I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:
Có 22.821.682 người mắc, 796.048 người tử vong, trên 215 quốc gia, lãnh thổ.
- Hoa Kỳ: 5.744.362 người mắc; 177.329 người tử vong.
- Brazil: 3.505.097 người mắc; 112.423 người tử vong.
- Ấn Độ: 2.904.329 người mắc; 54.975 người tử vong.
- Nga: 942.106 người mắc; 16.009 người tử vong.
- Nam Phi: 599.940 người mắc; 12.618 người tử vong.
1. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 239.000 ca bệnh COVID-19, trên 5.600 ca đã tử vong.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Mỹ và Brazil vẫn là ba nước có số ca mắc hàng ngày cao nhất thế giới, lần lượt là: 68.507 ca; 41.940 ca và 41.562 ca. Đây cũng là ba nước có số ca tử vong cao nhất trong 24 giờ qua với 1.115 ca ở Brazil, 982 ca ở Mỹ và 981 ca ở Ấn Độ.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ được dự báo sẽ vẫn tiếp tục nóng hơn khi số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này vẫn không ngừng tăng mạnh, thường trực ở mức trên 60.000 ca/ngày, trong khi số ca tử vong trong ngày cũng liên tục dao động xung quanh mức 1.000. Trong hai ngày tới, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ có thể vượt mốc 3 triệu ca.
2. Bắc Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với trên 6,7 triệu ca mắc bệnh và trên 253.000 ca tử vong. Ba quốc gia chịu tác động mạnh nhất khu vực này gồm Mỹ, Mexico và Canada. Tiếp sau là châu Á với trên 6 triệu ca mắc và trên 126.000 ca tử vong. Trong đó, ba quốc gia đứng đầu khu vực gồm Ấn Độ, Iran và Saudi Arabia. Đứng thứ 3 thế giới là khu vực Nam Mỹ với trên 5,5 triệu ca mắc và trên 183.000 ca tử vong. Đứng đầu khu vực này vẫn là Brazil, tiếp đến là Peru và Colombia.
3. Trong ngày 20/8, ASEAN ghi nhận 6.701 ca mắc tại bảy quốc gia và 160 ca tử vong tại hai quốc gia Philippines (88 ca) và Indonesia (72 ca).
Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 4.351 ca, đứng thứ hai là Indonesia với 2.266 ca, tiếp đến là Singapore với 68 ca.
Trong những ngày qua, số ca mắc ở Singapore đã giảm dần. Singapore đã xử lý thành công ổ dịch ở khu nhà của người lao động nhập cư. Khoảng 330.000 (86%) lao động nước ngoài trong các lĩnh vực xây dựng, hàng hải và chế biến ở Singapore đã được trở lại làm việc – tăng so với 81% vào tuần trước. Tất cả những người trong các cơ sở cách ly này đã hoàn thành thời hạn cách ly hoặc được chuyển sang các cơ sở cách ly khác của chính phủ tùy theo tình trạng sức khỏe.
4. Ngày 20/8, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge khuyến cáo: "Có vaccine cũng không có nghĩa là đại dịch Covid-19 đã chấm dứt. Mọi người cần chuẩn bị tâm lý sống chung với virus Sars Cov-2. Đại dịch Covid-19 chỉ kết thúc khi tất cả mọi người đều có trách nhiệm phòng chống dịch và học cách sống chung với loại virus này. Điều đó phụ thuộc vào hành động của chúng ta".
5. Theo Viện Gamaleya LB Nga, nơi phát triển vaccine putnik V, 40.000 người sẽ tham gia thử nghiệm hàng loạt tại hơn 45 trung tâm y tế trên toàn nước Nga vào tuần tới. Thử nghiệm này sẽ được một cơ quan nghiên cứu nước ngoài giám sát. Vaccine ngừa Covid-19 có tên Sputnik V, được chính quyền Nga cấp phép, với khẳng định là an toàn và hiệu quả sau 2 tháng thử nghiệm trên người.
Nga hiện đã nhận được các đơn đặt hàng lên đến hàng tỷ liều vaccine của các nước trên thế giới. Một số nước đang cân nhắc tham gia ở giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn, bao gồm Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Ấn Độ, Brazil, Philippines và Saudi Arabia.
II. Thông tin phòng chống dịch Covid-19 Việt Nam:
Bệnh đã xuất hiện bệnh tại 40 tỉnh thành: tổng số 1007 ca (bản tin 6h 21/8/2020 không ghi nhận ca mắc mới trong 12h qua.
(từ 25/7/2020 đến nay có 525 ca bệnh phát hiện liên quan đến Đà Nẵng, lây lan ra 15 tỉnh thành phố)
342 ca nhiễm khi nhập cảnh được cách ly; 665 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
542 người khỏi bệnh; 440 người đang điều trị; Tử vong 25 người;
1. Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 20/8. Bộ Y tế cho biết đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng, Quảng Nam đã được kiểm soát; ổ dịch ở Hải Dương cơ bản được kiểm soát. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng,… để nhanh chóng dập dịch. Kinh nghiệm từ P/C dịch tại Hải Dương cho thấy, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì sau khoảng hơn 1 tuần chúng ta có thể kiểm soát tình hình.
2. Chiều ngày 20/8, kết quả xét nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau của Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đối với BN994 đều khẳng định âm tính với SARS-CoV-2. Bộ Y tế rút trường hợp BN994 khỏi danh sách những người bị nhiễm SARS-COV-2. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho phép Bệnh viện E tiếp tục hoạt động trở lại từ 18h ngày 20/8.
3. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến ngày 20-8, thành phố đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho hơn 73.000 người dân trở về từ Đà Nẵng (trong khoảng thời gian từ ngày 15-7 đến 29-7) tại 30 quận, huyện, thị xã.
4. Đợt dịch thứ 3 bùng phát khi ca mắc cộng đồng đầu tiên được ghi nhận vào ngày 25/7 tại Đà Nẵng; và chỉ sau hơn 3 tuần, đến hết ngày 20/8, Việt Nam đã có thêm 592 ca mắc mới, trong đó có 525 ca lây nhiễm trong cộng đồng; đặc biệt đã có 25 bệnh nhân tử vong.
Đánh giá về con số mắc đã vượt mốc 1.000 ca, BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết: “Đến nay, Việt Nam đã qua mốc 1.000 ca bệnh COVID-19. Tuy nhiên trong số này đã có tới gần 400 ca là diện ca xâm nhập từ bên ngoài vào và hiện đã có hơn một nửa tổng số ca bệnh đã được chữa khỏi, ra viện. Đặc biệt, trong đợt dịch mới này, tuy ghi nhận số ca bệnh nhiều nhưng phần lớn các ca bệnh tập trung chủ yếu ở các điểm chính là: Bệnh viện Phổi Đà nẵng, Bệnh viện dã chiến Hoà Vang, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Quảng Nam; còn lại các nơi khác chỉ là rải rác các ca nhẹ. Việc các ca bệnh tập trung chủ yếu ở một số nơi giúp chúng ta có thể tập trung năng lực đảm bảo điều trị cho người bệnh, hiện chưa đến mức quá tải. Với quy mô số ca mắc đang giảm như hiện tại thì khả năng Việt Nam sẽ ngăn chặn được dịch thứ 3 trong thời gian tới”.
III. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:
- Số trường hợp mắc: 0
- Nghi ngờ mắc:a 548 ca. Đã loại trừ 548 ca âm tính
+ 8.787 mẫu sàng lọc cho các trường hợp cách ly: 8.731 mẫu âm tính, 04 mẫu dương tính lại, 01 mẫu nghi ngờ sau khi đã được điều trị khỏi ra viện (BN 300, BN 303); 03 mẫu dương tính là các trường hợp ca bệnh số 864, 865, 866 đã chuyển lên BV Nhiệt đới TW cách ly điều trị. (68 mẫu chờ kết quả trong ngày 19/8 đã có kết quả âm tính, Ngày 20/8, 83/131 mẫu sàng lọc âm tính, 48 mẫu sàng lọc đang chờ kết quả ).
- Số cách ly tại cơ sở tập trung: 434 người; Bao gồm
+ BV Việt Tiệp 2: 102 người;
+ BV Trẻ em: 2 người;
+ Trường quân sự Thủy Nguyên 139 người;
+ Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng 191 người,
- Tại khách sạn, lưu trú dịch vụ (khách sạn, khu nghỉ dưỡng theo yêu cầu): 311 người. Bao gồm
+ Khách sạn thuộc khu nghỉ dưỡng Sông Giá: 59 người.
+ Khách sạn Cảnh Hưng (Số 32 khu đô thị Quán Toan, quận Hồng Bàng) 112 người.
+ Khu cách ly cho chuyên gia nước ngoài tại Cơ sở 2 BV Việt Tiệp 48 người.
+ Khách sạn Cảnh Hưng 2: 19 người.
+ Khách sạn Friend’s: 73 người.
- Đang cách ly tại nhà: 814 người.
* Các hoạt động phòng chống dịch:
1. Chiều 20/8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số khu dân cư thuộc xã An Đồng, huyện An Dương và một số chốt kiểm soát dịch COVID-19 liên ngành tại các cửa ngõ ra, vào thành phố bằng đường bộ.
Đến kiểm tra và dự Hội nghị trực tuyến của huyện An Dương triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương tại xã An Đồng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống dịch của địa phương.
Kiểm tra các Chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào thành phố, Chủ tịch yêu cầu các lực lượng chức năng phải nắm bắt chặt chẽ tình hình người, phương tiện ra vào thành phố, ghi rõ thông tin họ tên, địa chỉ nơi đi và nơi đến, thời gian lịch trình đi lại trong thời gian ở thành phố... bên cạnh đó, cần phải làm tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng.…
2. Lãnh đạo Thành phố, Sở ngành, Quân huyện thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tại các Chốt kiểm soát dịch, khu công nghiệp, một số doanh nghiệp, cơ quan đơn vị… trên địa bàn thành phố. Chia sẻ động viên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh vì dịch bệnh.
3. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế người về từ Đà Nẵng, từ thành phố Hải Dương, các ca F1, F2 tiếp xúc với người bệnh Covid 19, các trường hợp từ các vùng dịch, vùng có bệnh nhân về. Các chốt kiểm soát dịch, các tổ phòng chống dịch tại cơ sở được thành lập và hoạt động hiệu quả.
4. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh... phun hóa chất tại các Chợ, Bến Xe, trên tuyến đường chính của thành phố, việc kiểm tra xử phạt vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng./.