Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 12/01/2021)

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Thống nhất chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc TP Hải Phòng

Bộ Nội vụ vừa có văn bản thống nhất với UBND TP Hải Phòng về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của huyện Thủy Nguyên.

Bộ Nội vụ đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở Nội vụ Hải Phòng, các cơ quan liên quan và UBND huyện Thủy Nguyên đánh giá các điều kiện, tiêu chuẩn về thành lập thành phố để xây dựng hồ sơ, đề án đảm bảo đúng quy định.

Theo Tờ trình của UBND TP Hải Phòng gửi Bộ Nội vụ báo cáo thống nhất chủ trương xây dựng Đề án trên, huyện Thủy Nguyên cơ bản đạt được 5 tiêu chuẩn về dân số, diện tích, số đơn vị  hành chính cấp xã trực thuộc, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội để thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với 1 tiêu chí về cân đối thu chi ngân sách trong tiêu chuẩn thứ 5 chưa đạt theo quy định, UBND TP Hải Phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND huyện Thủy Nguyên tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu trong năm 2021 phải đạt.

Huyện Thủy Nguyên hiện có 18/37 (48,7%) xã đạt tiêu chuẩn phường thuộc thành phố. Do vậy, trong quá trình thực hiện xây dựng Đề án, Hải Phòng sẽ thực hiện sắp xếp môt số xã, thị trấn thuộc huyện Thủy Nguyên đảm bảo đạt tỷ lệ 65% trở lên là phường.

Chủ trương xây dựng Đề án không làm tăng số lượng đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và biên chế hiện có của huyện Thủy Nguyên và giảm được đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 09 của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI, xác định mục tiêu, nhiệm vụ thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên trở thành trung tâm hành chính - chính trị của TP Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, giải trí, giáo dục của TP Hải Phòng cũng như vùng duyên hải Bắc Bộ. (Vtc.vn 11/01, Nguyễn Huệ; Tienphong.vn 11/01; Laodong.vn 11/01; Lao động 12/01, tr3; Enternews.vn 12/01)

Đổi mới phương thức lãnh đạo, đưa Hải Phòng phát triển bứt phá

Đại hội Đảng bộ TP.Hải Phòng lần thứ XVI diễn ra vào trung tuần tháng 10/2020 đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới với mục tiêu đưa Hải Phòng bứt phá trong thời gian tới, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại. Lao Động đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hiến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng - về những nội dung này.

 Thưa ông, Hải Phòng sẽ tập trung vào những lĩnh vực gì để đạt mục tiêu phát triển bứt phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đó sẽ cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030?

Sau khi tổ chức Đại hội Đảng bộ TP.Hải Phòng thành công, ngày 25/12/2020, Thành ủy Hải Phòng đã có “Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố”. Theo đó, quán triệt tinh thần của Đại hội thành phố với chủ đề “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển bứt phá; cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030; khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước”. Từ đây, BCH Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu tiếp tục đổi mới công tác quán triệt Nghị quyết nhằm tạo sự nhất quán cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, quân, dân thành phố.

Những nội dung chính được Chương trình hành động đề ra gồm: Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Huy động tối đa nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư mạnh mẽ vào 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp ngay từ những tháng đầu năm 2021 nhằm phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón các dòng đầu tư mới. Đẩy mạnh triển khai các bến cảng mới tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, các dự án phát triển du lịch tại Đồ Sơn, Cát Bà và đảo Vũ Yên. Thực hiện việc chuyển trung tâm hành chính thành phố sang Khu đô thị Bắc Sông Cấm, chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố, huyện An Dương thành quận…

Thành phố cũng chú trọng các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển văn hóa xã hội với mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành trung tâm GD-ĐT và y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hải Phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố và đất nước.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bứt phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác cán bộ, nhân sự được thành phố chú trọng chọn lựa, bố trí như thế nào, thưa ông?

Trong Chương trình hành động của BCH Đảng bộ thành phố để thực hiện nghị quyết của Đại hội XVI đã nhận định: Muốn thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết đề ra, cần chú trọng nhân tố con người, trước hết là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về đạo đức với nòng cốt là các Đảng viên. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức cách mạng, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật. Thành phố tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Thành phố sẽ rà soát tổng thể thực trạng đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng, thực hiện các Đề án: Cơ chế, chính sách thu hút cán bộ có triển vọng vào vị trí lãnh đạo, quản lý; Luân chuyển cán bộ trẻ, có triển vọng, được đào tạo chính quy về xã, phường, thị trấn, quận, huyện; Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển dụng cán bộ công chức vào hệ thống các cơ quan Đảng, tổ chức, chính quyền các cấp; Bố trí, sắp xếp bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã không phải là người địa phương.

Thành phố cũng sẽ có cơ chế động viên, khuyến khích cán bộ giỏi, có nhiều thành tích, cống hiến, bãi miễn những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân.

Công tác đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của toàn Đảng bộ TP.Hải Phòng sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đảng bộ TP.Hải Phòng xác định sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy đảng với mục tiêu bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy đảng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng trọng tâm về cơ sở.

Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Thành ủy xác định là đổi mới và nâng cao chất lượng việc xây dựng chương trình công tác toàn khóa, hằng năm; tập trung xây dựng và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khâu trọng yếu, tạo sự phát triển bứt phá. Thật sự coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở các cấp; Ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết các cấp phù hợp với thực tiễn, bảo đảm khoa học, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và nguồn lực; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện; Đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng sâu sát cơ sở, sát dân, vì dân; kiên quyết chống mọi biểu hiện quan liêu, xa rời thực tiễn, không tôn trọng và vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. (Laodong.vn 12/01, Hoàng Hoan; Lao động 12/01, tr2)

KINH TẾ     

Máy đào hầm thứ 2 tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội đã về tới Hải Phòng

Các bộ phận của máy đào hầm (TBM) thứ hai có tên gọi “Táo bạo”của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội đã cập cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng vào trưa ngày 11/1/2021, dự kiến bắt đầu vận chuyển về ga ngầm S9 từ giữa tháng Một và hoàn thành lắp đặt vào tháng 4/2021.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), các bộ phận của máy sẽ được vận chuyển theo đường bộ vượt qua quãng đường 193km để tới ga ngầm S9-Kim Mã. Dự kiến việc vận chuyển và lắp đặt toàn bộ máy sẽ kéo dài khoảng ba tháng.

Tương tự như máy đào hầm “Thần tốc” trước đó, máy đào hầm “Táo bạo” là một cỗ máy lớn với nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xi lanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải… vì vậy việc vận chuyển và lắp đặt mất rất nhiều thời gian.

Để có thể đưa máy xuống lòng đất ở ga ngầm S9-Kim Mã, MRB và các nhà thầu phải thực hiện phương pháp “cuốn chiếu”, tức là vận chuyển đường bộ rồi dùng cần cẩu nặng 500 tấn đưa dần từng bộ phận  xuống tầng đáy của ga để lắp ráp.

Máy do hãng Herrenkecht (Cộng hòa liên bang Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m đường hầm.

Đánh giá năm 2021 là một năm quan trọng của dự án đường sắt đô thị tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban MRB cho biết mở đầu năm mới với việc hoàn thành lắp đặt máy TBM “Thần tốc” đầu tiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chào đón máy TBM “Táo bạo”thứ hai cập cảng, chuẩn bị về đến ga ngầm S9- Kim Mã.

“Ngay từ những ngày đầu năm, Ban sẽ tập trung dồn lực, quyết liệt chỉ đạo các nhà thầuhoàn thành lắp đặt và đưa bộ đôi TBM khởi công thi công đoạn tuyến hầm đúng theo dự kiến,” ông Minh nói.

Sau khi lắp ráp xong các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12-ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy.  (Vietnamplus.vn 11/01, Việt hùng; Zingnews.vn 11/01;’ Hanoimoi.com.vn 11/01; Kinhtedothi.vn 11/01; Baogiaothong.vn 11/01; baotintuc.vn/TTXVN 11/01; Nhandan.com.vn 11/01; Vtc.vn 11/01; Bnews.vn 11/01; Tienphong.vn 11/01; Laodong.vn 11/01; An ninh Thủ đô 12/01, tr4)

Bất động sản công nghiệp chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu tăng cao về kho vận

Do khan hiếm đất công nghiệp cùng với giá tăng cao, các khu công nghiệp mới dự kiến sẽ dịch chuyển ra xa các trung tâm công nghiệp hiện hữu. Bên cạnh đó sẽ hình thành các kho cao tầng nhằm tạo không gian lưu trữ lớn hơn và các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng đang thực hiện các thay đổi về phát triển sản phẩm để thích ứng với tình hình mới.

Trong đại dịch Covid-19, thị trường khu công nghiệp là mảng duy nhất chứng kiến tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Theo báo cáo của CBRE, quý IV/2020, giá thuê trung bình tại các khu công nghiệp đã có từ năm 2019 tại 5 tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm theo năm. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại 4 tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam đạt 87%, tăng 2,5 điểm phần trăm theo năm.

Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên toàn Việt Nam. CBRE ghi nhận giá thuê tại một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP. HCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% - 30% theo năm.

Hoạt động của kho và xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020 cũng như hoạt động cho thuê bị trì hoãn do việc hạn chế đi lại.

Sự tăng trưởng mạnh của các công ty thương mại điện tử và logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở phân phối. Do đó, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng lên đáng kể, với 20% tổng yêu cầu hỏi thuê cho ngành này.

Theo ghi nhận bởi CBRE, tại các vị trí đắc địa và hạn chế về nguồn cung đất công nghiệp, kho cao tầng sẽ xuất hiện nhằm tạo không gian lưu trữ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của các công ty thương mại điện tử, đặc biệt là để làm địa điểm để giao hàng chặng cuối.

Với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong năm 2020, bất chấp đại dịch, các "ông lớn" về kho xưởng quốc tế như GLP, LOGOS và JD.com đã tham gia và đầu tư mạnh mẽ vào cả miền Bắc và miền Nam. Vingroup, một chủ đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam, cũng đã gia nhập thị trường, với 2 khu công nghiệp mới dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2021.

Việc mở rộng của các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng các cơ sở sản xuất trong bối cảnh đẩy mạnh sự di dời chuỗi cung ứng sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới. Trong khi giá thuê đất công nghiệp đã đạt mức cao tại một số khu công nghiệp có vị trí tốt, khách thuê sẽ phải tìm kiếm nguồn cung đất mới tại các khu vực ngoài các trung tâm công nghiệp hiện hữu.

Ngoài ra, các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng đang thực hiện các thay đổi về phát triển sản phẩm để thích ứng với tình hình mới. Các điểm nổi bật là sự áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm dịch vụ pháp lý, nhân sự để giúp khách thuê tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án. Điều này đang dần tạo nên một mô hình phát triển bất động sản công nghiệp mới tại Việt Nam, tích hợp việc cung cấp và đầu tư bất động sản công nghiệp cũng như các dịch vụ hỗ trợ quản lý. (Thoibaokinhdoanh.vn 11/01)

Kết luận thanh tra tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Kết luận thanh tra số 7236/KL-BTNMT về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên,TP Hải Phòng).

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng hiện đang vận hành hai nhà máy là Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 hoạt động phát điện từ năm 2011 và Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 2 hoạt động phát điện từ năm 2014.

Qua kiểm tra cho thấy, Công ty đã thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ tần suất 4 lần/năm, các thông số và vị trí quan trắc theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Về bụi và khí thải phát sinh từ các tổ máy được xử lý bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, phun đá vôi kiểu ướt để xử lý trước khi thải ra môi trường qua 2 ống khói cao 200m.

Công ty đã áp dụng công nghệ đốt kiểu phân cấp để giảm thiểu khả năng tạo NOx trong khí thải. Khí thải trước khi thải ra môi trường phải xử lý đạt QCVN 22:2009/BTNMT. Công ty cũng đã lắp đặt camera theo dõi khí bụi, đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động để theo dõi, giám sát đối với 6 thông số là lưu lượng, bụi, CO, SO2, NOx và Oxi dư rồi truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng…

Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống quan trắc khí thải tự động hoạt động bình thường và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng theo quy định. Công ty đã xây dựng quy trình vận hành chuẩn, quy trình kiểm tra ống dẫn mẫu và kiểm tra bằng khí chuẩn tần suất 10 ngày/lần, lập sổ nhật ký về hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị.

Đáng chú ý, kiểm tra vị trí lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động và lấy mẫu khí thải của 4 ống khói/2 nhà máy có độ cao +18m tính từ chân ống khói (tương đương độ cao ống khói nằm ngang hút khí từ lò đốt dẫn vào ống khói đứng), không đáp ứng yêu cầu về chiều cao tối thiểu (≥ 2 lần đường kính ống khói) theo quy định tại Thông tư số 24/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do vị trí lấy mẫu không đúng quy định nên đoàn thanh tra không tiến hành lấy mẫu khí thải.

Về chất thải rắn, kết luận thanh tra cho biết trong 8 tháng đầu năm 2020, khối lượng phát sinh như sau: Tro bay 633.473 tấn, xỉ đáy lò là 106.534 tấn, chất thải rắn sinh hoạt trên 165 tấn.

Về chất thải nguy hại (CTNH), theo Kết luận thanh tra, 8 tháng đầu năm 2020 khối lượng CTNH phát sinh khoảng 242.615 kg bao gồm giẻ lau nhiễm dầu mỡ, bóng đèn huỳnh quang thải, bao bì nhiễm hóa chất, dầu thải, nước thải nhiễm dầu… được thu gom, phân loại, tập kết trong kho chứa CTNH theo quy định. Công ty đã bố trí kho lưu trữ CTNH theo quy định tại Thông tư 36/2015/ TT- BTNMT. Tại thời điểm thanh tra, trong kho lưu giữ CTNH không còn lưu giữ CTNH. Công ty đã chuyển giao CTNH cho Công ty Cổ phần thương mại Hải Đăng vận chuyển và xử lý theo Hợp đồng số 3938 ngày 30/6/2020. Công ty đã 14 lần chuyển giao CTNH cho Công ty Cổ phần thương mại Hải Đăng, trong đó ngày gần nhất là ngày 8/9/2020. Công ty đã lập bộ chứng từ CTNH trong quá trình chuyển giao, thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, Công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của Nhà máy; thực hiện giám sát môi trường định kỳ; đã đăng ký sổ chủ nguồn thải CTNH; đã quản lý chất rắn thông thường và CTNH đúng quy định; đã có báo cáo quản lý CTNH định kỳ; đã có hệ thống xử lý khí thải và nước thải; đã có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; báo cáo định kỳ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; đã nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thuế tài nguyên nước.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra một số tồn tại của Công ty, đó là vị trí quan trắc khí thải và lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động của 4 ống khói nhà máy nhiệt điện chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 1/9/2017.

Kiến nghị Sở TN&MT Hải Phòng giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty

Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng và hướng dẫn công ty thực hiện các thủ tục theo quy định trong quá trình khắc phục tồn tại nêu trên.

Đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, lấy mẫu khí thải đúng vị trí quy định theo Thông tư số 24/2017.

"Lập phương án xử lý đối với khoảng 600.000 tấn xỉ đáy lò phát sinh của năm 2017 trở về trước còn tồn tại bãi thải; niêm yết công khai kết luận thanh tra này tại trụ sở trong 15 ngày" - Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Sau khi hoàn thành các nội dung trên, công ty phải báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng trước ngày 30/3/2021. (Baotainguyenmoitruong.vn 11/01, Xuân Phương)

Nhiệt điện Hải Phòng báo lãi hơn 1.250 tỷ đồng năm 2020, vượt 33% kế hoạch

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) vừa công bố tình hình kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đã bao gồm chênh lệch tỷ giá đạt 133% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước khoảng 567 tỷ đồng.

Theo kế hoạch năm 2020, Nhiệt điện Hải Phòng đặt kế hoạch doanh thu đạt hơn 11.255 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế và chưa tính đến chênh lệch tỉ giá phát sinh dự kiến đạt hơn 943 tỷ đồng.

Như vậy, ước tính Nhiệt điện Hải Phòng đã lãi trước thuế khoảng 1.254 tỷ đồng năm 2020.

Công ty cho biết, sản lượng điện sản xuất năm 2020 ước chỉ đạt 7,255/8,150 tỷ kWh, tương đương 89% kế hoạch.

Theo công ty, nguyên nhân không đạt kế hoạch sản lượng là do nhu cầu điện năng của nền kinh tế không cao, hệ thống hạn chế huy động các tổ máy nhiệt điện than và giá thị trường thấp.

Cụ thể, các tháng cuối năm, do tình hình thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp ở các tỉnh Miền Trung, các dự án điện mặt trời ở các tỉnh khu vực phía Nam lần lượt được đưa vào vận hành, trong khi nhu cầu điện năng của nền kinh tế không lớn, vì vậy các nhà máy nhiệt điện được huy động phát công suất thấp.

Với kết quả kinh doanh trên, nếu xét giai đoạn 2013 - 2018, Nhiệt điện Hải Phòng lãi trước thuế trung bình 300 tỷ đồng - 500 tỷ đồng mỗi năm. Kể từ năm 2019 công ty báo lãi trước thuế tăng vọt lên hơn 1.200 tỷ đồng.

Trên thị trường, giá cổ phiếu HND đã tăng trưởng 66% kể từ đầu năm 2020 lên mốc 20.700 đồng/cp chốt phiên ngày 11/1/2020. (Vietnambiz.vn 11/01)

 

XÃ HỘI     

Nông dân kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ mô hình nuôi vịt biển sạch

Vài năm trở lại đây, vịt biển sạch đã dần trở thành một món đặc sản của mảnh đất Hải Phòng. Người khởi đầu làm nên thương hiệu vịt biển tại nơi đây là nông dân Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Không theo phương thức chăn nuôi truyền thống, ông Đoàn Văn Vươn đã tự nghiêm cứu những quy trình nuôi vịt biển đặc biệt của riêng mình.

Sau nhiều năm phát triển, mô hình ngày càng được mở rộng, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông Vươn. Có thể nói, đây chính là “trái ngọt” mà người nông dân cần cù này nhận được sau quãng thời gian quyết tâm với loài vật đặt biệt của mảnh đất quê hương mình. (Vietnamplus.vn/TTXVN 11/01, Lâm Phan)

GIÁO DỤC  

Niềm vui của cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu

Cuối năm 2020, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh trường Tiểu học Võ Thị Sáu vui mừng, phấn khởi khi dãy nhà A 5 tầng được quận Lê Chân (Hải Phòng) đầu tư xây dựng mới với 6 phòng học và các phòng chức năng, nhà ăn… được đưa vào sử dụng.

Trước đó, năm học 2018-2019, nhà trường đã được đầu tư xây dựng dãy nhà D cao 4 tầng với 6 phòng học.

Các phòng học tại dãy nhà được xây dựng mới đều được trang bị bàn ghế mới, giá sách, quạt, điều hòa, bảng thông minh, tivi...

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu vui mừng, cho biết: “Trong 2 năm học (2018-2019 và 2019-2020), nhà trường nhận được sự quan tâm, đầu tư của Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Lê Chân xây dựng 2 dãy nhà A,D.

Với việc được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, từ chỗ nhà trường chỉ đủ điều kiện để cho số ít học sinh được học 2 buổi/ngày, thì nay học sinh từ lớp 1-3 đã được học 2 buổi/ngày”.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên cho rằng, nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, tìm kiếm tri thức của các em học sinh.

Đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đối với sự nghiệp trồng người, tạo niềm vui phấn khởi cho nhân dân khi gửi gắm con em học tập tại trường.

Điều đáng nói là, từ nay, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có thêm điều kiện để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước xây dựng nhà trường trở thành trường học hạnh phúc. (Giaoduc.net.vn 11/01, Lã Tiến)

Học sinh tiểu học, mầm non Hải Phòng tiếp tục được nghỉ tránh rét

Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng cho biết, những ngày tới không khí lạnh tăng cường, các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố tiếp tục căn cứ tình hình thời tiết để thông báo lịch nghỉ cho phụ huynh và học sinh nhằm đảm bảo sức khỏe.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 11/1, ông Đào Thế Anh – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, bốn ngày trước không khí lạnh đổ bộ toàn miền Bắc, Sở đã ban hành công văn về việc đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh.

Không khí lạnh tăng cường kéo dài nhiều ngày do đó, các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố đã triển khai cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe.

Theo đó, toàn thành phố đã có hơn 58.400 lượt học sinh tiểu học và mầm non nghỉ do rét đậm (chiếm gần 19% học sinh tiểu học, mầm non). Trong đó, cấp tiểu học quận Lê Chân có số lượng học sinh nghỉ nhiều nhất (13.575 học sinh), cấp mầm non huyện Thủy Nguyên có gần 6.000 học sinh nghỉ.

Một số quận huyện không có báo về tình hình cho học sinh nghỉ vì rét đậm như:  quận Ngô Quyền, quận Dương Kinh và huyện Bạch Long Vỹ.

"Trong một vài ngày tới, thời tiết miền Bắc tiếp tục đón không khí lạnh tăng cường, các trường tiếp tục căn cứ tình hình thời tiết để thông báo lịch nghỉ học cho học sinh và phụ huynh. Cụ thể, thời tiết dưới 10 độ, học sinh tiểu học và mầm non sẽ tiếp tục được nghỉ; dưới 7 độ, 100% học sinh trên toàn thành phố sẽ được nghỉ học để đảm bảo sức khỏe. Trong thời gian thời tiết rét đậm, rét hại, Sở yêu cầu các trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời, không bắt buộc mặc đồng phục", ông Đào Thế Anh nói.

Bà Đỗ Thị Bích Ly – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho biết, từ 8/1 nhà trường đã triển khai cho học sinh nghỉ do thời tiết tại thành phố Hải Phòng dưới 10 độ C. Ngoài thông báo trên cổng thông tin, các thầy cô chủ nhiệm cũng thông báo kế hoạch qua các nhóm trên mạng xã hội, hội phụ huynh từng lớp.

Ngày đầu nghỉ phòng chống rét, vẫn có một số học sinh tới trường. Những học sinh này vẫn được các thầy cô bổ túc tại trường, đảm bảo phòng chống rét, ăn uống đầy đủ. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ tại nhà, các em học sinh vẫn được cập nhật, học online để đuổi kịp chương trình giảng dạy. (Tienphong.vn 12/011, Nguyễn Hoàn)

GIAO THÔNG

Hạn chế giao thông để thi công cầu Rào 1, phương tiện đi lại thế nào?

Ngày 11/1, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, theo đề nghị của liên danh đơn vị thi công dự án xây dựng cầu Rào 1 vượt sông tại Km 09+000 sông Lạch Tray (Hải Phòng), giao thông đường thủy qua khu vực này bắt đầu bị hạn chế để phục vụ thi công. Thời gian hạn chế kéo dài đến tháng hết tháng 6/2022.

Tại khu vực trên sẽ có các cụm báo hiệu trên bờ phía thượng và hạ lưu khu vực thi công 500m, bao gồm báo hiệu chú ý nguy hiểm, cấm phương tiện vượt, quay trở, chiều cao tĩnh không bị hạn chế, hạn chế đoàn lai dắt. Dưới nước có các phao báo hiệu: giới hạn bờ phải, bờ trái của luồng chạy tàu, có đèn báo hiệu ban đêm. Tại khu vực thi công có bố trí báo hiệu chướng ngại vật phía bên phải, bên trái luồng chạy tàu.

Về điều tiết giao thông, phía thượng lưu và hạ lưu cách khu vực thi công 400m có phương tiện chốt trực hướng dẫn phương tiện thủy qua lại, riêng trong thời gian thi công nhịp cầu khoang thông thuyền, phá dỡ cầu cũ bố trí chốt trực cách cầu phía thượng lưu 100m. Lực lượng chốt trực thực hiện nhiệm vụ khống chế, điều tiết, hướng dẫn giao thông thủy theo đúng quy định.

“Tại khu vực hạn chế giao thông có bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy theo phương án đảm bảo ATGT đường thủy được phê duyệt. Đồng thời, có lực lượng chốt trực điều tiết, khống chế đảm bảo giao thông. Phương tiện thủy khi đến khu vực trên phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của lực lượng khống chế, điều tiết giao thông và hệ báo hiệu hướng dẫn đường thủy tại hiện trường để đảm bảo ATGT và thi công”, Chi cục Đường thủy phía Bắc cho biết.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1 có tổng mức đầu hơn 2.265 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.Hải Phòng. Công trình có chiều dài 456,5m, rộng 30,5m gồm 3 vòng thép và 6 nhịp dẫn bằng rầm bản rỗng, quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp cùng giải phân cách, giải an toàn, vỉa hè 2 bên. Cầu Rào 1 nằm trên 4 quận là Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh và Lê Chân, có diện tích đất thu hồi đất khoảng 3ha, trong đó có bến xe Cầu Rào và 64 hộ dân. Việc xây dựng cầu Rào 1 sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng trên tuyến đường Lạch Tray nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tạo động lực để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020 và dự kiến thi công trong 18 tháng, hoàn thành vào năm 2022. Nhà thầu thi công là Tổng công ty Thăng Long - CTCP. (Baogiaothong.vn 11/01, Huy Lộc)

Hải Phòng phân luồng giao thông phục vụ thi công Cầu Rào

Từ ngày 14/1, TP Hải Phòng tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào.

Sở GTVT Hải Phòng vừa ra thông báo số 08/TB-SGTVT về việc tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào.

Theo đó, kể từ 0h ngày 14/1/2021, cấm người và phương tiện lưu thông qua Cầu Rào.

Đồng thời, phân luồng cho các loại phương tiện lưu thông chiều từ các quận Đồ Sơn, Dương Kinh đi Trung tâm thành phố: Đối với các loại xe thô sơ, xe máy, xe ô tô con, xe tải dưới 3,5 tấn, xe khách dưới 16 chỗ đi theo các tuyến đường: Võ Nguyên Giáp Bùi Viện Thiên Lôi (hoặc Nguyễn Văn Linh) Lạch Tray đến Trung tâm thành phố. Đối với các loại xe tải trên 3,5 tấn, xe khách trên 16 chỗ, xe buýt đi theo các tuyến đường: Võ Nguyên Giáp Nguyễn Văn Linh (hoặc đường Bùi Viện, Lê Hồng Phong) Trung tâm thành phố.

Chiều từ Trung tâm thành phố đi các quận Dương Kinh, Đồ Sơn, đối với các loại xe thô sơ, xe máy, xe ô tô con, xe tải dưới 3,5 tấn, xe khách dưới 16 chỗ đi theo các tuyến đường: Lạch Tray Thiên Lôi (đoạn trước bến xe Cầu Rào) Bùi Viện Võ Nguyên Giáp Phạm Văn Đồng (hoặc Lạch Tray Nguyễn Văn Linh Võ Nguyên Giáp Phạm Văn Đồng).

Đối với các loại xe tải trên 3,5 tấn, xe khách trên 16 chỗ, xe buýt đi theo các tuyến đường: Lạch Tray Nguyễn Văn Linh Võ Nguyên Giáp Phạm Văn Đồng (hoặc Lạch Tray Nguyễn Văn Linh Lê Hồng Phong Bùi Viện Võ Nguyên Giáp Phạm Văn Đồng).

Trong thời gian phân luồng giao thông trên, Sở GTVT Hải Phòng đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chấp hành theo hệ thống biển báo hiệu đường bộ và các lực lượng chức năng điều tiết giao thông tại hiện trường. (Baogiaothong.vn 11/01, Vũ Đạt)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Đường ngõ sạch đẹp nhờ dân vận khéo

Là 1 trong 8 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Tiên Lãng, xã Kiến Thiết đang “thay da đổi thịt từng ngày”. Từ kết quả của công tác dân vận, người dân Kiến Thiết đồng thuận cao, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình trên đất. Đến nay, các tuyến đường trục xã, thôn được mở rộng, đầu tư trải thảm nhựa, có vỉa hè, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh như đường đô thị, khu xử lý rác thải tập trung. (Baohaiphong.com.vn 11/01 Đỗ Hiền)

Khoan thư sức dân để nuôi dưỡng nguồn thu

Theo Cục Thuế Hải Phòng, do đại dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND thành phố, Cục Thuế thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cao việc hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân. (Baohaiphong.com.vn 11/01, Thanh Hiệp)

Phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) kỷ niệm 40 năm ngày thành lập

Chiều 11/1, phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (15/1/1981 – 15/1/2021). Cùng với sự phát triển của thành phố và quận Ngô Quyền, phường Đồng Quốc Bình đã có những bước phát triển quan trọng về kinh tế xã hội  với những dự án lớn góp phần thay đổi diện mạo đô thị như: Dự án cải Thoát nước mưa, nước thải mương An Kim Hải; Nhà Đ2, thư viện thành phố, Bệnh viện Đại học Y- Dược Hải Phòng… (Anhp.vn 11/01)

Quận Dương Kinh: Thu ngân sách đạt 262, 866 tỷ đồng

Chiều 11/1, UBND quận Dương Kinh tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2020 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2021. (Anhp.vn 11/01)

Quận Ngô Quyền: Phấn đấu đến hết năm 2021 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia

Sáng 11/1, UBND quận Ngô Quyền tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quận ủy, HĐND quận về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và phát động thi đua năm 2021. (Anhp.vn 11/01)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Kỷ niệm 435 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

UBND H. Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) ngày 10/1 tổ chức kỷ niệm 435 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thôn Trung Am, xã Lý Học, H. Vĩnh Bảo. Đây là một trong những hoạt động của lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn ra trong 3 ngày (9,10 và 11-1). (Cadn.com.vn 11/01; Baohaiquanvietnam.vn 11/01)

Sáu người đàn bà tổ chức đánh bạc qua mạng xã hội

CATP Hải Phòng ngày 11/1/2021 thông tin về việc, CQĐT CAQ Ngô Quyền vừa khám phá thành công chuyên án bóc gỡ đường dây đánh bạc qua mạng xã hội, bắt 6 đối tượng với số tiền giao dịch lớn. (Anninhthudo.vn 11/01, M.M; Giaoducthoidai.vn 11/01; Nhandan.com.vn 11/01; Tuoitrethudo.com.vn 11/01; Tamnhin.net.vn 11/01; Doisongvietnam.vn 11/01; An ninh Thủ đô 12/01, tr15)

Bé trai mắc kẹt giữa nhiều bình ga trong căn nhà khóa trái đang cháy

Cảnh sát và người dân phải phá cửa cứu bé trai 3 tuổi. Nguyên nhân hỏa hoạn đang được cơ quan chức năng làm rõ.. Thông tin ban đầu, gần 20h ngày 9/1, người dân phát hiện nhà bà Trần Thị Kim Thoa, ở số 6 Nguyễn Trãi, phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) bị cháy. Vợ chồng chủ nhà đi vắng, khóa trải cửa, để bé trai T.V.Đ (sinh năm 2018) ở bên trong. (Baophapluat.vn 11/01)

VNVC Hải Phòng kịp thời phục vụ người dân trước tết Tân Sửu

Với diện tích hơn 1.000m2, VNVC Hải Phòng đi vào hoạt động sáng ngày 10/01/2021 đã trở thành trung tâm tiêm chủng lớn nhất thành phố Cảng, có đủ các loại vắc xin cho trẻ em và người lớn, nguồn gốc vắc xin uy tín, dịch vụ tiêm chủng cao cấp, an toàn và chăm sóc khách hàng đẳng cấp. (Suckhoedoisong.vn 11/01; Antv.gov.vn.gov.vn 11/01)

Hải Phòng: 'Xe điên' lao vào chợ cóc, nhiều người bị thương

Sáng 9/1, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động Công an H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) cho biết đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại chợ cóc Ba Toa, xã Thủy Đường, H.Thủy Nguyên. (VTV1, Bản tin Chào buổi sáng ngày 11/01)./.

 

 

 

                                                                       

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn