Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 18/3/2021)

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Hải Phòng: Một phụ nữ tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày 17/3, Ban Chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND TP. Hải Phòng nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã họp về công tác tổ chức bầu cử.

Theo ghi nhận của Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND TP. Hải Phòng nhiệm kỳ 2021 - 2026, đến 17h ngày 14/3, Hải Phòng ghi nhận có 1 nữ đại biểu tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; có 6 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Chưa ghi nhận những người tự ứng cử đại biểu HĐND TP và đại biểu HĐND cấp quận, huyện.

Như vậy, đến nay, Hải Phòng có 15 người gồm 1 người tự ứng cử, 14 người được cơ quan, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bầu 9 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Có 122 người ứng cử để bầu 67 đại biểu HĐND thành phố (TP). Có 907 người ứng cử để bầu 496 đại biểu HĐND cấp quận, huyện và 9.458 người (trong đó 6 trường hợp tự ứng cử) để bầu 5.217 đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND TP. Hải Phòng nhiệm kỳ 2021 - 2025 đánh giá, đến nay, Hải Phòng đã thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP. Hải Phòng sớm trước 20 ngày so với quy định.

Đối với cấp quận, huyện; xã, phường, thị trấn, Ủy ban bẩu cử cấp này cũng được thành lập sớm, trước 11 ngày so với luật định. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND các cấp hoàn thành sớm hơn 2 ngày so với luật định. Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất tại thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn về giới thiệu đại biểu ứng cử cũng sớm 9 ngày so với luật định.

Từ những kết quả này, Bí Thư Thành ủy Hải Phòng nêu rõ, để kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, cử tri lựa chọn những đại biểu biểu ưu tú nhất tham gia vào các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, các ngành, các địa phương của Hải Phòng cần tập trung cao hơn nữa cho công tác tuyên truyền bầu cử. (Daidoanket.vn 17/3, Nam Khánh)

Có 15 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV

Ngày 17/3, Ban chỉ đạo về công tác bầu cử của Thành ủy và Ủy ban bầu cử TP. Hải Phòng tổ chức họp giao ban công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử thành phố (TP), công tác bầu cử được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian theo luật định, nhiều nhiệm vụ hoàn thành sớm hơn so với luật định. Ngày 18/1, Hải Phòng đã thành lập Ủy ban bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026, sớm 20 ngày so với luật định, cùng 4 tổ công tác giúp việc Uỷ ban bầu cử TP. 15 quận, huyện và 217 xã, phường, thị trấn cũng đã thành lập Uỷ ban bầu cử quận, huyện, xã phường, thị trấn trước ngày 27/1.

Đến nay, đã hoàn thành dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND TP, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứn cử; ấn định và công bố số đơn vị bầu cử ĐBQH và HĐND. Tổng số đại biểu HĐND TP khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu là 67 đại biểu, chia thành 14 đơn vị bầu cử; tổng số ĐBQH được bầu là 9 đại biểu, chia thành 3 đơn vị bầu cử; số đại biểu HĐND quận, huyện được bầu là 496 đại biểu, chia thành 133 đơn vị bầu cử và 5.217 đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn, chia thành 1.500 đơn vị bầu cử.

TP và các quận, huyện, xã, phường, thị trấn cũng đã hoàn thành việc thành lập Ban bầu cử ĐBQH và HĐND. Đến ngày 14/3, số người ứng cử ĐBQH khóa XV và Đại biểu HĐND TP gồm: 15 ĐBQH (trong đó có 14 người được cơ quan, đơn vị giới thiệu, 1 người tự ứng cử); 122 người ứng cử Đại biểu HĐND TP (không có người tự ứng cử); 907 người ứng cử Đại biểu HĐND cấp quận, huyện (không có người tự ứng cử) và 9.458 người ứng cử Đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn (trong đó có 6 người tự ứng cử).

Hiện, việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 2, công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử, kinh phí bầu cử; công tác thông tin tuyên truyền; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử về những người ứng cử ĐBQH và HĐND; công tác bảo đảm an ninh trật tự cùng các nhiệm vụ khác cũng đang được tiến hành theo đúng luật định. (Phapluatplus.vn 17/3, Toàn – Nhung; Baophapluat.vn 17/3)

Bộ Công an xây dựng thí điểm Công an phường điển hình kiểu mẫu

Sau khi triển khai thí điểm Công an phường điển hình kiểu mẫu về xây dựng lực lượng, an ninh, trật tự và văn minh đô thị, Bộ Công an sẽ nghiên cứu để lựa chọn, thí điểm Công an xã ở nhiều địa bàn khác nhau, sau đó nhân rộng ra toàn quốc.

Ngày 17/3, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với các đơn vị nghiệp vụ và Công an 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng Công an phường điển hình kiểu mẫu về xây dựng lực lượng, an ninh, trật tự và văn minh đô thị.

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang - Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trình bày dự thảo tiêu chí xây dựng Công an phường điển hình kiểu mẫu về xây dựng lực lượng, an ninh, trật tự và văn minh đô thị.

Theo đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, mỗi đơn vị sẽ chọn 1 Công an phường để xây dựng mô hình điển hình kiểu mẫu, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn quốc...

Sau khi lắng nghe dự thảo, Bộ trưởng Tô Lâm đã yêu cầu Công an các đơn vị chức năng có văn bản trao đổi thống nhất chủ trương, mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng Công an phường điển hình kiểu mẫu với Thành uỷ các thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, đề nghị các đơn vị đánh giá lại thực trạng Công an cấp phường; khẩn trương hoàn thiện bộ tiêu chí về Công an phường kiểu mẫu và xây dựng kế hoạch triển khai nhằm hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, mục đích cao nhất của việc xây dựng Công an phường điển hình kiểu mẫu là nhằm góp phần làm tốt hơn công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở, lấy sự hài lòng của nhân dân là thước đo, để người dân cảm thấy địa bàn phường thực sự mẫu mực, văn minh.

Muốn làm được điều này thì Công an phường phải huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương cùng tham gia; phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, học hỏi  những kinh nghiệm giải quyết sáng tạo trong dân để bổ sung cho phương pháp công tác của mình...

Sau khi triển khai thí điểm Công an phường điển hình kiểu mẫu về xây dựng lực lượng, an ninh, trật tự và văn minh đô thị, Bộ Công an sẽ nghiên cứu để lựa chọn, thí điểm Công an xã ở nhiều địa bàn khác nhau, sau đó nhân rộng ra toàn quốc. (Toquoc.vn 17/3, Thế Trung; Plo.vn 17/3; Anninhthudo.vn 17/3; Congan.com.vn 17/3; Cand.com.vn 17/3)

Triển khai đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc TP. Hải Phòng

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa làm việc với Ban Thường vụ huyện Thủy Nguyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 25 Đảng bộ huyện đến nay; tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm và kết quả xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện; việc triển khai đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc TP. Hải Phòng.

Ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng nhấn mạnh: Huyện Thủy Nguyên có tốc độ phát triển mạnh, được thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều chương trình, dự án lớn. Với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ TP. Hải Phòng đề ra, nhất là việc triển khai đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố và chuyển trung tâm chính trị, hành chính thành phố, huyện Thủy Nguyên sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế lớn của thành phố. Do đó, việc xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện rất quan trọng.

Huyện Thủy Nguyên đang triển khai nhiều dự án lớn, thực hiện giải phóng mặt bằng nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Huyện là vùng đất địa linh nhân kiệt, nên việc phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với giữ gìn các giá trị, di tích lịch sử. Huyện Thủy Nguyên có sông Giá, với giá trị tiềm năng lớn, cần thiết phải có quy hoạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố, tiến tới khai thác lợi ích từ sông Giá, kết nối với các khu di tích trên địa bàn huyện.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Lập - Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2020 là năm đầu thực hiện Nghị quyết các Đại hội, huyện Thủy Nguyên vượt 14/16 chỉ tiêu thành phố giao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng trong tốp đầu các quận, huyện, đạt tỷ lệ 14,3%. Đặc biệt, chỉ tiêu thu cân đối ngân sách đạt 192,4% dự toán thành phố giao, bằng 255% thu ngân sách năm 2019, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 25 Đảng bộ huyện ngay từ năm đầu. Năm 2020, huyện Thủy Nguyên có 43 công trình được khởi công và hoàn thành ngay trong năm, đầu năm 2021 tiếp tục khởi công 75 công trình. Quý I/2021, huyện Thủy Nguyên hoàn thành 10/13 chỉ tiêu; trong đó tổng giá trị sản xuất các ngành đạt hơn 7.762 tỷ đồng, đạt 22,3% kế hoạch năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ; tổng thu cân đối ngân sách đạt 289,5 tỷ đồng, đạt 18,4% dự toán cả năm.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển với 34 công trình cơ sở giáo dục được đầu tư mới, hoàn thành trong năm 2020. Hiện đang thi công 24 công trình. Việc khai quật và xây dựng khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ và bãi cọc Đầm Thượng phát huy giá trị lịch sử, khảo cổ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được chú trọng. Năm 2020, huyện vận động hỗ trợ và tổ chức xây dựng gần 300 nhà bàn giao tặng hộ nghèo, cận nghèo.

Huyện phấn đấu đến năm 2021 không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,4%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng được quan tâm, nhiều chuyển biến tích cực.

Huyện Thủy Nguyên đang tập trung cao đối với 5 dự án trọng diểm trên địa bàn huyện, gồm: Giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Bắc sông Cấm; Dự án đường 359 đoạn từ cầu Bính đến xã Trung Hà (giai đoạn 1); Dự án đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến đường trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng (giai đoạn 2); Dự án đầu tư, cải tạo đường thị trấn Minh Đức; Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Máng Nước.

Về xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Gia Minh và xã Gia Đức, năm 2020, huyện Thủy Nguyên triển khai 12 tuyến đường với tổng chiều dài 5,3km. Theo kế hoạch năm 2021, sẽ triển hai 56 tuyến với tổng chiều dài 16km. Đồng thời, huyện phối hợp các Sở, ban, ngành thành phố thống nhất danh mục đầu tư, tiếp tục triển khai tại 3 xã: Kênh Giang, Liên Khê, Lưu Kiếm.

Về đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc TP. Hải Phòng, Huyện ủy Thủy Nguyên xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Huyện xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nhóm nhiệm vụ chính, hoàn thiện thủ tục, hoàn thiện các tiêu chí, nhất là tiêu chí về hạ tầng đô thị. Để huyện Thủy Nguyên hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên đề xuất một số kiến nghị: Để lại phần ngân sách huyện được hưởng từ tất cả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện nhằm tạo nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thành phố Thủy Nguyên; sớm giao nhiệm vụ cụ thể cho huyện và các sở, ngành để thực hiện các nội dung xây dựng thành phố Thủy Nguyên, bố trí kinh phí thực hiện. Sớm tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; hỗ trợ, cấp vốn các dự án trọng điểm để huyện triển khai, hoàn thành trong năm 2021; hỗ trợ xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu; đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư; có cơ chế thu hút nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao để tạo nguồn cán bộ trẻ…

 

Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh: Huyện Thủy Nguyên triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể; xem xét, nâng số xã triển khai xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu ngay trong năm 2021. Thành phố cơ bản nhất trí với những đề xuất của huyện Thủy Nguyên về việc cơ chế phân bổ ngân sách, bố trí kinh phí cho các dự án trọng điểm cần hoàn thành trong năm 2021.

Kết luận buổi làm việc, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng nhấn mạnh: Vị trí, vai trò của huyện Thủy Nguyên rất quan trọng với sự phát triển của thành phố, đất nước. TP. Hải Phòng đầu tư rất lớn cho Thủy Nguyên về thu hút nguồn lực đầu tư, phân bổ nguồn ngân sách, tập trung triển khai các dự án lớn. Huyện Thủy Nguyên thay đổi trên các lĩnh vực, không chỉ tại khu vực trung tâm huyện mà lan tỏa ra các xã. Tốc độ tăng trưởng của Thủy Nguyên luôn ở tốp đầu các quận, huyện; thu ngân sách đạt rất cao. Công tác giải phóng mặt bằng của địa phương dẫn đầu thành phố, điển hình như tại các dự án: Đường vào bãi cọc Cao Quỳ, cầu Dinh, Khu đô thị Bắc sông Cấm… Toàn huyện Thủy Nguyên đang như một đại công trường. Huyện Thủy Nguyên phối hợp các sở, ngành thành phố xây dựng quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, quy hoạch theo nhiều mức độ, phải có sự kết nối, có tầm nhìn xa để Thủy Nguyên trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Quy hoạch tổng thể của Thủy Nguyên là cơ sở để xây dựng các quy hoạch về giao thông, Nông thôn mới kiểu mẫu.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu: Huyện Thủy Nguyên tập trung cao việc thực hiện đề án thành lập thành phố trực thuộc thành phố theo Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố. Thành ủy sẽ thành lập Ban Chỉ đạo với mục tiêu cụ thể về thời gian hoàn thành, cách thức thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ ràng, thực hiện giao ban định kỳ. Giao huyện Thủy Nguyên ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để triển khai đề án; đánh giá tỷ lệ đô thị; thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính trên địa bàn huyện, đáp ứng với tiêu chí thành lập thành phố.

Về hạ tầng giao thông, UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo các sở, ngành bố trí đủ vốn để hoàn thiện đường 359, cầu Dinh, đường Máng Nước trong năm 2021; giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị Bắc sông Cấm; thực hiện khởi công dự án mở rộng quốc lộ 10, cầu Lại Xuân; đẩy nhanh việc triển khai dự án tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, cầu Bến Rừng, cầu Nguyễn Trãi… Tạo nguồn lực lớn, ưu thế cho Thủy Nguyên. Huyện Thủy Nguyên tăng cường về quản lý đất đai, khoáng sản, di tích, bảo đảm phát triển kinh tế, gắn với với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống… (Baoxaydung.com.vn 17/3, Hải Nguyên – Đăng Hùng)

KINH TẾ   

Giới đầu tư bất động sản “săn” biệt thự ở Seoul Ecohome phục vụ nhu cầu lưu trú của chuyên gia nước ngoài tại Hải Phòng

Không chỉ là sản phẩm “đỉnh” để bảo toàn giá trị với khả năng cho thuê tốt, lợi nhuận khủng, tính thanh khoản cao cho nhà đầu tư, … biệt thự tại dự án Seoul Ecohome còn là kênh đầu tư “hốt bạc” tại thị trường cho thuê Hải Phòng.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) ghi nhận giới đầu tư từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương,… và các khu vực lân cận Hải Phòng đổ về “săn” đất nền để xây biệt thự tại dự án Seoul Ecohome.

Không phải ngẫu nhiên dự án Seoul Ecohome lại được giới đầu tư BĐS ưu ái đến vậy. Hầu hết họ cho rằng, sự xuất hiện của Khu đô thị Seoul Ecohome không chỉ trở thành tâm điểm của thị trường BĐS khu vực phía Bắc mà còn trở thành “gà đẻ trứng vàng” trong bối cảnh nguồn cung thị trường cho thuê tại Hải Phòng đang khan hiếm.

Chia sẻ về câu chuyện dự án Khu đô thị Seoul Ecohome trở thành “gà đẻ trứng vàng” trong bối cảnh nguồn cung thị trường cho thuê khan hiếm, các nhà đầu tư đều rất lạc quan và cho rằng, “chưa cần nhìn xa, chỉ cần nhìn gần”. Điều đó đồng nghĩa, dự án tiềm năng này sẽ là kênh đầu tư “hốt bạc” chỉ cần nhìn vào tiềm năng của khu vực An Dương, chưa tính đến các khu vực lân cận.

Những nhận định này được đưa ra hoàn toàn có cơ sở khi An Dương - nơi được mệnh danh “chiếc áo giáp” của thành phố Cảng tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn như: KCN Nomura, KCN An Hưng - Đại Bản, KCN An Dương, … và đặc biệt KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 là dự án trọng điểm của Hải Phòng năm 2021.

Với giao thông kết nối thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, An Dương đang trở thành một trong những huyện đi đầu thành phố về hoạt động sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm qua của An Dương đạt trên 798.001 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55,2% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố.

Mang trong mình tiềm năng phát triển lớn, huyện An Dương đã và đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư FDI từ nước ngoài như công ty điện tử LG Electronics và hàng chục nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản… Trong 5 năm qua, An Dương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 66,5% vốn đầu tư nước ngoài toàn thành phố.

Với lợi thế được xem như “thỏi nam châm” thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), những năm gần đây số lượng chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại An Dương - Hải Phòng ngày càng nhiều. Cùng với đó, nhu cầu lưu trú của chuyên gia nước ngoài tại khu vực này “căng” lên từng ngày. Đây cũng là lý do, thị trường cho thuê tại An Dương đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Giới đầu tư cũng tin rằng, nguồn cung thị trường cho thuê tại An Dương nói riêng và Hải Phòng nói chung mặc dù có khan hiếm, thế nhưng, không phải dự án nào các chuyên gia nước ngoài tại Hải Phòng cũng chọn là “bến đỗ”. Họ thường ưu tiên các dự án có vị trí tốt - nơi có kết nối hạ tầng giao thông xuyên suốt, thuận tiện và nhanh chóng kết nối tới các trung tâm vui chơi, giải trí, giáo dục và y tế trọng điểm; hệ thống tiện ích và dịch vụ của dự án vượt trội; cộng đồng người nước ngoài sinh sống …

Sự xuất hiện của dự án Seoul Ecohome không chỉ giải được bài toán lưu trú cho các chuyên gia người nước ngoài tại thị trường cho thuê Hải Phòng khi đáp ứng được các yêu cầu chất lượng sống, mà còn giải được bài toán cho chính giới đầu tư khi mức giá được đưa ra vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt, dự án đã có sổ đỏ từng lô, sẵn sàng sang tên cho khách hàng.

“Chưa tính đến các yếu tố bên ngoài như An Dương lên quận, giá đất nền tại An Dương thấp hơn so với các khu vực lân cận, tiềm năng tăng giá khi hạ tầng dự án hoàn thiện, … những yếu tố nội tại của dự án Seoul Ecohome cũng đã đủ để chinh phục giới đầu tư. Seoul Ecohome chắc chắn sẽ là dự án “hốt bạc” của thị trường cho thuê còn bỏ ngỏ”, một nhà đầu tư “xuống tiền” tại dự án Seoul Ecohome chia sẻ.

Seoul Ecohome kiến tạo nên khu đô thị đẳng cấp với đầy đủ tiện ích đến từng ngưỡng cửa, mà vẫn giữ được môi trường sinh thái hài hòa, cảnh quan thiên nhiên trong lành. Với quy mô 42 ha bao gồm: Biệt thự đơn lập, biệt thự song lập; shop villa, shophouse, liền kề, … được các chuyên gia đánh giá là dự án lớn và có hạ tầng tốt ở khu vực, hiện đang là tâm điểm sáng giá cho các nhà đầu tư.

Seoul Ecohome hội tụ đầy đủ những giá trị vượt trội, với đầy đủ tiện ích trong nội tại dự án như: Trường học liên cấp, bệnh viện, trung tâm thương mại - dịch vụ - khách sạn, 16 công viên sinh thái…. Từ đây, còn có thể dễ dàng kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch như đường trung tâm Quốc lộ 10, Quốc lộ 5; Quốc lộ 17B; … (Baoxaydung.com.vn 18/3, Ngọc Hân)

Tăng cường giám sát tàu cá chống đánh bắt thủy sản trái phép

Nhằm tăng cường giám sát chống đánh bắt thủy sản trái phép, góp phần thực hiện khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Hải Phòng đang tập trung triển khai chính sách hỗ trợ hệ thống giám sát tàu cá cho ngư dân thành phố.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp của tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đăng ký tại TP. Hải Phòng (gọi tắt là chủ tàu cá). TP. Hải Phòng sẽ thực hiện hỗ trợ sau đầu tư cho chủ tàu cá 50% kinh phí mua, lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá; mức hỗ trợ không quá 12 triệu đồng/tàu. Số lượng tàu được hỗ trợ không quá 426 tàu. 

Những chủ tàu cá phải hoàn trả 100% kinh phí ngân sách thành phố hỗ trợ mua, lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá trong trường hợp mua bán, cầm cố, cho thuê, cho mượn, sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng hệ thống giám sát tàu cá theo quy định; chuyển nhượng quyền sở hữu tàu cá cho chủ mới ngoài phạm vi TP. Hải Phòng.

Số liệu thống kê từ Chi cục Thủy sản, Hải Phòng hiện có 100% tàu cá đã được kẻ biển số, đánh dấu tàu cá. Tính đến ngày 15/3/2021, Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ được cho 310 tàu/399 tàu lắp đặt thiết bị.

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn nghề cá Nam Triệu, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết, ngư dân rất ủng hộ chương trình hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát của thành phố. Việc người dân tham gia chương trình sẽ là điều kiện ràng buộc, giúp ý thức hơn trong việc đánh bắt đúng vùng, đúng tuyến.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng), chính sách hỗ trợ hệ thống giám sát tàu cá cho ngư dân TP. Hải Phòng góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giám sát chống đánh bắt thủy sản trái phép.

Hiện Chi cục đã bố trí nhân lực trực 24/7 tại cảng cá Ngọc Hải thực hiện nhiệm vụ theo quy định; phối hợp với các bên liên quan, lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở chủ tàu cá, thuyền trưởng thực hiện các quy định về chống khai thác IUU và bố trí nhân lực trực Trạm bờ 24/24 thực hiện nhiệm vụ theo quy định, đồng thời thông báo cho các chủ tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình biết và nghiêm túc thực hiện theo quy định. Việc 100% các tàu lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ rất thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát hoạt động đánh bắt thủy sản của các tàu.

Tải Quảng Ngãi hiện cũng đang tăng cường kiểm soát tàu cá khi ra đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, hạn chế tối đa về hành vi cố tình vi phạm khai thác thủy hải sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác IUU. Tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện từ ngày 1/4/2020, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới được ra khơi. Tại Quảng Ngãi có khoảng 3.300 tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Thiết bị giám sát hành trình phục vụ quản lý, phát hiện các trường hợp vi phạm trong khai thác hải sản. Phần lớn tàu cá đã tuân thủ quy định, đảm bảo kết nối tín hiệu suốt quá trình đánh bắt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu vi phạm quy định về ranh giới, mất kết nối kéo dài.

Từ ngày 28/1 - 1/3/2021, thông qua hệ thống giám sát, cơ quan chức năng phát hiện 50 tàu cá Quảng Ngãi vượt ranh giới cho phép trên biển. Từ ngày 19/1-19/2/2021, có 58 tàu cá mất tín hiệu kết nối với hệ thống giám sát trên 10 ngày.

Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết: “Những tàu cá vượt ranh giới hoặc cố tình ngắt kết nối với hệ thống giám sát sẽ bị xử phạt rất nặng. Đối với trường hợp mất kết nối, Chi cục phối hợp với lực lượng biên phòng điều tra nguyên nhân. Nếu cố tình ngắt kết nối, đưa tàu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt sẽ bị phạt rất nặng. Mức phạt đối với tàu cá mất kết nối từ 20 - 30 triệu đồng. Tàu cá vượt ranh giới cho phép để đánh bắt hải sản bất hợp pháp bị phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.”

Hiện nay, nhiều tàu cá Quảng Ngãi không về địa phương mà cập bến ở những tỉnh, thành phố khác. Do đó, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi đã có văn bản thông báo với cảng cá, lực lượng biên phòng các tỉnh để theo dõi, xử lý những trường hợp vi phạm.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để quản lý hoạt động của tàu cá địa phương, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khải thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tập trung xử lý triệt để hành vi cố tình vi phạm khai thác thủy hải sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác IUU dưới mọi hình thức; rà soát, xác định các chủ tàu có khả năng cao vi phạm khai thác IUU để có biện pháp tuyên truyền, vận động, quản lý, phòng ngừa sớm, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Các huyện, thành phố, thị xã ven biển, hải đảo chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân về các quy định của pháp luật cũng như quy định về chống khai thác IUU.

Trong năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi đã xử phạt 4 tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát. Riêng tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi xử phạt gần 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá QNg 76372TS. Cơ quan chức năng xác định, chủ tàu này đã tắt thiết bị giám sát hành trình, đưa tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp. (TTXVN/Baotintuc.vn 17/3, Hoàng Ngọc – Sỹ Thắng)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG 

Hải Phòng: Thanh niên nổ mìn tự chế vào tiệm vàng

Tối 17/3, Công an quận Hồng Bàng phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP. Hải Phòng và lực lượng chức năng đã khám nghiệm hiện trường, điều tra truy bắt nghi can nổ mìn tự chế tại tiệm vàng Đức Đệ ở khu vực Quán Toan.

Trước đó, lúc 18 giờ 30 phút, tại tiệm vàng Đức Đệ trên đường Hải Triều (quốc lộ 10, phường Quán Toan, quận Hồng Bàng), có một thanh niên xông vào tiệm vàng rồi bất ngờ ném 1 quả mìn tự chế gây nổ.

Vụ nổ khiến chiếc tủ đựng trang sức của tiệm vàng bị vỡ một mảng gỗ, làm 2 người khách đang xem hàng trong tiệm vàng là anh TĐL (24 tuổi) và chị NTTH (26 tuổi) bị thương nhẹ.

Sau khi ném mìn trong tiệm vàng, người thanh niên này chạy ra ngoài đường thì bị một số người dân truy đuổi. Thanh niên ném mìn đã hung hăng rút dao tấn công khiến một người dân khu vực là anh PBT (28 tuổi) bị thương ở vùng cổ.

Sau đó, thanh niên tấn công tiệm vàng tiếp tục ném mìn tự chế rồi chạy vào ngõ gần đó lên xe máy tẩu thoát.

Theo người dân, thanh niên này xông vào với ý định cướp tiệm vàng nhưng không được nên đã ném mìn tự chế vào tiệm vàng. Thời điểm đó, người dân khu vực nghe thấy có khoảng 4-5 tiếng nổ bụp bụp như tiếng nổ lốp ô tô rồi thấy thanh niên gây nổ chạy vào ngõ tẩu thoát.

3 nạn nhân bị thương đã được người dân đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần khu vực. Cả 3 bị chấn thương nhẹ, sau khi sơ cứu điều trị đã về nhà.

Công an quận Hồng Bàng phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP và cơ quan chức năng đã phong tỏa khám nghiệm hiện trường phục vụ điều tra, đồng thời khẩn trương truy bắt nghi can gây ra vụ nổ. Thanh niên gây ra vụ nổ được xác định là V (25 tuổi) trú tại khu vực gần tiệm vàng. (Plo.vn 18/3, Đỗ Hoàng; VTC.vn 18/3; Kienthuc.net.vn 18/3; Anninhthudo.vn 18/3; Phapluatplus.vn 18/3; Giaoducthoidai.vn 18/3; Zingnews.vn 18/3; Antt.nguoiduatin.vn 17/3; Giadinh.net.vn 17/3; Nongnghiep.vn 17/3; Baogiaothong.vn 17/3; TTXVN/Baotintuc.vn 17/3; Daidoanket.vn 17/3; Congly.vn 17/3; Vietnamnet.vn 17/3; Nld.com.vn 17/3; Phunuvietnam.vn 17/3; Tienphong.vn 17/3; VTC.vn 17/3; Cand.com.vn 18/3; Nhandan.com.vn 18/3)

Hải Phòng: Người dân hoảng loạn vì đối tượng "ngáo đá" dọa cho nổ bình gas

Sau 2 tiếng thuyết phục, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã khống chế thành công đối tượng có biểu hiện ngáo đá.

Lúc 12h45” ngày 16/3, Đội Cảnh sát 113 – Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã Hội – Công an TP. Hải Phòng nhận được tin báo về đối tượng có biểu hiện "ngáo đá" tại vực nhà tập thể quân đội (phố Phủ Thượng Đoạn, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền). Đối tượng đã leo trèo lên mái nhà của nhiều ngôi nhà cao tầng, sau đó nhảy vào 1 nhà dân cố thủ bên trong, đồng thời la hét, đập phá đồ đạc, dọa cho nổ bình gas… khiến cư dân trong khu vực hoang mang.

Danh tính của đối tượng được xác định là Phạm Ngọc Đỉnh (sinh năm 1982). Khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, Đỉnh đang cố thủ ở gian bếp của một nhà dân, lấy rượu ra uống. Đối tượng có biểu hiện kích động, cầm hung khí phá hỏng máy giặt, 2 cánh cửa, doạ cho nổ bình gas.

Trước tình thế đó, tổ công tác một mặt tiếp cận vận động thuyết phục, một mặt phối hợp với Cảnh sát khu vực Công an phường Vạn Mỹ, Công an quận Ngô Quyền và một số người dân, sử dụng công cụ hỗ trợ nhanh chóng áp sát, khống chế, quật ngã Phạm Ngọc Đỉnh. Sau khoảng 2 giờ, tổ công tác đã đưa Đỉnh về trụ sở Công an phường Vạn Mỹ để xử lý. (Doisongphapluat.com 17/3, Hiếu Nguyễn; Saostar.vn 17/3; Phapluatplus.vn 18/3)

XÃ HỘI     

Thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở

Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở tại các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội và TP. Hải Phòng.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Quyết định số 55/QĐ-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Quyết định, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở tại các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội và TP. Hải Phòng; thời gian tiến hành thanh tra là 60 ngày kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra gồm 17 thành viên do ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục IV, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn. (Dangcongsan.vn 17/3, TH)

Hải Phòng quyết “xóa sổ” nhà tập thể cũ

Cải tạo chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Hải Phòng xác định phải làm nhằm chỉnh trang toàn diện đô thị. Lộ trình này từng được Hải Phòng triển khai trong thời gian qua với việc xây mới chung cư Đổng Quốc Bình.

Mới đây, địa phương này tiếp tục đưa ra quyết định “táo bạo”, quyết phá dỡ, tiến hành sửa chữa cục bộ 150 chung cư xuống cấp, nguy hiểm. Pháp Luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Hoàng Linh, xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, lộ trình phá dỡ các chung cư cũ đã được Hải Phòng “ấp ủ” mấy năm gần đây để chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, hợp lòng dân. Vậy các hộ dân sẽ được tái định cư tại chỗ, hay dồn về các khu chung cư mới?

Kế hoạch cải tạo xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố (TP) nằm trong kế hoạch hành động thực hiện Chủ đề năm 2021 của Hải Phòng về “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Chính vì vậy, Sở đã tập trung quyết liệt để triển khai kế hoạch này ngay từ đầu năm.

Theo thống kê, trên địa bàn TP hiện có 150 chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm (trong đó có 64 chung cư cấp độ D, 79 chung cư cấp độ C và 07 chung cư cấp độ B). TP đã quyết định cho Sở Xây dựng triển khai xây mới 8 khu nhà chung cư với quy mô 36 tầng (trước đây quy mô dự kiến chỉ cao 23 tầng – PV).

Việc tháo dỡ các chung cư này sẽ được triển khai ra sao? 150 chung cư nhưng chỉ dồn về 8 khu, vậy mặt bằng của hàng trăm khu chung cư cũ sẽ được làm gì?

Lộ trình xây mới nhà chung cư được Sở Xây dựng triển khai cụ thể như sau: Tại quận Ngô Quyền, trong năm 2021 sẽ tiến hành phá dỡ 10 chung cư cũ tập thể Vạn Mỹ (phường Vạn Mỹ) để xây mới 3 chung cư dự kiến quy mô 36 tầng với tổng gần 2.000 căn hộ. Các chung cư nguy hiểm còn lại trên địa bàn quận Ngô Quyền sẽ được phá dỡ, lấy mặt bằng xây mới vườn hoa, trồng cây xanh, các công trình công cộng theo đúng kế hoạch của UBND TP.

Tổng diện tích khu đất này khoảng 4,43ha, trong đó đất xây dựng chung cư mới khoảng 0,6ha với tổng mức đầu tư 2.420 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách TP.

Tại quận Lê Chân, ở khu Lam Sơn (phường Lam Sơn), sẽ phá dỡ 6 chung cư cũ để xây dựng lại 1 tòa nhà chung cư mới, dự kiến cao 36 tầng với tổng số khoảng 1.500 căn hộ. Khu đất này có diện tích khoảng 1.45ha, đất xây dựng 1 tòa nhà chung cư mới khoảng 0,47ha, với dự kiến tổng mức đầu tư 1.686 tỷ đồng.

Với khu An Dương, sẽ phá dỡ 1 chung cư cũ để xây dựng lại 1 chung cư dự kiến cao 23 tầng tổng số khoảng 320 căn hộ, tổng mức đầu tư 484 tỷ. Các chung cư nguy hiểm còn lại trên địa bàn quận, tương tự sẽ tiến hành phá dỡ lấy mặt bằng chỉnh trang xây dựng vườn hoa, cây xanh.

Tại quận Đồ Sơn, hiện có 2 chung cư cũ cao 3 tầng và 5 tầng (nằm trên địa bàn phường Vạn Hương), sẽ được tiến hành phá dỡ để xây mới lại 1 chung cư với tổng số khoảng 68 căn hộ, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 54 tỷ từ nguồn ngân sách TP. Diện tích khu đất hiện tại khoảng 0,48ha, đất xây dựng chung cư mới khoảng 0,08ha.

Tại quận Hồng Bàng, trên phường Phạm Hồng Thái, có khu chung cư Nguyễn Thái Học là tòa nhà cũ 4 tầng, cũng sẽ phá dỡ trong năm 2021 để xây mới 1 nhà chung cư dự kiến cao 15- 18 tầng, tổng số gần 200 căn hộ với mức đầu tư khoảng 108 tỷ. Diện tích toàn khu 0,15ha, đất dành cho xây mới chung cư 0,06ha, diện tích đất còn lại nằm trong quy hoạch khuôn viên xây xanh và vườn hoa phục vụ các hộ dân sinh sống. 

Tại quận Kiến An, sẽ phá dỡ hai chung cư cũ cao 3 tầng tại phường Văn Đẩu, để xây dựng lại 1 chung cư dự kiến cao 10 tầng, tổng số khoảng 100 căn hộ. Diện tích khu đất hiện tại khoảng 0,32ha, đất xây dựng chung cư dự kiến khoảng 0,07ha với tổng mức đầu tư khoảng 97 tỷ đồng.

Còn một chung cư khu Lê Duẩn tại quận Kiến An cũng sẽ phá dỡ để xây dựng mới chung cư 12 tầng, tổng số khoảng 192 căn hộ. Mặt bằng sau khi phá dỡ được quy hoạch xây dựng vườn hoa, cây xanh, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Dự kiến tổng mức đầu tư khu vực này khoảng 184 tỷ từ nguồn ngân sách TP.

Bên cạnh việc tháo dỡ các chung cư nguy hiểm, xuống cấp, Sở cũng đã thống kê, lên danh sách cải tạo, sửa chữa cục bộ 37 chung cư cũ để tiếp tục sử dụng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 370 tỷ đồng (10 tỷ đồng/ chung cư); gồm các chung cư khu Quán Toan, Nam Pháp, Đồng Tâm… bằng nguồn ngân sách TP.

TP đã có kế hoạch như thế nào để việc xét cấp nhà chung cư mới đến được đúng đối tượng?

TP đã quy định khá chặt chẽ trong việc bố trí các hộ dân về chung cư mới, nên không phải ai “chạy” mua, sở hữu nhà tập thể cũ cũng được xét cấp nhà chung cư mới sau cải tạo.

Việc cải tạo, xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ xuống cấp là chương trình lớn và đầy ý nghĩa trong việc đảm bảo điều kiện sống an toàn, phục vụ chất lượng đời sống của người dân TP được tốt hơn. Điển hình như, để đảm bảo quy định pháp luật, công khai và minh bạch khi đưa các hộ dân quay trở lại chung cư HH4 Đổng Quốc Bình, Sở đã có văn bản về nguyên tắc bố trí các hộ dân về chung cư HH4.

Đó là các hộ có hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư cũ; các hộ thuộc diện bàn giao nhà từ các cơ quan, đơn vị tự quản sang ngành xây dựng quản lý nhưng chưa ký hợp đồng thuê nhà; các hộ đã có quyết định thanh lý nhà của các cơ quan, đơn vị; các hộ sử dụng thực tế nhà ở tại chung cư cũ đã nhận chuyển nhượng quyền thuê hợp pháp nhà từ các hộ có hợp đồng thuê nhà gốc hoặc các hộ thuộc diện bàn giao nhà từ các cơ quan, đơn vị tự quản sang ngành xây dựng quản lý trước ngày 9/3/2017; các hộ mua hợp pháp nhà từ các hộ có quyết định thanh lý nhà trước ngày 9/3/2017; các hộ đã mua hợp pháp một phần diện tích được chia tách từ các hộ có quyết định thanh lý nhà trước ngày 9/3/2017...

Các trường hợp chuyển nhượng nhà tập thể cũ trên địa bàn TP, thời điểm trước 9/3/2017 (ngày UBND TP phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư cũ) mới được công nhận; còn trường hợp chuyển nhượng sau thời điểm này không đủ điều kiện để được cấp nhà chung cư mới sau cải tạo.

Cùng với đó, các hộ dân khi bốc thăm nhận căn hộ tại chung cư HH4 còn phải cam kết quản lý và sử dụng như không tự ý phân chia, mua bán một phần căn hộ hoặc một phần của phần sở hữu riêng; không sử dụng hoặc cho người khác sử dụng khu vực sở hữu riêng của nhà thuê thuộc sở hữu trái với mục đích quy định như làm trụ sở công ty, kinh doanh; cam kết không mua bán, chuyển nhượng, chuyển dịch trái quy định hoặc cho thuê lại, cho người khác mượn, ở nhờ dưới bất kỳ hình thức nào…

Từ 2016, Sở Xây dựng đã có đợt kiểm định chất lượng hơn 100 chung cư trên địa bàn TP. Do đó, người mua nhà tập thể trong giai đoạn này chỉ là giao dịch viết tay, không được cơ quan chức năng xác nhận, công nhận.

Người mua nhà tập thể cũ cần nghiên cứu kỹ điểm đ khoản 1 Điều 62 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định về những trường hợp không thực hiện bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, “những nhà tập thể xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng sẽ không được bán” để tránh phát sinh những việc tranh chấp, kiện tụng sau này. (Baophapluat.vn 18/3, Đông Bắc; Pháp Luật Việt Nam 18/3, tr6)

Vỉa hè bị quây bằng rào sắt để bán hàng ở Hải Phòng: Cam kết ngày 23/3 sẽ đồng loạt cưỡng chế tháo dỡ

Chủ tịch UBND phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) cam kết đồng loạt triển khai các lực lượng cưỡng chế tháo dỡ tất cả những hộ lấn chiếm vỉa hè ở tuyến đường Hoàng Minh Thảo, nếu không thực hiện được sẽ nhận mọi hình thức kỷ luật của UBND quận.

Như Dân Việt đã phản ánh, hàng trăm mét vỉa hè trên tuyến đường Hoàng Minh Thảo thuộc địa phận phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng bị một số người quây kín rào sắt, khung sắt để bán cây cảnh và trưng bày hàng hóa. Thậm chí, người ta còn dùng cả cửa có khóa để bảo vệ hàng hóa của mình trên vỉa hè.

Chiều ngày 17/3 PV báo Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân và ông Võ Tiến Dũng - Chủ tịch UBND phường Dư Hàng Kênh về sự việc trên.

Tại buổi làm việc Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo Dân Việt, UBND quận Lê Chân đã chỉ đạo UBND phường Dư Hàng Kênh phải nhanh chóng lập kế hoạch cụ thể để tổ chức cưỡng chế giải tỏa tất cả những trường hợp kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường Hoàng Minh Thảo.

"Việc phản ánh của báo Dân Việt là chính xác, lần này UBND quận sẽ kiên quyết dẹp bỏ việc lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường Hoàng Minh Thảo, không thể để đất vỉa hè biến thành nơi kinh doanh của người dân" - Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân Nguyễn Xuân Ngọc cũng cho biết thêm việc lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường Hoàng Minh Thảo, UBND quận Lê Chân đã nhiều lần yêu cầu UBND phường Dư Hàng Kênh xử lý nghiêm, nhưng UBND phường Dư Hàng Kênh không xử lý quyết liệt dẫn đến việc vỉa hè càng bị lấn chiếm nhiều hơn.

Cũng tại buổi làm việc ông Võ Tiến Dũng - Chủ tịch UBND phường Dư Hàng Kênh cho biết, lãnh đạo UBND phường nhận khuyết điểm về việc vỉa hè đường Hoàng Minh Thảo bị người dân lấn chiếm, lần này UBND sẽ quyết tâm xử lý dứt điểm những hộ lấn chiếm vỉa hè đường Hoàng Minh Thảo.

"Bắt đầu từ ngày 23/3 chúng tôi sẽ huy động tất cả các lực lượng quản lý đô thị, công an đồng loạt tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các hộ lấn chiếm vỉa hè đường Hoàng Minh Thảo. Nếu không thực hiện được việc giải tỏa cá nhân tôi sẽ xin chịu mọi hình thức kỷ luật của lãnh đạo UBND quận" - Chủ tịch UBND phường Dư Hàng Kênh khẳng định. (Danviet.vn 18/3, Nguyễn Đại)

Tưởng siro, bé trai 6 tuổi suýt chết vì ngộ độc Methadone

Ngày 14/3, thông tin từ Bệnh viện trẻ em Hải Phòng cho biết Khoa Hồi sức tích cực và chống độc đã cấp cứu kịp thời và tích cực cứu chữa cho bé trai 6 tuổi nguy kịch tính mạng do  ngộ độc thuốc Methadone.

Cụ thể, 13h ngày 14/03/2021, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng tiếp nhận bé trai H.H.N 6 tuổi. Đ/c An Dương – Hải Phòng. Bé vào khoa trong tình trạng hôn mê, cơn ngừng thở dài phải thở theo bóng qua mask, môi chi tím SpO2 85%, đồng tử co nhỏ không phản xạ ánh sáng.

Gia đình cháu N cho biết cháu xuống nhà cô chơi, do tò mò, hiếu động nên cháu có uống nhầm lọ thuốc để trong ngăn mát tủ lạnh dạng siro, màu hồng, để trong chai nhựa (số lượng uống không rõ). Gia đình người cô có người sử dụng Methadone thuốc đựng trong chai nhựa như mô tả trên.

Sau uống khoảng 30 phút trẻ có biểu hiện buồn nôn, lơ mơ, buồn ngủ và đi ngủ. Gia đình trẻ phát hiện lúc 11 giờ thấy tím tái, gọi hỏi không trả lời mới tá hỏa đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã và chuyển Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu nhận định khả năng trẻ hôn mê do ngộ độc Methadone.

Trẻ đã được xử trí cấp cứu đặt ống nội khí quản, phải giúp trợ thở cho bé bằng máy thở, rửa dạ dày, dùng thuốc giải độc và truyền dịch, thuốc bài niệu tích cực qua đường nước tiểu.

Sau 3 liều dùng thuốc giải độc Naloxone, điều trị tích cực trẻ có nhịp tự thở, gọi hỏi trẻ có phản xạ. Trẻ được rút ống nội khí quản và thở oxy. Hiện tại, toàn trạng bệnh nhi tương đối ổn, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện trẻ em Hải Phòng. (Suckhoedoisong.vn 17/3, Phạm Huyền; Zingnews.vn 17/3; Baophapluat.vn 17/3; Giadinhvietnam.com 17/3; Phunuvietnam.vn 17/3)

Vợ mang bầu sắp sinh, chồng bỏng nặng nguy kịch tính mạng

Tai nạn bất ngờ khiến anh Mùi bị bỏng nặng toàn thân. Không bảo hiểm, không tích lũy, gánh nặng kinh tế đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng anh.

Toàn thân quấn băng trắng toát, hơi thở yếu ớt phải nhờ máy móc can thiệp, anh Lại Văn Mùi (53 tuổi, ở xóm 1, thôn Du, xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) đang đứng trước lằn ranh sinh tử. Dường như, số phận quá đỗi khắc nghiệt với người cha hết lòng vì con cái này.

Nơi quê nhà, 4 đứa con thơ dại, đứa lớn nhất mới 13 tuổi thẫn thờ ngóng tin bố. Cháu Lại Thị Kim Anh (con gái đầu của anh Mùi) hỏi: “Mẹ ơi! Bố đâu rồi? Sao đợt này bố lâu về với chúng con thế?”. Vợ anh đang mang thai ở tháng thứ 6 lau vội những giọt nước mắt, trấn an các con. Người phụ nữ ấy xác định lần "vượt cạn" này sẽ không có chồng bên cạnh.

Gia đình anh Mùi thuộc một trong những hộ nghèo nhất xóm. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào 3 sào lúa, 1 sào trồng hoa màu lấy rau đem bán ngoài chợ. Anh làm thêm nghề hàn tự do lúc nông nhàn.

Công việc vốn dĩ bấp bênh, chưa kể dịch Covid-19 liên tục bùng lên khiến việc ít đi, thu nhập càng giảm, thế nên đối với anh, chỉ kiếm đủ ăn là may mắn lắm rồi, chưa nói đến tích lũy.

Vợ chồng vỡ kế hoạch, mang thai con thứ 5. Anh Mùi sốt ruột vì biết đến lúc sinh nở sẽ rất tốn kém nên ra sức làm lụng, đi khắp nơi tìm việc những mong kiếm thêm chút tiền lo cho đứa con sắp chào đời.

Đợt dịch Covid-19 qua đi, anh nhận công việc thời vụ. Khoảng 9h30 ngày 11/3/2021, trong lúc đang hàn, anh không may vướng vào đường dây cao thế dẫn đến điện giật.

10h sáng cùng ngày, gia đình nhận được tin, vội vã đến Bệnh viện huyện Thuỷ Nguyên (TP. Hải Phòng). Qua đánh giá ban đầu, bác sĩ xác định tình trạng rất nặng nên tiến hành sơ cứu rồi chuyển anh lên tuyến trung ương.

Thời điểm tới Bệnh viện Bỏng Quốc gia, các bác sĩ đánh giá anh bị bỏng độ 5, bỏng hoàn toàn phần mặt, cổ, ngực, chân. Đặc biệt, hai chân anh Mùi bỏng đến xương đã bị hoại tử. Vậy là chưa kịp kiếm tiền nuôi các con sau dịch, người cha khốn khổ ấy đã phải đối mặt với tử thần.

Ngay khi nhận được tin dữ, gia đình anh Mùi chạy vạy khắp nơi vay mượn, mong cứu anh thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Bà con lối xóm biết được hoàn cảnh đều tỏ ra thương xót, đặc biệt cám cảnh cho mấy đứa trẻ vẫn còn non nớt và người vợ bầu vượt mặt. Nhưng cùng cảnh nghèo, mọi người cũng chỉ gom góp được 5 triệu đồng giúp anh.

Số tiền ít ỏi nhanh chóng hết sạch, thậm chí còn không đủ tiền đưa anh Mùi ra Hà Nội cấp cứu. Ngày hôm sau, người thân trong gia đình phải vay mượn thêm để đóng viện phí 30 triệu đồng.

Bởi không có bảo hiểm y tế nên khoản tiền mới vay cũng nhanh chóng cạn sạch. Chạy đôn chạy đáo vay thêm 50 triệu đồng nữa, chị Phạm Thị Cúc, vợ anh cũng bất lực vì chồng cần dùng nhiều loại kháng sinh đắt tiền mới duy trì được tính mạng. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, chi phí điều trị cho chồng đã lên tới hơn 100 triệu đồng.

Đến nay, tình trạng anh Mùi vẫn hết sức nguy kịch. Các bác sĩ thông báo hai chân anh đã hoại tử vì cháy đến xương. Người đàn ông bất hạnh đó đứng trước nguy cơ phải cắt cả hai chân để cứu hai lá phổi cùng các bộ phận khác trên cơ thể.

Ngồi thẫn thờ trông em trai, anh Lại Văn Bính đau đớn thốt lên: “Thực sự hoàn cảnh em tôi quá trớ trêu. Cái ác nhất là không có bảo hiểm y tế. Cả nhà tôi đều nghĩ giờ cứu mạng người là quan trọng nhất nên huy động hết cả họ hàng hỗ trợ. Nhưng cứ dăm ba ngày hết sạch vài chục triệu đồng thế này, lên đến hơn 100 triệu rồi mà cũng chưa xong. Chúng tôi thật hết cách rồi".

Từ ngày anh Mùi gặp nạn, người thân trong gia đình không dám cho chị Cúc vào viện dù trong lòng chị đang rối bời. Người phụ nữ bầu vượt mặt, ngồi thẫn thờ bên mấy đứa nhỏ chỉ cầu mong một phép màu xảy đến với chồng mình. (Vietnamnet.vn 18/3)

Tuổi trẻ Hải Phòng chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19

TP. Hải Phòng là một trong những địa phương đang khống chế và kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19. Góp phần vào kết quả chung này, đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã tích cực chung tay cùng toàn xã hội ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh...

Hải Phòng là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp với lượng công nhân ngoại tỉnh lớn cùng những hoạt động giao thương phong phú. Điều này đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 khá lớn nếu công tác phòng, chống dịch không được nâng cao. Bám sát đặc điểm nói trên, thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn Thành phố đã huy động đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng đã xây dựng, ban hành kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên chia sẻ kịp thời và chính xác thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nhất là các biện pháp phòng ngừa và sử dụng khẩu trang đúng cách. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp huy động cán bộ, ĐVTN tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, vận động xã hội hóa nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch.

Đến nay, Thành đoàn Hải Phòng đã thành lập và duy trì hơn 100 đội “Thanh niên phản ứng nhanh” với trên 2.400 lượt thành viên. Đoàn Thanh niên Thành phố cũng đã huy động gần 9.000 lượt cán bộ, ĐVTN tham gia tại các tổ trực chốt từ cấp quận, huyện đến các trực chốt tại địa bàn thôn, xóm, tổ dân phố. Đây là lực lượng nòng cốt trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ công dân ra, vào các cửa ngõ thành phố, thôn, tổ dân phố; kiểm tra y tế (đo thân nhiệt) tất cả người vào địa bàn; giám sát y tế tất cả nhân khẩu trên địa bàn; kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền, cơ quan y tế địa phương những trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh...

Anh Trần Văn Chiến ở phường Quán Toan, TP. Hải Phòng cho biết: “Trong dịch bệnh, vai trò của các bạn thanh niên trên địa bàn đã được phát huy rõ nét. Không chỉ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, các bạn trẻ còn tình nguyện may khẩu trang, làm kính chắn giọt bắn.... để cấp phát cho người dân và các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đúng là thanh niên đã luôn xung kích trong nhiệm vụ khó khăn của địa phương”.

Bên cạnh đó, điểm nổi bật của tuổi trẻ TP. Hải Phòng trong tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đó là các tổ chức Đoàn đã thường xuyên phát huy sức mạnh tập thể, thực hiện tốt phương châm “3 kịp thời”: Kịp thời truyền thông; kịp thời lan tỏa; kịp thời kết nối. Phát huy tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ gắn với khai thác những tính năng tích cực của mạng xã hội, cán bộ, ĐVTN Hải Phòng đã kịp thời tuyên truyền, nắm chắc tình hình dư luận và định hướng thông tin trong thanh thiếu niên và nhân dân về thông tin dịch bệnh. Thông qua những hình thức khác nhau, tổ chức Đoàn các cấp cũng đã kịp thời lan tỏa hình ảnh đẹp, cách làm hay, tinh thần, ý nghĩa, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân là những tấm gương sáng đến với cộng đồng.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, các cấp bộ Đoàn còn chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhằm kịp thời huy động các nguồn lực để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh. Thành đoàn đã phối hợp với Quân chủng Hải Quân, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức cấp phát hơn 3 vạn khẩu trang kháng khuẩn, trên 3.200 lọ xịt sát khuẩn và hơn 1,6 vạn tờ rơi tuyên truyền phòng chống COVID-19 cho cán bộ, ĐVTN và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Theo đồng chí Đào Phú Thùy Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, với phương châm hành động “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đến nay, đông đảo cán bộ, ĐVTN trên địa bàn thành phố đã tham gia tích cực, phát huy sức trẻ, xung kích trong nhiều nội dung hoạt động; đi từng ngõ, gõ từng nhà để đo thân nhiệt cho từng hộ gia đình; đo thân nhiệt và kiểm soát chặt chẽ công dân ra, vào các cửa ngõ thành phố, thôn, tổ dân phố; làm đồ ăn đêm, vận chuyển tới từng tổ trực chốt... Qua đó, Đoàn Thanh niên thành phố đã lan tỏa thông điệp cống hiến sức trẻ trên những tuyến đầu chống dịch; sắc áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ Thành phố đã trở thành hình ảnh đẹp của tinh thần xung kích, chung sức vì cộng đồng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Phát huy những kết quả đó, thời gian tới các cấp bộ Đoàn ở Hải Phòng sẽ tiếp tục động viên cán bộ, ĐVTN nêu cao trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện góp phần cùng các lực lượng chung tay ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. (Dangcongsan.vn 17/3, Phạm Như Quỳnh)

Tháng Thanh niên: Nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực vì cộng đồng

Tháng Thanh niên năm 2021 với chủ đề “Tự hào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” được phát động từ đầu tháng 3 đến nay đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong tuổi trẻ cả nước với nhiều hoạt động, phong trào sôi nổi, thiết thực vì cộng đồng.

Hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2021, Đoàn Thanh niên TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào sôi nổi, thiết thực vì cộng đồng, gắn với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong công tác an sinh xã hội, phục vụ nhân dân.

Ngay trong chương trình Khởi động Tháng Thanh niên năm 2021 hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021) do Thành đoàn Hải Phòng tổ chức, 5 đội thanh niên xung kích tình nguyện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được ra mắt, cụ thể: Đội hình thanh niên tình nguyện tại Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi; Đội hình tuyên truyền lưu động phòng chống dịch COVID-19; Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ giải cứu nông sản; Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân cách ly tại nhà; Đội hình sinh viên tình nguyện hỗ trợ tại các bệnh viện. Mỗi đội hình được hỗ trợ 1 thùng sát khuẩn (50 lọ) và 1 thùng khẩu trang (20 hộp) với tổng trị giá 50 triệu đồng.

Sau chương trình khởi động, Đoàn Thanh niên trên toàn địa bàn thành phố đã đồng loạt ra quân các đội tuyên truyền lưu động, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn, găng tay… phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tổng trị giá 90 triệu đồng; thay mới hệ thống điện sinh hoạt, tặng quà 2 hộ nghèo và khánh thành đường điện cho thanh niên công nhân nhà trọ trên địa bàn quận Hải An với tổng trị giá 20 triệu đồng; lắp đặt bồn rửa tay dã chiến tại chợ Đổng Quốc Bình và Chợ Hương; máy sát khuẩn tay tự động tại chợ Tam Bạc với tổng trị giá 30 triệu đồng; thăm tặng quà, hỗ trợ thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Với phương châm hành động “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Đoàn Thanh niên thành phố đã tổ chức các hoạt động xây dựng nông thôn mới, tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hiến máu tình nguyện, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thông qua hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi tuyên truyền, tặng nước sát khuẩn, khẩu trang miễn phí đến đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Tính đến ngày 9/3, toàn thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng mới 22 km tuyến đường xanh, tuyến đường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – Văn minh – An toàn”, thắp sáng 6.2 km đường quê, tổ chức được 577 hoạt động tình nguyện với 2.262 lượt đoàn viên thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tổ chức 81 hoạt động tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn vệ sinh phòng dịch bệnh cho nhân dân; 26 hoạt động hỗ trợ thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; 5 hoạt động hiến máu tình nguyện với 833 đơn vị máu được huy động; 86 hoạt động hưởng ứng “Ngày thứ Bảy tình nguyện”; 4 hoạt động thực hiện chương trình “Tháng ba biên giới” và 238 hoạt động tuyên truyền, triển khai phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Đoàn Thanh niên thành phố cũng đã chủ động tham gia các hoạt động hỗ trợ bà con nông dân trong tiêu thụ các sản phẩm nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh, cụ thể giải cứu 24.000 chiếc bắp ngô, 68.000 chiếc bắp cải, 14.500 củ su hào, 15 tấn hành tỏi, 8 tấn khoai tây, cà tím, cà chua và gần 200.000 quả trứng gà, trứng vịt các loại giúp bà con nông dân tại các huyện trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. (Daihoi13.dangcongsan.vn 17/3, Huyền My)

Hải Phòng công nhận Tháp Tường Long là điểm du lịch

UBND TP. Hải Phòng vừa công nhận Tháp Tường Long (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) - một trong hai công trình Phật Giáo kỳ vĩ nhất được xây dựng dưới thời nhà Lý - là điểm du lịch.

Theo đó, UBND quận Đồ Sơn có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức quản lý, khai thác, duy trì các điều kiện, các tiêu chí công nhận điểm du lịch, ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan; phát triển điểm du lịch theo quy định của Luật Du lịch và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan.

UBND TP. Hải Phòng cũng đề nghị Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát UBND quận Đồ Sơn trong việc quản lý, khai thác, duy trì các điều kiện, các tiêu chí công nhận điểm du lịch, phát triển điểm du lịch, bảo đảm hiệu quả, bền vững. Trong quá trình hoạt động, nếu điểm du lịch không bảo đảm các điều kiện theo quy định, UBND TP. Hải Phòng sẽ thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch.

Trong hàng nghìn công trình Phật giáo đã được xây dựng dưới thời Lý (1010-1225), vị trí đầu bảng thuộc về Tháp Bảo thiên ở Kinh đô Thăng Long và Tháp Tường Long ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Với vị trí xây dựng trên ngọn núi cao 128m so với mực nước biển, tháp Tường Long được coi là ngọn tháp cao nhất so với các công trình kiến trúc thời bấy giờ. Công trình này cũng giữ vai trò bảo vệ sự an nguy cho quốc gia bởi là đài quan sát của cha ông xưa bảo vệ bờ cõi phía Đông Bắc của Tổ quốc trước họa xâm lăng. Không chỉ vậy, Tháp được xây trên ngọn núi Long Sơn, ngọn núi đầu tiên trong hệ thống núi đồi của Đồ Sơn. Vì vậy từ xa xưa, người dân Đồ Sơn thường gọi núi này là núi Tháp để minh chứng cho sự tồn tại ngọn tháp quý.

Tháp Tường Long hiện tại được bắt đầu phỏng dựng vào năm 2007, là công trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Tháp có hình vuông, 9 tầng, cao 37,14m. Vỏ tháp được xây bằng gạch gốm, cách trang trí đặc trưng thời Lý. (Phapluatplus.vn 17/3, Phương Thanh; Moitruongvadothi.vn 17/3; Laodong.vn 17/3)

GIAO THÔNG

Hải Phòng xin làm sân bay mới (Kỳ II): Cần tầm nhìn xa, trông rộng

Hải Phòng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến về việc có nên xây dựng sân bay này khi Hải Phòng đang có sân bay Cát Bi?

Ông Phạm Hưng Hùng -  Chánh Văn phòng UBND TP. Hải Phòng cho biết, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã dựa trên cơ sở Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới để đề xuất xây dựng sân bay Tiên Lãng.

Mặt khác, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ, đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng. Do đó, Hải Phòng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô.

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Nên đầu tư sân bay Tiên Lãng để thay thế sân bay Cát Bi trong tương lai. Bởi quy mô sân bay Cát Bi chỉ dừng lại ở quy mô 21 triệu hành khách/năm, mà không mở rộng vì sân bay này nằm trong thành phố.

Gần đây, nhiều địa phương đã xin xây dựng sân bay đã làm dấy lên câu chuyện “mỗi tỉnh một sân bay”. Việc Hải Phòng đang khai thác sân bay Cát Bi lại đề xuất thêm sân bay Tiên Lãng cũng không nằm ngoài câu chuyện đó.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều sân bay là theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay trong cả nước năm 2050. Việc lập quy hoạch này được thực hiện theo Luật quy hoạch, và quy hoạch là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng phải hoàn thành trước khi đầu tư sân bay. Ngoài ra, không có nghĩa cứ có quy hoạch là đầu tư ngay, và sân bay để khai thác liên vùng chứ không bay từ tỉnh này sang tỉnh lân cận.

Trước đó, theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô gồm: Sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.

Theo một chuyên gia đầu tư hàng không, sân bay Tiên Lãng được quy hoạch ở sát biển thì diện tích cần đến đâu có thể mở rộng đến đó, không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, chi phí xây dựng thấp. Đây là ưu điểm tuyệt đối của Tiên Lãng.

Bên cạnh đó do quy hoạch sân bay Tiên Lãng ở gần biển, không có núi nên không bị hạn chế bởi bất kỳ chướng ngại vật nào. Ngoài ra, sân bay Tiên Lãng có thể phục vụ luôn cho thị trường Hải Phòng và dần bỏ sân bay Cát Bi vốn ở trong nội đô. Hơn nữa, Tiên Lãng chỉ cách Hà Nội khoảng 120km, với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng như hiện nay, thời gian di chuyển từ Tiên Lãng đến Hà Nội chỉ mất khoảng 1,5 giờ.

Như vậy, việc quy hoạch sân bay Tiên Lãng là hướng “nhìn xa trông rộng”. Tuy nhiên, cần khẳng định là sân bay Tiên Lãng sẽ là sân bay trong tương lai thay thế sân bay Cát Bi. Và lộ trình thay thế này cũng từ sau năm 2045 (Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị). (Enternews.vn 17/3, Trung Thành)

Phấn đấu hoàn thành đường nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với đường tỉnh 338 trong tháng 5/2021

Chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với đường tỉnh 338 giai đoạn I trong tháng 5/2021.

Dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với đường tỉnh 338 giai đoạn I được khởi công từ tháng 10/2020, có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.  Dự án gồm nút giao tại Km6+700 trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, tuyến đường chính dài trên 4km nối nút giao với đường trục chính KCN Sông Khoai (TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Năm 2021, dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với đường tỉnh 338 giai đoạn I được bố trí 610 tỷ đồng, trên cơ sở khối lượng thi công đã giải ngân được gần 227 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 37,2%. Sau gần 5 tháng triển khai thi công, hiện dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với đường tỉnh 338 giai đoạn I đang đảm bảo tiến độ đề ra.

Cụ thể, gói thầu đường đã hoàn thành thi công đổ bê tông 25/25 cọc khoan nhồi và đổ bê tông thân trụ công cầu vượt Minh Thành - Tân An, việc đào đắp nền đường tuyến chính được trên 2km. Gói thầu nút giao tại Km6+700 trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hiện đang đắp bờ vây, tạo mặt bằng tổ chức thi công.

Hiện tại, các đơn vị nhà thầu đang gặp khó khăn trong việc tổ chức đồng loạt các mũi thi công liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và thiếu hụt mỏ đất phục vụ đắp nền đường các lớp K95 và K98.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, để giải quyết khó khăn này, ban đã cùng đơn vị nhà thầu nghiên cứu một số mỏ đất trên địa bàn TP.Hạ Long.

Hiện tại, đã lấy mẫu đất và tìm được một số mỏ đất đáp ứng các yếu tố kỹ thuật và sản lượng khai thác phục vụ dự án. Ban cũng đang hoàn thiện các thủ tục báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét cấp phép cho khai thác phục vụ đắp nền dự án.

Theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với đường tỉnh 338 giai đoạn I sẽ phải phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2021. Qua đó, dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu đô thị của Khu kinh tế ven biển Quảng Yên nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung. (Etime.danviet.vn 18/3)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Phần Lan đầu tư vào Hải Phòng

Sáng 17/3, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố tiếp Đoàn công tác của đại sứ quán Phần Lan do ông Kari Kahiluoto là Trưởng đoàn. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị gồm: Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch, Sở Công Thương, Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng.

Tại buổi tiếp đón, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển hiện đại, vượt bậc của các loại hình giao thương và cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Phần Lan -Việt Nam - nói chung, giữa Hải Phòng và các thành phố của Phần Lan nói riêng.

Theo đó, Phần Lan là một trong những quốc gia sớm triển khai thực hiện dự án tại Hải Phòng như: xây dựng nhà máy đóng tàu Phà Rừng (1979-1984), dự án cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường Hải Phòng (2000-2004)... Chủ tịch UBND thành phố đề nghị trong thời gian tới Đại sứ quán Phần Lan tiếp tục là cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Phần Lan tiếp tục, tăng cường hợp tác, đầu tư với đơn vị trên địa bàn TP. Hải Phòng trong các lĩnh vực như: giải pháp đô thị thông minh và phát triển bền vững, quản lý cảng biển, năng lượng, nước sạch và xử lý nước thải... (Baohaiphong.com.vn 17/3, Mai Lê)

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam: Tích cực hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều 17/3, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc đánh giá thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2020, xác định phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Phan Anh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các TCPCPNN chủ trì hội nghị.

TP. Hải Phòng có quan hệ hợp tác với gần 60 tổ chức quốc tế và TCPCPNN. Trong đó, có 46 TCPCPNN được cấp giấy phép đăng ký hoạt động. Nhìn chung, các TCPCPNN hoạt động trên địa bàn thành phố đều tuân thủ, chấp hành tốt luật pháp Việt Nam, các quy định của địa phương. Hầu hết chương trình, dự án của TCPCPNN tập trung vào các mục tiêu hoạt động nhân đạo, hỗ trợ cộng đồng, chú trọng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, bảo vệ môi trường...

Các dự án đều phát huy hiệu quả cao, góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững, phù hợp các mục tiêu ưu tiên, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Một số dự án tiêu biểu được triển khai trong năm 2020: Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam” tại huyện An Dương do tổ chức SCI tài trợ Sở Giáo dục và Đào tạo, với tổng giá trị hơn 9,5 tỷ đồng; Dự án “Xây dựng thư viện nhỏ” của Trường tiểu học Hải Thành, quận Dương Kinh” do tổ chức Happy Tree (Hàn Quốc) tài trợ, trị giá hơn 1,6 tỷ đồng… (Baohaiphong.com.vn 17/3, Trung Kiên)./.

 

 

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn