Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 19/01/2023)

KINH TẾ

Triển vọng tăng trưởng ngành Hàng hải 2023

Ngành Hàng hải bước sang năm 2023 được đánh giá có nhiều triển vọng tăng trưởng dù không tăng nhanh như hai năm qua.

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, trong đó xuất khẩu sẽ là một “điểm sáng”. Đi liền với đó, ngành Hàng hải sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu tăng trưởng tốt. Theo đánh giá của Hội khoa học Kỹ thuật Tàu thuỷ Việt Nam, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở nên khó có thể tránh khỏi những ảnh hưởng của tình hình chính trị và kinh tế thế giới.

Năm 2023, nhu cầu vận tải container có thể giảm tốc, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng ước tính chưa thể khắc phục cho đến nửa cuối năm 2023. Đây lại là điều kiện để hàng hải phát triển. Vì vậy, ước tính, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty vận tải container (HAH) vẫn ở mức cao. Về các công ty cảng, tăng trưởng lợi nhuận có thể ổn định đối với các cảng nước sâu.

Còn theo đánh giá của Công ty SSI, cảng Cái Mép và Hải Phòng, đặc biệt là các cảng nước sâu sẽ được hưởng lợi chính, do cảng khu vực TP HCM (cảng Cát Lái) đã hoạt động hết công suất. Sản lượng qua cảng Hải Phòng mới đạt 75% tổng nguồn cung năm 2022. Các cảng tại Cái Mép cũng có lợi thế tốt nhất để tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn khó khăn này.

Đánh giá triển vọng năm 2023 với ngành cảng, các chuyên gia kinh tế nhận định, lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành này có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ từ nửa đầu năm 2022, nhưng vẫn tăng trưởng tốt. Do cạnh tranh gay gắt, một số công ty có thể chịu áp lực trong khi các cảng nước sâu tại Cái Mép và Hải Phòng kỳ vọng sẽ đạt kết quả vượt trội. Năm 2023, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các DN này có thể chậm nhưng vẫn sẽ ở mức cao.

Với ngành vận tải container, lợi nhuận của HAH sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Năm 2023, việc mở rộng công suất và gia hạn hợp đồng thuê tàu với mức giá cao hơn có thể hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của HAH. Đối với vận tải hàng lỏng, tăng trưởng lợi nhuận trong ngành phụ thuộc vào loại hợp đồng mà mỗi công ty đang thực hiện. Triển vọng lợi nhuận đối với các công ty vận tải hàng lỏng (cả giá giao ngay và hợp đồng định hạn) sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2023.

Dù được dự báo sẽ vẫn phát triển tốt trong năm 2023 nhưng nhiều nhận định cho rằng sẽ vẫn có những rủi ro trong năm nay với ngành Hàng hải và do đó các DN vận tải biển cần thận trọng. Theo đánh giá, hai năm gần đây có thể xem là giai đoạn thuận lợi với các DN vận tải biển. Bất chấp ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như chi phí nhiên liệu tăng cao, sự tăng mạnh giá cước vận tải vẫn giúp các DN báo lãi đột biến. Tuy vậy, bước sang năm 2023, việc duy trì đà tăng trưởng của các DN vận tải biển là khá khó khăn liên quan đến vấn đề thị trường.

Về dài hạn, DN vận tải biển Việt Nam còn đối mặt nhiều khó khăn do đa số các tàu có trọng tải vừa và nhỏ, đã qua sử dụng trước khi được DN mua lại. Điều này khiến đội tàu liên tục phải đầu tư nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao, từ đó làm gia tăng chi phí. Mặt khác, DN Việt sẽ gặp bất lợi do khách hàng có xu hướng chuyển sang thuê các tàu trọng tải lớn để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, về dài hạn, tiềm năng phát triển của các DN hàng hải Việt Nam là rất lớn khi nước ta có đường biển thuận lợi giao thương quốc tế, kinh tế Việt Nam phát triển năng động và cơ quan chức năng rất quan tâm việc phát triển bền vững. Cụ thể, theo ông Nguyễn Xuân Sang – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, để hỗ trợ các DN phát triển bền vững, lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải đang quy hoạch để phát triển cảng biển theo hướng đồng bộ hơn, hiện đại hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, nước ta đang có hệ thống cảng biển tổng thể hiện đại, đáp ứng dư thừa nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, thỏa mãn các nhu cầu đột biến và nhu cầu hàng hóa trong bối cảnh đặc biệt. Đây là yếu tố quan trọng để DN vận tải biển nói riêng và hàng hải nói chung phát triển bền vững trong thời gian tới. (Baophapluat.vn 19/01, Hữu Sơn)

Rộn ràng những chuyến hàng xuất khẩu đầu năm

Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều nhân viên của doanh nghiệp vận tải khẩn trương hoàn tất thủ tục thông quan hàng hoá cho những chuyến hàng xuất khẩu đầu năm 2023.

Anh Duy Khánh (34 tuổi) nhân viên một doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng cho biết, những ngày đầu năm 2023 dù không phải cao điểm mùa làm thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng (chạy lệnh) nhưng anh và đồng nghiệp vẫn tất bật do các đơn vị, doanh nghiệp hối hả chuẩn bị hàng tiêu dùng Tết và nguyên vật liệu sản xuất sau Tết.

Nam nhân viên chạy lệnh chia sẻ, vào tháng cận Tết những năm trước anh không có thời gian nghỉ vì khối lượng công việc lớn, phải xếp hàng “chạy lệnh” tại các cảng để doanh nghiệp kịp thời phân phối hàng tiêu dùng trước Tết. Thậm chí, cả tháng trời anh và đồng nghiệp chỉ tranh thủ thời gian ít ỏi để nghỉ trưa hoặc ăn tối. Năm nay nhóm chạy lệnh như anh trên cảng đỡ tất bật hơn.

“Năm nay khối lượng hàng hóa do công ty tiếp nhận có giảm, đặc biệt hàng tiêu dùng dịp Tết. Còn các mặt hàng xuất nhập khẩu khác vẫn tăng, tuy nhiên do có kế hoạch sớm nên công việc chạy lệnh được san sẻ trong nhiều tháng. Tết này, tôi và một số đồng nghiệp có nhiều thời gian hơn để đưa gia đình đi mua sắm”, anh Duy Khánh nói.

Còn anh Ngọc Quang (38 tuổi) cho biết, tại các quầy thủ tục hải quan có phần “ảm đạm” hơn những năm trước. Một phần vì khối lượng hàng tiêu dùng dịp Tết giảm, nhiều doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất đã có kế hoạch trước. Ngoài ra, thủ tục đã được cải cách, rút gọn và được áp dụng công nghệ thông tin đồng bộ hơn cũng giúp anh đỡ vất vả. Theo anh Quang, khối lượng hàng hóa ra vào cảng ở Hải Phòng vẫn rất lớn, đa số hàng nông sản, các mặt hàng gia công xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tranh thủ nhập nguyên vật liệu sớm để kịp phục vụ sản xuất sau Tết.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày cận Tết tại các kho bãi chứa hàng ở các cảng Tân Vũ, Đình Vũ, Chùa Vẽ… tấp nập container, xe tải chở hàng xuất nhập khẩu. Nhiều thời điểm trong ngày, cung đường Lê Thánh Tông - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Văn Linh (đường 5 cũ) hoặc tuyến đường đại lộ Bùi Viện (TP. Hải Phòng) thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt buổi sáng hoặc chiều tối.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Viết Trung - Đội trưởng Đội Thủ tục Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 cho biết, ngày đầu năm 2023 và cận Tết Nguyên đán Quý Mão, số lượng tờ khai làm thủ tục tại đơn vị ghi nhận tăng 15,62% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, tờ khai xuất khẩu tăng hơn 50%. Mặt hàng xuất khẩu nổi bật nửa tháng đầu năm là thực phẩm, rau, củ quả các loại với kim ngạch đạt 1,2 triệu USD (14,78%) tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tại chi cục.

Theo bà Trương Bình An - Phó Cục trưởng Hải quan Hải Phòng, năm 2022 dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Hải quan Hải Phòng đã chủ động, nỗ lực và hoàn thành vượt mọi chỉ tiêu. Thu ngân sách đạt 78.752 tỷ đồng (vượt 23,8% dự toán thu ngân sách). Trong đó, riêng khu vực Hải Phòng thu được hơn 67.834 tỷ đồng (vượt 21,3% dự toán).

Năm 2023, Cục Hải quan Hải Phòng được giao thu ngân sách 79.900 tỷ đồng (tăng 25,6% so với năm 2022). Đây là thách thức không nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế được nhận định còn chịu nhiều tác động của COVID-19 và xung đột Nga - Ukraina. Trong 10 ngày đầu năm (từ 1 đến 10/1/2023), đơn vị đã thu được 2.540 tỷ đồng (tăng 9,8% so cùng kỳ 2022). Theo bà An, đây là một tín hiệu mừng cho hoạt động xuất nhập khẩu những ngày đầu năm. (Tienphong.vn 18/01, Nguyễn Hoàn)

Nhiệt điện Hải Phòng: Sau 6 quý có lãi đã quay trở lại lỗ trong quý IV/2022

Trong quý IV/2022, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu đạt 2.238,15 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 7,55 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 272,27 tỷ đồng, tức giảm 279,82 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 15% về chỉ còn 1,9%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 87,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 291,64 tỷ đồng về 41,96 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 48,9%, tương ứng tăng thêm 2,16 tỷ đồng lên 6,58 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 47,8%, tương ứng giảm 15,28 tỷ đồng về 16,72 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 89,8%, tương ứng tăng thêm 18,34 tỷ đồng lên 38,77 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Nhiệt điện Hải Phòng cho rằng nguyên nhân lỗ trong quý IV/2022 do sản lượng hợp đồng Qc giao thấp do đó doanh thu từ Qc không đủ bù đắp chi phí cố định. Bên cạnh đó, tổ máy số 4 đại tu do đó sản lượng phát tăng thêm không nhiều nên Công ty không có nhiều lợi nhuận từ thị trường. Được biết, quý lỗ gần nhất của Nhiệt điện Hải Phòng là quý I/2021 khi ghi nhận lỗ 11,21 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 quý liên tiếp có lãi liên tiếp, Nhiệt điện Hải Phòng lại quay lại lỗ trong quý cuối của năm 2022.

Luỹ kế trong năm 2022, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu đạt 10.510,92 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 570,84 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, Nhiệt điện Hải Phòng đặt kế hoạch doanh thu 10.574,8 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 596,3 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 600,92 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 100,8% kế hoạch năm.

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Nhiệt điện Hải Phòng giảm 5,5% so với đầu năm về 8.219,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 4.615,2 tỷ đồng, chiếm 56,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.314,1 tỷ đồng, chiếm 28,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 31% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 548 tỷ đồng lên 2.314,1 tỷ đồng. Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 39,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 779,9 tỷ đồng về 1.177,4 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng nguồn vốn.

Nhiệt điện Hải Phòng đã có hành vi kê khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI, vi phạm tại điều 142 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.

Trong đó, Nhiệt điện Hải Phòng sẽ bị truy thu và xử phạt vi phạm hành chính là 1.784.599.074 đồng. Theo tìm hiểu, năm 2002, thành lập Công ty cổ phần có vốn của doanh nghiệp Nhà nước để đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng được thành lập ngày 17/9/2002 để đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng.

Trong năm 2011 nhà máy 1 đã đi vào vận hành thương mại, năm 2013, nhà máy 2 tiếp tục đi vào hoạt động, tổng công suất của Nhiệt điện Hải Phòng lên tới 1.200 MW, sản lượng điện sản xuất hàng năm ước tính trên 7,2 tỷ KWh.

Tính tới 30/6/2022, Nhiệt điện Hải Phòng có hai cổ đông lớn là Tổng Công ty Phát điện 2 – CTCP sở hữu 51% vốn điều lệ; CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC – sàn HoSE) sở hữu 25,97% vốn điều lệ và còn lại 23,03% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ. (Baodautu.vn 18/01, Duy Bắc; Doanhnhanvn.vn 18/01)

DU LỊCH

Thu hút du khách đến Hải Phòng bằng đường tàu hỏa

Năm 2022, ngành du lịch Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt để quảng bá các sản phẩm du lịch nội đô, nổi bật là trào lưu Foodtour và Check in Hải Phòng.  Trong dịp Tết Nguyên đán, du khách đi bằng tàu hỏa đến Hải Phòng thêm hào hứng với những toa tàu mang tên “Chuyến tàu Mùa xuân”. (Truyền hình thông tấn - Thời sự 20h ngày 18/01; TTXVN/Vnanet.vn 18/01)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG

Công an Hải Phòng vượt qua thử thách, giữ vững an ninh trật tự trong năm 2022

Với những thành tích đã đạt được trên các mặt công tác, chiến đấu, tại Hội nghị Công an toàn quốc năm 2022, Công an Hải Phòng đã được tặng Huân chương chiến công hạng nhất của Chủ tịch nước và Cờ thi đua của Bộ Công an.

Năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, phức tạp, xuất hiện nhiều yếu tố khó lường mới. Bên cạnh các mối đe dọa an ninh truyền thống, thế giới còn chịu tác động mạnh bởi các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...hậu quả của dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến kinh tế nhiều quốc gia; xung đột giữa Nga và Ukraine làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa…Tình hình đó tác động đến an ninh trật tự trên địa bàn thành phố cảng.

Một số loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, như: giết người do nguyên nhân xã hội; cưỡng đoạt tài sản; hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế ngày càng tinh vi; các loại tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy còn phức tạp; tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng vẫn còn xảy ra.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng, Công an thành phố đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, coi trọng công tác nắm tình hình.

Triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố, bảo đảm tuyệt đối an toàn các môn thi đấu Seagame 31; lễ hội Hoa phượng đỏ; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành rà soát các đề án, kế hoạch bảo vệ an ninh kinh tế, tham mưu triển khai các giải pháp tập trung bảo vệ an ninh trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trong giải quyết khiếu nại tố cáo; chống gây rối an ninh trật tự; chỉ đạo công an các địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết đối với các vụ việc khiếu kiện phức tạp ngay từ cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự các cuộc cưỡng chế, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; Đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ. Công tác quản lý giam giữ và thi hành án được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương và phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an.

Thành phố coi trọng việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; duy trì hoạt động hiệu quả 19 loại mô hình với 532 mô hình (trong đó có 145 mô hình về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, xây dựng mới 102 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc). Triển khai thành công mô hình Công an phường Quán Toan, quận Hồng Bàng là điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị; xây dựng Công an xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Công an nhân dân, tập trung thực hiện cải cách hành chính liên quan đến chức năng của lực lượng công an và công tác cải cách hành chính trong nội bộ Công an Hải Phòng.

Thực hiện tốt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, giúp cho việc triển khai các quy định của Luật Cư trú liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên cổng dịch vụ công thành phố.

Công tác tài chính, hậu cần, kỹ thuật tiếp tục được quan tâm, chủ động tháo gỡ khó khăn, tăng cường khai thác tạo nguồn, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, vật tư, phương tiện bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, chiến đấu của các lực lượng.

Thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tập trung phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kịp thời tội phạm và các vi phạm về kinh tế, ma túy, môi trường. Kết quả là phạm pháp hình sự giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, điều tra khám phá án chung đạt tỷ lệ hơn 83%, bắt giữ, xử lý 1.203 đối tượng, điều tra, xác minh, xử lý 285 vụ việc về kinh tế, 252 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bắt giữ, xử lý 750 vụ với 1.937 đối tượng phạm tội về ma túy, bắt, vận động đầu thú 276 đối tượng truy nã.

Gần đây Công an thành phố chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch HP22 tuần tra, chốt điểm, mật phục, kiểm tra hành chính, vây ráp, thực hiện phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm trên địa bàn thành phố mang lại niềm tin trong nhân dân.

Cả năm 2022 đã phát hiện bắt giữ 23 nhóm với 263 đối tượng có hành vi tụ tập, sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng; 44 vụ với 150 đối tượng vi phạm liên quan đến ma túy; 15 vụ với 24 đối tượng trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản; 8 vụ với 51 đối tượng đánh bạc; bắt giữ 10 đối tượng truy nã; phát hiện, xử lý các cơ sở sang chiết, kinh doanh trái phép khí N2O: 16 điểm 41 đối tượng, thu 3.970 bình; phát hiện 720 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm về trật tự an toàn giao thông điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng.

Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an thành phố về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hoạt động tố chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mang, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hải Phòng phá thành công chuyên án đấu tranh với đường dây tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá với tổng số tiền giao dịch trên 100 tỷ đồng, bắt giữ nhiều đối tượng ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh.

Qua công tác đấu tranh chuyên án đã xác định đối tượng cầm đầu là Nguyễn Duy Khánh ở quận Hải An, TP. Hải Phòng. Khánh nhận tài khoản đại lý tại trang “bong88”, sau đó chia thành nhiều tài khoản nhỏ giao cho các đối tượng khác để thực hiện cá độ.

Ngày 2/12/2022, Ban Chuyên án đã chỉ đạo các lực lượng đồng loạt tiến hành triệu tập, bắt giữ 6 đối tượng, bao gồm: Nguyễn Duy Khánh (SN 1998, trú tại Ngô Gia Tự, Đằng Lâm, Hải An); Hoàng Gia Bảo (SN 1994, trú tại Đông Xá, Thành Tô, Hải An); Nguyễn Ngọc Đức (SN 1997, trú tại Trung Lực, Đằng Lâm, Hải An); Nguyễn Đức Bình (SN 1988, trú tại Trung Lực, Đằng Lâm, Hải An); Trần Công Huy (SN 1996, trú tại Cát Bi, Hải An, Hải Phòng) và Nguyễn Hữu Thiện (SN 1998, trú tại: chung cư Sunshine City Sài Gòn, phường Tân Phú, Quận 7, TP Hồ Chí Minh).

Căn cứ tài liệu điều tra xác định các đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc, vi phạm quy định tại Điều 321 và Điều 322 Bộ luật hình sự, phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật, tiếp tục xác minh, điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng.

Còn rất nhiều chuyên án, nhiều chiến công thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Công an TP Cảng trong năm qua. Với những thành tích đã đạt được trên các mặt công tác, chiến đấu, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 năm 2022, Công an Hải Phòng đã được  tặng Huân chương chiến công hạng nhất của Chủ tịch nước và Cờ thi đua của Bộ Công an.

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng cho biết: Phát huy thành tích đã đạt được năm 2022, bước sang năm mới 2023, Đảng ủy, Lãnh đạo Công an TP quán triệt chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, và Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng tổ chức triển khai công tác công an năm 2023 theo tinh thần Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 với khẩu hiệu hành động: “Xây dựng Công an TP. Hải Phòng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, toàn lực lượng Công an TP. Hải Phòng tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xác định tình hình an ninh trật tự sẽ còn tiềm ẩn phức tạp, công tác đấu tranh với một số loại tội phạm như, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong kỷ nguyên số, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm hoạt động theo băng ổ nhóm… sẽ còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tập trung tăng cường cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu và Công an xã; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động công tác, chiến đấu.

Lãnh đạo Công an thành phố sẽ chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục triển khai các đề án về công tác tổ chức cán bộ, chuẩn hóa các phương pháp, chế độ, quy trình làm việc, phát huy vai trò người đứng đầu để nâng cao chất lượng công tác, chiến đấu của các cấp công an, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu công tác, bảo đảm tốt an ninh trật tự, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân thành phố Cảng. (Vov.vn 18/01)

Một năm vượt qua thử thách, giữ bình yên cho thành phố Cảng

Năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Thành ủy, Uỷ ban nhân dân TP. Hải Phòng, Công an thành phố đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ lực lượng Công an làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Công an TP. Hải Phòng đã chủ động triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố ,bảo đảm tuyệt đối an toàn các môn thi đấu Seagame 31; lễ hội Hoa phượng đỏ.

Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành rà soát các đề án, kế hoạch bảo vệ an ninh kinh tế, tham mưu triển khai các giải pháp tập trung bảo vệ an ninh trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trong giải quyết khiếu nại tố cáo; chống gây rối an ninh trật tự; chỉ đạo công an các địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết đối với các vụ việc khiếu kiện phức tạp ngay từ cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự các cuộc cưỡng chế, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; Đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ. Công tác quản lý giam giữ và thi hành án được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương và phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an.

Thành phố coi trọng việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; duy trì hoạt động hiệu quả 19 loại mô hình với 532 mô hình (trong đó có 145 mô hình về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, xây dựng mới 102 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc).

Triển khai thành công mô hình Công an phường Quán Toan, quận Hồng Bàng là điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị; xây dựng Công an xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Công an nhân dân, tập trung thực hiện cải cách hành chính liên quan đến chức năng của lực lượng Công an và công tác cải cách hành chính trong nội bộ Công an Hải Phòng.

Thực hiện tốt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, giúp cho việc triển khai các quy định của Luật Cư trú liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên cổng dịch vụ công thành phố.

Cũng trong năm qua, Công an TP. Hải Phòng thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tập trung phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kịp thời tội phạm và các vi phạm về kinh tế, ma túy, môi trường. Kết quả là phạm pháp hình sự giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, điều tra khám phá án chung đạt tỷ lệ hơn 83%, bắt giữ, xử lý 1.203 đối tượng, điều tra, xác minh, xử lý 285 vụ việc về kinh tế, 252 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bắt giữ, xử lý 750 vụ với 1.937 đối tượng phạm tội về ma túy...

Gần đây, Công an thành phố chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch HP22 tuần tra, chốt điểm, mật phục, kiểm tra hành chính, vây ráp, thực hiện phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm trên địa bàn thành phố mang lại niềm tin trong nhân dân. Cả năm 2022 đã phát hiện bắt giữ 23 nhóm với 263 đối tượng có hành vi tụ tập, sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng...

Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Công an thành phố về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hoạt động tố chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mang, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự công an thành phố Hải Phòng phá thành công chuyên án đấu tranh với đường dây tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá với tổng số tiền giao dịch trên 100 tỷ đồng, bắt giữ nhiều đối tượng ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh. (Daibieunhandan.vn 18/01, Ngọc Quỳnh)

Bắt "ông trùm" cùng 6 bánh heroin trong phòng trọ

Ngày 18/1, Công an TP. Hải Phòng đã bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển 6 bánh heroin từ tỉnh Điện Biên về Hải Phòng để đưa đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ.

Trước đó, vào hồi 17 giờ 20 phút ngày 3/1, tại phòng 206 khách sạn Đăng Quang (số 302 đường Trần Nguyên Hãn, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an TP. Hải Phòng đã bắt quả tang Mùa A Hạnh (23 tuổi, trú tại bản Tin Tốc B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) có hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Tang vật thu giữ gồm 6 bánh heroin có trọng lượng 2,09 kg, 2 điện thoại di động, 1,9 triệu đồng cùng một số vật chứng khác.

Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an TP. Hải Phòng cũng thực hiện lệnh bắt giữ khẩn cấp Chá A Nếnh (22 tuổi, trú tại bản Huổi Un, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), đối tượng giúp sức tích cực cho Mùa A Hạnh trong hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý. Theo Công an TP. Hải Phòng, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý do Mùa A Hạnh cầm đầu, Chá A Nếnh là đối tượng giúp sức tích cực.

Để đối phó với lực lượng Công an trong việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý từ tỉnh Điện Biên về Hải Phòng cũng như tiếp tục đưa đi các địa phương khác tiêu thụ, Mùa A Hanh và Chá A Nếnh thường xuyên thay đổi số điện thoại, thường xuyên thay đổi lộ trình di chuyển khi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng đang mở rộng điều tra vụ án, làm rõ những đối tượng liên quan. (Nld.com.vn 18/01, Tr.Đức; Kienthuc.net.vn 18/01; Giaoducthoidai.vn 18/01; Nhandan.vn 18/01; Phapluat.tuoitrethudo.com.vn 18/01)

Trại giam Xuân Nguyên tổ chức nhiều hoạt động đón Tết cho phạm nhân

Trại giam Xuân Nguyên (thuộc Cục C10, Bộ Công an) đóng trên địa bàn 2 xã Lại Xuân và Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng là nơi giam giữ khoảng 3.700 phạm nhân, trong đó có hơn 700 phạm nhân là nữ.

Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, Trại giam Xuân Nguyên xem xét, đề nghị giảm thời hạn án phạt tù cho 908 phạm nhân. Trong số đó 183 phạm nhân được giảm hết thời hạn án phạt tù, các phạm nhân khác có mức giảm từ 2 tháng đến 27 tháng, số phạm nhân tù chung thân được giảm xuống 30 năm tù là 4 người. (Vov.vn 19/01, Nguyễn Hiền - Trọng Phú - Phan Trang)

VĂN HÓA – XÃ HỘI

TP. Hải Phòng trang hoàng đón Tết

Dịp Tết Quý Mão, UBND TP. Hải Phòng giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị trang trí hoa tươi tại quảng trường Nhà hát lớn, tượng Lê Chân, hồ Tam Bạc, cùng 8 vườn hoa với tổng chiều dài 2,7 km. (Vnexpress.net 19/01, Lê Tân)

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng ngày 18/1, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hương kính viếng, tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại TP. Hải Phòng và tại quê nhà đồng chí ở tỉnh Thái Bình.

Theo đó, nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam - dẫn đầu dâng hương viếng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Nhà tưởng niệm đồng chí ở xã An Đồng (huyện An Dương, TP. Hải Phòng).

Cùng tham dự dâng hương trong đoàn còn có đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện LĐLĐ TP. Hải Phòng, LĐLĐ huyện An Dương. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1931) sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước, hiếu học tại làng Diêm Điền (thuộc tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh; nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Được giác ngộ cách mạng rất sớm, đồng cảm với nỗi thống khổ của của công nhân và nhận thấy sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân nếu được đoàn kết lại, đồng chí đã trực tiếp tham gia, vận động, tổ chức thành phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.

Ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam) ngày nay. Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ đặc biệt có ý nghĩa đối với phong trào công nhân Việt Nam và hoạt động tổ chức Công đoàn.

Tháng 2/1930, đồng chí tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân công giữ các trọng trách: Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Phụ trách công tác tuyên huấn tại Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đóng vai trò quan trọng, cùng với Xứ ủy Trung Kỳ xây dựng một hệ thống báo Đảng từ xứ đến tỉnh và các cơ sở.

Tháng 4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Vinh (Nghệ An). Mặc dù bị tra tấn bằng nhiều hình thức, nhưng đồng chí quyết không khai nhận, sau đó bị thực dân Pháp xử tử tại đề lao Hải Phòng - nơi sau này được xây dựng thành Khu tưởng niệm đồng chí tại TP. Hải Phòng.

Cùng ngày, đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam dẫn đầu cũng đã về dâng hương, dâng hoa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại tại Khu lưu niệm đồng chí tại quê nhà thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đại diện lãnh đạo và trưởng các ban, đơn vị thuộc LĐLĐ tỉnh Thái Bình, lãnh đạo LĐLĐ huyện Thái Thụy cùng tham gia lễ viếng, dâng hương. (Laodong.vn 18/01, Trung Du)

Hơn 1.400 công nhân ngành Giao thông Vận tải được chăm lo cho dịp Tết

Chiều 18/1, tại Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ông Phạm Hoài Phương - Chủ tịch Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam… đã tới thăm động viên và chúc Tết người lao động các đơn vị Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực II; Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hàng khu vực I; Trạm đèn biển Hoàn Dấu thuộc Xí nghiệp bảo đảm ATHH đông bắc bộ; Đài vệ tinh mặt đất Inmarsat Hải Phòng; Chi cục đường thủy khu vực I nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang và Chủ tịch Công đoàn ngành Phạm Hoài Phương trao quà, động viên, chúc Tết cán bộ, công nhân lao động cùng gia đình họ năm mới an khang, thịnh vượng, sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trước đó, từ ngày 12-17/1, lãnh đạo Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam, Quỹ Từ thiện Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam đến thăm và hỗ trợ cho cựu thanh niên xung phong, cựu Bộ đội Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Quý Mão.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, một số đơn vị có công nhân lao động khó khăn được Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam, Quỹ Từ thiện Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam hỗ trợ như Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải, Bệnh viện Giao thông vận tải, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng...

Được biết, hơn 2,5 tỉ đồng được trích từ Quỹ Từ thiện Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam để tặng quà Tết cho hơn 1.400 công nhân lao động và cựu thanh niên xung phong, cựu Bộ đội Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Phạm Hoài Phương - Chủ tịch Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam - cho biết, hoạt động thăm, tặng quà nằm trong Kế hoạch số 1434/KH-CĐN ngày 4.1.2023 của Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam về việc thăm cán bộ, công nhân, viên chức, lao động các đơn vị nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. (Laodong.vn 19/01, Hà Anh)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy tiếp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố thăm, chúc Tết Thành ủy Hải Phòng

Sáng 18/1, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố làm Trưởng đoàn, đến thăm, chúc Tết lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng. Tiếp đoàn có đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; đại diện lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ).

Trong không khí vui mừng, phấn khởi của những ngày giáp Tết, thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, Hòa thượng Thích Quảng Tùng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Giáo hội, tăng ni, Phật tử tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa; chúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới.

Thay mặt lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến cảm ơn sự quan tâm của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố và tăng ni, phật tử dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố. Thông tin một số kết quả nổi bật của thành phố trong năm qua, đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, trong những thành tựu chung đó có sự đóng góp, đồng hành của tăng ni, phật tử. Thời gian tới, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến mong muốn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động các tăng ni, phật tử chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của thành phố; phát huy tinh thần hướng thiện, tính nhân văn, góp sức xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp. (Baohaiphong.com.vn 18/01, Duy Thính)

Hộ dân ở xã Đông Sơn khiếu nại về bồi thường, thu hồi đất thực hiện dự án quốc lộ 10

Báo Hải Phòng nhận được đơn của ông Vũ Tiến Dũng (Vũ Văn Dũng) ở thôn 1, xã Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên) khiếu nại phương án bồi thường, hỗ trợ của các cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên khi thu hồi đất của gia đình thực hiện Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền.

Trong đơn, ông Dũng trình bày: Năm 1995, gia đình ông được UBND huyện Thủy Nguyên giao 200 m2 đất ở tại thôn 1 xã Đông Sơn. Đến năm 2007, sau khi đo đạc hiện trạng sử dụng đất và thực hiện các thủ tục liên quan, UBND huyện Thủy Nguyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thửa đất nói trên cho gia đình ông với số hiệu AH539275, thửa số 1273 tờ bản đồ số 3, với diện tích 165,8 m2. Tháng 7-1995, UBND xã đề nghị và gia đình nộp 850 nghìn đồng để nhận thêm phần đất thừa có diện tích khoảng 17 m2, sát với thửa đất được cấp (có biên lai thu tiền của UBND xã Đông Sơn).

Năm 2000, quốc lộ 10 được cải tạo, nâng cấp, gia đình ông bị thu hồi 34,7 m2 đất, được bồi thường theo chế độ đối với diện tích thu hồi đất ở. Phần đất còn lại, gia đình ông sinh sống, ăn ở ổn định từ đó đến nay. Tuy nhiên, khi thực hiện Dự án đầu tư cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 nêu trên, UBND huyện Thủy Nguyên thu hồi của gia đình ông 32,3 m2 đất, trong đó xác định 2,6 m2 đất nằm trong GCNQSDĐ và 29,7 m2 đất hành lang giao thông.

Trong khi đó, đối với diện tích đất thu hồi của gia đình ông Phạm Văn Thời, bà Nguyễn Thị Liên ở thôn 5, xã Đông Sơn nằm cùng dải đất với gia đình ông Dũng lại được UBND huyện Thủy Nguyên xác định là đất ở và bồi thường cả về đất và 100% giá trị tài sản trên đất. Điều đó không công bằng giữa các hộ dân có đất bị thu hồi.

Sáng 11/1, ông Dũng cho biết thêm: Hiện gia đình không nhất trí với phương án bồi thường do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên xây dựng, nên tiếp tục khiếu nại.

Sáng cùng ngày, Phó chủ tịch UBND xã Đông Sơn Vũ Văn Tuấn cho biết: Theo hồ sơ sổ sách quản lý đất đai tại địa phương, thửa đất mà hộ ông Dũng đang sử dụng được UBND huyện Thủy Nguyên giao từ năm 1995 với diện tích 200 m2. Năm 2001, khi cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, hộ ông Dũng bị thu hồi 34,7 m2, nên diện tích đất ở còn lại là 163,3 m2. Ngày 4-5-2007, UBND huyện Thủy Nguyên cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Dũng với diện tích 165,8 m2. Phần diện tích đất được cấp GCNQSDĐ cách tim quốc lộ 10 là 13,6 m đến 14 m.

Căn cứ GCNQSDĐ với trích đo địa chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 cùng các quy định của pháp luật, cơ quan chức năng xác định, diện tích đất trong chỉ giới thu hồi của hộ ông Dũng có 2,6 m2 đất ở nằm trong GCNQSDĐ và 29,7 m2 là đất hành lang giao thông. Trước thời điểm thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức đối thoại với các hộ dân, trong đó có hộ ông Dũng và sau đó gia đình ông Dũng đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Do vậy, UBND xã Đông Sơn chưa ban hành văn bản trả lời khiếu nại gửi tới ông Dũng.

Tại văn bản số 3466/UBND-TNMT ngày 18/10/2022, UBND huyện Thủy Nguyên chỉ rõ, theo mảnh trích đo địa chính tỷ lệ 1/500 do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế công trình xây dựng Hải Phòng lập tháng 1/2021, được Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt, thửa đất hộ ông Dũng sử dụng trên thực tế có diện tích 201,9 m2. Theo phương án bồi thường hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 1611/QĐ-UBND ngày 16/3/2022 của UBND huyện Thủy Nguyên, 2,6 m2 đất ở của hộ ông Dũng được bồi thường theo đơn giá 10 triệu đồng/m2. Toàn bộ phần tài sản thuộc diện tích đất ở bị thu hồi được bồi thường 100% giá trị.

Đối với phần tài sản nằm trên 29,7 m2 đất hành lang giao thông được bồi thường 30% giá trị. Tổng số tiền hộ ông Dũng được bồi thường do thu hồi đất phục vụ dự án là hơn 189 triệu đồng. Đối với ý kiến về việc hộ gia đình ông Phạm Văn Thời có diện tích đất bị thu hồi cũng nằm trên cùng dải đất với hộ ông Dũng nhưng lại được đền bù 100% diện tích theo loại đất ở, ông Tuấn cho biết: Hiện nay, toàn bộ tài liệu, hồ sơ về mốc giới tim đường quốc lộ 10 đoạn qua xã Đông Sơn từ năm 2001 bị thất lạc.

Do đó, UBND xã Đông Sơn và các cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên căn cứ vào diện tích đất trên GCNQSDĐ đã cấp cũng như diện tích đất sử dụng thực tế của từng hộ để tính toán xây dựng các phương án bồi thường bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật và hài hòa lợi ích của người dân.

Như vậy, mặc dù đã bàn giao mặt bằng nhưng hộ ông Dũng vẫn chưa nhất trí với phương án bồi thường thu hồi đất do các cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên lập và khiếu nại tới UBND xã Đông Sơn. UBND xã Đông Sơn cần đối thoại, giải thích và giải quyết đơn khiếu nại của ông Dũng, có văn bản trả lời gửi tới công dân theo quy định. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giải thích để các hộ dân hiểu và đồng thuận với chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án trên. (Baohaiphong.com.vn 18/01)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Điểm sáng đầu tư hạ tầng đô thị tại Hải Phòng

Trong năm 2022, Hải Phòng đã khởi động hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng để xây dựng diện mạo đô thị khang trang, hiện đại. Các thương hiệu bất động sản lớn cũng góp phần tô điểm vẻ đẹp đô thị Hải Phòng khi bắt tay xây dựng những công trình mang tính biểu tượng. (Laodongthudo.vn 18/01)

Hội báo Xuân Hải Phòng Quý Mão 2023: Trưng bày ảnh thành tựu kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng năm 2022

Ngày 17/1, tại trụ sở Hội Nhà báo Hải Phòng, Hội Nhà báo Hải Phòng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, Báo Hải Phòng và các đơn vị chức năng tổ chức khai mạc Hội báo Xuân Quý Mão 2023; trưng bày Ảnh thành tựu kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng năm 2022. (Nguoilambao.vn 18/01, Trọng Nhân)

Ngắm pháo hoa ở đâu trong đêm giao thừa dịp Tết 2023?

TP. Hải Phòng dự kiến bắn pháo hoa xen kẽ giữa tầm cao và tầm thấp tại 12 địa điểm trong thành phố. Một số nơi ngắm pháo hoa dịp Tết này là bờ hồ Tam Bạc và sân thượng Nhà triển lãm thành phố, bờ hồ An Biên, khu công nghiệp VSIP (huyện Thủy Nguyên), khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), sân vận động huyện Tiên Lãng… (Thesaigontimes.vn 18/01, T.Đào)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn