Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 05/11/2020)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ  

Hải Phòng bổ nhiệm, luân chuyển nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt

Sáng ngày 4/11, Thường trực Thành ủy Hải Phòng triệu tập Hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác bổ nhiệm cán bộ.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định điều động đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Lê Chân về công tác tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng để bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Điều động, chỉ định đồng chí Trần Việt Tuấn, Ủy viên Thành ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ quận Lê Chân, giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Lê Chân nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định điều động, chỉ định đồng chí Phạm Văn Hà, Ủy viên Thành ủy tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ quận Ngô Quyền, giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Ngô Quyền, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước đó, tại Quyết định số 06/TU- QĐ ngày 1/11/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Đào Trọng Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức Thành ủy.

Cùng ngày, UBND TP tổ chức Hội nghị công bố các quyết định của Chủ tịch UBND TP về công tác cán bộ nhiều sở, ngành.

Theo Quyết định số 2464/QĐ-UBND, đồng chí Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1/11/2020.

Theo Quyết định số 3358/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP bổ nhiệm đồng chí Trần Anh Cường, Ủy viên Thành ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế, thời hạn bổ nhiệm 5 năm, kể từ ngày 1/11/2020

Theo Quyết định số 3356/QĐ-UBND ngày 4/11/2020 của Chủ tịch UBND TP, đồng chí chí Đỗ Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Theo Quyết định số 3139/QĐ-UBND ngày 12/10/2020 của Chủ tịch UBND TP, đồng chí Nguyễn Bách Phái, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/11/2020, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Chủ tịch UBND TP cũng quyết định tiếp nhận, điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Long, Ủy viên Thành ủy, Chánh Văn phòng Thành ủy giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. (Baophapluat.vn 04/11, Mạnh Toàn; Vov.vn 04/11; Zingnews.vn 04/11; Baogiaothong.vn 04/11; Nongnghiep.vn 04/11; Baodansinh.vn 04/11; Baodautu.vn 04/11; Phapluatxahoi.vn 04/11; Antt.nguoiduatin.vn  04/11; Tienphong.vn 04/11; Doanhnhanvn.vn 04/11; Kinhtenongthon.vn 04/11; Plo.vn 04/11; Baoxaydung.com.vn 04/11; Phapluat.tuoitrethudo.com.vn 04/11; Taichinhdoanhnghiep.net.vn 04/11; Tuoitrethudo.com.vn 05/11; Danviet.vn 05/11; Thanhtra.com.vn 04/11; Tiền phong 05/1105/11, tr2; Pháp Luật Việt Nam 05/11, tr12)

Nghị định 20 khống chế chi phí lãi vay gây nhiều vướng mắc

Nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 chưa thực sự thống nhất với các quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Tại các kỳ họp từ thứ 7 đến thứ 9 Quốc hội khóa XIV, một trong những nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội và Doanh nghiệp quan tâm, đó là Nghị định 20 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này quy định về mức khống chế chi phí lãi vay đã gây ra nhiều vướng mắc và ảnh hưởng không hề nhỏ tới các doanh nghiệp của Việt Nam.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ngày 3/11, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng đã phát biểu đặt câu hỏi về Nghị định 20.

Dẫn quan điểm của nhiều chuyên gia, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết: Nội dung quy định tại khoản 3 điều 8 của Nghị định này chưa thực sự thống nhất với các quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật đầu tư, và thực tế, chưa tạo ra biện pháp hiệu quả để thực thi kế hoạch hành động của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD về chống xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận (gọi là chống chuyển giá) đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam. Mà thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty holding, công ty mẹ con bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước hàng loạt kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước, đặt biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và có điều chỉnh phù hợp. Tháng 06/2020, Nghị định số 68 sửa đổi bổ sung Khoản 3 Điều 8 của Nghị 20 đã được ban hành.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thanh Tùng phản ánh: Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, việc ban hành nghị định mới bổ sung vẫn chưa xử lý được một cách triệt để các bất cập và tiếp tục kiến nghị về dài hạn, cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu của quy định này là chống chuyển giá (tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài), vì vậy các doanh nghiệp có công ty mẹ công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam thì không phải là đối tượng chống chuyển giá. Các doanh nghiệp cho vay mượn qua lại giữa các thành viên cũng nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh.

“Đề nghị Chính phủ sớm tiếp tục nghiên cứu để ban hành Nghị định sửa đổi tổng thể, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi cho đại dịch Covid và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay” – Đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cho biết, một số nước mức trần này chỉ áp dụng cho chi phí lãi vay chi trả cho các công ty liên kết ở nước ngoài, ví dụ Hàn Quốc quy định chi phí lãi vay trả cho các tổ chức liên kết bên nước ngoài vượt quá 30% của thu nhập chịu thuế chưa bao gồm khấu hao và chi phí lãi vay đối với các công ty trong nước. Việc áp dụng này khá phù hợp với nguyên tắc quản lý giao dịch các bên liên kết nhằm mục đích chống xói mòn về thuế.

Tuy nhiên, khi đặt vị thế giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan và Myanmar, vốn chưa có quy định về mức khống chế chi phí lãi vay, nên Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo thêm mô hình các nước có cơ cấu và phát triển tương tự như Việt Nam để có thể đồng thời tạo thế cạnh tranh (giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, cũng như thu hút vốn đầu tư từ các quốc gia khác khi cân nhắc giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong Đông Nam Á), vừa đảm bảo mục tiêu chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD. (Vov.vn 04/11)

Giáo dục chính trị sát với từng nhiệm vụ

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung đoàn 50, Bộ CHQS TP Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm đổi mới công tác giáo dục chính trị (GDCT). Qua đó nâng cao nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho cán bộ, chiến sĩ; góp phần để đơn vị luôn ổn định, kết quả thực hiện nhiệm vụ có nhiều chuyển biến tích cực.

Năm 2019, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của Trung đoàn 50 có mặt còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng vi phạm kỷ luật, trong đó có cả vi phạm kỷ luật nghiêm trọng xảy ra. Theo Trung tá Nguyễn Văn Việt, Chính ủy Trung đoàn 50, với quan điểm nhìn nhận thẳng vấn đề, tìm đúng nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đã xác định một trong những giải pháp cấp thiết phải triển khai trong năm 2020 là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác GDCT. Để làm điều đó, trước tiên cần bồi dưỡng kinh nghiệm, năng lực tiến hành hoạt động GDCT cho đội ngũ cán bộ chính trị các cấp.

Có mặt tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50 khi đơn vị đang tổ chức giảng dạy chính trị cho hạ sĩ quan, chiến sĩ, chúng tôi ấn tượng trước tác phong lên lớp chững chạc, nội dung trình bày rõ ràng, mạch lạc của Trung úy Phạm Văn Toàn, Chính trị viên phó Đại đội 1. Mặc dù mới ra trường nhưng Toàn thuần thục các kỹ năng giảng bài bằng phương pháp trình chiếu PowerPoint, hình ảnh minh họa và lời thuyết trình phù hợp, các ví dụ trong bài giảng gắn sát với hoạt động của bộ đội, đơn vị. Quá trình lên lớp, Toàn thoát ly hoàn toàn giáo án, luôn quan sát lớp học, đưa ra nhiều câu hỏi để bộ đội thảo luận.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung úy Phạm Văn Toàn chia sẻ: "Để có được một buổi lên lớp đạt kết quả cao, tôi đã sưu tầm nhiều nguồn tài liệu làm cơ sở viết giáo án. Giáo án viết tay xong được đánh máy và chuẩn bị giáo án điện tử. Sau khi thục luyện thuần thục cả giáo án viết tay và giáo án điện tử, tôi tiến hành giảng thử trước tổ giáo viên tiểu đoàn, thường xuyên luyện tập và rút kinh nghiệm sau mỗi lần giảng, sau đó hoàn chỉnh bài giảng rồi mới lên lớp".

Theo Thiếu tá Đỗ Văn Thế, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 50, việc duy trì nghiêm các bước chuẩn bị, soạn thảo, thục luyện, thông qua giáo án sẽ rèn luyện đội ngũ cán bộ chính trị tác phong làm việc nghiêm túc, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuẩn bị bài giảng, bồi dưỡng phương pháp, tác phong thuyết trình trước đám đông. Trường hợp của Trung úy Phạm Văn Toàn là ví dụ điển hình. Năm 2019, khi mới ra trường về đơn vị, Toàn chưa thạo việc soạn giáo án điện tử, đứng trước tập thể vẫn còn lúng túng. Được chỉ huy các cấp bồi dưỡng, giúp đỡ, kết hợp quá trình tự học, tự rèn nên Toàn nhanh chóng trưởng thành. Đợt thi cán bộ giảng dạy chính trị cấp Bộ CHQS thành phố vừa rồi, Toàn đoạt giải nhì và góp phần giúp trung đoàn đoạt giải nhì toàn đoàn.

Cùng với nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảng dạy chính trị, thời gian qua, các chế độ như: Thông báo chính trị-thời sự; ngày chính trị, văn hóa tinh thần; đọc báo, nghe đài, xem truyền hình cũng được các cơ quan, phân đội thuộc Trung đoàn 50 duy trì chặt chẽ, đúng quy định. Bên cạnh đó, trung đoàn còn triển khai một số mô hình: "Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích", "Mỗi ngày một điều luật, mỗi tuần một câu hỏi pháp luật", "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân" giúp nâng cao chất lượng GDCT tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ.

 

Trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tiễn ở đơn vị, trung đoàn chỉ đạo tiến hành các đợt sinh hoạt chính trị: "Bàn biện pháp chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội", "Nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đơn vị VMTD "mẫu mực, tiêu biểu"; tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham gia các buổi tham quan triển lãm, di tích lịch sử để giáo dục truyền thống. Các tổ chức đoàn thanh niên tiến hành diễn đàn "Đoàn viên, thanh niên với văn hóa giao thông"... Ngoài ra, đặc thù Trung đoàn 50 thường xuyên thực hiện nhiệm vụ đột xuất do Bộ CHQS thành phố giao nên công tác giáo dục, quán triệt cho những bộ phận trước khi đi công tác nhỏ lẻ cũng được tiến hành chặt chẽ, bài bản.

Trung tá Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: "Để kịp thời rút kinh nghiệm hoạt động GDCT, thứ năm hằng tuần, Ban Chính trị trung đoàn tập trung toàn bộ đội ngũ chính trị viên cấp đại đội, tiểu đoàn tổ chức giao ban công tác Đảng, công tác chính trị nhằm nắm tình hình tư tưởng bộ đội và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng phân đội. Trên cơ sở đó, cơ quan chính trị có biện pháp chỉ đạo tiến hành các hoạt động GDCT sát với từng nhiệm vụ, từng đối tượng".

Hiệu quả của việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDCT trong thời gian qua đã góp phần giúp Trung đoàn 50 hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ đột xuất, quan trọng. Đơn vị không để xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vi phạm kỷ luật thông thường giảm xuống dưới 0,2%. Kết quả đó là cơ sở để đơn vị hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 đã xác định. (Qdnd.vn 04/11, Nguyễn Trường, Quân đội nhân dân 05/11, tr2)

QUẢN LÝ

Huyện An Dương (Hải Phòng): Nhiều người dân gặp khó khi làm thủ tục đăng ký đất đai

Hệ thống xử lý công việc “lạc hậu”, bố trí nhân lực chưa hợp lý, cán bộ hướng dẫn thiếu nhiệt tình,… là một trong số những nguyên nhân khiến người dân gặp khó khăn, thời gian chờ đợi kéo dài khi đến UBND huyện An Dương làm thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Văn Thuân (58 tuổi, ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cho biết, năm 2010, gia đình ông có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng một khu đất trị giá 300 triệu đồng trên địa bàn xã An Đồng, huyện An Dương. Quá trình chuyển nhượng, 2 bên đã hoàn thiện thủ tục công chứng. Sau đó, ông Thuân mang hồ sơ đến bộ phận hành chính công một cửa huyện An Dương, tại đây cán bộ tiếp nhận yêu cầu cung cấp hàng loạt giấy tờ.

“Nếu cán bộ nhận hồ sơ hướng dẫn tận tình, cụ thể thì tôi đã không mất nhiều công sức đi lại. Thế nhưng, mỗi lần đến làm thủ tục phải chờ đợi mất cả buổi, rồi lại ra về bổ sung thêm giấy tờ rất mất thời gian. Chục năm nay, tôi đến huyện An Dương làm thủ tục không dưới 50 lần”, ông Thuân bức xúc nói.

Nhận thấy thủ tục sang tên GCN QSDĐ khá rắc rối, năm 2019, ông Thuân liên hệ một cán bộ tên P.V.T. công tác tại UBND xã An Đồng, huyện An Dương để nhờ hướng dẫn.

Theo ông Thuân, cán bộ T. chỉ dẫn một số thủ tục rồi thông báo chi phí làm GCN QSDĐ mất 10 triệu, tiền ủng hộ địa phương thêm 3 triệu. Tổng số tiền 13 triệu đồng, sau đó ông Thuân đã đưa tiền cho ông T. và không có biên lai.

Sau nhiều lần hứa hẹn nhưng chưa làm được, tháng 6/2020, cán bộ T. đã trả lại hồ sơ để ông Thuân mang lên hành chính công huyện An Dương làm thủ tục đăng ký.

Ttháng 10/2020, qua nhiều năm vất vả đi lại hỏi thủ tục, bổ sung giấy tờ, thì hồ sơ đăng ký cấp GCN QSDĐ của ông mới chỉ nằm ở khâu tiếp nhận tại bộ phận một cửa huyện An Dương. Còn tiếp tục bổ sung giấy tờ hay thiếu sót gì thì phải chờ đến ngày hẹn.

Có mặt tại bộ phận hành chính công một cửa huyện An Dương, bà Nguyễn Thu Minh (52 tuổi, ở xã Đồng Thái, huyện An Dương) cho hay, thủ tục hành chính nơi đây khá rườm rà và lạc hậu, cán bộ thiếu nhiệt tình khi hướng dẫn người dân. Tuy có 5 quầy tiếp nhận, nhưng hồ sơ tập trung nhiều ở quầy số 3 đăng ký đất đai, còn cán bộ các quầy khác lại rất nhàn rỗi. Thậm chí, họ còn bỏ vị trí làm việc để đi đâu thì không ai rõ”.

Còn ông Trần Việt Hưng (45 tuổi, ở xã An Đồng, huyện An Dương) cho biết, mỗi lần đến làm thủ tục đăng ký đất đai ở huyện An Dương phải nghỉ làm cả ngày. Bởi sau khi chờ “dài cổ” mới đến lượt, người dân phải ra cửa hàng tạp hoá mua tờ khai thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ để viết tay.

“Khó khăn còn nằm ở việc khai thuế, bởi tờ khai thuế thu nhập cá nhân có phần ghi mã số thuế của người mua và người bán, nếu không biết mã số này sẽ mất thêm vài ngày chờ cán bộ tiếp nhận xác minh. Điều này khiến chúng tôi mất thêm thời gian, công sức đi lại. Trường hợp người dân biết mã số thuế cá nhân sẽ được cán bộ hẹn quay lại sau 2-3 tuần mà chưa biết hồ sơ có đạt yêu cầu hay chưa?”, ông Hưng nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày, tại bộ phận hành chính công một cửa huyện An Dương thường xuyên có khoảng 50-70 công dân đến làm thủ tục. Hầu hết trên khuôn mặt mỗi người đều mang vẻ lo lắng, sẵn sàng với câu nói quen thuộc từ cán bộ là: “quay lại lần sau”. Thỉnh thoảng, xen lẫn những khuôn mặt lo âu của công dân đến làm thủ tục xuất hiện giọng nói lớn tiếng của cán bộ tiếp nhận giấy tờ.

Mặc dù số lượng người dân đến làm thủ tục đất đai khá đông, thế nhưng, bộ phận hành chính công một cửa huyện An Dương chỉ bố trí duy nhất một quầy tiếp nhận hồ sơ, các quầy bên cạnh rất thưa bóng người. Chính vì sự phân công cán bộ thiếu hợp lý, mà người dân đến làm thủ tục phải chờ đợi thêm nhiều thời gian.

Đáng chú ý, nhiều người dân còn phản ánh gặp bất cập khi công chứng chứng thực giấy tờ tại UBND huyện An Dương. Cụ thể, giấy tờ muốn công chứng phải photo bản gốc ngay tại UBND huyện An Dương, sau đó cán bộ tính thêm tiền photo và chứng thực. Trường hợp người dân photo giấy tờ từ bên ngoài mang đến, cán bộ công chứng sẽ từ chối chứng thực.

Khi thấy cán bộ phòng công chứng huyện An Dương gạt bỏ giấy tờ photo từ bên ngoài mang đến và bắt buộc người dân phải photo tại chỗ, anh Trần Quốc Bảo (35 tuổi, ở quận Lê Chân) thắc mắc thì nữ cán bộ nói: “Đây là quy định của huyện, nếu photo từ ngoài mang đến công chứng thì chúng tôi không nhận”.

Anh Trần Quốc Bảo cho rằng, việc cán bộ phòng công chứng huyện An Dương bắt ép phải photo tại chỗ, đồng thời tính thêm tiền photo chẳng khác nào “kinh doanh” giấy của cơ quan. Hầu hết các điểm công chứng khác đều chấp nhận cho người dân photo sẵn giấy tờ từ bên ngoài đến công chứng xác thực.

Một số người dân cho rằng, mỗi ngày có rất nhiều hồ sơ mang đến UBND huyện An Dương để công chứng. Như vậy, ngân sách Nhà nước dùng mua sắm văn phòng phẩm, bảo dưỡng máy in, đổ mực,… đang bị thất thoát, còn khoản tiền “kinh doanh” giấy photo sẽ nằm ở đâu? Hơn nữa, việc mất thêm thời gian đi lại để làm giấy tờ khiến người dân đi làm thủ tục rất mệt mỏi, bất tiện

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Quyền – Chánh Văn phòng UBND huyện An Dương cho hay, trường hợp hồ sơ của người dân đến làm thủ tục gặp vướng mắc kéo dài cần phải kiểm tra lại cụ thể. Bên cạnh đó, việc cán bộ tiếp nhận hồ sơ “lớn tiếng” với người dân có thể xuất phát từ áp lực công việc, do phải hướng dẫn nhiều thủ tục giấy tờ.

Cũng theo ông Đinh Văn Quyền, trường hợp cán bộ địa chính yêu cầu đưa tiền để làm hồ sơ thì người dân cần phải hỏi cụ thể. Bởi ngoài tiền nộp thuế và các loại phí có biên lai trong quy định nhà nước, người dân không phải đưa thêm cho ai bất kỳ khoản tiền nào.

“Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi sẽ làm việc với Giám đốc Phòng quản lý đất đai để kiểm tra quy trình, ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ”, vị Chánh văn phòng UBND huyện An Dương nói.

Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao bộ phận một cửa UBND huyện An Dương không đặt máy bấm số thứ tự và đánh giá mức độ hài lòng của công dân khi đến làm thủ tục, đại diện UBND huyện cho hay, hiện trong phòng một cửa đã có máy bấm đăng ký làm thủ tục, nhưng do cơ sở vật chất chật hẹp nên tạm thời máy ngưng hoạt động. (Conglyxahoi.net.vn 05/11)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG       

Giao công an điều tra vụ lái xe "rút ruột" xăng dầu Báo Giao thông phản ánh

UBND TP Hải Phòng đã phát hành văn bản giao Công an TP Hải Phòng chủ trì điều tra, xử lý vụ lái xe "rút ruột" xăng dầu Báo Giao thông phản ánh.

Ngay sau khi Báo Giao thông đăng tải loạt bài “Lái xe ngang nhiên “rút ruột” bán trộm xăng dầu trên Quốc lộ 5”, ngày 2/11/2020, UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản số 6893 về việc xác minh làm rõ vấn đề báo chí nêu.

Nội dung văn bản nêu rõ, Báo Giao thông ngày 28/10/2020 đăng tải bài viết “Lái xe ngang nhiên “rút ruột” bán trộm xăng dầu trên Quốc lộ 5”.

Về việc này, UBND TP Hải Phòng giao: Công an thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với UBND huyện An Dương chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ vấn đề báo nêu, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và quy định pháp luật, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.

Trước đó, Báo Giao thông đăng tải loạt bài viết phản ánh về tình trạng buôn bán xăng dầu trái phép ngang nhiên trên Quốc lộ 5 gây mất an toàn PCCC, ATGT và trật tự xã hội.

Đặc biệt, các đối tượng “rút ruột” bán trộm xăng dầu còn ngang nhiên cắt hộ lan trên Quốc lộ 5 làm điểm thu mua xăng dầu.

Ngay sau khi Báo Giao thông đăng tải, hộ lan tuyến đường bị cắt đã được lắp lại, tuy nhiên hoạt động mua bán xăng dầu vẫn còn, dưới hình thức tinh vi hơn.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, đã giao công an và UBND huyện An Dương kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật, khi nào có kết quả sẽ thông tin đến cơ quan báo chí. (Baogiaothong.vn 04/11)

Lực lượng vũ trang chung tay xây dựng thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại Bài 1: Chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, những năm qua Đảng ủy, Bộ CHQS thành phố Hải Phòng đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện nhiệm vụ QS, QPĐP, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ (DQTV) tích cực tham gia giúp cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh,..., góp phần xây dựng thành phố Cảng ngày càng văn minh, hiện đại.llvtchhhj

Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” (NTM), nhiều năm qua các cơ quan, đơn vị trong LLVT thành phố Hải Phòng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, góp công, góp sức giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân.

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Ban CHQS huyện Tiên Lãng đến tham quan cánh đồng trồng lúa và hoa màu của bà con nhân dân thôn Tự Tiên, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng. Nhìn những ruộng lúa chín vàng rộng hàng nghìn mét vuông đang được người dân sử dụng máy gặt để thu hoạch, chúng tôi thấy rõ  được hiệu quả của chủ trương dồn điền đổi thửa mà UBND huyện triển khai từ năm 2016.

Trao đổi với Thượng tá Hoàng Văn Kiên, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tiên Lãng, chúng tôi được biết: Thời điểm đầu khi UBND huyện triển khai chủ trương dồn điền đổi thửa, do cánh đồng thôn Tự Tiên phân hạng nhiều loại đất với độ màu mỡ khác nhau, hệ thống thủy lợi thiếu đồng bộ, trong khi nhiều hộ dân quen cách thức sản xuất nhỏ lẻ, không hiểu rõ mục đích, chưa thấy được hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa nên có tâm lý e ngại. Trước thực tế trên, Ban CHQS huyện đã phối hợp với các ban, ngành địa phương thành lập 5 đội công tác đi đến từng hộ gia đình trong thôn tuyên truyền về những lợi ích của việc sản xuất trên cánh đồng diện tích lớn; lấy dẫn chứng một số địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương trên để thuyết phục người dân. Sau gần một tháng kiên trì vận động, người dân thôn Tự Tiên cũng đồng ý với chủ trương của UBND huyện.

Đồng chí Đoàn Xuân Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Minh cho biết: “Việc canh tác trên khu ruộng diện tích lớn đã giúp người dân thuận tiện chăm sóc, có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp, từ đó giải phóng sức người, nâng cao năng suất lao động. Diện tích đất rộng nên hiện nay một số hộ gia đình còn chuyển đổi từ trồng lúa sang làm mô hình trang trại quy mô vừa và nhỏ cho giá trị kinh tế cao”.

Tại huyện An Dương, để hoàn thành tiêu chí NTM, những năm qua UBND huyện tập trung mở rộng, bê tông hóa đường giao thông, đồng bộ hệ thống thủy lợi, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên do giá đất tăng cao nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Phát huy vai trò nòng cốt, Ban CHQS huyện An Dương đã vận động cán bộ, nhân viên, lực lượng DQTV tình nguyện hiến đất để địa phương làm các công trình công cộng, đồng thời xung phong đi đầu trong thực hiện chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng của UBND huyện.

Thượng tá Đặng Việt Trung, Chính trị viên Ban CHQS huyện An Dương cho biết: Từ năm 2016 đến nay đã có 55 hộ gia đình cán bộ, nhân viên, DQTV thuộc LLVT huyện tự nguyện di dời, tháo gỡ công trình của gia đình và bàn giao gần 2 nghìn mét vuông đất cho địa phương làm đường; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao, tạo sức lan tỏa rộng rãi để mọi người làm theo. 10 năm trở lại đây, huyện có gần 500 gia đình tự nguyện hiến gần 160 nghìn mét vuông đất; 127 gia đình đồng ý di dời 159 ngôi mộ không nhận tiền đền bù; góp phần giúp nhiều dự án quan trọng triển khai trên địa bàn huyện như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mở rộng Quốc lộ 10, xây dựng các khu công nghiệp hoàn thành đúng tiến độ. Đến nay huyện An Dương đã hoàn thành đủ tiêu chí và đang đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Không chỉ tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng, đồng thuận thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố Hải Phòng còn tích cực giúp người dân bằng nhiều việc làm cụ thể, hiệu quả như ủng hộ kinh phí, tham gia ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới...

Được công nhận là xã đạt chuẩn NTM, người dân thôn Ngọ Dương 2, xã An Hòa, huyện An Dương vui mừng, phần khởi và luôn nhắc đến sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ LLVT trong việc tu sửa, làm mới các công trình nhà văn hóa, đường bê tông liên thôn. Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Trữ (72 tuổi, cựu chiến bị bị nhiễm chất độc da cam) ở thôn Ngọ Dương 2, chia sẻ: “Diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, đường bê tông thẳng tắp từ đầu làng ra các cánh đồng, bà con chúng tôi vui mừng phấn khởi lắm. Kết quả đó có sự góp sức, góp của rất lớn của các chú bộ đội, để lại cho người dân chúng tôi ấn tượng, tình cảm sâu sắc”.

Đại tá Trần Văn Cảnh, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố Hải Phòng cho biết: “5 năm qua, LLVT thành phố đã tham gia hơn 56 nghìn ngày công lao động giúp dân; vận động ủng hộ cấp ủy, chính quyền địa phương 215 tấn xi măng; ủng hộ người nghèo, gia đình chính sách bằng tiền mặt, hiện vật, xây nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng; làm gần 40 km đường bê tông, trên 70 km đường cấp phối, 60 km kênh mương nội đồng; thăm khám, cấp thuốc miễn phí hàng chục nghìn lượt người; tặng giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn... ”.

Để chung sức giúp dân xây dựng NTM, hằng năm 100% các đơn vị thuộc LLVT thành phố đều ký kết chương trình phối hợp với địa phương, tiến hành rà soát từng tiêu chí xây dựng NTM. Trên cơ sở đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng, các đơn vị có kế hoạch triển khai phù hợp. Quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: “Kết hợp hành quân dã ngoại với làm công tác dân vận”, “Kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ quận, huyện với làm công tác dân vận trên địa bàn”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, “tri ân đồng đội”... Ngoài huy động nguồn kinh phí và ngày công lao động của bộ đội, LLVT thành phố còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, vận động các tổ chức, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ kinh phí, góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. (Quankhu3.vn 04/11)

Lực lượng vũ trang chung tay xây dựng thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại Bài 2: Vì một Hải Phòng thân thiện, an toàn

Với hơn 125 km đường bờ biển, trung bình mỗi năm thành phố Hải Phòng phải thu gom, xử lý hàng trăm tấn rác thải trôi dạt vào bờ. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành dịch vụ tại nhiều khu du lịch như Đồ Sơn, Cát Bà... cũng khiến lượng rác thải ra bãi biển tăng cao. Để bảo vệ môi trường biển, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT thành phố đã chủ động phối hợp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả

Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Văn Khoái, Trợ lý Thanh niên, Bộ CHQS thành phố Hải Phòng cho biết: Những năm gần đây, Đoàn Thanh niên Bộ CHQS thành phố đã phát động, triển khai nhiều phong trào như  “Chống rác thải nhựa”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” để vận động cán bộ, đoàn viên tham gia xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp trong đơn vị và trên các bãi biển. Thông qua hoạt động phong trào đã giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, đoàn viên và đông đảo quần chúng nhân dân”.

Đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ, những năm qua Đoàn cơ sở Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (Bộ CHQS thành phố Hải Phòng) luôn triển khai nền nếp, hiệu quả các phong trào trên. Cứ đến cuối tuần là cán bộ, đoàn viên đơn vị lại tổ chức lực lượng đi thu gom rác thải ven bờ biển. Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thuộc Đại học Hải Phòng, Đại học Y Hải Phòng, Đại học Hàng Hải và các đoàn ra đảo công tác tổng dọn vệ sinh bờ biển, phát quang đường giao thông, trồng cây xanh và tuyên truyền người dân trên đảo chung tay bảo vệ môi trường.

Theo Thiếu tá Phạm Văn Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Bạch Long Vĩ, hiện nay đơn vị đang triển khai công trình “Vì màu xanh đảo tiền tiêu”. Thực hiện công trình, đơn vị nhận chăm sóc, quản lý 1 ha rừng. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã trồng gần 4 nghìn cây phi lao ngăn sóng, ngăn gió cho bà con sinh sống trên đảo.

Đối với huyện Cát Hải, nhiều năm trước tình trạng người dân tự ý mở rộng quy mô nuôi trồng thủy hải sản cũng khiến cho khu vực vịnh thuộc quần đảo Cát Bà bị ô nhiễm. Thực hiện chủ trương của UBND huyện về “Tăng cường cải thiện môi trường vịnh”, từ năm 2018 đến nay Ban CHQS huyện huy động gần 800 lượt cán bộ, nhân viên phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tuyên truyền người dân tháo gỡ những ô, dàn nuôi hải sản sai quy định. Đến nay đã cắt giảm được 7.916 ô, 624 dàn bè nuôi hải sản với diện tích hơn 21 nghìn mét vuông, 1.559 nhà nổi; di dời 25 ô, dàn bè, 1 nhà chòi, 6 tàu xi măng ra khỏi địa bàn huyện, thu gom gần 50 khối rác thải trên biển.

Đánh giá về vai trò của LLVT trong công tác bảo vệ môi trường biển, đồng chí Phạm Quang Hiển, Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện Cát Hải cho biết: “Với vai trò là lực lượng nòng cốt, LLVT huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chủ trương của thành phố và huyện trong khâu giải phóng mặt bằng, tháo dỡ các dàn bè nuôi thủy sản; thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa” vì một huyện đảo xanh. Ngoài ra, LLVT huyện đã huy động hàng trăm ngày công giúp địa phương dọn dẹp rác thải để biển Cát Bà thêm xanh, sạch trở thành điểm đến thân thiện, an toàn”.

 Bên cạnh đó, một số đơn vị như Ban CHQS quận Đồ Sơn, Trung đoàn 50 cũng thường xuyên phối hợp với tổ chức đoàn địa phương tham gia hoạt động nhặt rác bãi biển, tuyên truyền các hộ kinh doanh tại khu du lịch và du khách không vứt rác xuống biển, hạn chế dùng đồ nhựa... Những hoạt động này đang góp phần tích cực trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho các bãi biển, thu hút khách du lịch đến thành phố Cảng nhiều hơn.

Năm 2020, trước sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, cơ quan quân sự các cấp thuộc LLVT thành phố Hải Phòng đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, LLVT thành phố đã phối hợp với lực lượng công an, y tế tiếp nhận hơn 3 nghìn công dân tổ chức cách ly tại 5 khu trên địa bàn thành phố. Hàng nghìn lượt cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, DQTV đã không quản khó khăn, nguy hiểm tham gia 10 chốt kiểm soát dịch liên ngành; thành lập 2.448 tổ công tác kiểm tra, đo thân nhiệt, lấy khai báo y tế, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. Ngoài ra, Bộ CHQS thành phố còn phối hợp cùng Sở Y tế thành phố phun thuốc khử trùng trên nhiều tuyến phố, khu dân cư. Sự đóng góp của LLVT thành phố góp phần quan trọng bảo đảm tốt sức khỏe cho người dân.

Cùng với phòng, chống dịch bệnh, LLVT thành phố còn luôn đi đầu, có mặt kịp thời để khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân. Ví dụ như đầu năm 2016, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố đã không quản ngày đêm, vượt qua mưa bão tham gia ứng cứu 2.100 mét đê kè tại huyện Cát Hải, năm 2018 tham gia chữa cháy tàu chở dầu Hải Hà tại cảng Đình Vũ (quận Hải An), tháng 6 năm 2019 phối hợp tìm kiếm 3 ngư dân tàu NA-95899TS gặp nạn trên vùng biển Bạch Long Vĩ...

Đại tá Nguyễn Đăng Huy, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS thành phố Hải Phòng cho biết: “5 năm qua LLVT thành phố đã huy động gần 15,5 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, DQTV cùng hơn 650 lượt phương tiện giúp nhân dân thu hoạch hơn 12,5 nghìn ha lúa, hoa màu; sơ tán, kiểm đếm, thông báo cho gần 12,5 nghìn lượt phương tiện, hơn 70 nghìn lượt ngư dân, người làm nghề nuôi trồng thủy hải sản đang hoạt động trên biển vào nơi tránh, trú bão an toàn; tham gia chứa chãy, cứu nạn, cứu sập gần 130 vụ”.

Có thể khẳng định, những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá rất cao, để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp, tô thắm hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân”. (Quankhu3.vn 04/11)

KINH TẾ     

Hơn 1.300 tivi OLED LG bán tại Việt Nam bị lỗi vỉ mạch nguồn

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng (Công ty) về việc cung cấp chương trình thay thế miễn phí vỉ mạch nguồn đối với 12 mẫu tivi do công ty sản xuất và phân phối tại Việt Nam.

Theo đó, số lượng tivi OLED bị ảnh hưởng do công ty bán ra tại Việt Nam kể từ năm 2016 là 1.304 chiếc. Hiện công ty không còn bán những mẫu tivi OLED này.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong tổng số tivi OLED bán ra, cho đến nay chỉ có 2 trường hợp được báo cáo gặp phải hiện tượng vỉ mạch nguồn bị quá nhiệt và đã được sửa chữa.

Tính đến giữa tháng 10/2020, công ty cũng đã thay thế miễn phí vỉ mạch nguồn cho 396 chiếc tivi trên tổng số 1.304 chiếc, chiếm khoảng 30,4% (cho các khách hàng được thông báo) để loại bỏ nguy cơ quá nhiệt.

Được biết, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng sẽ triển khai dịch vụ thay thế vỉ mạch nguồn (trong khoảng thời gian là 6 tháng) kể từ ngày 27/10/2020.

Công ty sẽ thay thế các vỉ mạch nguồn bằng vỉ mạch nguồn được nâng cấp để loại bỏ nguy cơ quá nhiệt (việc thay thế này sẽ miễn phí đối với các khách hàng đã được thông báo). Công ty cũng sẽ thông báo cho các nhà phân phối lớn về dịch vụ thay thế vỉ mạch nguồn để thay thế các vỉ mạch nguồn của các tivi OLED đang lưu ở trong kho.

Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người tiêu dùng đang sử dụng các mẫu tivi OLED nêu trên chủ động liên hệ với các đại lý của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng để được thay thế vỉ mạch nguồn miễn phí.

Trước đó vào tháng 7/2020, LG Electronics cũng từng thông báo triệu hồi và thay thế bảng mạch miễn phí cho khoảng 60.000 tivi OLED bán tại Hàn Quốc do dính lỗi nóng bất thường.   (Vietnamfinance.vn 04/11, Lê Ngà)

Có gì mới ở Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị của AEON Hải Phòng?

Tổng Giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ tại buổi Họp báo chiều ngày 02/11/2020, TT BHTH & ST AEON - Hải Phòng Lê Chân sẽ là điểm đến ấn tượng của người dân Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận.

Công ty TNHH AEON Việt Nam đã chính thức công bố thông tin khai trương Trung tâm Bách hóa Tổng hợp và Siêu thị đầu tiên của doanh nghiệp này tại thành phố Cảng.

Tại buổi Họp báo ông Nishitohge Yasuo – Tổng Giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ: “Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng chuyên doanh bên ngoài trung tâm mua sắm để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ cũng như mang AEON tới gần hơn với khách hàng tại các khu vực khác. Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực thương mại điện tử, thúc đẩy các dịch vụ mua sắm không tiền mặt cũng như tiếp tục nỗ lực để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang đến sự thoải mái tiện lợi cho khách hàng. AEON Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng để TT BHTH & ST AEON - Hải Phòng Lê Chân trở thành điểm đến không thể bỏ qua của người dân Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận”.

Được biết, TT BHTH & ST AEON – Hải Phòng Lê Chân sở hữu khu vực siêu thị quy mô lớn nhất thành phố cảng, cung ứng tất cả sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của khách hàng trong cuộc sống hàng ngày.

Khu vực thực phẩm tươi sống rộng 800m2 với nhiều sản phẩm chất lượng, tiêu chuẩn Nhật Bản, mặt hàng thủy hải sản tươi sống được thu mua trực tiếp từ cảng cũng như các đặc sản nổi tiếng của Hải Phòng và Hạ Long; khu ẩm thực tự chọn Delica với đa dạng phong cách ẩm thực từ nhiều nước trên thế giới; khu vực sản phẩm cho mẹ và bé tại Kids Republic...

Đặc biệt, khách hàng Hải Phòng sẽ là những khách hàng đầu tiên tại Đông Nam Á được trải nghiệm các sản phẩm innerCasual (iC) - nhãn hàng riêng của AEON - được sản xuất bằng chất vải đặc biệt từ sự kết hợp những thành phần của sản phẩm chăm sóc da hỗ trợ nâng niu, bảo vệ làn da và tạo sự thoải mái cho người mặc.

Bên cạnh đó, các sản phẩm đến từ nhãn hàng riêng TOPVALU, khu vực đồ trang trí nội thất, đồ gia dụng HÓME CÓORDY, 2 cửa hàng chuyên doanh bao gồm cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Glam Beautique rộng 600m2 và cửa hàng xe đạp AEON Bicycle với đa dạng các dòng sản phẩm chất lượng, hướng đến việc nâng tầm giá trị phong cách sống cho khách hàng. (Giadinhvietnam.com.vn 04/11)

Sôi động mua bán sáp nhập bất động sản công nghiệp

Theo Savills Việt Nam, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, các thương vụ mua bán sáp nhập bất động sản công nghiệp vẫn diễn ra sôi động.

Các chuyên gia của Công ty Savills nhận định, từ đầu năm đến nay, trên thị trường bất động sản đã xuất hiện một số thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) quan trọng và thêm các tài sản để bán và cho thuê lại.

Nguồn cầu về loại hình bất động sản công nghiệp xây sẵn tiếp tục tăng trưởng mạnh do các nhà cung cấp dè dặt hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc đang dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng.

Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, các thương vụ M&A vẫn diễn ra sôi động - ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam khẳng định.

Điển hình cho xu hướng này là Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Cùng đó, "gã khổng lồ" kho bãi Châu Á – GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam hoặc Tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh... - ông John Campbell dẫn chứng.

Trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Đặc biệt trong quý III/2020, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD. Tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ Tập đoàn Wistron của Đài Loan.

Đặc biệt, một số nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới cũng đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam hơn, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra - ông John Campbell nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, cầu tiếp tục vượt cung với tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp đạt 76% trên toàn quốc nên nhu cầu cho phân khúc này rất lớn, nhất là ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm.

Tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm công nghiệp chính như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở miền Nam; Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng ở miền Bắc... đã tăng đáng kể từ năm 2018.

Dự kiến, trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.

Đi đầu xu hướng, Đồng Nai dự kiến quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp. Mới đây, huyện Long Thành đã công bố kế hoạch xây dựng 4 khu công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu.

Cụ thể, xã Phước Bình sẽ có thêm 2 khu công nghiệp với quy mô lên đến 900 ha và một khu vực 500 ha; các xã Tân Hiệp và Bình An cũng sẽ có thêm một khu công nghiệp...

Các nhà phát triển mảng cho thuê như Liên doanh Phát Triển Công Nghiệp BW cũng đang chạy đua để mở rộng trong thời gian này, tăng nguồn cung ban đầu từ 130 ha năm 2018 lên gần 500 ha trong năm 2020.

Ông John Campbell nhận định, hầu hết các giao dịch cho thuê trong 2 quý đầu của năm nay đều bắt nguồn từ các dự án và những cuộc thương thảo diễn ra từ 2019; trong đó, nhiều hợp đồng thuê cũng được thực hiện từ các công ty đã ở Việt Nam và muốn mở rộng sản xuất.

Hạn chế đi lại đã giới hạn những yêu cầu gia nhập thị trường mới, trì hoãn việc khảo sát địa điểm mới của các nhà đầu tư quốc tế. Điều đó cũng làm giảm số lượng hợp đồng thuê đã thực hiện với các nhà đầu tư địa phương.

Các chuyên gia kỳ vọng, những tháng cuối năm, nhà đầu tư và người thuê nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán cũng như đạt được các thỏa thuận song phương với đơn vị phát triển bất động sản để chốt được mức giá có lợi nhất trong khi các chủ đầu tư vẫn có thể linh hoạt đàm phán trong bối cảnh đại dịch.

Nếu các chuyến bay được phục hồi vào 6 tháng đầu năm 2021 thì giá thuê đất, nhà xưởng và kho bãi có thể sẽ tăng lên. Điều này khiến các nhà đầu tư phải chốt giá càng sớm càng tốt. (Bnews.vn/TTXVN 04/11, Thu Hằng; Plo.vn 05/11)

NPTS hoàn thành nâng công suất trạm biến áp 220kV Đình Vũ

Đội Dịch vụ Kỹ thuật Thanh Hóa, đơn vị thuộc Công ty Dich vụ Kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) mới đây đã hoàn thành việc thi công nâng công suất cho trạm biếp áp 220kV Đình Vũ (Hải Phòng).

Dù quá trình thi công lắp đặt thiết bị diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 bùng phát trở lại, và có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ nhưng đơn vị này đã có “kịch bản” khá chi tiết để vừa đảm bảo hoàn thành các hạng mục, vừa đảm bảo được sức khỏe của công nhân trên công trường.

Đội Dịch vụ kỹ thuật Thanh Hóa là đơn vị “vệ tinh”, chịu sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 1 (NPTS), với đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn mỏng nhưng với sự nỗ lực, đơn vị đã lắp đặt thành công các thiết bị  01 ngăn lộ nâng công suất tại TBA 220 kV nói trên để đóng điện đưa vào vận hành an toàn vào cuối tháng 8 vừa qua.

Công trình nói trên hoàn thành được NPTS đánh gia đảm bảo chất lượng kỹ thuật, tiết kiệm được chi phí, góp phần đảm bảo an toàn truyền tải điện ở thành phố cảng. (Baophapluat.vn 04/11)

Sôi động nông nghiệp Hải Phòng: Xã ven đô thu mỗi năm trên 50 tỷ đồng từ hoa, cây cảnh

Nghề trồng hoa và cây cảnh công nghệ cao ở xã Đặng Cương (Hải Phòng) nhiều năm gần đây cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu 50 - 60 tỷ đồng.

Xã Đặng Cương, huyện An Dương được mệnh danh thủ phủ hoa và cây cảnh của TP Hải Phòng với những đào, quất cảnh, hoa Hải Đường đẹp hiếm nơi có được.

Theo UBND xã Đặng Cương, toàn xã có hơn 90ha trồng hoa và cây cảnh, thu hút hơn 1.600 hộ tham gia. Nghề này góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế của địa phương, trung bình hàng năm thu về trên 50 tỷ đồng, riêng năm 2019 đạt gần 60 tỷ đồng.

Gia đình anh Phạm Văn Sơn, thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương, một trong những hộ trồng đào cảnh nhiều năm tại địa phương.

“Sản phẩm của Đặng Cương chủ yếu bán tại vườn, số ít phải mang ra chợ. Khoảng 2 năm trở lại đây, một số thương lái ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, thậm chí tận TP.HCM cũng đánh cả container ra mua hoa, cây cảnh về bán. Sức tiêu thụ rất lớn, nguồn cung đang thiếu, khoảng 25 tết là hết hàng. Thu nhập từ đào so với các loại cây trồng khác cao hơn hẳn. Người dân cải thiện cuộc sống rất tốt. Mình có 4 sào, 220 gốc, thu nhập tương đối ổn định, mỗi năm khoảng 700 triệu, trừ chi phí còn lại khoảng 400 triệu”, anh Sơn chia sẻ.

Ngoài gia đình anh Sơn, qua tìm hiểu của PV, các hộ dân khác cũng có nguồn thu nhập gần tương tự từ trồng đào và cây cảnh, giá trị canh tác trên 1 ha thấp nhất cũng đạt trên 500 triệu đồng. Những ngôi nhà khang trang tại xã Đặng Cương về cơ bản đều liên quan đến đào và cây cảnh.

Theo người dân địa phương, ngoài thổ nhưỡng trời ban thì kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc đã khiến cho đào và cây cảnh ở Đặng Cương đặc biệt hơn nhiều nơi khác, hoa tươi tắn, nở theo ý muốn, được nhiều người ưa chuộng.

Nghề trồng đào cảnh ở xã Đặng Cương bắt đầu từ năm 1990, sau khi một số hộ đi học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Tân (Hà Nội). Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo, cộng với áp dụng công nghệ mới, người dân đã biết cách biến những gốc đào chỉ vài triệu thành vài chục, thậm chí là cả trăm triệu đồng.

Hàng năm, khoảng tháng 10, người dân xã Đặng Cương thường lên các tỉnh Tây Bắc mua những gốc đào cổ thụ trên đó về làm phôi, cấy ghép với đào thuần chủng, có thể đào phai hoặc đào bích… Gốc đào được chọn kỹ càng, quá trình chăm sóc đòi hỏi nhiều kỹ thuật như: tính toán thời điểm cắt lượng dăm cuối, là loạt dăm để lấy hoa, phải hãm làm sao cho dăm đẹp. Tùy theo loại, có loại 35 ngày, có loại 60 ngày, tuy nhiên, người trồng đào phải sử dụng kỹ thuật để vừa có hoa nở sớm trước Tết nhưng đến khi ra Giêng vẫn phải còn hoa. Do đó, kỹ thuật chăm sóc phải cao, tỷ mỉ, tính toán kĩ để làm sao có hoa nở nhiều loạt đáp ứng được yêu cầu người chơi đào.

“Nói chung về cây đào rất dễ mà cũng rất khó, nếu không cẩn thận thì hoa nở sớm, gốc đào chết… thì mất trắng. Do đó, đào sau khi cấy ghép, được chúng tôi chăm sóc kỹ càng bằng công nghệ hiện đại. Hoa đào ở đây thường đẹp hơn, cây được trồng kỹ thuật cao, nhất là dăm, nụ, cây thế… Có gốc đào chúng tôi cho thuê lên đến vài chục triệu”, anh Sơn cho hay.

Theo UBND xã Đặng Cương, trồng hoa và cây cảnh làm chủ kỹ thuật, công nghệ là hướng đi bền vững, hiệu quả. Ngoài việc tạo cảnh quan cho môi trường sinh thái, thì đây còn là nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân ngoại thành.

“Xã Đặng Cương đã hình thành sớm và tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, phát triển làng nghề. Xã quy hoạch được 12 vùng sản xuất tập trung, vùng bé nhất từ 3-5ha, vùng lớn nhất là 20ha tại 8 thôn”, ông Trương Văn Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, nói.

Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã thực hiện chủ trương làm đường ra đồng, làm đường dân sinh, tạo kết nối giao thông rất tốt, có những đoạn đường bà con làm rộng đến 4-5m để xe tải có thể vào tận nơi vận chuyển hoa, cây cảnh.

Chia sẻ với NNVN, ông Thiết bộc bạch: Nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao nên đã thu hút mạnh mẽ nguồn lao động nhàn rỗi, tận dụng thế mạnh đó để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đây là định hướng và xu thế phát triển không chỉ cho Đặng Cương mà còn là mô hình chung cho nhiều xã có điều kiện tương tự. (Nongnghiep.vn 05/11, Đinh Mười; Nông nghiệp Việt Nam 05/11, tr 7)

XÃ HỘI     

2 thông điệp từ sự kiện truyền thông “Khát vọng yêu thương”

Ngày 3/11/2020, tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông về phòng, chống mại dâm với tên gọi “Khát vọng yêu thương”.

Tại buổi truyền thông "Khát vọng yêu thương", hơn 200 cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn đã được xem những tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm, clip tuyên truyền sinh động cũng như tham gia nhiều trò chơi vui nhộn. Thông qua hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức về các loại hình mại dâm, tác hại của tệ nạn mại dâm và kỹ năng về phòng, chống mại dâm. Đặc biệt, chị em còn được trực tiếp đối thoại với đại diện sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Hội LHPN thành phố Hải Phòng, chi hội phụ nữ thông qua những câu hỏi và giải đáp, chia sẻ gần gũi, cụ thể, thiết thực.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, buổi truyền thông hôm nay mang đến 2 thông điệp: Thứ nhất, đối với các cấp Hội, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ các tầng lớp nhân dân về sự nguy hại của mại dâm đối với gia đình và xã hội. Tăng cường, chú trọng hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác chữa trị, giáo dục, giảm kỳ thị… tạo điều kiện giúp chị em tái hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm thiểu tác hại lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, giúp cho người bán dâm bảo vệ mình cũng như người khác.

Thứ hai, đối với hội viên, phụ nữ và người dân, cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm; giáo dục, quản lý, ngăn ngừa để thành viên trong gia đình mình không tham gia tệ nạn mại dâm, đồng thời phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về tệ nạn mại dâm cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân hãy đề cao cảnh giác, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng, các tổ chức xã hội và các cơ quan pháp luật để phòng, chống tệ nạn mại dâm. (Phunuvietnam.vn 04/11, Hương Nhung)

Trái tim cho em tổ chức khám tầm soát tim bẩm sinh tại thành phố Hải Phòng

Chương trinh diễn ra trong 2 ngày 7 -8/11 tại thành phố Hải Phòng nhằm khám tầm soát bệnh tim miễn phí cho trẻ em từ 0 -16 tuổi diễn ra tại Viện Y học Hải quân.

Trong hành trình lần này, chương trình "Khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi" của Trái tim cho em sẽ có sự đồng hành của các Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Y học Hải quân, Công ty cổ phần nhựa thiếu niên Tiền Phong, Công ty TNHH Yakult Việt Nam, Quỹ Tấm lòng Việt và Viettel Hải Phòng tổ chức khám tầm soát giúp phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh cho tất cả trẻ em thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng và khu vực lân cận.

Trước đó, chương trình đã thăm khám và sàng lọc bệnh tim bẩm sinh thành công cho 2.725 trẻ em tại tỉnh Yên Bái. Qua đó, các em có cơ hội được khám sàng lọc và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời cho những trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh. Đối với những trường hợp trẻ mắc tim có chỉ định can thiệp, phẫu thuật, gia đình hoàn cảnh khó khăn sẽ được hướng dẫn thủ tục đăng ký xin trợ giúp kinh phí.

Khám sàng lọc là một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các bệnh viện và các địa phương triển khai trong nhiều năm qua. (Vtv.vn 04/11)

GIÁO DỤC  

Chương trình lớp 1 mới: Giáo viên nói gì?

Giờ học môn Toán tại lớp 1A6 trường Tiểu học An Lư (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), đứng trên bục giảng cô học trò nhỏ tên Tâm An vui vẻ hướng mắt xuống phía dưới mời các bạn nhận xét phần đáp án của mình trong trò chơi tìm hình vuông, tròn, chữ nhật, tam giác. Học trò dưới lớp hào hứng giơ tay phát biểu ý kiến.

Sau nhiều trả lời “Tớ thấy bạn tìm đúng rồi”, An vẫn tiếp tục hỏi “Còn bạn nào có ý kiến khác không”, để sau đó khẳng định chắc chắn rằng, đáp án em đưa ra trong trò chơi là hoàn toàn chính xác.

Một nhiệm vụ khác được cô giáo nêu ra, các học sinh lại hào hứng giơ tay xin tham gia và lên bảng làm “giáo viên nhí” điều khiển tiếp tiết học. Bài học “Làm quen với một số hình phẳng” của học sinh lớp 1A6 cứ thế trôi qua với phần lớn là hoạt động trao đổi, tương tác của học trò. Cô giáo Lê Thị Thảo đứng phía bên nhẹ nhàng ra nhiệm vụ và hướng dẫn các em tham gia vào hoạt động học tập.

Trong sách giáo khoa, bài mà cô Thảo hướng dẫn học trò chơi trò chơi chỉ yêu cầu các em quan sát hình trong sách và tìm xem có bao nhiêu hình tròn, hình chữ nhật, hình tam giác, hình vuông.

"Thay vì bắt các học sinh ngồi một chỗ làm bài tập, tôi đã tổ chức trò chơi, để các con vừa thực hiện bài tập vừa được rèn các kỹ năng chia sẻ và trình bày kết quả làm bài trước lớp. Điều này tạo sự thích thú, tò mò, kích thích khả năng sáng tạo, giúp trẻ tự tin, tự chủ trong các hoạt động học tập. Đặc biệt, qua đó các con thể hiện được năng lực, cá tính và năng động hơn từng ngày", giáo viên Lê Thị Thảo chia sẻ.

Không cần dạy học đúng y chang yêu cầu trong sách giáo khoa, được chủ động, tự do sáng tạo cho tiết dạy của mình để phù hợp nhất với học sinh, chính là điểm tích cực cô Thảo tâm đắc nhất ở chương trình giáo dục phổ thông mới. Trải qua 2 tháng dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, cô Thảo rất vui khi thấy học trò của mình hào hứng, tự tin, say sưa tham gia các hoạt động học tập. (Vtc.vn 05/11, Quỳnh Trang)

 

"Kỹ sư" nhí hào hứng với sân chơi robot

Cuộc thi KHKT dành cho học sinh THCS, giao lưu các câu lạc bộ STEM-Robot với chủ đề "Chinh phục đỉnh Thiên Văn" lần thứ III do phòng GD&ĐT quận Kiến An tổ chức thực sự là ngày hội lớn mang nhiều ý nghĩa.

Từ ngày 4-5/11, tại Trường THCS Nam Hà, phòng GD&ĐT quận Kiến An tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cơ sở, giao lưu các câu lạc bộ STEM-Robot với chủ đề "Chinh phục đỉnh Thiên Văn" lần thứ III năm học 2020-2021.

Tham gia cuộc thi có 19 trường ở 2 bậc học: tiểu học và THCS trên địa bàn quận Kiến An.

Phần thi giao lưu "Chinh phục đỉnh Thiên Văn" có 59 câu lạc bộ STEM-Robot  đến từ các trường tiểu học và THCS trên toàn quận tham gia. Theo sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh thuộc các câu lạc bộ lập trình trên phần mềm Kidscode và điều khiển Robot về đích là đỉnh Thiên Văn.

Có 25 dự án của 50 học sinh tham gia được lựa chọn dự thi vòng chung khảo Cuộc thi KHKT dành cho học sinh THCS . Các dự án tham gia thuộc lĩnh vực: Khoa học xã hội và hành vi; Hoá sinh; Y Sinh; Khoa học Môi trường; Kĩ thuật cơ khí; Hệ thống nhúng.

Các sản phẩm dự thi của các đội thi mang hàm lượng trí tuệ, ý nghĩa thiết thực, điển hình như dự án: máy bơm nước rửa tay tự động; máy phun khói diệt côn trùng; văn hóa ứng xử của học sinh THCS quận Kiến An, do nhóm học sinh trường THCS Nam Hà thực hiện…

Em Tạ Minh Quang- HS lớp 3B, Trường Tiểu học Ngọc Sơn tỏ ra hào hứng với phần thi Robot. Quang chia sẻ: "Em rất vui khi được tham gia cuộc thi, được giao lưu cùng các đội. Từ đây em được mở rộng tầm hiểu biết hơn và sẽ cố gắng dưới sự hướng dẫn của cô giáo để hoàn thiện những sản phẩm của mình cho những lần thi sau".

Em Đặng Quang Dũng- HS lớp 8A1, Trường THCS Nam Hà vui vẻ nói: "Chỉ mất vài giây để điều khiển Robot về đích nhưng chúng em phải mất 3 ngày để lập trình. Sau đó kiểm tra và thử lại để chắc chắn sản phẩm của mình đã trơn tru mới tham gia dự thi.

Em thấy cuộc thi này rất bổ ích, chúng em được vận dụng kiến thức đã học để tạo ra sản phẩm. Đặc biệt, qua cuộc thi chúng em được giao lưu, trải nghiệm và khẳng định mình".

Cùng lớp với Dũng, em Trần Đức Thắng bày tỏ: "Em tham gia cuộc thi này nhiều năm và rất thích bởi em được rèn tính kiên nhẫn và tinh thần đồng đội. Phần khó nhất là lập trình Robot sao cho chuẩn về mặt thời gian, căn đúng đường đi, khúc cua và tránh được vật cản. Thắng hay thua không quan trọng mà qua mỗi lần thi em có những trải nghiệm thú vị". (Giáo dục & Thời đại 05/11, tr6, Nguyễn Dịu; Giaoducthoidai.vn 04/11)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng

Sáng 4/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị công bố các quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về công tác cán bộ tại Sở Văn hóa và Thể thao. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì Hội nghị, cùng dự có đại biểu lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. (Anhp.vn 04/11)

Giải quyết triệt để những vấn đề cử tri quan tâm

Sáng 4/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả giải quyết, trả lời các kiến nghị cụ thể của cử tri tại Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa XV. (Anhp.vn 04/11)

Biểu dương 125 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, Hội, Đội và phong trào thanh thiếu nhi năm học 2019 – 2020

Sáng 4/11, tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, phường Lam Sơn, Lê Chân, Ban Thường vụ Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố, Hội đồng Đội thành phố tổ chức hội nghị tổng kết công tác Đoàn, Hội, Đội và phong trào thanh thiếu nhi năm học 2019 - 2020. (Anhp.vn 04/11)

Công bố các quyết định công tác cán bộ tại Ban Quản lý Khu kinh tế và Sở Kế hoạch-Đầu tư

Sáng 4/11, UBND thành phố tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về công tác cán bộ tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Sở Kế hoạch-Đầu tư. (Anhp.vn 04/11)./.

 

                                                                                     

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn