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED TV với sản lượng 90 nghìn - 100 nghìn sản phẩm/tháng dự kiến bắt đầu sản xuất từ quý 3 năm 2017. Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng có tổng vốn đầu tư 550 triệu USD cũng đang được thi công khẩn trương để sản xuất xuất khẩu toàn bộ 100% sản phẩm mô-đun camera với quy mô cho năm sản xuất ổn định là 30 triệu sản phẩm/tháng, dự kiến  nhà máy đi vào hoạt động từ quý 4 năm 2017. 

Các DN cho rằng thành phố đã tạo thuận lợi, thông thoáng trong thu hút đầu tư, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành hỗ trợ DN rất nhiều. Tuy nhiên còn băn khoăn về thủ tục hải quan, giao thông chật hẹp, xuống cấp, ùn tắc ảnh hưởng công nhân đi làm,  mong muốn thành phố, Khu Kinh tế, các KCN, ngành, cấp sớm khắc phục để DN hoạt động hiệu quả hơn. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

18. Đặt kỳ vọng vào Tháng khuyến mại

Như tin đã đưa, vào ngày 15-11 vừa qua “Tháng khuyến mại Hải Phòng 2016” chính thức được khai mạc. Có thể nói đây là một sự kiện thương mại, ảnh hưởng mạnh mẽ đến công tác bình ổn giá thị trường cuối năm, nhất là dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Đến hẹn lại lên

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Lê Minh Sơn, đây là lần thứ 10 liên tiếp Tháng khuyến mại được Sở Công thương tổ chức. Để chuẩn bị cho hoạt động này, từ trước ngày khai mạc vài tháng, sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND TP và gửi thư mời tới hơn 300 đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đồng thời lựa chọn các phương thức triển khai mang tính khả thi cao, phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức tuyên truyền đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Điểm nhấn của Tháng khuyến mại năm nay là 11 “điểm vàng khuyến mại”, nơi tập trung phong phú nhất nguồn hàng hóa và các chương trình khuyến mại hấp dẫn, chủ yếu là các siêu thị vốn dĩ có thương hiệu và tiềm lực lớn. Cụ thể gồm các đơn vị: Big C, Media Mart, Coop Mart, Minh Khai, HC, MM Mega Market, CPN, Hoàng Phát, Samnec, Pico và Vietnam Airlines tại Hải Phòng.

 Trong đó, nhiều đơn vị tổ chức điểm vàng trên toàn bộ hệ thống như Samnec có 5 điểm vàng, CPN có 2 điểm vàng. Theo cam kết, các “điểm vàng” sẽ đồng loạt thực hiện 2 chương trình có tính chất sự kiện như “ngày vàng khuyến mại” trong tháng 11; “ngày hội mua sắm” diễn ra vào đầu tháng 12 với nhiều nội dung hấp dẫn. Các “điểm vàng” đã tập trung hàng chục nghìn sản phẩm, trong đó 74% là hàng hóa do Việt Nam sản xuất.

Bên cạnh đó, gần 250 doanh nghiệp và các đại lý, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng cam kết thực hiện 425 chương trình khuyến mại phối hợp, kéo dài hết năm 2016. Sở Công thương đã chỉ đạo các “điểm vàng” ưu tiên huy động những sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng, bước đầu đã có nhiều sản phẩm được lựa chọn như nước mắm Cát Hải, nước mắm Quang Hải, đồ hộp Hạ Long, hóa mỹ phẩm ViCo, thực phẩm Huy Quang…

Cũng theo Phó giám đốc Sở Công thương Lê Minh Sơn, các doanh nghiệp chủ đạo tham gia vào Tháng khuyến mại còn cụ thể hóa hình thức khuyến mại thành nhiều chương trình theo hướng chủ đề, phổ biến nhất là giảm giá trực tiếp trên sản phẩm với mức giảm từ 5% đến 50%, tiếp đó là mua hàng tặng hàng, tích lũy điểm trên thẻ, bốc thăm trúng thưởng… Sau một tuần khai mạc, có thể nói “Tháng khuyến mại Hải Phòng 2016” đã khởi động khá hiệu quả, hầu hết các đơn vị tham gia đều quảng bá nhiều chương trình hoành tráng.

Cần thêm sự đồng bộ

Trong Tháng khuyến mại, nhiều thương hiệu đã hết sức quen thuộc với người tiêu dùng. Như siêu thị BigC đang triển khai liền 2 chương trình với các sản phẩm gia dụng, hóa mỹ phẩm và thực phẩm. Bà Hoàng Thu Hương - đại diện BigC Hải Phòng cho biết: “Cùng với hàng nghìn sản phẩm do BigC thực hiện, siêu thị còn phối hợp với nhiều nhà sản xuất, phân phối khác thực hiện các chương trình riêng cho từng nhóm sản phẩm, đảm bảo đủ lượng và đúng chất lượng hàng hóa…”.

Còn ở CoopMart, theo Giám đốc Hoàng Long thì siêu thị cũng hưởng ứng tích cực Tháng khuyến mại với nhiều chương trình lớn như “tuần lễ mua 1 tặng 1”, “tích hóa đơn, nhận ưu đãi”, “gửi lời tri ân, tặng thêm điểm thưởng”, “tuần lễ thực phẩm tươi sống”… Cả bà Hoàng Thu Hương và ông Hoàng Long đều khẳng định, ngoài các chương trình đang thực hiện, hai siêu thị BigC và CoopMart tiếp tục xây dựng kế hoạch, mở các đợt khuyến mại kéo dài đến tận tết Đinh Dậu 2017.

Vào mùa khuyến mại năm nay, siêu thị Metro mang tên gọi mới là MM Mega Market. Mặc dù đang trong quá trình chuyển giao, siêu thị cùng lúc sử dụng hai thương hiệu quảng bá, nhưng những gì đang diễn ra khẳng định quyết tâm của MM Mega Market tiếp tục gắn bó với thị trường Hải Phòng… Cùng với các siêu thị bách hóa, hệ thống các siêu thị điện máy quy mô toàn quốc đang lần lượt xuất hiện tại Hải Phòng. Năm nay thị trường điện máy thành phố cũng có thêm thương hiệu Pico rất lớn tại 275 Lạch Tray và siêu thị Trần Anh 2 mới được khai trương ở đường Hồng Bàng.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát thực tế, một số vết gợn của Tháng khuyến mại cần phải được lưu tâm và rút kinh nghiệm. Đó là việc khuyến mại ảo vẫn diễn ra công khai tại nhiều hộ kinh doanh trên các tuyến đường. Hoặc khuyến mại một đằng - tăng giá một nẻo, vì nhiều nhóm hàng tại một số siêu thị “âm thầm” tăng giá từ 5 đến 10%, nhất là các loại thực phẩm đông lạnh, thực phẩm nhập khẩu và thực phẩm chế biến.

Thiết nghĩ, đây không thể chỉ là chuyện riêng của ngành công thương, bởi cùng với nỗ lực các hoạt động khuyến mại, cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các ngành. Đặc biệt là việc tăng cường kiểm soát thị trường, kiểm soát chất lượng sản phẩm, kiểm soát giá… là những vấn đề chưa được thể hiện rõ nét trong thời gian này. Cùng với đó, trách nhiệm của các nhà sản xuất, thương mại là phải giữ đúng cam kết chất lượng để phục vụ hiệu quả nhất cho người tiêu dùng. (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

19.  Cho thuê đất mặt nước để nuôi ngao Buông lỏng quản lý

Không có quy định thống nhất về giá thuê, mỗi địa phương thu khác nhau, nguồn thu thấp, thất thu nhiều. Đây là thực tế trong việc quản lý cho thuê đất mặt nước biển để nuôi ngao hiện nay tại địa bàn các địa phương ven biển Hải Phòng.

Theo Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh, trên địa bàn quận có 7 hộ nuôi ngao với 11 chòi nuôi, trong đó khu vực đê biển 1 có 1 hộ, đê biển 2 có 6 hộ. Trong đó, 1 hộ không có hợp đồng, 6 hộ ký hợp đồng với chính quyền phường. Mỗi phường có mức thu riêng, ngân sách nhà nước không thu được đồng nào từ việc cho thuê mặt nước. Phường Vạn Hương thu 7 triệu đồng/ hộ/năm; phường Bàng La thu 1 triệu đồng/ ha/năm. Diện tích ký hợp đồng thuê 100 ha, nhưng diện tích thực tế mà các hộ nuôi ngao đang sử dụng lên tới hơn 300 ha. Đây là tình trạng phổ biến hoạt động quản lý đất mặt nước ven biển hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng thành phố, toàn thành phố, hiện có hơn 200 hộ và 1 HTX nuôi thả ngao ở khu vực biên giới biển. Nhưng hiện chỉ có 96 trường hợp được cấp phép, 106 trường hợp không được cấp phép. Đáng kể, huyện Cát Hải có 34/88 hộ không phép; khu vực Đoàn Xá (Kiến Thụy) 45 trường hợp nuôi ngao không phép, xã Vinh Quang (Tiên Lãng) có 7/19 hộ không phép,....Một số hộ dân tự ý cắm cọc, nhận phần diện tích, tự chuyển nhượng cho nhiều người địa phương khác đến thuê. Song ngân sách địa phương không thu được khoản nào từ việc cho thuê đất mặt nước nuôi ngao. Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Bùi Đức Thảo cho biết: Từ năm 2012, huyện tổ chức kiểm tra, khảo sát, xây dựng dự án mở rộng diện tích nuôi ngao trên địa bàn huyện. Đến nay, chủ trương này chưa thể thực hiện do chưa có quy hoạch. Hiện, chính quyền địa phương chưa cấp phép cũng như không thu bất cứ khoản tiền nào từ các hộ nuôi ngao. Trong khi đó, các hộ nuôi ngao tự ý cắm cọc chiếm bãi thả ngao, ít 1-2 ha, nhiều lên tới hàng chục ha. Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh phản ánh: Hiện nay, quận chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mặt nước ven biển, chưa có đơn giá thuê đất mặt nước thống nhất. Thực tế cho thấy, để khắc phục tình trạng nuôi thả ngao trái phép, chống thất thoát nguồn thu từ việc cho thuê, sử dụng đất mặt nước biển, cơ quan chức năng cần sớm lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản tại các địa phương.

Theo Thông báo 379 kết luận của UBND thành phố tại cuộc họp với các ngành, địa phương liên quan về phương án, biện pháp tăng cường quản lý, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác cát và nuôi thả ngao trên khu vực biên giới biển, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng sở Tài nguyên-Môi trường căn cứ Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản được phê duyệt của thành phố để làm rõ ranh giới, phạm vi quy hoạch khoáng sản, quy hoạch nuôi trồng thủy sản; đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, lập quy hoạch chi tiết về nuôi trồng thủy sản tại các địa phương liên quan. Trong khi chờ quy hoạch chi tiết về nuôi trồng thủy sản được phê duyệt, UBND các quận, huyện không tiếp nhận hồ sơ, không xem xét cấp phép nuôi thả ngao. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

20.  Chống gian lận thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu: Muộn còn hơn không

Trong tháng 11, Cục Thuế Hải Phòng phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành dán tem niêm phong, ghi chỉ số trên đồng hồ tổng của tất cả các cột đo xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố nhằm chống gian lận, thất thu ngân sách. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng luồn lách, “né” thuế của doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu (KDXD), tăng thu cho ngân sách thành phố...

Kỳ 1: Nhiều “lỗ hổng”

Vẫn còn thất thu

Trên địa bàn thành phố hiện có 178 DN KDXD với hơn 200 cửa hàng, gần 700 cột bơm xăng dầu. Trong đó, 4 DN có kho xăng dầu bán buôn lớn với 35 họng xuất xăng dầu. Năm 2015, các DN KDXD đạt doanh thu khoảng 19.627 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng; nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hơn 125 tỷ đồng.

Riêng 9 tháng năm 2016, các DN này đạt doanh thu hơn 10.700 tỷ đồng, nộp thuế GTGT 158 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị KDXD còn nộp thuế bảo vệ môi trường năm 2015 đạt hơn 1.000 tỷ đồng và 9 tháng năm 2016 nộp hơn 1.200 tỷ đồng, dự tính năm 2016 đạt khoảng 1.600 tỷ đồng.

Những con số liệt kê trên đã cho thấy việc thu thuế từ KDXD là tương đối lớn và tăng mạnh khi nhu cầu sử dụng ngày càng cao. Dự báo từ nay cho đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân hằng năm dao động 20-22%/năm. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước, trong đó có quản lý thuế trong KDXD phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật, có hiệu quả, tạo cơ sở KDXD phát triển bền vững và bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp tham gia.

Qua công tác kiểm tra của ngành thuế, các DN có tên tuổi hầu hết đều chấp hành tốt các quy định KDXD và thực hiện nghĩa vụ thuế; nguồn xăng dầu mua vào, bán ra đều có nguồn gốc rõ ràng và có hóa đơn chứng từ theo quy định. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít ưu điểm nổi bật, thực tế thì tình trạng thất thu thuế đang xảy ra đối với hoạt động KDXD, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Tìm hiểu được biết, trong các DN KDXD tại Hải Phòng, chỉ có 10 DN được hình thành từ cổ phần hóa các DN nhà nước là chấp hành khá tốt pháp luật thuế, còn lại đa phần có biểu hiện thiếu minh bạch trong việc xác định lợi nhuận cũng như thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Làm một phép so sánh về tỷ suất lợi nhuận và tỷ suất huy động thuế trên doanh thu của 10 DN cổ phần hóa với các doanh nghiệp còn lại để thấy được rằng, thất thu thuế là không hề nhỏ.

Về tỷ suất lợi nhuận, các DN cổ phần hóa có tỷ suất lợi nhuận bình quân là 1,08%; còn các DN khác có tỷ suất lợi nhuận bình quân thấp, khoảng 0,17% (trong đó có 97 DN báo cáo tổng lỗ trên 28 tỷ đồng, chỉ có 71 DN báo cáo lãi với tỷ suất lợi nhuận chỉ là 0,2%). Mặc khác, về tỷ suất huy động thuế trên doanh thu (trừ thuế bảo vệ môi trường) cũng cho thấy quá chênh lệch. Như năm 2015, tỷ suất huy động thuế trên doanh thu của 10 DN cổ phần hóa là 1,25%; các DN còn lại chỉ đạt 0,28%. Riêng 9 tháng năm 2016, tỷ suất huy động thuế trên doanh thu của các DN cổ phần là 2,19%; còn DN khác chỉ 1,08%.

Thực tế trên đã cho thấy, tỷ lệ huy động thuế trên doanh thu của các DN ngoài quốc doanh thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cổ phần hóa. Điều này chứng minh khả năng thất thu thuế trong hoạt động KDXD là tương đối lớn.

Đáng nói, tại Hải Phòng có 3 DN kinh doanh xăng dầu khá lớn nhưng không kê khai nộp thuế tại Hải Phòng, đó là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty TNHH MTV nhiên liệu hàng không VN Skypec, Công ty CP Dương Đông Hòa Phú. Cả 3 DN này đều thuê kho xăng dầu của Công ty CP 19-9 tại KCN Đình Vũ và chỉ đăng ký với Cục thuế thành phố về địa điểm kho hàng hoặc văn phòng đại diện.

Đủ chiêu "né" thuế

Mặc dù Cục Thuế thành phố và các đơn vị trực thuộc vẫn thực hiện quản lý thu thuế với tất cả các DN KDXD trên địa bàn, song công tác này chủ yếu dựa vào số liệu tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm của DN theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này khiến các cơ sở kinh doanh tìm cách "hợp lý hóa" chế độ kế toán và sử dụng hóa đơn chứng từ. Việc sử dụng bảng kê bán lẻ hàng hóa chỉ mang tính hình thức; đặc biệt, phần lớn các cơ sở không đăng ký kiểm định bộ đếm và bồn chứa.

 Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng khi mua xăng dầu đều không lấy hóa đơn. Lượng xăng dầu này có thể được chuyển hóa thành hóa đơn để cung cấp cho các cơ quan hành chính, DN khác thanh toán và cung cấp cho các cơ sở kinh doanh để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời hạch toán chi phí nhằm giảm thu nhập chịu thuế, giảm số thuế GTGT, thuế TNDN phải nộp. Hành vi này đã diễn ra phổ biến nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục.      
Điều đáng quan tâm là, các cửa hàng xăng dầu ngoài việc giao dịch tại các DN đầu mối của thành phố, họ còn mua của các DN đầu mối khác ngoài địa bàn (các cơ sở kinh doanh xăng dầu trôi nổi trên thị trường), làm giảm số thuế bảo vệ môi trường nộp tại thành phố, gây bất bình đẳng về KDXD trên thị trường cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc bán xăng dầu ra ngoài hệ thống phân phối của DN vẫn còn diễn ra thường xuyên, chưa đúng quy định.

Đặc biệt, có trường hợp DN nhập lậu xăng dầu từ tàu nước ngoài tại phao số 0 để trốn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, việc điều chỉnh giá xăng dầu liên tục cũng là kẽ hở gây thất thu khi cơ quan chức năng chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, so sánh lượng hàng hóa thực tồn kho với lượng hàng tồn kho khai trên sổ sách kế toán trước khi xăng tăng giá.

Khách quan mà nói, ngành thuế thừa hiểu các "mánh khóe" của các DN KDXD, tuy nhiên do việc phối hợp xử lý giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng như Công thương, Quản lý thị trường, Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Công an, Hải quan... vẫn chưa chặt; công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN vẫn trên sổ sách và hóa đơn chứng từ do DN cung cấp nên chưa phát hiện được các hành vi kinh doanh trái phép, trốn thuế…

Vì thế, số thuế của các DN KDXD kê khai, nộp qua các năm chưa tương xứng với mức độ kinh doanh, nhất là đối với các DN ngoài quốc doanh - đó cũng là trăn trở lớn đối với ngành thuế trong việc chống thất thu ngân sách lĩnh vực kinh doanh xăng dầu... (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

XÃ HỘI

21.  CATP trao 1,125 tỷ quỹ phòng chống thiên tai

Chiều 18-11, tại Trung tâm Chỉ huy CATP, cơ quan quản lý Qũy Phòng chống thiên tai thành phố phối hợp với CATP tổ chức lễ trao tiền đóng góp quỹ phòng chống thiên tai của cán bộ, chiến sĩ thuộc CATP. Đến dự có các đồng chí: Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch UBNDTP, đại tá Nguyễn Trọng Phượng - Phó giám đốc CATP.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc CATP đã tự nguyện đóng góp, ủng hộ ít nhất 1 ngày lương cho Qũy Phòng chống thiên tai thành phố. Theo đó, toàn lực lượng CATP đã quyên góp được 1,125 tỷ đồng. Đây sẽ là một phần nguồn quỹ dự phòng có thể kịp thời hỗ trợ, ứng cứu đồng bào khi thiên tai xảy ra.

Trước đó, để kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng chịu thiệt hại lớn do lũ lụt xảy ra, CATP đã cử một đoàn công tác do Phó giám đốc CATP trực tiếp làm trưởng đoàn và công an các đơn vị, quận/huyện cũng thành lập các đoàn công tác đến động viên, chia sẻ với CBCS công an và đồng bào các tỉnh miền Trung.

Ghi nhận, đánh giá cao tấm lòng của CBCS Công an thành phố, Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Khắc Nam thay mặt Thành ủy, HĐND, UBNDTP biểu dương nghĩa cử cao đẹp, đậm chất nhân văn của tập thể CBCS Công an thành phố đã đóng góp một khoản tiền rất lớn để ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung. Phó Chủ tịch mong muốn, thời gian tới, CATP sẽ tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của thành phố trong công tác phòng chống thiên tai, ủng hộ, trợ giúp đồng bào khi gặp khó khăn. (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

22.  Hải Phòng khát vọng vươn lên

Trong có 3 ngày, hai đồng chí lãnh đạo trung ương đã lần lượt về thành phố làm việc. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng mang đến Hải Phòng những giải pháp thúc đẩy nhanh 2 công trình trọng điểm của quốc gia và thành phố: cảng Lạch Huyện, cầu Tân Vũ. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân định hướng hình ảnh về một đô thị thông minh mà Hải Phòng là địa phương thứ 10 trong cả nước sẽ xây dựng theo mô hình đó. Những động thái này không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo  nhà nước với thành phố Hoa Phượng Đỏ, mà nó còn là minh chứng cho khát vọng vươn lên của Hải Phòng.

Quả thực những năm vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố rất cố gắng trong cuộc chạy đua phát triển kinh tế. Họ đã đạt thành công nhất định. Trên nhiều chỉ số chúng ta vẫn đứng vững ở vị trí thứ 3 toàn quốc (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) như thu ngân sách tính theo đầu người. Song cũng có những mục tiêu Hải Phòng để các “ đối thủ” Đà Nẵng, Cần Thơ vượt qua, chẳng hạn năng suất lao động, mặc dù chúng ta vẫn có năng suất lao động gấp 1,5 con số trung bình cả nước. Các nhà lãnh đạo Hải Phòng đã biết điều đó với một cái nhin cầu thị. Đổi mới trở thành mệnh lệnh của ngày hôm nay, không còn là “Chúng ta muốn là gì?”, mà là “Chúng ta muốn làm gì?”

Những người Hải Phòng, dù có con mắt bi quan đến mấy, cũng nhận thấy nhiều đổi mới rất rõ rệt của thành phố Cảng 2 năm vừa qua, Nền kinh tế đã thấm mệt của chúng ta như được nạp thêm năng lượng. Hơn chục dự án loại khủng rùng rùng khởi động, kể cả dự án  tưởng đã đóng băng. Có những dự án mang tính chiến lược như dự án đường ven biển nối Hải Phòng với Thái Bình, lại có dự án phục vụ đời sống tinh thần người dân thành phố của các tập đoàn Vincom, Mường Thanh…Trước sự đổ bộ ào ạt của các đại gia kinh tế, có người Hải Phòng vẫn hồ nghi hiệu quả cuối cùng. Chuyện của tương lai chỉ có thể nói:” Hãy đợi đấy!”. Song cần nhớ rằng: Hành trình quan trọng chẳng kém gì đích đến. Những nhà doanh nghiệp sợ nhất sự lùng nhùng của thủ tục hành chính, cảm thấy thỏa mãn khi hằng tháng được “ kêu ca” trực tiếp với lãnh đạo thành phố và nhiều lần kiến nghị của đơn vị mình được giải quyết tại chỗ. “Trung tâm xúc tiến đầu tư”- một mô hình mới, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, thể hiện thiện chí của thành phố Hoa Phượng Đỏ biến Hải Phòng thành “miền đất quả vàng”  cho nhà đầu tư. Nay mai, các ca sĩ Đoàn Ca múa Hải Phòng sẽ không chỉ đến nơi này, nơi kia để hát, họ sẽ có nhà hát riêng của mình.

Hải Phòng không thiếu các điều kiện thuận lợi để phát triển. Đã có một bình trà tốt đòi hỏi những người rót trà phải giỏi. Bởi lẽ, thực tế khốc liệt vẫn muốn chen chân vào mọi dự định của chúng ta. Rất may, chúng ta có đẳng cấp của một trong ba thành phố lớn nhất Việt Nam. Thành phố luôn mang trong mình lòng tự hào của người dân dù trong hoàn cảnh khó khăn vẫn nuôi khát vọng vươn lên. Và trong trái tim của họ luôn ngập tràn lòng kiêu hãnh khi cất tiếng hát:” Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu!”. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

23.  Hải Phòng công bố thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ

Quận Hồng Bàng vừa phối hợp với Viện Quy hoạch Hải Phòng công bố đồ án thiết kế đô thị riêng tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ, tỷ lệ 1/500.      

Theo đồ án thiết kế, cả 2 tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ sẽ được quy hoạch theo nguyên tắc giữ gìn cảnh quan, đô thị, duy trì một cấu trúc không gian thoáng với nhiều cây xanh; xác định kích thước của các công trình trên cơ sở bề rộng của đường phố. Đối với những phân khu quan trọng, chiều cao của các công trình xây mới không vượt quá chiều cao của các công trình lịch sử. Những công trình có chiều cao 10-30m chỉ được xây dựng ở các góc phố giao cắt chính. Cụ thể, đối với công trình nhà ở liền kề, tầng cao tối đa 5 tầng, công trình công cộng tầng cao 2-15 tầng; trường hợp nhà cải tạo, sửa chữa cho phép giữ nguyên tầng cao của nhà hiện trạng... Đề án cũng đề xuất định hình về kiến trúc, hệ thống cây xanh, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật đô thị, như: hệ thống điện, thu gom rác thải, nước thải,....            
Đồ án thiết kế đô thị các tuyến phố là cơ sở để quận Hồng Bàng quản lý tốt hơn trật tự xây dựng và làm căn cứ cấp phép xây dựng trong đô thị. (Xây dựng 23/11/2016)

24.  Lực lượng vũ trang huyện An Lão: Làm việc dân cần

Cách đây hơn một năm, con đường dẫn vào thôn Liễu Dinh (xã Trường Thọ) nhỏ hẹp, mưa xuống lầy lội nên giao lưu hàng hóa, đi lại không thuận lợi. Trước thực trạng đó, Ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện An Lão vận động 5 đơn vị quân đội trên địa bàn tham gia 450 ngày công giúp người dân trong thôn thi công tuyến đường. Con đường dài 425m, rộng 4,5m, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng được hoàn thiện trong sự phấn khởi của người dân. Trong đó, Ban CHQS huyện ủng hộ 100 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh huyện hỗ trợ 20 tấn xi măng. Bà Nguyễn Thị Hằng, người dân của thôn vui vẻ cho biết: đường xá khang trang, sạch đẹp hơn trước, cuộc sống của bà con nơi đây đang dần thay đổi. Hàng hóa nông sản làm ra được tư thương đến tận nơi thu mua nên bán được giá hơn trước.  

Thượng tá Dương Đức Phẳng, Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết, thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng ủy Ban CHQS huyện có nghị quyết, kế hoạch tổ chức phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào thi đua trong huấn luyện tới 100% số đầu mối đơn vị dân quân, tự vệ trong lực lượng vũ trang huyện. Trong đó, cụ thể hóa nội dung, cách làm theo hướng sáng tạo, thiết thực với địa phương và người dân. Ban CHQS huyện phối hợp các ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ địa phương thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó,  tập trung thực hiện một số công việc như: tham gia ngày công, hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, khám bệnh, phát thuốc miễn phí, trao tặng kinh phí hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Những năm qua, với cách làm thiết thực, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện triển khai nhiều việc làm cụ thể như: hỗ trợ xóa nghèo 2 hội viên hội cựu binh với số tiền 14 triệu đồng; phối hợp khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100 trường hợp và tặng quà 11 gia đình chính sách trên địa bàn với trị giá 75 triệu đồng; hỗ trợ thi công tuyến đường tại thôn Cao Minh (xã An Thọ) và thôn Câu Hạ A (xã Quang Trung); trao 2 con bò giống trị giá 30 triệu đồng tặng 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã An Thọ; tham giao khơi thông dòng chảy nhiều km kênh mương; trồng hàng nghìn cây xanh các loại…tạo sự gắn bó đoàn kết giữa các đơn vị, tăng sự gắn bó quân dân.

Cùng với đó, lực lượng vũ trang huyện phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tham gia hiến đất mở đường. Đồng thời, tham gia đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa bàn an toàn được thực hiện tốt góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

25.   Hải Phòng: Tăng cường công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

UBND thành phố Hải phòng vừa ban hành Chỉ thị số 32/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn thành phố Hải Phòng.     

Chỉ thị yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, các đơn vị có liên quan cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác phát ngôn, nêu cao tính trách nhiệm, chủ động trong phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Người đứng đầu, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn của các cơ quan, địa phương phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin ngay khi sự việc diễn ra và thường xuyên trong quá trình xử lý sự việc để kịp thời định hướng dư luận và ổn định tình hình đối với những vụ việc nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận xã hội; chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống về vụ việc liên quan đến báo chí phản ánh. Các cơ quan, địa phương, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; chủ động xác minh, làm rõ những thông tin báo chí đăng tải chưa chính xác, chưa đầy đủ hoặc không đúng sự thật… (Xây dựng 23/11/2016)

26.  Từ "bún chửi" Hà Nội đến "bún nhăn" Hải Phòng, và...

Đem so giữa 40.000 đồng bát “bún chửi” ở phố Ngô Sỹ Liên với 30.000 đồng bát bún thang ở phố Hàng Gai trong cùng một ngày 28-10, cả đoàn thực khách nhà tôi khi được hỏi đều đồng thanh: “Bún chửi” ngon hơn!

À, thì ra thế. Chất lượng là lựa chọn hàng đầu của thực khách. Ngon, giá cả phải chăng, sạch sẽ… đã tạo nên thương hiệu cho “bún chửi”. Khi chưa lên kênh truyền hình quốc tế CNN, “bún chửi” đã nức tiếng rồi. Cùng với “cháo quát” ở Lý Quốc Sư, “chè đuổi” ở Cấm Chỉ. Tôi chưa đến quán ngon nào ở Hà Thành mà “thượng đế” được ân cần tay dắt mặt mừng. (Quán đông, họ đuổi khách đi còn không xuể, lấy đâu thời gian mà cúi gập người với cười tươi nữa chứ).      
Thế nên, mới có nghịch lý để mà bè phái giữa kẻ ghét, người yêu. Người cậu ruột của tôi ở Sài Gòn viết trên mạng xã hội thế này: “Thái độ phục vụ văn minh là số 1”. Nhưng, “đặc sắc và độc đáo” vẫn được tôi ưu tiên hơn. Vì với tôi, ẩm thực không gì sợ bằng sự nhạt nhẽo, không đầy đủ của các gia vị và bẩn. Thế thôi. Đến ăn “bún chửi” hoặc “cháo quát” thực ra toàn thượng đế ngu ngơ hoặc ấm ớ mới bị “dính đòn”. Quán không có chỗ cho ai muốn ngồi kềnh càng, ngồi quá lâu hoặc để xe không đúng nơi quy định… Đòi hỏi được phục vụ như ghế ngồi ăn cháo sẽ bị bà chủ “quát” vỡ tai luôn. “Cháo quát” cũng là một nét “kinh dị” của đất kinh kỳ chăng? Càng quát càng đông. Càng đông lại càng bị quát…

Để cho bớt phần “xấu xí”, tôi rủ người bạn làm báo của thủ đô về nhà. Đi ăn “bún nhăn” của Hải Phòng. Quán bún nằm trong ngõ sâu hút. Ô tô không vào được. Bún thập cẩm gồm chân giò, thịt bò bắp hoa thái lát mỏng, chả lợn viên hấp, dọc mùng thả giòn và rau diếp thái chỉ… Ngon đặc sắc luôn. Nhưng bà chủ thì mặt nhăn nhó. Tất tật từ nhân viên phục vụ quán đến thực khách, chưa bao giờ thấy bà nở một nụ cười chào. Thế mà quán vẫn đông người ngồi như nêm cối mỗi sáng chủ nhật. “Đúng là nhăn như khỉ thật. Nhưng mà ngon!”.

 “Món ngon nhớ lâu/ Đòn đau nhớ đời”. Chỉ một “dị nhân” làm món sushi của Nhật Bản mà tầm cữ này năm ngoái, cũng trên kênh truyền hình của CNN, ông Ô-xi – 80 tuổi ở cái làng Ma-sư-kê đã đưa món cơm cuộn của Nhật lên tầm vĩ mô món ngon toàn cầu. Ông đi chợ, lựa thực phẩm. Lạnh lùng và kiên quyết từ chỗ những sản phẩm không đạt chuẩn (do chính ông đặt ra). Vì, chất lượng và chất lượng đề cao hàng đầu mà “cửa hàng” cơm cuộn của ông hóa đơn đặt hàng của thực khách đã hết năm 2017. Một đóng góp không nhỏ cho ngành công nghiệp không khói Nhật Bản, khi mà du khách đến đất nước mặt trời mọc ai cũng mong muốn thưởng thức sushi tự chính tay ông Ô-xi (Oshi) cuộn và cắt lát, bày lên đĩa…

Từ “bún chửi” Hà Nội đến “bún nhăn” Hải Phòng, nghĩ về “thượng đế” trong mối giao tiếp qua lại giữa đôi bên “kẻ bán – người mua”. Làm sao giao hòa khi món ăn đã ngon rồi, sẽ càng ngon hơn trong phong cách phục vụ văn minh và chuyên nghiệp. Suy cho cùng, đi thưởng thức món ngon chính là đi “ăn” văn hóa, tương đồng bản sắc ẩm thực mỗi vùng miền mà ta khát khao được cảm nhận. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

27.  Tiếp sức ngư dân vươn khơi

Sau 2 năm thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, thành phố phê duyệt danh sách 37 chủ tàu được hỗ trợ đóng mới tàu cá. Đến nay, 9 tàu được bàn giao cho chủ tàu. Đây là động lực mạnh mẽ tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển, tạo đột phá trong việc tổ chức lại sản xuất nghề cá, nâng cao đời sống ngư dân.

Niềm vui làm chủ phương tiện hiện đại

Trong cái nắng hanh vàng của tiết trời mùa thu, con tàu vỏ thép mang số hiệu HP- 90789TS của ngư dân Nguyễn Văn Thuấn trị giá hơn 20 tỷ đồng do Công ty Công nghiệp tàu thủy Thành Long đóng mới, cập bến cá Quán Chánh. Dẫn chúng tôi thăm, giới thiệu về những tính năng hiện đại của con tàu, anh Thuấn phấn khởi: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước, ước mơ sở hữu tàu lớn vươn khơi nay thành hiện thực. Tàu được thiết kế với công suất máy chính 811 CV, có chiều dài lớn nhất 27,8m, chiều cao 3,1m, chiều rộng thiết kế 6,8m, tốc độ chạy thử hơn 13 hải lý/giờ.  Tàu trang bị hệ thống thiết bị hiện đại nhất GPS, máy đo sâu dò cá, hệ thống còi điện, máy thu phát MF/HF, VHF, hệ thống tín hiệu công vụ, hệ thống phao chỉ báo vị trí sự cố... Xác định bàn giao tàu xong là sẽ vươn khơi ngay để khai thác, kiếm thu nhập trả lãi ngân hàng nên trong thời gian đóng tàu, anh Thuấn tranh thủ đi học cách điều khiển tàu để khi nhận tàu là đưa vào khai thác ngay. 
Theo Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp Nguyễn Hồng Ban, đây là những chiếc tàu lưới rê vỏ thép đầu tiên trong tổng số 9 tàu của xã đóng mới theo Nghị định 67 được bàn giao cho ngư dân. Cùng với 26 tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn của địa phương đang khai thác, 9 tàu mới đưa vào đánh bắt làm cho đội tàu của xã Đại Hợp ngày càng lớn mạnh, tạo điều kiện bà con vươn khơi, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của quê hương.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Cùng với ngư dân xã Đại Hợp, niềm vui lan tỏa ra các địa phương có nghề khai thác thủy sản. Họ nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách của trung ương và thành phố hỗ trợ để bám biển, vươn khơi, như: gói hỗ trợ về tín dụng, bảo hiểm thuyền viên, ưu đãi thuế… Ông Đinh Khắc Nhân, chủ nhiệm HTX đóng tàu Lập Lễ cho biết, cơ sở của ông luôn trong tình trạng quá tải, nhiều đơn hàng đóng mới, cải hoán tàu. Chiếc vừa xuống nước lại tiếp tục khởi công đóng chiếc khác. Từ đầu năm đến nay, HTX Lập Lễ đóng mới 15 tàu theo Nghị định 67, trong đó 4 chiếc hoàn thiện, bàn giao cho ngư dân. Ông Nhân mong muốn chính sách của nhà nước hỗ trợ cho ngư dân được thực hiện nhanh chóng hiệu quả hơn, giảm bớt các thủ tục liên quan đến việc lập hồ sơ dự án, các điều kiện vay vốn ngân hàng; kéo dài thời gian được vốn vay để ngư dân khai thác, kiếm thêm thu nhập trả lãi và vốn vay. 4 chiếc tàu hoàn thiện và bàn giao cho chủ tàu, HTX phải ứng trước 100% vốn, chưa được ngân hàng giải ngân mặc dù chủ tàu hoàn thành mọi thủ tục vay vốn. Mặt khác, để đóng một tàu vỏ thép, thời gian kéo dài gần một năm, trong khi thời hạn vay ngân hàng là 16 tháng với hạn mức 18 tỷ đồng. Như vậy, người dân trong thời gian đóng tàu phải trả ngân hàng trên 1,6 tỷ đồng cả gốc và lãi. Cùng với đó phải lo số tiền đối ứng để đóng tàu, vì vậy đối với ngư dân càng thêm khó khăn.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Tự Trọng, dù có nhiều có gắng, quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhưng kết quả thực hiện chưa như mong muốn, chậm so với tiến độ đề ra. Việc đóng mới tàu chỉ đạt 67,6 % số tàu được phê duyệt (25 tàu đang được đóng mới trong tổng số 37 tàu được phê duyệt); một số chủ tàu vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo tiến độ đề ra. Nhận thức của ngư dân về chính sách còn hạn chế, chưa hiểu rõ những cơ chế hỗ trợ của nhà nước, như không chỉ cho vay đóng mới, mà còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác.

Theo phản ánh của ngư dân, mẫu thiết kế tàu vỏ sắt chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm của tàu khai thác hải sản như việc bố trí trang thiết bị, tính ổn định của tàu…Vì vậy, thời gian tới, ngành đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung chỉ tiêu đóng mới, khai thác và tàu dịch vụ hậu cần hải sản xa bờ cho thành phố. Các địa phương, ngành chức năng tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, tập huấn để ngư dân thuận lợi tiếp cận, vay vốn ưu đãi nhanh chóng, nhằm phát triển mạnh hơn nữa đội tài khai thác, dịch vụ hải sản xa bờ, giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, mở rộng ngư trường khai thác…

Cùng với việc thực hiện chính sách cho vay vốn đóng mới tàu, thành phố cần chọn và đặt hàng cơ sở đủ điều kiện đóng mới, sửa chữa tàu cá; xây dựng nơi neo đậu, tránh trú bão bảo đảm an toàn; tổ chức mạng lưới tiêu thụ, bảo đảm chuỗi sản xuất liên kết chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sản xuất, lao động của bà con ngư dân. Khi bình xét cho vay vốn lựa chọn những người đang thực sự có nhu cầu, từ đó sử dụng đúng mục đích, khai thác hiệu quả đồng vốn vay. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

28.  Huyện An Lão: 10 cá nhân được truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"

Huyện ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện An Lão vừa tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống LLVT thành phố và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các LLVT thành phố nói chung, huyện An Lão nói riêng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Dù ở giai đoạn cách mạng nào, các LLVT An Lão đều thể hiện khí phách quê hương núi Voi bất khuất, kiên cường, bám trụ, đánh trả, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù, góp phần lập nên những chiến công hiển hách. Hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ các LLVT trên địa bàn huyện đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, là tấm gương lớn để các thế hệ nối tiếp truyền thống quê hương…

Cũng tại buổi lễ, 10 cá nhân đã vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, thể hiện sự ghi nhận về những hy sinh, cống hiến của các mẹ trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

29. Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm Động viên, hỗ trợ thanh niên vốn, kiến thức phát triển kinh tế

Những năm qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” mà trọng tâm là “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm” đạt một số kết quả, song vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Phóng viên Hải Phòng cuối tuần có cuộc trao đổi với Phó bí thư Thành Đoàn ĐÀO PHÚ DƯƠNG về giải pháp hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ở thanh niên.

- Thành Đoàn và các cấp bộ Đoàn triển khai công tác hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế như thế nào?

Với vai trò là người bạn đồng hành của thanh niên, những năm qua, Thành Đoàn đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thành phố huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh triển khai phong trào.

Thành Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thành phố đẩy mạnh việc hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế, tự tạo việc làm, vươn lên lập thân lập nghiệp.

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn tổ chức các khóa, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên; giúp thanh niên tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, từ đó, ứng dụng hiệu quả vào các mô hình sản xuất, kinh doanh do thanh niên làm chủ.

Đoàn các cấp chú trọng xây dựng mô hình điểm thanh niên làm kinh tế giỏi, tiến tới nhân rộng toàn thành phố. Tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Thành Đoàn Hà Nội, Tỉnh Đoàn Hà Nam, Đoàn Thanh niên Bộ NN&PTNT, Đoàn Thanh niên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đoàn Thanh niên Học viện Nông nghiệp Việt Nam... tham gia hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình kinh tế.

- Có tình trạng thanh niên chỉ được tiếp cận số vốn vay nhỏ (dưới 50 triệu đồng), trong khi thực tế, nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn lớn nhưng quy trình, thủ tục gặp khó khăn. Đồng chí cho biết rõ hơn vấn đề này?

Nguồn vốn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế có 2 hình thức cho vay: Vay thế chấp từ nguồn của Quỹ Quốc gia về việc làm (nguồn 120) và vay tín chấp từ nguồn ủy thác qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Với vay thế chấp từ nguồn 120, mức vay tối đa của hộ sản xuất kinh doanh là 1 tỷ đồng nhưng quy trình, thủ tục cho vay và yêu cầu về giải ngân phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ, văn bản (hợp đồng lao động, hóa đơn chứng từ, quyết định công nhận trang trại, gia trại của cấp có thẩm quyền...), nhất là đối với mô hình ở quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp. Với vay tín chấp nguồn vốn ủy thác qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, mức vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ; quy trình, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh.

Hiện nay, nguồn vốn cho thanh niên vay còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là nguồn vốn 120. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do nguồn bổ sung vốn vay của trung ương và thành phố tăng chậm, trung bình mỗi năm chỉ tăng 200-300 triệu đồng.

Mặt khác, việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác quản lý vốn vay cho đội ngũ cán bộ Đoàn từ thành phố tới cơ sở thường xuyên được các cấp bộ Đoàn quan tâm tổ chức. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ Đoàn chưa xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn nên chưa chú trọng.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương nhiều cán bộ Đoàn có tâm lý e ngại, lo lắng khi nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng CSXH vì diễn ra tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đoàn đứng ra tín chấp nên rất khó vận động thành lập mới hoặc xin bàn giao tổ tiết kiệm và vay vốn từ các tổ chức khác.

- Đâu là giải pháp then chốt tháo gỡ những vướng mắc trên?

- Điều quan trọng cần thực hiện là nâng cao nhận thức, từ đó xác định quyết tâm của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở về công tác hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Đồng thời, tích cực tham mưu để cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa công tác vốn vay của tổ chức Đoàn.

Bên cạnh đó, để công tác thực sự phát huy hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục tổ chức tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên, khơi dậy ở thanh niên động lực và tinh thần khởi nghiệp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên; liên kết đầu ra, tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm từ các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên.

- Thành Đoàn có kiến nghị, đề xuất gì để nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế?

- Thành Đoàn mong muốn thời gian tới, Trung ương Đoàn tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; thành phố tiếp tục quan tâm tăng nguồn bổ sung vốn ủy thác cho Đoàn Thanh niên thành phố. Đề nghị Trung ương Đoàn và UBND thành phố, Ngân hàng CSXH thành phố xem xét, đề xuất trung ương điều chỉnh lại quy định, thủ tục cho vay từ nguồn vốn 120 theo hướng thuận tiện, phù hợp với thực tiễn.

 Thành Đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý nguồn vốn hỗ trợ thanh niên. Đồng thời, tích cực chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các Quận, Huyện Đoàn đề xuất với Ban đại diện Ngân hàng CSXH quận, huyện về việc xin tiếp nhận Tổ Tiết kiệm và Vay vốn từ các hội đoàn thể khác. Lãnh đạo Thành Đoàn trực tiếp làm việc với một số địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở. Qua đó, số xã, phường, thị trấn có tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn quản lý tăng thêm đáng kể. Từ đầu năm 2016 đến nay, thành lập mới và tiếp nhận 24 tổ Tiết kiệm và vay vốn. 

Cảm ơn đồng chí! (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

30.  Lộn xộn khai thác đá ở Thủy Nguyên: Mất an toàn và lãng phí

Kỳ II: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Quyết định số 1065 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-7-2010 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 nêu rõ, huyện Thủy Nguyên có 6 dự án xi măng. Trong đó, 5 nhà máy đang hoạt động gồm: xi măng Hải Phòng, xi măng Chinfon, xi măng Phúc Sơn, xi măng Tân Phú Xuân và xi măng Xuân Thủy. Riêng dự án xây dựng nhà máy xi măng Trường Sơn của Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh ở xã Gia Đức đã xin chuyển đổi thành dự án xây dựng Nhà máy vật liệu xây dựng Trường Sơn.

Theo các nhà chuyên môn, nếu các nhà máy xi măng nói trên hoạt động liên tục trong vòng 50 năm hết công suất thiết kế thì sẽ phải "ngốn" khoảng 500 triệu m3 đá vôi (chưa kể chất phụ gia), trong khi trữ lượng đá vôi của Thủy Nguyên chỉ vào khoảng 380 triệu m3. Do vậy muốn có đủ nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy xi măng này hoạt động, trong tương lai chỉ còn cách vươn ra khai thác đá ở nơi khác. Còn tính toán của Phòng TN-MT huyện, nếu các nhà máy xi măng hoạt động với công suất như hiện nay, chưa đến 50 năm nữa, Thủy Nguyên sẽ không còn ngọn núi nào!

Đến nay, nhiều điểm mỏ nằm trong vùng an ninh - quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa đã được đưa vào quy hoạch khai thác như khu vực núi Hang Lương (xã Gia Minh), núi Ngà Voi, núi Hang Ốc (xã Minh Tân); núi Thành Dền (xã Liên Khê); khu Đình Sen, khu Mã Chàng (xã Lưu Kiếm); núi Mã, núi Hang Tuần (xã Gia Đức)… Núi Hang Lương (xã Gia Minh) là di tích lịch sử - nay một số hang động có tiềm năng du lịch ở các xã Lưu Kỳ, Liên Khê, Minh Tân... cũng bị đưa vào quy hoạch khai thác. Không ít mỏ nhỏ nằm đơn lẻ với trữ lượng không nhiều lại có mặt trong danh sách khai thác làm nguyên liệu và phụ gia xi măng.

Khai thác mỏ ở Thủy Nguyên không những tàn phá tài nguyên khoáng sản mà còn phá hủy một số diện tích không nhỏ đồng ruộng, đất đai canh tác. Việc cấp phép khai thác mỏ theo thời gian hiện nay cũng nảy sinh bất cập khác. Nhiều đơn vị tổ chức khai thác mỏ với tốc độ nhanh, thường vượt trước thời hạn được cấp phép đã hết đá nguyên liệu, sẽ gây thất thu cho ngân sách.

Mặt khác, việc xử lý các đơn vị vi phạm còn nhiều khó khăn vướng mắc. Đối với các doanh nghiệp được Bộ TN-MT và thành phố cấp phép, huyện chỉ có thể ra thông báo yêu cầu các đơn vị này chấp hành quy định về thuê đất trước khi thực hiện khai thác mỏ, thực hiện quy trình khai thác an toàn, tuân thủ quy định về vành đai khai thác mỏ... còn việc xử lý vi phạm, không thuộc thẩm quyền của địa phương. Vì thế, việc khai thác đá bừa bãi tại Thủy Nguyên đang khiến nguồn tài nguyên này cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường và đời sống người dân.

Đáng nói nhất là khu vực núi Ngà Voi ở xã Minh Tân. Khu vực này đã được quy hoạch, giao mốc quản lý cho Công ty CP xi măng Bạch Đằng và Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hải Phòng chờ hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác theo quy định. Tuy nhiên, với tình trạng khai thác như hiện tại thì đến khi được cấp giấy phép doanh nghiệp cũng chẳng còn khoáng sản để mà khai thác.

 Chỉ tính từ tháng 6-2013 đến nay, tại Lại Xuân, Công an huyện kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm về khai thác, vận chuyển trái phép và đề xuất UBND huyện xử phạt hành chính 23 vụ với 23 đối tượng; số tiền xử phạt 380 triệu đồng, tạm giữ 14 máy xúc, 11 ô tô, 7 máy nén khí 5 búa khoan, 4 mũi khoan, 1 búa tạ.

Tương tự, tại xã An Sơn, đã tiến hành xử phạt hành chính 8 vụ với 8 đối tượng, số tiền xử phạt 167 triệu đồng, tạm giữ 7 máy xúc, 7 xe ô tô, 1 xe công nông, 1 máy nén khí, 3 búa khoan, 1 búa tạ và 1 xè beng; tại xã Minh Tân, đã xử phạt vi phạm hành chính 13 vụ với 13 đối tượng, số tiền 206 triệu đồng, tạm giữ 11 máy xúc, 10 xe ô tô vi phạm, tịch thu 5 máy nén khí, 9 búa khoan, 2 búa tạ và 9 mũi khoan; xử lý hình sự 1 vụ, tang vật là 68 kg vật liệu nổ công nghiệp tự chế…

Đánh giá về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Quốc Ka thừa nhận: Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra công khai với quy mô ngày càng lớn, cường độ ngày càng cao và tính chất ngày càng nguy hiểm.

Đến nay các “điểm nóng” về khai thác khoáng sản tại núi Ngà Voi, núi Hang Ốc (đá vôi) ở Gia Minh và Minh Tân; núi Bụt Mọc (đá vôi), núi Thành Dền và núi Quỳ Khê (silic) ở Liên Khê; khu núi đá vôi Trại Sơn ở hai xã An Sơn và Lại Xuân… đã cơ bản được quản lý. Theo ông Bùi Doãn Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, tình hình hoạt động khai thác trên địa bàn đã từng bước đi vào nề nếp, công tác thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thực hiện chặt chẽ hơn, theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục tức khắc. Đó là tình trạng các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép khai thác mỏ nhưng không thực hiện cắm mốc chỉ giới và bố trí lực lượng bảo vệ tài nguyên; tiến hành xây dựng cơ bản mỏ và đưa mỏ vào hoạt động chậm so với giấy phép; khi hết phép khai thác không thực hiện việc hoàn nguyên và cải tạo môi trường, bàn giao mặt bằng cho địa phương theo quy định; tình trạng khai thác trái phép nhỏ lẻ chưa được ngăn chặn triệt để, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, gây thất thu ngân sách; việc cấp phép còn chồng lấn giữa các doanh nghiệp, phát sinh tranh chấp; việc kiểm tra, giám sát sau cấp phép còn bị buông lỏng… (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

31.  "Bà chủ" 9X

Lưu Thị Thu Trang hiện là chủ cửa hàng tổ chức tiệc cưới uy tín của thành phố Cảng, với thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi tháng. Ít ai biết rằng, cô gái sinh năm 1990 có biệt danh Trang “Rùa” mạnh dạn từ bỏ tấm bằng cử nhân ngành Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) để theo đuổi nghiệp kinh doanh.

Ước mỗi ngày có… 48 giờ

Bước vào cửa hàng tổ chức sự kiện và tiệc cưới Trang Đạt (phố Lê Lợi, Ngô Quyền) bị choáng ngợp bởi ngập tràn hương sắc hoa tươi. Vừa chăm chút cho cổng hoa cưới, Thu Trang cho biết: “Vì đám cưới là chuyện cả đời nên mỗi đám cưới khiến mình rất áp lực, trăn trở làm sao để mọi thứ thật hoàn hảo. Nhiều loại hoa nhập từ Đà Lạt, Đài Loan, Hàn Quốc…, bền, đẹp nên khách hàng rất ưa chuộng”.
Nhìn nụ cười tươi rói, đôi bàn tay nâng niu từng cánh hoa mới thấy tình yêu của cô gái này dồn hết cho công việc. Đang thời kỳ cao điểm mùa cưới, mỗi ngày Thu Trang nhận 2-3 đơn hàng, thậm chí có ngày đến 5 đơn hàng, không đủ người làm, Trang phải từ chối khéo. Những ngày này, Trang chỉ ngủ 4-5 tiếng, toàn bộ thời gian “chôn chân” ở cửa hàng, tất bật làm cổng chào, hoa cầm tay cô dâu, hoa cài áo, hoa trang trí bàn tiệc, ảnh cưới, bánh cưới, xe hoa…

Việc lớn việc nhỏ, đều một tay tỷ mỉ trang trí, sắp đặt, bởi như thế cô mới yên tâm. Thu Trang than thở: “Tôi chỉ mong sao mỗi ngày kéo dài 48 tiếng để hoàn thành hết khối lượng công việc. Nhiều khi mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, du lịch đây đó nhưng tình yêu nghề, rồi sự tin yêu của khách khiến tôi có thêm năng lượng trở lại công việc”.

5 năm mở cửa hàng tổ chức sự kiện và tiệc cưới Trang Đạt, bằng thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên cần, đặt chữ tín lên đầu mà “một đồn mười, mười đồn trăm”, đến nay, cô chủ 9X có một lượng khách hàng thân thiết. Trang chia sẻ, cửa hàng được chọn để tổ chức gần 1.000 đám cưới, sinh nhật và nhiều sự kiện lớn nhỏ. Song, sự kiện để lại nhiều cảm xúc nhất trong quãng thời gian làm nghề là đám cưới cặp đôi khuyết tật Lành – Dự trong chương trình Điều ước thứ 7 số 18 tổ chức tại Hải Phòng. “Nụ cười xen lẫn nước mắt của cô dâu chú rể hôm đó luôn khiến tôi nhớ mãi. Đó là niềm vinh dự và tự hào khi chúng tôi mang lại hạnh phúc cho những người có hoàn cảnh kém may mắn”, Trang xúc động nhớ lại.

Đam mê và sáng tạo

Để có thành công như hôm nay, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, tạo việc làm cho 5 bạn trẻ chung đam mê, Trang nhớ lại thời điểm học cấp hai. Cô tập tành làm hoa giấy với mong muốn… tặng thần tượng là ca sĩ Quang Vinh. Thấy đẹp nên bạn bè trong và ngoài trường đặt mua, Trang mới bắt đầu làm để bán. Tỷ mỉ, cầu toàn nên mỗi sản phẩm Trang làm ra mất kha khá thời gian nhưng đều là tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng thị hiếu khách hàng trẻ tuổi. Vì thế mà bạn bè đặt biệt danh cho cô là Trang “Rùa”.  
Học tại Trường THPT chuyên Trần Phú, Trang cùng bạn bè thực hiện nhiều “phi vụ” liên quan đến hoa vào những ngày lễ 14-2, 8-3, 20-10… Sang năm thứ hai đại học, Trang “Rùa” mở một cửa hàng nho nhỏ về đồ dạ hội và áo dài, đồng thời nhận làm hoa cho khách có yêu cầu. Thời điểm này, nghề wedding planner (tổ chức đám cưới) manh nha tại Hải Phòng. Nhận thấy môi trường đầy tiềm năng, một năm sau, cô mạnh dạn nhờ bố mẹ đầu tư mở cửa hàng về trang trí tiệc cưới.

Thời gian đầu, Trang gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm nguồn hàng, nhân công phù hợp. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, cùng ý chí ham học hỏi, mọi chuyện dần được giải quyết. Trang thường xuyên tham gia các triển lãm cưới từ Hà Nội đến Sài Gòn để tìm hiểu và học tập. Cô tâm sự: “Áp lực lớn nhất của nghề tổ chức đám cưới luôn đòi hỏi sáng tạo và thay đổi không ngừng. Mỗi đám cưới mất từ 7-10 ngày từ khâu lên ý tưởng đến khi thực hiện các khâu công việc. Mỗi chi tiết dù nhỏ nhất cũng phải làm sao để hài lòng khách hàng khó tính nhất”.

Với loạt thành tích đáng ngưỡng mộ khi còn là sinh viên: cộng tác viên cho VTV6, Đạt giải MC năng động trong cuộc thi Micro vàng của trường…, tương lai như rộng mở đối với cô gái xinh đẹp, năng động. Song, Thu Trang lại quyết định chuyển hướng nghề nghiệp ở tuổi 21. Thu Trang cho biết: “Đó là cái duyên, là nghề chọn cô. Hơn nữa, làm công việc mình yêu thích, bảo đảm cuộc sống và lo được cho gia đình, với Trang, đó là niềm hạnh phúc và may mắn lớn lao”. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

32.  Hải Phòng công bố thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ

Quận Hồng Bàng vừa phối hợp với Viện Quy hoạch Hải Phòng công bố đồ án thiết kế đô thị riêng tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ, tỷ lệ 1/500.

Theo đồ án thiết kế, cả 2 tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ sẽ được quy hoạch theo nguyên tắc giữ gìn cảnh quan, đô thị, duy trì một cấu trúc không gian thoáng với nhiều cây xanh; xác định kích thước của các công trình trên cơ sở bề rộng của đường phố. Đối với những phân khu quan trọng, chiều cao của các công trình xây mới không vượt quá chiều cao của các công trình lịch sử. Những công trình có chiều cao 10-30m chỉ được xây dựng ở các góc phố giao cắt chính. Cụ thể, đối với công trình nhà ở liền kề, tầng cao tối đa 5 tầng, công trình công cộng tầng cao 2-15 tầng; trường hợp nhà cải tạo, sửa chữa cho phép giữ nguyên tầng cao của nhà hiện trạng… Đề án cũng đề xuất định hình về kiến trúc, hệ thống cây xanh, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật đô thị, như: hệ thống điện, thu gom rác thải, nước thải,….

Đồ án thiết kế đô thị các tuyến phố là cơ sở để quận Hồng Bàng quản lý tốt hơn trật tự xây dựng và làm căn cứ cấp phép xây dựng trong đô thị. (vfpress.vn 23/11/2016)

33.  Sếp nhà máy 7.000 tỷ thua lỗ vẫn mất tích bí ẩn

Cuối tháng 10/2016, ông Vũ Đình Duy - Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - đã xin đi chữa bệnh ở nước ngoài mà không có sự đồng ý của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Đến nay, ông Duy vẫn "mất tích" bí ẩn.

Ông Vũ Đình Duy chính là cựu Tổng giám đốc nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng, vốn đầu tư 7.000 tỷ thua lỗ 1.700 tỷ, lâm vào cảnh "đắp chiếu".

Quan điểm của Bộ Công Thương là không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Duy.

Bộ đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước.

Bộ Công Thương đã lập Tổ công tác kiểm tra công tác tổ chức cán bộ và thực hiện nhiệm vụ nhiệm vụ của Hội đồng thành viên của Vinachem.

Hiện Tổ công tác đang tập hợp dữ liệu để báo cáo Bộ trưởng xin phương án xử lý tiếp theo. Trước mắt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có ý kiến chỉ đạo: yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiến hành xem xét làm rõ việc chấp hành kỷ luật lao động của ông Vũ Đình Duy theo quy định của pháp luật, báo cáo Bộ Công Thương xem xét tiến hành quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Đình Duy.

Đến nay, ông Vũ Đình Duy vẫn "mất tích" bí ẩn. (Người lao động 23/11/2016)

34.  Hoàn thành lắp đặt hệ thống giám sát xả thải trước ngày 6-12

Chiều 18-11, Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) tổ chức đối thoại với 25/27 doanh nghiệp (DN) có lưu lượng xả thải lớn trên địa bàn. Đây là các DN cần lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, camera giám sát xả thải, công tơ điện giám sát vận hành xử lý nước thải, khí thải. Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn tơi dự và phát biểu chỉ đạo.

Tại đây, các DN trình bày những vướng mắc trong triển khai lắp đặt hệ thống giám sát xả thải, những khó khăn khi đấu nối, truyền dẫn số liệu của DN về Sở TNMT; vướng mắc về thủ tục hành chính trong thủ tục cấp giấy phép xả thải... Những kiến nghị, vướng mắc của DN được lãnh đạo ngành trực tiếp giải đáp, hướng dẫn cụ thể.

Các DN cam kết thời gian hoàn thành lắp đặt quan trắc tự động, camera giám sát xả thải và công tơ điện giám sát vận hành hệ thống xử lý nước thải hoàn thành trong tháng 11-2016. Trong đó có Công ty Liên danh hóa chất Sofl, Công ty CP Cơ khí Việt Nhật, Công ty CP Thép Việt - Nhật, Bệnh viện Việt-Tiệp, Công ty CP hóa chất Minh Đức…

Phó chủ tịch Lê Thanh Sơn ghi nhận việc tổ chức đối thoại với các DN của Sở TNMT là cần thiết. Sở TNMT tập hợp, phân loại các ý kiến đề xuất của DN, phối hợp đơn vị chức năng giải quyết vướng mắc của DN; những vấn đề vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo UBND thành phố để giải quyết. Thời hạn các DN hoàn thành lắp đặt hệ thống giám sát xả thải trước ngày 6-12-2016. (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

35.  Lãnh đạo thành phố thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ

Chiều 18-11, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thăm, tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Lực lượng vũ trang thành phố (20-11-1946 * 20-11-2016).

Tới thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ Đặng Kim Nở, tại số 8, lô 3, phường Hồ Nam (quận Lê Chân), Phó chủ tịch Lê Khắc Nam quan tâm thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống gia đình người thân của liệt sĩ. Đồng thời khẳng định cán bộ và nhân dân thành phố luôn ghi nhớ, biết ơn đóng góp, cống hiến của Anh hùng liệt sĩ Đặng Kim Nở trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng thành phố.

Đồng chí mong gia đình tiếp tục phát huy truyền thống, gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển của địa phương, thành phố.

 Phó chủ tịch Lê Khắc Nam đề nghị các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với gia đình chính sách trên địa bàn. (An ninh Hải Phòng 23/11/2016)

36.  Xây dựng chính quyền cảng đầu tiên như thế nào?

Chính quyền cảng đầu tiên của cả nước sắp ra đời có tên: Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc...

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc.

“Rào cản” cảng biển

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy cả nước có 44 cảng biển đang hoạt động với 219 bến cảng, 373 cầu cảng (tổng chiều dài trên 43.600 mét). Trong năm 2015, hệ thống cảng biển đã tiếp nhận gần 100 triệu lượt tàu, thông qua 427,3 triệu tấn hàng hóa (tăng 14,6% so với năm 2014)...

Tuy nhiên, bộ này nhận định: “Công tác tổ chức, quản lý đầu tư, khai thác cảng biển chưa khai thác được hết các lợi thế mà cảng biển, kinh tế biển đem lại, chưa theo kịp các mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới, chưa thực sự hiệu quả, còn bất cập”.

Dẫn chứng được đưa ra là trình tự, thủ tục cho (doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, liên doanh) thuê đất đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển kéo dài; khi xem xét hồ sơ của nhà đầu tư chỉ căn cứ vào quy hoạch (của Bộ GTVT) chứ không tính đến thực tế phát triển kinh tế - xã hội cũng như tốc độ tăng trưởng của lượng hàng hóa của khu vực (nên nhiều cảng thừa công suất, lãng phí).

Thực tế cũng cho thấy, chưa có sự kết hợp khai thác hiệu quả vùng đất hậu cần sau cảng (thông qua việc cho thuê để xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp, trung tâm logistics) để tạo nguồn hàng trực tiếp; phương thức giao vùng đất, vùng nước cho các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, liên doanh đầu tư xây dựng riêng lẻ cầu bến cảng trong khu vực cảng biển làm xé nát quy hoạch cảng, tạo ra sự manh mún, thiếu thống nhất, đồng bộ trong phát triển cảng.

Đó là chưa kể, trong nhiều trường hợp, do năng lực tài chính có hạn, các doanh nghiệp chỉ đầu tư cầu bến cảng và trang thiết bị, còn việc đầu tư kho bãi rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu tập kết, lưu giữ hàng hóa, không có khả năng để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên cảng. Trong cùng một khu vực, doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hóa đến bến cảng của mình đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Và, điều đặc biệt là, việc giao toàn bộ vùng đất, vùng nước cầu, bến cảng biển tại những vị trí đắc địa có giá trị thương mại cao (do Nhà nước đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng) cho tư nhân, nước ngoài xây dựng và khai thác, vô hình trung làm cho lợi nhuận sinh ra từ vị trí đắc địa của cảng biển được chuyển cho tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài...

Khắc phục bằng... chính quyền cảng 

Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên đã được Bộ GTVT nhận diện. Đó là do “thiếu một cơ quan đóng vai trò nhạc trưởng chịu trách nhiệm điều phối chung về sự đồng bộ trong lập và điều chỉnh quy hoạch chi tiết, triển khai quy hoạch, thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư, phương thức đầu tư, khai thác hạ tầng cảng biển và hạ tầng kết nối cảng biển, khu hậu cần sau cảng”.Cho nên, theo bộ này, cần phải có mô hình tổ chức phù hợp để thống nhất và phát huy thế mạnh của vùng đất, vùng nước cũng như các chủ thể tham gia đầu tư khai thác cảng, hậu cần cảng.

Sau khi nghiên cứu, khảo sát mô hình quản lý khai thác cảng biển đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều nước hàng hải phát triển, Bộ GTVT đã đề xuất thành lập Ban Quản lý khai thác cảng biển - có chức năng như một chính quyền cảng - Port Authority/Port Management Body. Cũng như chính quyền cảng của các nước, Ban Quản lý khai thác cảng biển do bộ đề xuất là một tổ chức do Nhà nước thành lập, được giao quyền tự chủ cao, được hưởng nhiều ưu đãi, được vừa quản lý vừa kinh doanh...

Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc quy định: Ban quản lý được áp dụng cơ chế tài chính theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời, Chính phủ cũng giao cho ban quản lý này quản lý vùng đất, vùng nước cảng biển trong phạm vi địa phận của cả Hải Phòng và Quảng Ninh. Cụ thể, ban sẽ quản lý 2.139,3538 héc ta đất (Hải Phòng 914,1746 héc ta, Quảng Ninh 1.225,1792 héc ta) và 17.583,8361 héc ta mặt nước (Hải Phòng 17.056,4855 héc ta, Quảng Ninh 527,3506 héc ta).

Để quản lý vùng đất, vùng nước được giao hiệu quả, Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc được trao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể và chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển được giao; đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch; đăng ký đầu tư, thẩm tra và cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư khu hậu cần sau cảng...

Chưa hết, Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc còn được ban hành các quy chế quản lý các hoạt động trong vùng đất, vùng nước cảng biển được giao; tổ chức quản lý việc đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển và kết cấu hạ tầng hậu cần sau cảng; tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng, bến cảng biển; kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà khai thác tại cảng biển, khu đất hậu cần sau cảng; cung cấp dịch vụ hoa tiêu, lai dắt, logistics và các dịch vụ liên quan khác trong khu vực vùng đất, vùng nước được giao; quyết định mức thu phí dịch vụ tại vùng đất, vùng nước được giao...

Dự kiến Hội đồng thành viên của Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc bao gồm Chủ tịch, các thành viên chuyên trách và không chuyên trách (số lượng thành viên không quá chín người). Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên đại diện Bộ GTVT, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng (làm việc theo chế độ chuyên trách), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và môi trường.

Theo Bộ GTVT, việc thành lập Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc dưới sự giám sát của các bộ ngành, địa phương liên quan sẽ góp phần điều tiết tổng thể việc đầu tư xây dựng, khai thác của toàn bộ các cầu bến cảng trong khu vực, đảm bảo việc khai thác hài hòa và hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển hiện có tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và kết cấu hạ tầng cảng biển dự kiến xây dựng trong thời gian tới tại cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc.

Có xung đột lợi ích?

Góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc, Bộ Quốc phòng lo môi trường kinh doanh sẽ bất bình đẳng khi dự thảo xây dựng mô hình ban quản lý có đồng thời hai chức năng: vừa quản lý vừa kinh doanh. “Ban quản lý thực chất là một doanh nghiệp đặc biệt có ưu thế trong việc tự quyết định những ưu đãi cho chính mình. Điều này tạo ra nguy cơ bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh”, văn bản của bộ này viết.

Bảo vệ quan điểm của mình, Bộ GTVT, cho rằng vấn đề này đã được bộ giải trình với Quốc hội và đã được Quốc hội chấp thuận (thông qua tại điều 88 Bộ luật Hàng hải năm 2015). Theo Bộ GTVT thì ban quản lý sẽ không trực tiếp tham gia hoạt động khai thác cảng và hoạt động kinh doanh khai thác trên khu đất sau cảng nên sẽ không có nguy cơ bất bình đẳng trong kinh doanh. Thực tế, tại các nước, mô hình Ban Quản lý khai thác cảng/chính quyền cảng - Port Authority/Port Management Body đều có hai chức năng này.

UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Hải Phòng góp ý việc bàn giao vùng đất, vùng nước thuộc khu bến cảng Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) cũng như khu vực thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) cho Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc là chưa phù hợp, phát sinh thêm đầu mối quản lý nhà nước, có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn. Bộ GTVT cho rằng khu vực vùng đất và vùng nước thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng sau khi đưa vào phạm vi điều chỉnh của nghị định này thì các chức năng, quyền hạn của Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng đối với phạm vi vùng đất và vùng nước đó sẽ được điều chỉnh tương ứng và chuyển giao về ban quản lý khai thác cảng, do vậy sẽ không phát sinh thêm đầu mối quản lý nhà nước cũng như không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. (Thời báo kinh tế Sài Gòn 23/11/2016)

37.  Khen thưởng CBCS Trại Tạm giam Hải Phòng kịp thời ngăn chặn tử tù tự sát

Ngày 22-11-2016, Đại tá Nguyễn Văn Coỏng, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã khen thưởng cán bộ, chiến sĩ Trại Tạm giam Công an TP Hải Phòng về thành tích xuất sắc.

Theo đó vào 22h30’ ngày 20-11-2016, binh nhất Nguyễn Văn Nghĩa chiến sĩ Đội Cảnh sát bảo vệ (thuộc trại tạm giam) làm nhiệm vụ trực theo dõi camera an ninh tại đơn vị. Qua màn hình phát hiện tại buồng giam tử tù Bùi Trọng Nghĩa (32 tuổi, ĐKTT phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, đã bị Tòa án tuyên phạt tử hình về tội giết người năm 2014 đang trong thời gian chờ thi hành án) đang dùng tay xé chăn, cuộn lại thành dây với ý định tự sát.

Ngay lập tức, binh nhất Nguyễn Văn Nghĩa báo cáo lãnh đạo Đội và lãnh đạo đơn vị. Ban giám thị đã kịp thời xuống buồng giam, kiểm tra, động viên, thuyết phục tử tù Bùi Trọng Nghĩa từ bỏ ý định tự sát.

Lãnh đạo trại tạm giam Hải Phòng cho biết binh nhất Nguyễn Văn Nghĩa mới nhập ngũ đầu năm 2016. Sau khi huấn luyện được điều động về đơn vị mặc dù thời gian công tác chưa lâu song đồng chí luôn tận tụy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. (Công an nhân dân 23/11/2016)

THỂ THAO

38. Giải bóng đá vô địch các CLB thành phố Cúp Báo An ninh Hải Phòng – Nhựa Tiền Phong lần thứ 15 – năm 2016: 9 câu lạc bộ tham dự

Chiều 21-11, tại Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Ban tổ chức giải bóng đá CLB thành phố Cup Báo An ninh Hải Phòng – Nhựa Tiền Phong lần thứ 15 – năm 2016 tổ chức buổi họp báo công bố giải và bốc thăm chia bảng đấu. Giải do Báo An ninh Hải Phòng cùng Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phối hợp tổ chức.

9 đội bóng tham gia chia thành 2 bảng đấu. Bảng A gồm 4 đội: CLB Hồng Bàng; CLB mỹ phẩm Khải Thành; CLB Nam Thành và CLB Hưng Phát – Thủy Nguyên. Bảng B gồm 5 đội: CLB Thanh niên Lê Chân, CLB  Ngô Quyền; Nhà đất Gia Minh, CLB Tùng Dương VLC và CLB Nhựa Tiền Phong. Lễ khai mạc giải diễn ra vào ngày 3 -12 tại sân vận động Cảng – Trung tâm bóng đá Hải Phòng. Các đội bóng thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm, chọn ra hai đội xuất sắc nhất mỗi bảng vào thi đấu bán kết và chung kết. Trận chung kết và lễ bế mạc, trao giải diễn ra vào ngày 17-12. (Báo Hải Phòng 23/11/2016)

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố