I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:
Có 133.633.677 ca mắc, 2.897.192 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.
Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:
- Mỹ: 31.628.715 người mắc; 571.033 người tử vong.
- Brazil: 13.193.205 người mắc; 340.776 người tử vong.
- Ấn Độ: 12.926.061 người mắc; 166.892 người tử vong.
1. Ngày 7/4, Chính phủ Cuba thông báo kết quả của một nghiên cứu do 10 đơn vị nghiên cứu khoa học nước này thực hiện, cho thấy có tới 5 biến thể gen và 6 dạng đột biến của virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) đang lưu hành trên lãnh thổ của đảo quốc Caribe, bao gồm cả các chủng được phát hiện ở Nam Phi và Anh, hai dạng biến thể có khả năng lây nhiễm cao.
2. Tối 7/4, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) đã công bố đánh giá mới nhất liên quan đến vaccine của AstraZeneca, trong đó khẳng định vaccine này mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.
3. Ngày 7/4, giới chức y tế Philippines đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac đối với một số người cao tuổi trong bối cảnh nước này đang đối mặt với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất ở châu Á.
4. Ngày 7/4, Chính phủ Ukraine thông báo ghi nhận 481 ca tử vong và 5.587 ca nhập viện trong 24 giờ qua, đều ở mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.
Nhiều tháng nay, hệ thống y tế lạc hậu của Ukraine phải vật lộn đối phó với sức ép do dịch bệnh lây lan. Từ ngày 5/4, chính quyền thủ đô đã thắt chặt các biện pháp hạn chế như đóng cửa các trường mầm non và tiểu học, đồng thời áp dụng lệnh hạn chế đi lại. Kể từ đầu dịch, Ukraine ghi nhận trên 1,7 triệu ca mắc COVID-19 trong số 40 triệu dân, trong đó có trên 35.000 ca tử vong.
Chiến dịch tiêm chủng của Ukraine cũng đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung. Hiện nước này mới có 500.000 liều vaccine của AstraZeneca và 215.000 liều vaccine của Trung Quốc.
5. Do đặc tính lây nhiễm nhanh của biến thể cùng với việc số ca nhiễm mới tăng cao trong tuần qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chỉ thị các cơ quan chức năng chuẩn bị thành lập các bệnh viện dã chiến ngay tại khu vực thủ đô Bangkok để ứng phó tình hình.
Ngày 7/4, Thái Lan ghi nhận 334 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này lên tới 29.095 ca, trong đó có 95 ca tử vong. Cùng ngày, biến thể B.1.1.7 đã được tìm thấy trong mẫu xét nghiệm của 24 người tại một ổ dịch ở thủ đô Bangkok; 10 bộ trưởng và nghị sĩ của nước này đã phải cách ly do tiếp xúc với các ca dương tính với SARS-CoV-2.
6. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Psychiatry ngày 6/4, các nhà khoa học cho biết cứ 3 bệnh nhân bình phục sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thì có 1 người bị chẩn đoán mắc các rối loạn chức năng não hoặc tâm thần trong vòng 6 tháng.
II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam:
- Bản tin 6h ngày 8/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
- Việt Nam đã có 2.659 ca mắc COVID-19; đang điều trị 191 ca, điều trị khỏi 2.429 ca, tử vong 35 ca.
- Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca.
1. Tối 7/4, Bộ Y tế cho biết đã có quyết định phân bổ vaccine COVID-19 đợt 2. Khu vực Tây Nguyên nhận 49.000 liều. Khu vực miền Nam nhận tổng số 245.350 liều. Lực lượng công an 30.000 liều; lực lượng quân đội 80.000 liều; Dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia 20.000 liều. 600 liều vaccine AstraZeneca cũng sẽ được kiểm định và lưu mẫu tại Viện kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận vaccine theo danh sách, bảo quản và triển khai tiêm chủng ngay khi tiếp nhận vaccine. Triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21 của Chính phủ.
Đối với các đối tượng đã tiêm vaccine đợt 1 thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1.
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng theo thẩm quyền quản lý gồm các lực lượng Trung ương và địa phương, hoàn thành trước ngày 15/5.
2. Ngày 7/4, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cho gần 100 bệnh viện tư nhân khu vực phía Bắc.
Trong dịch COVID-19, các bệnh viện, phòng khám tư nhân có nhiệm vụ quan trọng là “phát hiện sớm, cách ly và chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Lo ngại trước làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 có thể đến, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện tư thực hiện 37 tiêu chí bệnh viện an toàn để an toàn người bệnh là an toàn cho chính mình, thực hiện 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện; phát triển chuyên môn, phát triển Bệnh viện và thực hiện 5 K.
III. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:
- Tổng số ca mắc: 06 ca; số khỏi bệnh: 01 ca
- Tổng số ca đang theo dõi, điều trị: 5 ca;
+ BN 2385; 2392 đang theo dõi cách ly tại nhà, tình trạng sức khỏe ổn định;
+ BN 2391; tình trạng sức khỏe ổn định, đang theo dõi tại BV Việt Tiệp 2;
+ BN 2582, BN 2586 BV đang theo dõi, điều trị tại BV nhiệt đới TƯ 2;
- Số ca nhiễm mới đến 6h ngày 8/4/2021: 0 ca
- Thực hiện cách ly y tế:
+ Số đang cách ly tập trung: 127 người
+ Số đang cách ly tại khách sạn: 481 người
+ Số đang cách ly tại nhà: 68 người
* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:
1. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với người bệnh (F1, F2), các ca bệnh nghi ngờ, người về từ vùng dịch, hoặc có đi qua địa điểm theo các Thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế.
2. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh, truyền thông tại cộng đồng về cài đặt Bluezone, Khai báo y tế bằng QR Code, sử dụng Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 qua covidmaps.haiphong.gov.vn.
Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)