Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 19/5/2022)

KINH TẾ   

Hải Phòng: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra

Đó là ý kiến đánh giá của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tại buổi họp nghe báo cáo về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, đến hết tháng 3/2022, tổng vốn đầu tư công của TP năm 2022 là 18.143,026 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/5/2022, vốn giao kế hoạch năm 2022 giải ngân đạt 2.316,945 tỷ đồng, bằng 12,8% mức kế hoạch TP giao và 18,2% mức kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân này của TP thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến kết quả giải ngân thấp là việc triển khai thủ tục đầu tư của các chủ đầu tư, các đơn vị chậm dẫn đến số vốn chưa phân bổ, chưa giải ngân còn khá lớn.

Đối với công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công các dự án, từ năm 2019 đến 2021, TP có 13.532 gói thầu. Trong đó, số gói thầu năm 2019, 2020 chiếm khoảng 10% số các gói thầu thực hiện của cả nước; năm 2021 cao gấp 2,87 lần năm 2019, gấp 3 lần năm 2020. Giá trị gói thầu năm 2021 cao gấp 1,63 lần năm 2019, cao gấp 1,5 lần năm 2020. Tuy nhiên, tiết kiệm qua đấu thầu của TP so với bình quân chung của cả nước còn thấp; năm 2021 cao nhất trong 3 năm đạt 3,49%, năm 2020 thấp nhất đạt 1,69%.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang nêu rõ: Trong những năm trước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng luôn trong tốp đầu cả nước, nhưng hiện nay thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, số vốn tồn tại Kho bạc Nhà nước hiện còn rất lớn, đồng nghĩa với nguồn lực để phát triển TP còn nhiều nhưng chưa giải ngân được. Từ thực tế này, đòi hỏi công tác giải ngân vốn đầu tư công phải có cách nghĩ khác, cách làm khác.

Bí thư Thành ủy đề nghị cần làm rõ nguyên nhân khiến cho vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng ở mức thấp như hiện nay. Trên cơ sở đó xác định các giải pháp khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đối với công tác đấu thầu, Bí thư lưu ý các cấp, ngành, địa phương TP cần xem xét kỹ về công tác đấu thầu, nguyên tắc đấu thầu phải làm đúng quy định, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cho hay, thời gian vừa qua các chủ đầu tư, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch, song đến thời điểm này công tác giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu đề ra, thấp hơn so với các năm trước và hiện đang ở mức trung bình của cả nước.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương tập trung vào 3 nội dung: Giải ngân, đấu thầu và lập chủ trương đầu tư các dự án mới, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND TP cho biết, đến tháng 9/2022, TP sẽ thực hiện rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn. Đồng thời, sẽ kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, người đứng đầu và cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra.

Liên quan đến công tác đấu thầu, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Tới đây, TP cũng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. (PhapluatPlus.vn 18/5, Nguyên An; Pháp Luật Việt Nam 19/5, tr15; Baoxaydung.com.vn 18/5; Daidoanket.vn 19/5)

Cục Hải quan Hải Phòng thu ngân sách tăng 21%

Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Hải Phòng luôn chủ động tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, làm thủ tục cho lượng hàng hóa đạt kim ngạch hơn 37 tỷ USD, thu ngân sách đạt 25.210 tỷ đồng, bằng 39,62% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, tăng 21,36% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, thống kê đến tháng 5/2022, Cục Hải quan Hải Phòng đã thu ngân sách đạt 25.210 tỷ đồng, bằng 39,62% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (63.630 tỷ đồng), bằng 37,6% so với chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao phấn đấu (67.050 tỷ đồng), tăng 4.437,85 tỷ đồng (tương ứng 21,36%) so với cùng kỳ năm 2021 (20.772,14 tỷ đồng).

Riêng khu vực Hải Phòng thu được 21.515,52 tỷ đồng, đạt 38,47% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (55.930 tỷ đồng), đạt 36,6% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao (58.800 tỷ đồng), đạt 35,86% chỉ tiêu UBND TP. Hải Phòng giao phấn đấu (60.000 tỷ đồng), tăng 3.385,54 tỷ đồng (tương ứng 18,67%) so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, đến nay đã có 8/9 chi cục trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng đạt số thu ngân sách từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Trong đó, chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 có số thu lớn nhất với 7.330 tỷ đồng, đạt 36,06% chỉ tiêu cả năm.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa làm thủ tục tại Cục Hải quan Hải Phòng tính đến hết tháng 4 đạt hơn 37 tỷ USD. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 18/5, Nguyễn Vân)

Hải quan Hải Phòng làm thủ tục 195.154 tờ khai trong tháng 4

Lượng tờ khai thực hiện thủ tục tại Hải quan Hải Phòng trong tháng 4 tiếp tục chiều hướng tăng và đạt kết quả cao nhất trong 4 tháng đầu năm.

Cụ thể, tháng 4, Cục Hải quan Hải Phòng đã thực hiện thủ tục đối với 195.154 tờ khai, tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 1,32% so với tháng trước. Trong đó, nhập khẩu là 101.899 tờ khai, xuất khẩu là 93.255 tờ khai.

Trong 9 chi cục trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng, đơn vị có lượng tờ khai lớn nhất là Chi cục Hải quan KCX và KCN với 44.166 tờ khai, trong khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 có lượng tờ khai ít nhất với 4.893 tờ khai.

Trong tháng 4, tại Cục Hải quan Hải Phòng, có 64,9% tờ khai được phân vào luồng xanh còn lại là luồng vàng và luồng đỏ.

Tuy nhiên, tại khối chi cục hải quan cửa khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ), tỷ lệ phân luồng tờ khai luồng xanh chỉ chiếm 18,1%; luồng vàng 70,1%; luồng đỏ 11,8%. Như vậy, tỷ lệ luồng vàng và luồng đỏ tại các chi cục hải quan cửa khẩu lên tới 82% (tương đương với 28.498 tờ khai).

Theo ghi nhận của phóng viên, tháng 4 là tháng có lượng tờ khai lớn nhất tại Hải quan Hải Phòng trong 4 tháng đầu năm (tháng 1 là 188.000 tờ khai, tháng 2 là 110.00 tờ khai, tháng 3 là 192.000 tờ khai).

Về tình hình thu ngân sách và kim ngạch xuất nhập khẩu, hết tháng 4, Cục Hải quan Hải Phòng thu được 25.210 tỷ đồng, bằng 39,62% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (63.630 tỷ đồng), bằng 37,6% so với chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao phấn đấu (67.050 tỷ đồng), tăng 4.437,85 tỷ đồng (tương ứng 21,36%) so với cùng kỳ năm 2021 (20.772,14 tỷ đồng); trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 37 tỷ USD. (Haiquanonline.com.vn 18/5, Thái Bình)

Hải Phòng: Phấn đấu quý II/2022, các khu công nghiệp, khu kinh tế không còn điểm lõm sóng

Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa làm việc nghe báo cáo về việc triển khai Chuyển đổi số và hạ tầng viễn thông tại Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết, năm 2022, đơn vị đặt ra mục tiêu 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) sử dụng và tương tác với Ban Quản lý thông qua Hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử tích hợp (eHEZA); 100% công việc được xử lý toàn bộ trên Hệ thống phần mềm văn phòng điện tử; 60% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng các công cụ số; các doanh nghiệp trong KCN, KKT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi về nhận thức, nhân lực, hạ tầng, nền tảng, ứng dụng, dữ liệu…

Đặc biệt, phấn đấu đến quý III/2022 các KCN, KKT sẽ không còn điểm lõm sóng. Đến năm 2025, phát triển kinh tế số trong các KCN, KKT sẽ đạt tối thiểu 30% GRDP của thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động trong các KCN bình quân trên 15%/năm; 80% các quyết định điều hành được hỗ trợ bởi các hệ thống phân tích dữ liệu thông minh; 90% văn bản điện tử, hồ sơ điện tử, hồ sơ TTHC được ký số, số hóa và trả cho tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường số…

Tuy nhiên, vướng mắc hạn chế lớn nhất hiện nay đối với KCN, KKT là một số nhà mạng chưa có tuyến cáp dự phòng vào trong KCN; hạ tầng trạm viễn thông di động các nhà mạng đang tự phát triển dẫn tới việc bố trí diện tích hạ tầng tiện ích gặp nhiều khó khăn; các nhà mạng chưa có sự chia sẻ việc dùng chung hạ tầng sẵn có để có thể tăng chất lượng dịch vụ sóng di động; việc kết nối trong KCN bị phân tán do KCN bị chia cắt làm nhiều khu vực…

Liên quan đến những vướng mắc, cơ chế đầu tư trong các KCN, KKT mà các doanh nghiệp viễn thông nêu ra, phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Kiên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: Hạ tầng viễn thông luôn được coi là hạ tầng thiết yếu, về quy định giá, TP. Hải Phòng đã ban hành đơn giá từ năm 2019 để các doanh nghiệp có thể tham khảo đưa vào hiệp thương giá. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông nêu rõ, các doanh nghiệp thứ cấp cần khẩn trương hoàn thiện các vấn đề mang tính pháp lý như: đăng ký giá, chia sẻ việc dùng chung trạm BTS, nguyên tắc đầu tư phải trên cơ sở dùng chung…

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, để chuyển đổi số trong các KCN, KKT trên địa bàn có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, cần phải làm rõ những vấn đề tồn tại trong các cơ quan Nhà nước hiện nay như: nền tảng, hạ tầng, kho dữ liệu, các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, việc đổi mới áp dụng công nghệ số trong quản lý thông tin, cải cách thủ tục hành chính… Trong quá trình đó, các cơ quan đơn vị của TP. Hải Phòng cần giải quyết các bài toán về hạ tầng phục vụ các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hấp dẫn được các nhà đầu tư..

Hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử tích hợp eHEZA do Ban Quản lý KKT tiên phong triển khai mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ các hoạt động quản lý điều hành. Các giải pháp của Ban Quản lý KKT đưa ra bước đầu có sự đồng bộ. Về dịch vụ hành chính công, phải hướng đến cung cấp các dịch vụ mới, cung cấp dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, đưa các dịch vụ công lên cấp 4, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công, tận dụng dịch vụ bưu chính công ích trong việc trả hồ sơ… Do đó, các cơ quan quản lý TP. Hải Phòng cần có cơ chế phối hợp minh bạch, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, quan tâm đến phát triển hạ tầng tại các KCN, KKT. Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp hạ tầng cần phải nâng cao nhận thức, các doanh nghiệp, hiệp thương thỏa thuận giá… đảm bảo chất lượng, hướng đến mục tiêu không có vùng lõm sóng trong các KCN, KKT trên địa bàn thành phố. (Baoxaydung.com.vn 18/5, Hải Nguyên; Moitruongvadothi.vn 18/5)

Hải Phòng tìm giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hấp thụ, đổi mới công nghệ

Chiều 18/5, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ, phát triển doanh nghiệp TP. Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở đã triển khai hiệu quả và đồng bộ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ với các nội dung bao gồm: hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp nhà nước, thành phố; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các nguồn cung công nghệ từ nước ngoài, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ nước ngoài góp phần thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp của địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại Hải Phòng đạt trên 30% vào năm 2015, trên 40% vào năm 2020 và sẽ đạt khoảng 40,4% trong năm 2022. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của Hải Phòng năm 2013 là 6,69%, đến năm 2022 tốc độ này đạt khoảng 15%.

Tiến sĩ Trần Quang Tuấn nhấn mạnh, kết quả đó cho thấy, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đã trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố. Các hoạt động về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đổi mới công nghệ đã giúp Hải Phòng giữ vững vai trò là một trong 5 thành phố lớn của cả nước với kinh tế phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo tại Israel- quốc gia hàng đầu thế giới về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ông Gal Saf, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Israel hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo qua nhiều kênh, trong đó có việc dành ngân sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển, cung cấp khoản ngân sách phát triển khoa học công nghệ dưới nhiều hình thức. Tại đất nước này, bất kỳ người nào có ý tưởng đều có thể tiếp nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ. Đồng thời, Cơ quan đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ Kinh tế của Israel còn cung cấp nhiều nền tảng thiết thực cho doanh nghiệp, tổ chức, nhằm giải quyết nhu cầu luôn biến động của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo ông Gal Saf, ngoài hỗ trợ chính sách, ngân sách, Israel còn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, chấp nhận thất bại; thất bại được coi là một phần trong thúc đẩy quá trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ Israel cũng phối hợp với các tập đoàn thành lập các vườn ươm để nuôi dưỡng và phát triển ý tưởng sáng tạo. Đây được coi là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội lớn mạnh.

Ngoài phiên thảo luận chung, Hội thảo còn có 2 tọa đàm thảo luận với chủ đề: Hấp thụ, đổi mới công nghệ - động lực tăng trưởng của doanh nghiệp; Giải pháp nâng cao năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Tham gia Tọa đàm, nhiều đại biểu nhấn mạnh về vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách trợ giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường. Đối với bản thân doanh nghiệp, việc hiểu nhu cầu thị trường, tìm nguồn lực hỗ trợ là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. (TTXVN/Vnanet.vn 18/5, Minh Thu; Baoxaydung.com.vn 18/5)

Ngành Thuế Hải Phòng biến thách thức thành động lực

Năm 2021, ngành thuế Hải Phòng triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn. Toàn ngành vừa phải triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách với tỷ lệ tăng cao 33,1%, vừa phòng chống dịch Covid-19… Song, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, quan tâm động viên kịp thời của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã vượt xa kỳ vọng.

Số thu nội địa đạt 36.642 tỷ đồng, vượt 39,4% dự toán Trung ương giao; 4,7% so dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao, tăng 12% so thực hiện 2020.  Các nhiệm vụ công tác thuế đều hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu nhiệm vụ giao; kỷ cương, kỷ luật công vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nội bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống cán bộ công chức tiếp tục được quan tâm, chú trọng… qua đó đã tạo động lực, nền tảng để đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động yên tâm làm việc, góp phần không nhỏ vào kết quả chung toàn ngành trong năm 2021.

Tuy đã đạt được thành tích xuất sắc nhưng Cục Thuế thành phố vẫn nghiêm túc tự nhìn nhận, đánh giá những hạn chế trong công tác quản lý thuế gồm 5 vấn đề: thứ nhất là vẫn còn tình trạng thất thu thuế tại một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, khu vực hộ kinh doanh, thương mại, nhà hàng, vận tải…; thứ hai là việc phân tích, dự báo có thời điểm chưa sát do tình hình dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến công tác điều hành; thứ ba là công tác quản lý đối tượng từ doanh nghiệp đến hộ kinh doanh còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là trong công tác triển khai hóa đơn điện tử; thứ tư thất thu thuế từ những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thông thoáng của nhà nước thành lập doanh nghiệp với mục đích mua bán hóa đơn; thứ năm việc trao đổi, phối hợp giữa ngành thuế với các cơ quan liên quan có hiệu quả chưa cao, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố. Những hạn chế  kể trên đến từ cả khách quan và chủ quan nhưng việc tự nhìn nhận và tự đánh giá thể hiện tinh thần quyết liệt, cầu thị của ngành thuế thành phố.

Kế hoạch, mục tiêu ngành thuế thành phố năm 2022 đã được đề ra một cách tỉ mỉ, bài bản gồm 05 nhiệm vụ trọng tâm đi kèm với 15 giải pháp chủ yếu được thể hiện chi tiết trong Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác thuế năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Trong đó phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán Trung ương giao là: 26.728 tỷ; dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao: 41.000 tỷ, trừ tiền sử dụng đất là: 31.000 tỷ, đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế; hoàn thành chỉ tiêu thu nợ, duy trì tỷ lệ số tiền nợ thuế đạt tỷ lệ dưới 5% tổng thu ngân sách, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kỷ luật, kỷ cương công vụ, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra nội bộ theo chỉ tiêu giao năm 2022.

Những thành tựu đã đạt được của ngành thuế thành phố là minh chứng cho cả một quá trình triển khai thực hiện chính sách quản lý điều hành thuế nhất quán, quyết liệt dựa trên một kế hoạch tỉ mỉ về nhiệm vụ, bài bản về giải pháp.

Tin tưởng rằng ngành thuế thành phố sẽ đạt được những mục tiêu thành công hơn nữa, là lá cờ đầu trong ngành thuế và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. (Vanhoadoanhnghiepvn.vn 18/5, Tuyết Trần)

DU LỊCH

Dự án 5 sao giúp du lịch Hải Phòng cất cánh

Những tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, các khu vui chơi, giải trí cao cấp, tầm cỡ quốc tế mới sẽ gia tăng sức hấp dẫn cho du lịch của TP. Hải Phòng.

Sự giàu có của rừng, của biển, của vịnh, của văn hóa, ẩm thực và những dấu tích lịch sử khiến Hải Phòng được ví như một viên ngọc ẩn mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trước đại dịch COVID-19, năm 2019, Hải Phòng đón 9 triệu du khách trong đó có 1 triệu khách du lịch quốc tế.

Theo đánh giá của Sở Du lịch Hải Phòng, sự phát triển của du lịch thành phố còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa khẳng định được vị trí, lợi thế so sánh trong vùng và khu vực. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ. Hải Phòng còn thiếu nhiều điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm lớn.

Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ TP. Hải Phòng đã và đang tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ cho du lịch của thành phố hoa phượng đỏ. Cả hai nghị quyết này đều khẳng định, du lịch là 1 trong 3 giải pháp đột phá chiến lược cho sự phát triển của thành phố, biến Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế. Đến năm 2025, Hải Phòng đón và phục vụ 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế.

Cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương và Thành phố, UBND TP. Hải Phòng xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch đẳng cấp quốc tế, đẩy nhanh các dự án trọng điểm xây dựng trung tâm thương mại, các khu vui chơi, giải trí tầm cỡ quốc tế.

Trong vòng 2 năm, Hải Phòng có 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 tổ hợp nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao hoàn thành và được đưa vào khai thác. Năm 2022, Hải Phòng sẽ xúc tiến 2 công trình trọng điểm về trung tâm thương mại. Trong đó, dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt vừa chính thức được động thổ vào ngày 14/5/2022. Dự án có tổng số vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Trong hội thảo “Du lịch Hải Phòng - Cơ hội vàng bứt phá” diễn ra vào tháng 4/2022, nhiều đại biểu chỉ ra rằng để trở thành một thành phố du lịch của châu Á, ngoài du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa…, Hải Phòng cần huy động nguồn lực phát triển du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event) – nghĩa là gắn với đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo quốc tế lớn kết hợp du lịch mua sắm.

Tổ hợp 5 sao tại chợ Sắt khi hoạt động sẽ bổ sung thêm nguồn lực thu hút du lịch MICE tại Hải Phòng. Ông Chu Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn cho biết: Ở đây sẽ hình thành tổ hợp công trình hiện đại với diện tích hơn 250.000m2, cung cấp 800 phòng khách sạn 5 sao và 1.700 căn hộ khách sạn. Đặc biệt tại tổ hợp sẽ có trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế tại Hải Phòng, quy tụ nhiều nhãn hàng quốc tế. Như vậy, tổ hợp sẽ bù đắp được những thiếu hụt về địa điểm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị, bãi đỗ xe... của thành phố Cảng.

Theo lãnh đạo quận Hồng Bàng, tổ hợp TTTM chợ Sắt sẽ cùng phố Tam Bạc, phố Thế Lữ và các khu phố cổ xung quanh phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển phố đi bộ; phát triển kinh tế đêm…  Trong tương lai, khu vực này sẽ phát triển giống như chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Đồng Xuân (Hà Nội)…, thu hút đông đảo khách du lịch đến Hải Phòng.

Chính người dân Hải Phòng cũng đặt kì vọng vào sự xuất hiện của tòa tháp đôi trên nền Chợ Sắt cũ. Ông Lương Xuân Đĩnh, một tiểu thương Chợ Sắt cho biết: “Chúng tôi hi vọng trong tương lai, TTTM tại Chợ Sắt sẽ là môt niềm tự hào của thành phố, là điều kiện để chúng tôi có thêm thu nhập. Thành phố đẹp thì khách du lịch sẽ đến nhiều. Du khách đến nhiều thì cuộc sống của chúng tôi sẽ đổi mới hơn”.

Không chỉ tạo ra “lực đẩy” cho du lịch Hải Phòng, dự án mới trên nền Chợ Sắt cũ còn được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, cải tạo cảnh quan đô thị, góp phần hoàn thiện quy hoạch tổng thể mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho thành phố, tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng.

“Trong vòng 36 tháng tới, tôi hi vọng chúng ta sẽ cắt băng khánh thành, đưa tổ hợp trung tâm thương mại tại Chợ Sắt vào hoạt động. Lúc này, tổ hợp không chỉ thu hút lao động địa phương mà đặc biệt nó sẽ thu hút các nhà đầu tư khác đến đầu tư trong khu thương mại của tổ hợp Chợ Sắt. Ngoài ra, tổ hợp còn tạo không gian thu hút các công ty nước ngoài, công ty trong nước đến đặt văn phòng đại diện, chi nhánh tại TP. Hải Phòng; mở ra cơ hội kinh doanh không chỉ trong thương mại mà trong lĩnh vực đầu tư”, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng chia sẻ.

Theo chủ đầu tư, dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để chỉnh trang đô thị tại khu vực Chợ Sắt sẽ do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam quản lý và phát triển. Với kinh nghiệm phát triển nhiều dự án bất động sản cao cấp tại các thành phố lớn, TNR Holdings Vietnam hứa hẹn sẽ mang đến nhiều giá trị tốt đẹp cho TP. Hải Phòng thông qua công trình mới tại Chợ Sắt. (Kinhtedothi.vn 18/5, Minh Khôi)

GIAO THÔNG

Đường dây nóng hỗ trợ chủ phương tiện đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa công bố 4 đường dây nóng hỗ trợ chủ phương tiện khi thí điểm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ có thu phí tự động không dừng.

 Cụ thể, khi chủ phương tiện lưu thông qua trạm thu phí gặp các sự cố dẫn về lỗi thẻ hay không có tiền trong tài khoản có thể gọi đến số điện thoại 0913.585425 (Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và hợp tác quốc tế).

Hoặc chủ phương tiện có thể gọi đến số 0989.084288, là đơn vị quản lý tuyến cao tốc (Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI).  Chủ phương tiện cũng có thể gọi điện cho 2 đơn vị cung cấp dịch vụ là: 0912.480088 (Công ty TNHH thu phí tự động VETC) và 0868.586888 (Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam).

Từ 9 giờ ngày 1-6 tới đây, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu thí điểm chỉ có thu phí tự động không dừng. Khi đó, chỉ các xe đủ điều kiện như có dán thẻ và đủ tiền trong tài khoản giao thông mới được phép đi trên tuyến cao tốc này.

Về công tác chuẩn bị, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với VIDIFI rà soát tổ chức giao thông như hệ thống biển báo hiệu, vạch sơn khu vực các trạm thu phí trên tuyến. Bên cạnh đó, các đơn vị đã lên phương án tổ chức giao thông phục vụ công tác thí điểm thu phí thuần ETC.

VIDIFI đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí xây dựng và ban hành phương án xử lý một số tình huống, sự cố trong quá trình thí điểm chỉ thu phí ETC trên tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát, xử lý các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí điện tử không dừng trên tuyến để có phương án khắc phục xử lý trước khi tiến hành thí điểm, triển khai đường truyền dự phòng bảo thông suốt khi gặp sự cố.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã thành lập tổ công tác triển khai, đánh giá thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Sggp.org.vn 18/5, Minh Anh; Cand.com.vn 18/5; Baogiaothong.vn 18/5; Moitruongvadothi.vn 18/5; Cand.com.vn 18/5)

VĂN HÓA - XÃ HỘI     

Liên đoàn Lao động Thuỷ Nguyên, Hải Phòng: Phấn đấu có 10.800 đoàn viên công đoàn đến năm 2025

Sáng 18/5, Liên đoàn Lao động huyện Thuỷ Nguyên tổ chức toạ đàm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

Tại toạ đàm, các đại biểu thảo luận, trao đổi những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển đoàn viên; sự phối hợp cơ quan BHXH với Liên đoàn Lao động huyện Thuỷ Nguyên trong triển khai phát triển, kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Cùng với đó, chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn khi doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện doanh nghiệp hoạt động, phát triển...

Các đại biểu đề xuất giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động, chăm lo đời sống, quyền lợi người lao động ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Từ đó, thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn với người sử dụng lao động, người lao động, tiến tới thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn....

Liên đoàn Lao động huyện Thuỷ Nguyên hiện quản lý 242 công đoàn cơ sở với 9.695 đoàn viên (chiếm 85,9% tổng số lao động).

Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng giao Liên đoàn Lao động huyện thành lập 10 công đoàn cơ sở, phát triển 600 đoàn viên.

Tuy nhiên, chỉ tiêu thành lập công đoàn bảo đảm, còn chỉ tiêu phát triển đoàn viên khó khăn do trên địa bàn huyện chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa, dưới 100 lao động. Các doanh nghiệp đông lao động chủ yếu tập trung trong các khu kinh tế, công đoàn ngành...

Đến năm 2025, Liên đoàn Lao động huyện Thuỷ Nguyên phấn đấu có 10.800 đoàn viên, doanh nghiệp có 20 lao động trở lên có tổ chức công đoàn; 70% trở lên số doanh nghiệp ngoài nhà nước có điều kiện thành lập tổ chức cơ sở Đảng... (Laodong.vn 18/5, Mai Dung)

Người duy nhất ở Hải Phòng sở hữu 9 bảo vật quốc gia

Trong số 12 bảo vật quốc gia của TP. Hải Phòng có 9 hiện vật thuộc sở hữu của một ông chủ hãng giày dép.

Tại triển lãm mang tên "Cổ vật An Biên" diễn ra mới đây tại Bảo tàng Hải Phòng, nhiều khách tham quan đã được chiêm ngưỡng khoảng 300 cổ vật quý thuộc sở hữu của ông Trần Đình Thăng, chủ một hãng giày dép có tiếng ở Hải Phòng. Trong số đó có 9 bảo vật quốc gia được nhà nước công nhận vào năm 2021.

Các bảo vật quốc gia này gồm có 4 ấm, 3 đĩa, 2 liễn làm từ chất liệu gốm men trắng triều Lý (thế kỷ XI - XII).

9 hiện vật có dáng đẹp cao sang, lớp men trắng độc đáo, văn hoa tinh tế, thuần Việt chứa đựng trong đó tư duy, quan niệm, đạo đời, cõi giới của nhà nước quân chủ Phật giáo. Trong ảnh là hai chiếc ấm gốm men trắng tinh xảo, hoa văn đẹp mắt.

Nhiều khách tham quan đến đây trầm trồ và chụp ảnh bộ sưu tập 300 cổ vật quý nói chung và 9 bảo vật quốc gia nói riêng của ông Trần Đình Thăng. Đến nay, ông là người duy nhất sở hữu tới 9/12 bảo vật quốc gia của TP. Hải Phòng.

3 bảo vật quốc gia còn lại của TP. Hải Phòng thuộc về các di tích tại huyện Kiến Thụy gồm: Thanh Long đao trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan; tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (niên đại thế kỷ XVI) ở chùa Trà Phương, xã Thụy Hương.

Bên cạnh bộ gốm men trắng thời Lý vô cùng quý giá, khách tham quan Bảo tàng Hải Phòng cũng ấn tượng với khoảng 300 cổ vật khác của ông Thăng.

Đồ đồng với những kiểu dáng và hoa văn trang trí cho thấy mối giao lưu qua lại giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán trong giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Chính sự giao thoa văn hóa đã bổ trợ làm phong phú thêm sắc thái văn hóa Việt Nam.

Với sức sống của người Việt, văn hóa Việt đấu tranh chống sự đồng hóa của văn hóa Hán trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên, dòng gốm thô mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vẫn tiếp tục tồn tại đồng thời tiếp thu công nghệ chế tạo và phong cách của đồ gốm phương Bắc.

Qua tìm hiểu được biết, ông Thăng có hơn 40 năm dày công sưu tầm cổ vật ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Những hiện vật này có sự hoàn hảo, nguyên gốc đã thẩm định, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở pháp lý, tính minh bạch khoa học, giá trị nghệ thuật, văn hóa lịch sử và nguồn gốc niên đại.

Tượng Phật làm bằng đá và gỗ quý ngọc am được tạo tác chuẩn mực theo tư tưởng và dạng thức Phật giáo Đại thừa. Tượng tô nhiều màu trên lớp thếp vàng mang phong cách nghệ thuật Trung Hoa giai đoạn thế kỷ XVII - XIX. Trong ảnh là bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh bằng gỗ ngọc am.

Các bảo tàng lớn ở nước ngoài rất chú trọng tượng Phật gỗ cổ phương Đông, đánh giá cao cả nghệ thuật và văn hóa tâm linh. Trong ảnh là 2 tượng Phật Quán Thế âm Bồ tát bằng gỗ ngọc am quý hiếm.

Ngoài tượng Phật tạo tác tinh xảo, ông Thăng còn sở hữu 4 pho tượng Thiên Vương bằng gỗ ngọc am quý hiếm có niên đại thế kỷ XVII - XIX.

Hiện vật thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ (thế kỷ XI - XVII) với đủ loại hình, kiểu dáng, họa tiết của dòng gốm men trắng, men ngọc, hoa nâu ở 2 triều Lý - Trần và gốm hoa lam thời Lê - Mạc cho thấy nghề gốm đã đạt đỉnh cao nghệ thuật chế tác. Nhiều sản phẩm cao cấp của lò Hoàng thành Thăng Long phục vụ cho hoàng cung quốc tự.

Sức sáng tạo của nghệ nhân đã đưa nghệ thuật sản xuất gốm của nhà nước Đại Việt đạt được truyền thống gốm sứ tinh vi và bền vững nhất châu Á, định hình nên một truyền thống riêng biệt.

Trong ảnh là các cổ vật bằng đồng thế kỷ XVI - XVII, phía trước là long mã và ấm đồng, phía sau là 2 con nghê. Cổ vật là di sản chứa đựng nhiều giá trị văn hóa về vật chất lẫn tinh thần, yếu tố quan trọng trong nền tảng văn hóa. Phát huy giá trị cổ vật chính là góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hóa, kinh tế đất nước. (Dantri.com.vn 18/5, Trí Thành)

Y TẾ

Hải Phòng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Y tế

Ngày 18/5, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, Sở Y tế Hải Phòng cùng Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS đã phối hợp tổ chức Hội thảo: “Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số về lĩnh vực Y tế TP. Hải Phòng”.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối rộng rãi tới hơn 270 điểm cầu tại các phòng, Trung tâm Y tế quận, huyện, các Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) sâu rộng ngành Y tế TP. Hải Phòng. Qua đó, sẽ giúp các đơn vị thuộc lĩnh vực Y tế trên địa bàn TP triển khai CĐS của ngành theo tinh thần và yêu cầu trong Quyết định số 284 của UBND TP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành uỷ về Chuyển đổi số TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đại Thắng – Phó Giám đốc Sở TT & TT TP cho biết, CĐS ngành Y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, đồng hành cùng ngành giáo dục và đào tạo, ngành Y tế có vai trò quan trọng trong thực hiện CĐS, thúc đẩy phát triển xã hội số...

Hiện nay, ngành Y tế Hải Phòng có 100% các bệnh viện triển khai phần mềm Quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin Giám định BHXH. Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng là 1 trong 10 bệnh viện đầu tiên toàn quốc triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử. Hoàn thành việc kết nối dữ liệu 100% các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP lên cổng thông tin dược quốc gia. 24/25 các cơ sở khám chữa bệnh đã phối hợp với các Ngân hàng trên địa bàn TP triển khai thanh toán thu viện phí không dùng tiền mặt (trừ Trung tâm Y tế quân dân Y Bạch Long Vĩ do chưa có chi nhánh tổ chức tín dụng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán).

Theo Sở TT&TT, ngành Y tế Hải Phòng đã có những nền tảng cơ bản để thực hiện CĐS. Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn của ngành, giúp ngành y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh, không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Thông qua bệnh án điện tử việc truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa phòng, giữa các bệnh viện một cách nhanh chóng. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn; tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp.

Chia sẻ về tầm nhìn cùng những nhiệm vụ trong tâm về CĐS trong ngành Y tế, ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho hay, tầm nhìn của CĐS ngành Y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành Y tế, hình thành nền Y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Cụ thể, Y tế hướng tới những giải pháp trọng tâm và toàn diện, bao gồm: phát triển nền tảng CĐS, phát triển chính phủ số trong Y tế, phát triển kinh tế số trong Y tế, phát triển xã hội số trong Y tế, CĐS trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, CĐS bệnh viện. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số toàn diện (AI, Big Data, ký số, IoMT, điện toán đám mây...), xây dựng bệnh viện điện tử, không giấy tờ, y tế từ xa.

Bên cạnh đó, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và hạn chế lớn nhất trong các giao dịch điện tử chính là việc ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan cũng như đảm bảo tính xác thực của các giao dịch. Chữ ký điện tử, chữ ký số ra đời dùng để ký các văn bản điện tử nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử. Để bệnh án điện tử, bảo hiểm y tế điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số hay lưu trữ điện tử trong tổ chức thì cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn, chính xác, toàn vẹn của dữ liệu, đó chính là vai trò của ký số. Vì vậy, chữ ký số, lưu trữ điện tử là những hệ thống CĐS quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào, giúp hình thành quy trình số hoàn chỉnh.

Tại hội thảo, ông Hoàng Nguyên Vân – Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS đã trình bày về Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Y tế.

Theo ông Vân, ký số thông thường không thể đáp ứng nhu cầu về lưu trữ tài liệu trong dài hạn bởi tài liệu sẽ không thể xác thực được sau thời điểm chứng thư số hết hạn, bị thu hồi hay nhà cung cấp ngừng dịch vụ. Tính toàn vẹn, chống chối bỏ về nội dung cũng không được đảm bảo. Những tài liệu nhạy cảm về thời gian trong Y tế như hồ sơ, bệnh án điện tử, hợp đồng điện tử, bảo hiểm y tế điện tử... đối mặt với những rủi ro về pháp lý và mất giá trị bằng chứng, chứng cứ.

“Giải pháp trong trường hợp này là phát triển hệ thống ký số theo tiêu chuẩn ký số nâng cao AdES, công nghệ xác thực lâu dài LTV, LTANS, gắn ký đóng dấu thời gian Timestamp cho phép kéo dài hiệu lực xác thực, đảm bảo tính toàn vẹn lâu dài của tài liệu trong 10 năm, 20 năm hay vĩnh viễn với mức độ chống gian lận cao nhất. Kết hợp với những phương thức ký số mới như ký số từ xa, các tổ chức có thể ký số an toàn theo tiêu chuẩn Châu Âu từ bất kỳ đâu, trên bất kỳ thiết bị di động nào mà không phải kết nối thủ công với USB token như trước. Đây sẽ là tương lai của ký số”, ông Vân nhấn mạnh.

Ngoài ra, hội thảo đã có những trao đổi cởi mở, sâu sắc giữa các diễn giả và hơn 270 điểm cầu. Các diễn giả đều nhận định, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành, mọi cấp, toàn dân và toàn diện trên địa bàn TP, là chìa khóa để Hải Phòng phát triển bền vững. Chính vì vây, CĐS đối với ngành Y tế sẽ là tiền đề cho các lĩnh vực cùng bứt phá để CĐS trên mọi lĩnh vực của TP Cảng sẽ diễn ra thành công… (PhapluatPlus.vn 18/5, Thùy Linh; TTXVN 18/5; Giaoduc.net.vn 18/5; Laodong.vn 18/5; Pháp Luật Việt Nam 19/5, tr7)

THỂ THAO

SEA Games 31: Đội tuyển Canoeing Việt Nam giành liên tiếp 2 huy chương Vàng

Sáng 18/5/2022, tại Khu huấn luyện đua thuyền Hải Phòng, Đội tuyển Canoeing/Kayak của Việt Nam đã liên tiếp giành 2 huy chương Vàng.

Hai VĐV Trương Thị Phương và Nguyễn Thị Ngân "mở hàng" cho đoàn Thể thao Việt Nam khi giành HCV nội dung thuyền đôi nữ Canoeing 1000m (WC2 1000).

Ngay sau đó, các tay chèo Hồng Quân, Quốc Toản, Hiền Nam, Trần Thanh cũng xuất sắc về nhất ở nội dung thuyền 4 nam Canoeing 1000m (MC4 1000) để giành tấm HCV thứ hai. (TTXVN/Vnanet.vn 18/5, Minh Đức)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng trong tháng 4 giảm nhẹ so với tháng 3/2022

Theo Công ty CP Cảng Hải Phòng, do tình hình chiến sự tại Ukraine và các sự kiện trên thế giới liên quan làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu, trong tháng 4/2022, lượng hàng hóa thông qua toàn cảng giảm nhẹ so với tháng 3/2022. Cụ thể, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 94,2% kế hoạch tháng; doanh thu đạt 96,3% tháng (trong đó doanh thu khai thác cảng đạt 96,2%). Riêng sản lượng ô tô qua cảng khai thác ổn định với 4.192 xe.

Bên cạnh sản lượng hàng container nội địa và container xuất nhập khẩu đều giảm, song các mặt hàng ngoài container lại tăng khoảng 13% so với tháng 3/2022, tập trung phần lớn tại cảng Hoàng Diệu và các mặt hàng có doanh thu cao như: sắt thép nhập khẩu, thiết bị, gỗ cây, gỗ kiện… đều có xu hướng tăng trưởng khá. Trong đó, riêng tháng 4/2022, cảng Hoàng Diệu đón và khai thác 2 tàu có sản lượng hơn 50.000 tấn và hợp tác với các chi nhánh khai thác 7 tàu, với sản lượng hơn 41.000 tấn.

Cũng trong tháng 4/2022, Cảng Hải Phòng đón thêm tuyến dịch vụ thứ 4 của hãng tàu COSCO nhất Trung Quốc và đứng thứ 4 thế giới, khai thác tại chi nhánh Tân Vũ, nâng tổng số lượt tàu qua Cảng Hải Phòng trong 4 tháng đầu năm lên đến 151 lượt chuyến. Với sự kết hợp đồng bộ trong khai thác, linh hoạt thị trường, tổ chức sản xuất hợp lý nên tuy sản lượng hàng qua cảng giảm nhẹ, song Cảng Hải Phòng vẫn đạt lợi nhận trước thuế 102,2% mức kế hoạch tháng, trong đó lợi nhuận sản xuất kinh doanh chính đạt 103,8% so với mức kế hoạch tháng. (Baohaiphong.com.vn 18/5, Mai Lâm)

Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng tiếp nhận thiết bị đánh giá yếu tố nguy cơ tim mạch- thận

Sáng 18/5, với sự bảo trợ của Hội Tim mạch học Việt Nam, đại diện Astra Zeneca Việt Nam và Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức bàn giao thiết bị đánh giá yếu tố nguy cơ tim mạch - thận, lắp đặt và sử dụng miễn phí tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện.

Theo đại diện Astra Zeneca Việt Nam, với mục tiêu tiếp tục đóng góp vào thành công Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 của Chính phủ, trong đó có bệnh tim mạch, hướng đến đạt tiêu chuẩn chất lượng trong quản lý bệnh, giúp cải thiện kết quả lâm sàng và giảm gánh nặng y tế tại Việt Nam, Astra Zeneca Việt Nam phối hợp Hội Tim mạch học Việt Nam xây dựng chương trình “CAREME - đánh giá yếu tố nguy cơ tim mạch - thận”.

Thực hiện chương trình này, Astra Zeneca Việt Nam lắp đặt 20 thiết bị đánh giá yếu tố nguy cơ tim mạch - thận tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc, trong đó có 1 thiết bị được đặt tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Thiết bị này được nhân viên y tế hướng dẫn người dân sử dụng miễn phí, giúp đánh giá toàn diện bệnh lý tim mạch - thận chuyển hóa, từ đó giúp người dân hiểu biết về tình trạng sức khỏe của mình và cùng tham gia quản lý, phòng ngừa biến chứng tim mạch tốt hơn. (Baohaiphong.com.vn 18/5, Mai Lâm)

Thành lập Chi bộ Công ty TNHH Thương mại thiết bị y tế Gia An (quận Hải An)

Ngày 18/5, Quận ủy Hải An công bố quyết định thành lập Chi bộ Công ty TNHH Thương mại thiết bị y tế Gia An trực thuộc Đảng bộ phường Đông Hải 2. Đây là chi bộ thứ 4 được thành lập từ đầu năm 2022 tại quận Hải An theo Nghị quyết số 28 của Ban Thường vụ Thành ủy về “xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.

Công ty TNHH Thương mại thiết bị y tế Gia An có địa chỉ tại phường Đông Hải 2 (quận Hải An), được thành lập từ tháng 10 năm 2020 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021. Hoạt động chủ yếu của công ty về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân với 34 nhân viên là các y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng... Ngoài việc khám chữa bệnh cho người dân địa phương, công ty còn liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn khám sức khỏe định kỳ cho người lao động một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Đình Vũ. Công ty cũng đang triển khai khám bảo hiểm y tế cho người dân quanh vùng. Trong thời gian cùng quận Hải An và thành phố phòng, chống dịch bệnh COVID-19, công ty cũng cử các bác sĩ và điều dưỡng phối hợp với Trung tâm y tế quận Hải An và Trạm Y tế phường Đông Hải 2 hỗ trợ người dân trên địa bàn. (Baohaiphong.com.vn 18/5, Mai Lâm)

Huyện Thủy Nguyên: Diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2022

Chiều 18/5, tại khu vực tuyến đê Đá Bạc, thuộc xã Gia Đức, UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022. Dự buổi diễn tập có đại diện lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố cùng các ngành liên quan; Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Hoàng.

Tình huống giả định diễn tập được đưa ra là do bão to, sóng lớn kết hợp với nước sông dâng cao làm sạt lở, đe dọa trực tiếp an toàn tuyến đê Đá Bạc, thuộc xã Gia Đức. Cuộc diễn tập gồm các nội dung: kiểm danh lực lượng, phương tiện, dụng cụ và thời gian cơ động đến sự cố đê của đơn vị được huy động; xử lý tình huống chống sạt lở có nguy cơ gây vỡ đê; tìm kiếm cứu nạn người dân gặp nạn trên sông khi bão đổ bộ.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thủy Nguyên đã tổ chức họp khẩn, triển khai các giải pháp đối phó với cơn bão số 4. Với tư tưởng chỉ đạo “Phòng là chính, chống phải tích cực” và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huyện đã huy động lực lượng cùng các trang, thiết bị hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng xử lý cấp tốc sự cố đồng thời tổ chức tìm kiếm người bị nạn, tài sản trôi nổi trên sông.

Cuộc diễn tập PCTT&TKCN huyện Thủy Nguyên 2022 đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện tham gia. Qua đó nâng cao ý thức và khả năng ứng phó khẩn cấp với tình huống bão lớn, chống biến đổi khí hậu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương. (Anhp.vn 18/5, Thủy Nguyên)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Bắt giữ đối tượng nước ngoài bị truy nã

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. Hải Phòng vừa bắt giữ một đối tượng là người nước ngoài đang bị truy nã. Đối tượng là Chen Sifeng (sinh ngày 16/02/1990, hộ chiếu số ED4540794), có lệnh truy nã của Cục Chống buôn lậu, Hải quan Thạch Gia Trang (Trung Quốc) với tội danh buôn lậu. (Đời sống & Pháp luật 19/5, tr23, HAN)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn